Xuất khẩu bằng đường biển (chính ngạch) từ Việt Nam sang Trung Quốc đang ngày càng thuận lợi hơn và chi phí rẻ hơn so với trước. Năm 2019 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu bằng đường biển vào các thành phố lớn của Trung Quốc, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hơi
Nhiều cơ hội trong năm 2019
Từ năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Đây là thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu ổn định hơn so với các quốc gia khác. Đặc biệt, xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng thuận lợi, chí phí rẻ hơn so với trước. Do đó, năm 2019 sẽ mang lại nhiều cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào các thành phố lớn của Trung Quốc.
Để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến ở Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu có liên quan về tiêu chuẩn, luật pháp và các quy định bắt buộc của quốc gia này. Trong đặc điểm của thủy sản xuất đi Trung Quốc, doanh nghiệp đi theo đường chính ngạch thông qua hải quan, có tờ khai, có hợp đồng kinh tế với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, có một số lô hàng lại xuất theo dạng biên mậu, do đó có những cái không được xem là chính tắc, dẫn đến những rủi ro. Những rủi ro này liên quan nhiều đến vấn đề thanh toán.
Bên lề Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản – thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc”, do Hội DN HVNCLC tổ chức vào chiều 5/3 tại TP.Long Xuyên, An Giang, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, yêu cầu về xuất khẩu chính ngạch đang là cơ hội và cần thực hiện nghiêm túc. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu tránh được rủi ro trong thanh toán, kể cả về chất lượng khi qua các khâu vận chuyển. Do đó, xuất khẩu chính ngạch mang đến cho doanh nghiệp lợi ích rất lớn.
Trước đây, tỷ lệ xuất khẩu giữa tiểu ngạch và chính ngạch của thủy sản sang thị trường Trung Quốc là 70% – 30%. Tuy nhiên hiện nay thì ngược lại, có đến 70% lượng thủy sản đã được xuất qua đường biển. Đặc biệt các các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL không còn phải thông qua trung gian mà đã trực tiếp xuất thẳng hàng sang các cảng như Thượng Hải, Thẩm Quyến hay Thiên Tân… Thậm chí đến nay cũng đã có những chuyến hàng của Việt Nam xuất thẳng đến cảng Đại Liên.
Một số diễn biến gần đây cho thấy rằng, chính quyền Trung Quốc đã có những thay đổi về mặt chính sách tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bằng đường biển. Đầu tiên phải kể đến là thuế suất nhập khẩu của Trung Quốc giảm, không còn sự chênh lệch giữa đường bộ và đường biển. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa, kiểm soát chặt hơn kể cả về hồ sơ và các yếu tố khác liên quan đến chất lượng hàng hóa.
Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit thì cho rằng, để tham gia vào thị trường chính ngạch tại Trung Quốc, ngoài yếu tố về thị trường, đối tác, cần có thêm hai yếu tố khác.
Đầu tiên là Tổng Cục hải quan Trung Quốc, giúp thông quan sản phẩm. Cơ quan này có các tiêu chuẩn bắt buộc, kể cả những tiêu chuẩn về bao bì nhãn mác.
Thứ hai là doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của họ.
Hiện tại, Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chứng minh, đăng ký mã vùng miền. Có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất ở đâu, nguyên liệu xuất phát từ đâu… thì phải được thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc. Doanh nghiệp không thể trực tiếp đăng ký với Tổng Cục Hải quan quốc gia này.
Tiêu chuẩn là chìa khóa
Với việc tăng cường xuất khẩu chính ngạch liên quan đến những thay đổi về chính sách sẽ giúp có sự tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tốt hơn. Từ đây, những doanh nghiệp sẽ định vị lại thị trường này theo hướng tích cực hơn.
Trước đây, doanh nghiệp đánh giá rằng thị trường Trung Quốc rất tiềm năng nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, nên việc làm ăn khó ổn định. Thế nên, yêu cầu của thị trường này là chất lượng, đa dạng về chế biến sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng, hoạch định chiến lược lâu dài cho hoạt động xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, với Trung Quốc, từ trước đến nay chúng ta hay cho rằng đây là thị trường không cần tiêu chuẩn cao. Nhưng đây là quan điểm sai, bởi Trung Quốc họ yêu cầu rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn nhập khẩu. Chính vì thế, doanh nghiệp Việt phải thật sự nghiêm túc để thực hiện, đầu tư cho khâu kiểm soát vệ sinh An toàn thực phẩm. Đơn cử như tiêu chuẩn Tổng hiếu khí của vi sinh vật được phép ở thị trường Trung Quốc chỉ 1.000 CFU/1 gram so với 10.000 CFU//1 gram của các quốc gia khác.
