Tiêu điểm

Máy bay chạy bằng dầu ăn tái chế

Chuyến bay đầu tiên bằng dầu ăn tái chế của hãng Air France – KLM từ Paris đi Montreal đã khiến cuộc tranh luận về nhiên liệu xanh ngã ngũ, với hai hướng mở. Một mặt sẽ gia tăng áp lực lên các hãng hàng không, nhưng mặt khác sẽ tạo nên một thị trường nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có giá trị đến 15 tỷ USD mỗi năm. 

Chiếc A350 mang số hiệu AF342 hôm 18/5 cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle với 16% nhiên liệu SAF do hãng Total của Pháp sản xuất. Loại nhiên liệu này được tái chế từ dầu ăn đã qua sử dụng. Chuyến bay đã thể hiện sự sẵn sàng của ngành hàng không trong việc áp dụng nhiên liệu sinh học ít phát thải, trong đó có SAF từ dầu ăn tái chế hay mỡ động vật. Nhưng những chia rẽ và tranh luận sâu sắc trong ngành hàng không về việc chuyển đổi sang nhiên liệu mới cũng bùng nổ.

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nhiên liệu dùng cho động cơ phản lực được sản xuất từ ​​sinh khối hoặc tổng hợp từ năng lượng tái tạo có khả năng giảm lượng khí thải carbon, mặc dù với chi phí đắt đỏ so với giá dầu hỏa.

Dự kiến, bắt đầu từ năm 2022, các chuyến bay khởi hành từ Pháp sẽ phải sử dụng 1% SAF. Liên hiệp châu Âu (EU) đặt ra mục tiêu sử dụng nhiên liệu bền vững SAF 2% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030 theo thỏa thuận chung của khối.

Nhưng nhiều hãng hàng không truyền thống đã tìm cách trì hoãn các chuyến bay đường dài chạy bằng SAF. Họ lập luận rằng chỉ áp dụng SAF cho các hãng bay EU có thể khiến cạnh tranh bất bình đẳng xảy ra bởi các hãng quốc tế khác ngoài EU không phải tuân thủ.

Điều này cũng đã gây ra các phản ứng giận dữ từ các hãng hàng không giá rẻ bao gồm Ryanair, Wizz Air và easyJet. Một số hãng đã viết thư kiến nghị lên EU hồi tháng 3 để yêu cầu các quy tắc chung phải được áp dụng cho tất cả các chuyến bay xuất phát từ châu Âu.

Nhưng đối với các hãng chế tạo nhiên liệu thì đây là thị trường mới có quy mô hơn 15 tỷ USD mỗi năm. Hãng dầu khí Total của Pháp và Shell của Anh đã đầu tư cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu SAF. Bên cạnh máy bay cỡ nhỏ chạy bằng điện, hãng chế tạo máy bay Airbus cũng đổ hàng tỷ USD để chế tạo các loại máy bay mới chạy bằng nguyên liệu xanh, trong đó có SAF từ dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật.

Neste Oyi, hãng sản xuất dầu diesel lớn nhất thế giới, đã đầu tư 230 triệu USD cho nhà máy sản xuất nhiên liệu SAF tại Rotterdam, Hà Lan để sản xuất loại nhiên liệu máy bay mới. Hãng này không lo ngại giá cả loại nguyên liệu mới sẽ là vấn đề lớn. Bởi họ tin rằng “hành khách sẽ quan tâm đến biến đổi khí hậu và môi trường hơn sau khi dịch đã qua”.

“Mọi người sẽ bay trở lại, nhưng rồi họ muốn bay trên những chuyến bay thân thiện với môi trường. Cũng như chúng tôi đã từng tái sử dụng dầu diesel đã xài rồi, chúng tôi đang tạo ra một thị trường mới”, CEO Peter Vanacker phát biểu với Bloomberg.

Cùng với nhà máy ở Singapore đang được mở rộng, Neste sẽ có thể sản xuất 1,5 triệu tấn nhiên liệu SAF mỗi năm vào cuối năm năm 2023. Hiện năng lực của hãng chỉ 100.000 tấn trong năm.

Nếu so sánh với 300 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong hàng không trước đại dịch, đây thật sự là ý nghĩa lớn của nhiên liệu hàng không bền vững mang lại.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56 – 56,35 triệu đồng/lượng, quay đầu tăng 70.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra. Như vậy sau hai phiên giảm liên tiếp, giá vàng trong nước sáng nay đã quay đầu tăng nhẹ. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.872,3 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce, tương đương 0,16% giá trị so với chốt phiên trước.

2/ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã văn bản gửi liên bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì lo ngại việc gỗ Trung Quốc “núp bóng” Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ. Do gỗ Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao nên đã có hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc lập mới tại Việt Nam hoặc cấu kết với người Việt mượn xuất xứ Việt Nam để xuất vào Mỹ nhằm né thuế. Theo Hiệp hội, hiện tượng này sẽ khiến nguy cơ Mỹ có thể áp các biện pháp phòng vệ với sản phẩm gỗ của Việt Nam tương tự sản phẩm gỗ của Trung Quốc đang bị đánh thuế cao khi vào thị trường Mỹ. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ đã đạt trên 2,29 tỷ USD, tăng tới 77,02% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ (tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2020 là 50%).

