Nhiều công ty đã có kế hoạch tăng nguồn cung thực phẩm thiết yếu để tung ra thị trường vào dịp cao điểm cuối năm và cố gắng giữ giá ổn định.
Từ khi TP.HCM nới lỏng giãn cách từ ngày 1-10 đến nay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) đã mở cửa sản xuất, kinh doanh bình thường. Hiện nay các DN đang tăng cường nhập nguyên liệu, vay thêm vốn, tuyển thêm lao động… để kịp sản xuất hàng hóa phục vụ cho mùa tết với tâm thế “sống cùng với dịch”.
Cam kết cung cấp đủ hàng, không tăng giá bán
Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết hiện sức mua trên thị trường còn chậm. Riêng tiêu thụ thịt và trứng gia cầm giảm khoảng 30% so với trước đây. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 30%.
“Mặc dù sức mua còn thấp, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng để phục vụ người tiêu dùng trong mùa cuối năm, công ty cam kết đảm bảo nguồn hàng dự trữ, không để xảy ra thiếu hụt hàng và không tăng giá sản phẩm. Ví dụ công ty có thể cung ứng khoảng 1,5 triệu quả trứng một ngày vào giai đoạn cao điểm cuối năm, tăng hơn nửa triệu quả so với bình thường” – bà Huân nói. Lãnh đạo công ty này thông tin thêm đơn vị sẽ tung ra một số sản phẩm mới như xúc xích tiệt trùng gà, lạp xưởng gà quay mai quế lộ.
Nhiều công ty khác cũng cho hay đã chuẩn bị kế hoạch tăng nguồn cung thực phẩm thiết yếu để tung ra thị trường vào dịp cao điểm cuối năm và cố gắng giữ giá ổn định. Qua đó để chia sẻ với người dùng trong bối cảnh dịch bệnh khiến thu nhập của người dân giảm sút.
Lãnh đạo Công ty Vissan thông tin đơn vị có kế hoạch cung ứng cho thị trường mùa tết hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến. Hiện công ty đang tuyển thêm nhân sự, tăng ca để sản xuất đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường tết, nhất là những mặt hàng như lạp xưởng, giò chả, xúc xích. Đáng chú ý, công ty tung ra một số sản phẩm mới như thịt tẩm ướp coca.
Tuy vậy, lãnh đạo Công ty Vissan thừa nhận thời gian gần đây giá xăng dầu tăng mạnh, nguyên phụ liệu cũng tăng cao 10%-30%. Chẳng hạn, với sản phẩm lon thiếc làm đồ hộp, do dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đẩy giá mặt hàng này tăng và không ổn định. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh.
“Trong bối cảnh trên, với tư cách là đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường nên giá cả công ty vẫn ổn định. Về nguồn hàng, nếu thị trường có những biến động đột biến, công ty vẫn đáp ứng được kịp thời. Từ nay đến tết, ngày nào chúng tôi cũng sản xuất như đang trong cao điểm tết” – lãnh đạo Công ty Vissan chia sẻ.
Mặc dù đang chịu sức ép từ chi phí đầu vào tăng nhưng nhằm chia sẻ với khách hàng, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, khẳng định công ty không tăng giá sản phẩm. “Với kinh nghiệm 30 năm cung ứng hàng hóa tết với giá bình ổn của TP, công ty đã sẵn sàng, chỉ cần có người mua sẽ được cung ứng đầy đủ” – bà Hà nhấn mạnh.
Không chỉ các công ty sản xuất mà nhiều nhà phân phối, siêu thị cho hay đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với nhiều ưu đãi về giá dành cho khách hàng dịp tết cũng như dịp Black Friday, Giáng sinh. Đặc biệt, các nhà phân phối tập trung vào việc khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.
Người tiêu dùng vẫn háo hức đón tết
Nhiều công ty dự báo sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 giảm 10%-20%. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập giảm nên người dân thắt chặt chi tiêu. Mặt khác, hiện nay dịch bệnh vẫn còn đang phức tạp, người dân ngại đến nơi tập trung đông người mua sắm nên thị trường khó nhộn nhịp như mọi năm.
Thêm nữa, các hệ thống phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… phải đáp ứng theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch nên số lượng người dân đến mua sắm không cao. Tuy vậy, các nhà sản xuất, kinh doanh kỳ vọng dịch được kiểm soát, sức mua của người dân trong những tháng cuối năm dần tăng lên, giúp DN và nền kinh tế sẽ từng bước khôi phục.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho thấy nhiều người dân rất hào hứng chờ đón tết, tuy vậy 40% người dân cho biết sẽ ăn tết khác ngày xưa. Ví dụ so với 10 năm trước, người dùng mua sắm tết rất sớm, nhất là nhóm người có thu nhập cao nhưng những năm gần đây, thời gian mua sắm tết ngắn lại.
Cụ thể là sức mua tết tăng cao 70%-80% ở bốn tuần trước mùng 1 tết, trong đó sức mua hai tuần cuối chiếm đến một nửa. Do đó, hai tuần cuối cùng cực kỳ quan trọng với các nhà sản xuất, kinh doanh nên việc dự báo nhu cầu, điểm rơi trong bán hàng tết rất quan trọng. “Khi còn khoảng sáu tuần nữa đến tết thì nhà kinh doanh nên truyền thông để “nhắc” khách hàng biết sắp đến tết để họ chuẩn bị mua sắm. Nếu không làm tốt điều này sẽ tổn thất cho cả nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ” – bà Nga gợi ý.
Đại diện Bộ Công Thương nhận định các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm 2021 và tết Nhâm Dần còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao.
Tuy nhiên, với tinh thần đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bộ Công Thương đã kích hoạt các phương án, huy động các nguồn cung, kể cả các địa bàn có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
“Hiện tại, các DN đã chủ động có phương án cung ứng hàng hóa, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các chương trình bình ổn, vì vậy dự báo thị trường hàng hóa thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường. Bộ sẽ phối hợp với các bên liên quan vào cuộc để bảo đảm nguồn cung hàng hóa nói chung và các mặt hàng như thịt heo, phân bón, xăng dầu… cho nhu cầu người dân” – Bộ Công Thương cam kết.
Một số mặt hàng tăng giá
Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thế giới và giá xăng dầu tăng cao đã tác động tới giá của nhiều hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Ghi nhận tại thị trường TP.HCM cho thấy giá một số mặt hàng đến người tiêu dùng tăng khá mạnh, như dầu ăn các loại tăng 3.000-5.000 đồng/chai loại 1 lít. Đơn cử dầu Tường An Cooking 1 lít từ mức giá 43.000 đồng lên 48.000 đồng, thậm chí có cửa hàng tiện lợi bán 55.800 đồng.
Một số công ty sản xuất giải thích: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ tư, nhiều khoản chi phí tăng gấp hai, ba lần so với trước đây. Vật tư, nguyên liệu, bao bì, hương liệu… cũng tăng 5%-20%, thậm chí tăng 50%. Do đó, họ buộc phải điều chỉnh tăng giá hàng hóa 5%-15% tùy sản phẩm so với trước đây.