Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành dệt may khu vực châu Á. Ảnh :TN

Tiêu điểm

Dệt may châu Á điêu đứng bởi “lịch trình hoạt động do Covid chi phối”

Tập hợp gồm 33 tổ chức công đoàn và quyền lao động ở Campuchia đã viết thư lên các nhãn hàng lớn yêu cầu thanh toán đúng hạn hàng trăm triệu đô la tiền lương và các quyền lợi khác.

Lời kêu gọi này được đưa ra cùng lúc với phong trào rộng khắp ở các nước châu Á, thúc giục các nhãn hàng quốc giải quyết các vấn đề khó khăn của ngành may mặc dù rằng nhu cầu hàng may mặc và giày dép ở Mỹ và các thị trường chính đang hồi phục.

Công đoàn may mặc ở Campuchia đã yêu cầu các nhãn như Adidas, H&M, Levis, Nike, Puma, Target, Gap, C&A và VF Corp thanh toán nhanh số tiền lương đang nợ lên đến 393 triệu USD kể từ khi dịch bùng phát. Tiền nợ lương các nhãn hàng nợ trong suốt quý 2 bị phong tỏa là 117 triệu USD dựa trên một khảo sát 114 xí nghiệp do các công đoàn và tổ chức Clean Clothes Campaign thực hiện. Ngoài ra, các hãng may còn nợ tiền bồi thường, cộng gộp với tiền lương số nợ lên đến 393 triệu USD. Tuy vậy, các nhãn hàng nước ngoài từ chối các khoản bồi hoàn cho công nhân khi được lệnh đóng cửa.

Các nhãn hàng lớn trên thế giới đang có các khoản lợi nhuận gia tăng trong năm nay. Họ nói rằng đang cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng của dịch với thu nhập của công nhân may mặc.

Hãng giày thể thao Adidas của Đức nói rằng hãng cam kết trả “mức lương công bằng” và đã hỗ trợ các nhà cung ứng chính có được tài chính để vượt qua đại dịch. “Phần lớn các nhà cung ứng của chúng tôi đã duy trì đủ công nhân, mặc dù số giờ làm việc bị giảm do phong tỏa hoặc dừng sản xuất”, đại diện hãng nói với Nikkei Asia.

Trong khi đó, Puma lại nói rằng thư của nhóm công đoàn đã không nhắc đến các nhà thầu của thương hiệu này và Puma đã cố gắng hạn chế việc hủy đơn hàng. “Chúng tôi chỉ hủy 0,2% các đơn hàng may mặc. Số nhà thầu may mặc của hãng không giảm trong đợt dịch này”, người phát ngôn Puma nói.

Nhà phân tích công nghiệp Sheng Lu cho rằng các nhãn hàng đang rất tự tin trong năm nay khi các nền kinh tế hồi phục và các chương trình tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu tiến triển tốt. Tuy thế, tình trạng bất định và chi phí gia tăng vẫn là các thách thức chính.

“Mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn trong năm nay, từ cước tàu biển và chi phí logistics, nguyên liệu thô cho đến nhân công. Sự trỗi dậy bất thần của Covid trong mùa hè này, đặc biệt là chủng Delta, đã tạo nên những bất ổn trên thị trường”, nhà phân tích nhận định.

Ngành may mặc Campuchia cũng mất đi nhiều ưu đãi thương mại. Năm ngoái, EU đã rút các ưu đãi thuế quan do tình hình nhân quyền ở nước này. Xuất khẩu may mặc, giày dép và các sản phẩm liên quan sang EU giảm 14% trong 5 năm tháng đầu 2021.

Cuộc đảo chính quân sự đầu tháng 2 cũng tàn phá sự phát triển của ngành may mặc Myanmar. Xuất khẩu sang châu Âu giảm 17% và sang Mỹ giảm 2% trong 5 tháng đầu năm. Nhà phân tích Lu đã khảo sát 31 hãng thời trang chính về ảnh hưởng của đảo chính. Ông nói rằng một số nhãn hàng đã chuyển hãng xưởng sang Campuchia và khó có thể sẽ quay lại Myanmar. Một số đơn hàng từ Myanmar cũng được chuyển sang Việt Nam từ đầu năm, nhưng giờ đây các đơn hàng cũng đang bị nghẽn. Một số xí nghiệp không thể đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”, số còn lại hoạt động với chi phí tăng 30-50%.

Bangladesh, nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ ba trên thế giới, tuần trước đã mở cửa trở lại các xưởng may sau hai tuần phong tỏa. Một số xí nghiệp may ở châu Á đang sản xuất trở lại. “Tuy vậy, họ phải đối diện với tương lai bất định nhiều hơn trước”, Lu nói.

“Tổng quát thì quá trình hồi phục của ngành dệt may thế giới sau Covid-19 sẽ rất khác với những kinh nghiệm chúng ta đã trãi qua trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dịch bệnh giờ đây là người lên lịch trình hoạt động của chúng ta” Lu kết luận.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,2 – 56,9 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 100.000 ngàn đồng/lượng. Chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.739,4 USD/ounce, giảm tới 23,7 USD, tương đương 1,34% so với chốt phiên trước.

