HVNCLC – Chuẩn hội nhập (GIS) với Bộ tiêu chí LOCALG.A.P. (PFA – CHUẨN CHO NÔNG HỘ CƠ BẢN) là một dự án nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu.

GIS khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

LOCALG.A.P. là một công cụ để nâng cao năng lực sản xuất và được thiết kế đặc biệt bởi GLOBALG.A.P. cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Tiêu chuẩn này định hướng để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nông hộ nhỏ cải tiến hiệu quả quản lý trang trại,  vùng sản xuất, giảm thiểu rủi ro về ATTP và tuân thủ các quy định về ATTP. Thông qua công cụ này, nông dân có thể đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào các thị trường địa phương, khu vực… LocalG.ap. cũng là bước đệm cho nông dân có nhu cầu đạt chứng nhận GLOBALG.A.P. nhằm đưa sản phẩm của mình vào các thị trường quốc tế – nơi đòi hỏi có chứng nhận LOCALG.A.P. Mặc khác, công cụ này cũng có thể giúp nhà nhập khẩu nước ngoài bổ sung vào danh sach khách hàng của mình trong mạng lước các nhà sản xuất nông nghiệp tin cậy để mua hàng qua những mã số LGN (localg.ap. number) do GLOBALG.A.P. cấp và  đăng tải trên Web của mình.

LOCALG.A.P.: Bắt đầu từ đâu?

LOCALG.A.P. là chương trình hợp tác giữa Hội DN.HVNCLC với GLOBALG.A.P. để tạo thuận lợi cho nông hộ nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thể tham gia vào thị trường.  Từ năm 2016, Hội DN.HVNCLC đã bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên với đại diện của Food Plus tại trụ sở chính của GLOBALG.A.P. ở Cologne (Đức), về lộ trình để người sản xuất nông nghiệp nhỏ tại Việt Nam, có thể tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.

Năm 2018, trong khuôn khổ hội chợ trái cây và rau Logistica tại Berlin (Đức), đại diện Hội DN.HVNCLC đã làm việc với bà Christi Venter, chuyên gia cao cấp của GLOBALG.A.P. về chương trình LOCALG.A.P. đầu tiên áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt, sau đó cho hai lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản. Localg.ap. – PFA có 2 cấp độ là cơ bản và nâng cao, trong đó cấp độ cơ bản bao gồm các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc và ATTP, đảm bảo sản phẩm có thể bán ở thị trường địa phương  hoặc đây là bước đầu tiên trong quá trình định hướng để có chứng nhận GLOBALG.A.P. Tham gia chứng nhận localga.p. thông tin của nông hộ sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của GLOBALG.A.P. Phía Hội DN.HVNCLC đã hoàn tất các thủ tục cuối cùng với GLOBALG.A.P. và đã sẵn sàng để triển khai chương trình chứng nhận localg.ap.

Về chương trình chứng nhận LOCALG.A.P., trong năm 2019, đã có 2 HTX (sản xuất lúa và trồng nhãn ở Đồng Tháp) được 2 tổ chức quốc tế hỗ trợ, dự kiến 2 đánh giá chứng nhận đầu tiên sẽ được thực hiện trễ nhất là vào tháng 7/2020. Với dự án này, HTX được tập huấn cho cách xác định vị trí vườn trồng của các hội viên, từ đó người mua hàng dễ dàng biết nhãn, lúa được sản xuất từ vùng nào, quy trình chăm sóc, năng lực cung cấp… Ngoài ra, đối với HTX có hội viên là nông dân trẻ, việc thu thập dữ liệu và thiết lập hệ thống hồ sơ điện tử được hướng dẫn cho nhóm này, để HTX có thể tự thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất.

Như vậy, kể từ năm 2020, bên cạnh chứng nhận VIETG.A.P., nông dân có thể chọn chứng nhận LOCALG.A.P. như một đảm bảo cho nông sản an toàn. Với uy tín toàn cầu của GLOBALG.A.P., chương trình LOCALG.A.P. sẽ nâng cấp năng lực sản xuất của nông dân Việt, cũng như cấp “thị thực” cho  nông sản Việt Nam ra nước ngoài.