Trước những đòi hỏi này, doanh nghiệp cần thay đổi môi trường sản xuất, đóng gói tốt, bảo đảm sạch sẽ, tiệt trùng thì mới có thể vượt qua được hàng rào kỹ thuật này. Tùy vào sản phẩm, doanh nghiệp cần tiếp cận với cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc để biết rõ các yêu cầu trước khi nhập khẩu vào đây. Nếu doanh nghiệp có sự quản lý tốt sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, công bằng hơn, giúp thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tham gia vào quá trình buôn bán.
Doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần lưu ý, bám sát những thông tin của Chính phủ Trung Quốc khi họ có những thay đổi bất trắc. Ví dụ như năm nay, đột nhiên Chính phủ không thông báo nhưng tất cả các doanh nghiệp tại Trung Quốc đều không được cấp Quota nhập khẩu chính ngạch mặt hàng gạo từ Việt Nam.
Rõ ràng đây là thông tin rất nguy hiểm cho doanh nghiệp cả 2 nước nếu không kịp thời nắm bắt. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã ứng tiền trước cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Việt đã mua gạo nhưng cuối cùng không được giao thương. Do vậy, khi làm việc với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần phải bám sát, hiểu rõ thì mới thành công được.
Ông Ong Hàng Văn, Phó TGĐ Cty Trường Giang (Đồng Tháp): Hiện nay, tiêu chuẩn xuất khẩu cá tra, có mã code đi các thị trường như Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc, chính ngạch đều như nhau. Công ty Trường Giang có là code DL478, dù Châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc đều sử dụng code này. Do đó, ai đó nói tôi bán cho Trung Quốc phải cúi đầu là không phải. Tuy nhiên, tới đây nếu TQ nuôi được cá tra thì chắc chắn tiêu chuẩn sẽ nâng lên nữa.
Và bắt đầu từ năm 2019, họ đã “khó tính” hơn. Họ đòi tiêu chuẩn BAP, “4 sao”: nhà máy, vùng nuôi, con giống và nhà máy thức ăn. Hàng vào Mỹ, họ đòi 4 sao, bây giờ TQ cũng bắt đầu làm như vậy trong khi Việt Nam mới có 3 công ty đạt “4 sao” (Hùng Vương, Vĩnh Hoàn và Gò Đàng). “Cho nên, đối với các công ty thủy sản muốn đi chính ngạch thì cần có bước chuẩn bị kỹ hơn”, ông Ong Hàng Văn phát biểu.
Trung Quốc – Thị trường nhiều rủi ro nhưng tiềm năng lớn
Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản – thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc”, nhiều chuyên gia, diễn giả đều cho rằng Trung Quốc là thị trường giàu tiềm năng và nhiều cơ hội. Đây là thị trường mà các doanh nghiệp Việt cần quan tâm, nhất là các doanh nghiệp liên quan đến nông sản, thủy sản.
Nông sản trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có khoảng cách rất gần, thời gian bảo quản là lợi thế so với sang châu Âu, Mỹ… Giá bán ở thị trường Trung Quốc chưa hẳn là giá rẻ, thậm chí đột biến về giá rất cao. Đơn cử như giá mít tươi hiện nay mua của người dân để xuất sang Trung Quốc rẻ nhất cũng 30 đến 40 nghìn đồng/kg. Đây là giá tuyệt vời để người nông dân và doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sang Trung Quốc cần tìm hiểu chặt chẽ về thị trường, chính sách, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu muốn mang thương hiệu sang thị trường này, doanh nghiệp cần tìm hiểu chặt chẽ vấn đề về bảo hộ thương hiệu, tìm hiểu rõ và chọn đối tác tin cậy, đồng thời chuẩn bị những yếu tố về tiêu chuẩn để phòng xa.
Tuấn Anh