3/ Nghệ An đang khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn lúa xuân để kịp sản xuất vụ hè thu. Năm nay, nông dân được mùa lớn vụ lúa xuân, năng suất cao. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Vụ lúa xuân 2021, toàn huyện gieo cấy được 12.800ha, vượt kế hoạch đề ra 300ha, là vụ lúa xuân có diện tích nhiều nhất từ trước tới nay và là vụ lúa xuân đạt được năng suất bình quân xấp xỉ 73 tạ/ha, cao hơn hẳn các vụ lúa xuân trước đây từ 1,2 – 1,7 tạ/ha. Được mùa vụ lúa xuân năm nay, trước hết là do thời tiết khá thuận lợi từ đầu vụ lại nay. Thứ hai là cơ cấu giống của huyện chỉ tập trung vào 3 – 4 giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng gạo khá. Thứ ba là công tác đầu tư thâm canh và phòng chống sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo kịp thời đén từng cơ sở sản xuất.

 

Nông dân Nghệ An thu hoạch lúa xuân.

4/ Theo Sở Công Thương Kiên Giang, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 317 triệu USD, đạt hơn 42% kế hoạch năm, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Kiên Giang tăng cường hoạt động ngoại thương với mục tiêu “kép”, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 1,73% so với tháng trước và lũy kế 5 tháng tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

5/ Trong thời gian gần đây, giá heo hơi kỳ hạn của Trung Quốc đã giảm gần 5%, mức thấp nhất kể từ tháng 1 do các hợp đồng giao ngay ít và kỳ vọng sản lượng cải thiện. Theo đó, giá heo hơi kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã giảm 4,7% trong phiên giao dịch gần đây nhất (ngày 19/5), khi trung bình ở mức 23.580 nhân dân tệ/tấn, tức 3.663,94 USD/tấn. (1 USD ăn 6.4357 nhân dân tệ Trung Quốc) Các nhà phân tích cho biết, một khối lượng lớn heo xuất chuồng đạt trọng lượng cao đã được đưa đi giết mổ khiến cho các hợp đồng giao ngay yếu đi (vốn đã giảm tương đối kể từ đầu năm nay). Ngoài ra việc tiêu thụ thịt lợn mùa vãn khách hiện nay cũng góp phần ảnh hưởng đến thị trường. Những yếu tố này là nguyên nhân chính tác động lên thị trường thịt heo tại quốc gia trên 1,4 tỷ dân và đồng thời là nơi sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới.

6/ WeWork, startup chia sẻ văn phòng Mỹ, đã thu lỗ 2,1 tỷ USD trong quý I năm nay và mất khoảng 200.000 khách hàng vì đại dịch Covid-19. Theo Financial Times, thì con số này cao gấp 3,7 lần so với mức lỗ 556 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Doanh số quý I của WeWork đã sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 598 triệu USD. Thêm vào đó, hoạt động tái cấu trúc và các chi phí liên quan cũng tiêu tốn 494 triệu USD đối với công ty. WeWork được SoftBank bơm hàng tỷ USD và được định giá tới 47 tỷ USD hồi năm 2019. Tuy nhiên, cáo bạch IPO của WeWork cho thấy công ty này làm ăn thua lỗ, CEO Neumann đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư.

7/ Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã tiến hành các biện pháp để siết chặt giao dịch trên thị trường tiền điện tử nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, trong đó có trốn thuế. Theo đó, bất kỳ giao dịch tiền điện tử nào có giá trị từ 10.000 USD trở lên đều phải được báo cáo với IRS (Sở Thuế vụ Mỹ). Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ đã lập tức khiến đồng Bitcoin mất đà phục hồi sau cú lao dốc kinh hoàng hôm 19/5, sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm giao dịch thanh toán bằng tiền ảo và cảnh báo rủi ro về tiền ảo. Động thái của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy biện pháp mạnh của chính quyền Biden, trong việc kiểm soát tình trạng trốn thuế và thúc đẩy việc tuân thủ tốt hơn.

8/ Tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Amazon của Mỹ đã thông báo sẽ tiếp tục dừng cung cấp phần mềm nhận diện khuôn mặt cho lực lượng cảnh sát. Theo đó, vào tháng 6/2020, Amazon đã quyết định dừng cung cấp phần mềm trên trong thời gian 1 năm, giữa lúc làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ lên tới đỉnh điểm phản đối việc cảnh sát sử dụng vũ lực đối với người da màu sau cái chết của George Floyd ở bang Minnesota. Tuy nhiên, Amazon vẫn cho phép các khách hàng sử dụng phần mềm này để tìm kiếm các nạn nhân của nạn buôn người. Amazon bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra các quy định nhằm đảm bảo công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan lập pháp Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật nào liên quan đến công nghệ này.

 

Công nghệ AI nhận diện khuôn mặt con người của Amazon. Ảnh: Amazon

9/ Ủy ban châu Âu (EC) đã phạt các ngân hàng hàng đầu, trong đó có UBS và Unicredit 371 triệu euro (452 triệu USD), do liên quan đến một liên minh giao dịch trái phiếu trong những năm xảy ra cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone). Được biết, các nhà giao dịch của bảy ngân hàng đầu tư đã bắt tay hợp tác trong một phòng trò chuyện trực tuyến để thao túng giá và chia sẻ thông tin nhạy cảm về cổ phiếu. Vào tháng Tư vừa qua, EC cũng đã phạt Credit Suisse, Credit Agricole và Bank of America Merrill Lynch 28 triệu euro do hành vi thao túng giá trên thị trường trái phiếu định giá bằng USD. Theo điều tra của EC, thỏa thuận hợp tác được thực hiện thông qua “một nhóm thương nhân” thường xuyên liên lạc với nhau, chủ yếu trong các “phòng trò chuyện” của các thiết bị đầu cuối của Bloomberg.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Sản xuất thông minh và sự trỗi dậy của Internet vạn vật trong công nghiệp