VlIETG.A.P. VÀ GLOBALG.A.P.

VIETG.A.P. là thực hành nông nghiệp mà nông dân áp dụng để chứng minh nông sản do mình sản xuất an toàn. Tiêu chuẩn VIETG.A.P. do bộ NN&PTNT ban hành, được thừa nhận trên toàn Việt Nam, bao gồm các phạm vi trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.

GLOBALG.A.P. là tiêu chuẩn tự nguyện, do các nhà bán lẻ Anh, Pháp và Đức xây dựng, tổ chức Food Plus GmbH quản lý. VIETG.A.P. và GLOBALG.A.P. đều là tiêu chuẩn chứng nhận, có chung mục tiêu đảm bảo ATTP trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, VIETG.A.P. tiếp cận dựa trên nhu cầu của quản lý nhà nước, được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam, còn GLOBALG.A.P. dựa trên nhu cầu của nhà bán lẻ quốc tế (được hiểu là thị trường), được thừa nhận rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới (hơn 135 quốc gia), với gần 300 yêu cầu liên quan.

Ở các quốc gia đang phát triển, mà Việt Nam là một điển hình, GLOBALG.A.P. trở thành rào cản đối với những nông hộ nhỏ có mong muốn tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường tốt và ổn định hơn.

HỎI – ĐÁP

– LOCALG.A.P. là gì, Ai có thể tham gia?

– Là một tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Là giải pháp tiết kiệm chi phí, bước đệm để tăng cường năng lực cho các nông hộ, DN nông sản vừa và nhỏ, nhằm tiến tới đạt được chứng nhận GLOBALG.A.P. (đã được công nhận trên 135 quốc gia trên thế giới).  Tất cả những nhà sản xuất nông sản tại Việt Nam đều có thể tham gia.

– LOCALG.A.P. mang lại thuận lợi gì trong việc áp dụng?

– LOCALG.A.P. đã giảm bớt các yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng so với GLOBALG.A.P. (cấp cơ bản: 86/222 tiêu chí, cấp trung gian: 130/222 tiêu chí), nhưng tập trung chủ yếu vào các tiêu chí cốt lõi đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất. Dựa trên hệ thống chứng nhận được biết trên 135 quốc gia trên thế giới là GLOBALG.A.P., các sản phẩm đạt chứng nhận LOCALG.A.P. sẽ thuận lợi hơn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

– Tổ chức đánh giá theo tiêu chuẩn LOCALG.A.P.?

– Là các tổ chức đánh giá (CB) đã được phê duyệt chứng nhận tiêu chuẩn GLOBALG.A.P. (BV, SGS, Control Union…) hoặc đơn vị xác nhận – VB (BSAS – đơn vị quản lý dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập).

Nhà sản xuất sẽ nhận được gì khi đáp ứng được các yêu cầu của LOCALG.A.P.?

– Nhà sản xuất sẽ nhận được Thư xác nhận sự phù hợp – Letter of Conformance và mã số LGN (LOCALG.A.P. number), từGLOBALG.A.P. để các nhà mua hàng quốc tế có thể kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của GLOBALG.A.P.

– LOCALG.A.P. giúp ích gì cho khách hàng?

– Mua được sản phẩm từ địa phương và khu vực mà vẫn đạt được yêu cầu tối thiểu về an toàn và vệ sinh thực phẩm; Xây dựng được mạng lưới các nông trại tin cậy. Có lợi từ hệ thống truy xuất nguồn gốc của GLOBALG.A.P.; Giám sát tiến độ của nông trại tham dự vào Chương trình trong cơ sở dữ liệu của GLOBALG.A.P. bằng sử dụng 13 chữ số LGN; Có thể truy cập báo cáo đánh giá đối với các nông trại tham gia Chương trình trong cơ sở dữ liệu của GLOBALG.A.P.; Làm việc với nông trại về kế hoạch cải tiến về an toàn thực phẩm và phát triển bền vững để cải tiến chất lượng chuỗi cung ứng của mình; Hưởng lợi từ các đợt tập huấn của GLOBALG.A.P. trong quy trình quản lý chất lượng nông trại.

Hội DN.HVNCLC