2/ Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, sầu riêng Ri6 hiện có sức hút lớn tại thị trường 25 triệu dân từ đầu năm 2021. Trong kỳ xuất cuối tháng 7/2021, hơn 15 tấn sầu riêng đông lạnh loại này đã “cháy hàng” chỉ trong 2 ngày phân phối. Hiện có khoảng 45 tấn sầu riêng Ri6 đang trên đường xuất khẩu sang Australia. Tuy chưa lên kệ, đơn hàng này cũng đã được các cửa hàng đặt mua hết. Giá sàn ước đạt 18.99 AUD/kg (khoảng 320.000 đồng) đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả, và 20-25 AUD/kg (tương đương 340.000 – 420.000 đồng) đối với loại bóc sẵn múi. Được biết, từ giờ đến cuối năm, Australia dự kiến sẽ nhập khẩu thêm hơn 100 tấn sầu riêng Ri6, với giá bán nguyên quả vào khoảng 320.000 đồng/kg.

Tại Australia, nhiều loại sầu riêng đã có mặt từ sớm và cạnh tranh quyết liệt. Ảnh: Nông Nghiệp

3/ Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,58 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,44 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020. Các chuyên gia ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam đánh giá, đây là mức tăng trưởng vượt trội ngay cả trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Theo Hiệp hội gỗ Bình Dương, hiện nay, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành chế biến gỗ Bình Dương đang tăng mạnh. Thị trường Mỹ chiếm hơn 65% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2020; thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 8,5%, tăng hơn 47%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5,6%, tăng 43%.

4/ Xuất khẩu cá ngừ là một trong những hoạt động góp phần tích cực trong kết quả xuất khẩu thủy sản khả quan của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, trong quý III/2021, ngành chế biến này sẽ gặp trở ngại bởi nhiều yếu tố bất lợi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong 7 tháng đầu 2021 ước đạt hơn 410 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các thị trường nhập khẩu số lượng lớn cá ngừ chế biến của Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu, Israel, Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, hiện nay, giá cước vận chuyển đang ngày càng tăng cao bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Tình trạng khan hiếm container rỗng và container lạnh đang tiếp diễn; tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đang làm cản trở thương mại thế giới.

5/ Báo cáo thị trường khách sạn của Savills cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đang khiến giá phòng khách sạn nhích lên 1-3% do nhu cầu cách ly tăng vọt. Theo đó, dịch bệnh đã khiến 17 khách sạn tại TP. HCM phải tạm ngưng hoạt động trong quý II. Khoảng 28 khách sạn hoạt động trở lại và một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí. Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, công chức và khách trong nước tiếp tục tăng. Được biết, diễn biến thị trường ngách dành cho khách có nhu cầu cách ly khiến giá phòng khách sạn tại TP. HCM tăng 3% so với quý trước, đạt 69 USD mỗi phòng một đêm.

6/ Doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của Huawei đạt 320,4 tỷ nhân dân tệ (49,615 tỷ USD), giảm 29% so với cùng kỳ năm 2020 (454 tỷ nhân dân tệ). Được biết, sự sụt giảm lớn nhất đến từ nhóm kinh doanh tiêu dùng, với doanh thu lao dốc 47%, xuống còn 135,7 tỷ nhân dân tệ. Như vậy trong nửa đầu năm 2021, doanh thu mảng kinh doanh chính của Huawei là sản phẩm tiêu dùng thấp hơn cả mảng giải pháp hạ tầng viễn thông (135,7 tỷ so với 136,9 tỷ nhân dân tệ). Năm 2019, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen xuất khẩu và cấm hãng này tiếp cận công nghệ quan trọng có nguồn gốc từ Mỹ. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung linh kiện và năng lực thiết kế chip của Huawei. Tập đoàn Trung Quốc cố gắng chuyển sang hoạt động ở các lĩnh vực phần mềm và mảng kinh doanh không có nguy cơ chịu áp lực của Mỹ.

7/ Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures, giá trị của các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á đã đạt 340 tỷ USD vào năm ngoái. Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng trong 3-5 năm qua của các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á thì đến năm 2025, tổng giá trị của các công ty này sẽ đạt 1.000 tỷ USD. Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã huy động được 6 tỷ USD, đạt mức cao kỷ lục. Theo một báo cáo ngành được trích dẫn từ Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế internet ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, những nền kinh tế lớn nhất khu vực, được dự đoán sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025.

8/ Infographic: Top 10 công ty đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới năm 2021

Nguồn: TTXVN

9/ Tập đoàn viễn thông China Telecom của Trung Quốc dự kiến sẽ huy động được hơn 8 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên của tập đoàn tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, vài tháng sau khi bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York trong bối cảnh tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh. Được biết, China Telecom cùng các công ty China Mobile và China Unicom của Trung Quốc đã bị đình chỉ niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ vào tháng 1/2021 và hủy niêm yết vào tháng 5 sau một sắc lệnh hành pháp do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký. Theo Bloomberg, China Telecom đã thông báo định giá 4,53 nhân dân tệ/cổ phiếu, theo đó dự kiến huy động 47,1 tỷ nhân dân tệ (7,3 tỷ USD). Tuy nhiên, tổng trị giá đợt phát hành có thể tăng lên 54 tỷ nhân dân tệ (8,4 tỷ USD).

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Duy Anh Foods đồng hành với cộng đồng giữa đại dịch