Ông Nguyễn Hoài Sơn, chủ hãng nước mắm Châu Sơn lo ngại nước mắm truyền thống sẽ bị xóa sổ khi tiêu chuẩn này được ban hành

Khi một tiêu chuẩn được ban hành sẽ có những tác động rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực đó. Vậy nên, việc lấy ý kiến các bên liên quan sẽ là rất quan trọng trước khi ban hành tiêu chuẩn.

Vậy mà, TCVN về Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm mang tên TCVN 12607:2019 sắp tới đây ban hành lại không có sự tham vấn, tham gia của các bên liên quan, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống lo ngại họ sẽ bị “xóa số” trên thị trường.

Nên trong cuộc họp ngày 27/2/2019 tại TP.HCM để đóng góp ý kiến cho bản dự thảo cuối TCVN 12607:2019 – Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm – rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước đều khẳng định về sự bất hợp lý của nó.

Cuộc họp trên do Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Hội DN. HVNCLC, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM tổ chức.

Trong giai đoạn 2017-2018, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chủ trì xây dựng TCVN về Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm, vào những ngày đầu năm 2019, bản dự thảo đã được Bộ NN&PTNT gửi cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thẩm định, trước khi Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành và đã được gắn số TCVN 12607:2019.

Nhiều chuyên gia, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia trong cuộc họp góp ý kiến về tiêu chuẩn nước mắm

Những ý kiến phản biện

T.S Trần Thị Dung, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nước mắm, sau khi nghiên cứu về tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 cho rằng, có quá nhiều nội dung dự thảo, phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, các chỉ tiêu kim loại, vi sinh, nhà xưởng, ngôn từ, chuyển ngữ… đều không phù hợp, gây hoang mang cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm…

T.S Trần Thị Dung cho biết có quá nhiều điểm không hợp lý tại tiêu chuẩn về nước mắm sắp ban hành

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Kim Thọ, Phó chủ tịch Hội nước mắm Nha Trang đề nghị cần đưa khái niệm nước mắm pha chế để phân biệt rõ với nước mắm truyền thống. Và nội dung về QCVN 02-16:2012/BNNPTNT phải được đưa vào tài liệu viện dẫn vì phải căn cứ vào văn bản này để xây dựng tiêu chuẩn.

Đồng thời, vị Phó chủ tịch Hội nước mắm Nha Trang cũng cho rằng, các chỉ tiêu về kim loại nặng, vi sinh cần được bỏ. Về vấn đề Histamin cũng nên nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng cơ sở TCVN.

Theo bà Thọ, cần phân biệt rõ nước mắm truyền thống với nước chấm

Còn ông Nguyễn Hoài Sơn, chủ hãng nước mắm Châu Sơn, Nha Trang cho rằng, người tiêu dùng ăn nước mắm hàng trăm năm không hề bị nguy hại đến sức khỏe vì histamin, nên phải xem xét việc đưa chỉ tiêu này vào các tiêu chuẩn. Bởi nếu đưa các quy định như trong dự thảo tiêu chuẩn này thì nghề nước mắm cổ truyền không còn cơ hội phát triển.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, nghề nước mắm Nha Trang đang gặp khó khăn quy hoạch cho cơ sở sản xuất nước mắm, đến 3 đời chủ tịch tỉnh mà chưa di dời, chọn được nơi làm địa điểm mới cho làng nghề nước mắm nơi đây.

Ông Sơn lo ngại nước mắm truyền thống sẽ bị xóa sổ khi tiêu chuẩn này được ban hành

“Hiện nay, người nước ngoài đã dùng nước mắm truyền thống Việt Nam đưa vào món ăn để kích hương vị lên. Như nồi nước phở có nước mắm truyền thống sẽ kích các mùi khác trong món phở lên, hay thậm chí khi rang cà phê họ cũng cho chút nước mắm truyền thống để làm dậy mùi của cà phê lên”, ông Sơn nói.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) Trương Tiến Dũng, nếu tiêu chuẩn này được ban hành sẽ triệt tiêu nghề sản xuất nước mắm Việt Nam. Bởi tiêu chuẩn này có thể biến nghề nước mắm Việt Nam phụ thuộc vào các doanh nghiệp sản xuất nước mắm pha chế hiện nay.

Ông Dũng cho rằng, nghề nước mắm truyền thống Việt Nam tồn tại chính là giúp duy trì văn hóa Việt Nam.

Ông Dũng đề nghị, cần tổ chức các hội thảo phải có các chuyên gia, nhà sản xuất nước mắm thực thụ đóng góp ý kiến để ra tiêu chuẩn chung.

“Nên có tiêu chuẩn riêng cho nước mắm/nước chấm công nghiệp, không để người tiêu dùng lẫn lộn giữa nước mắm thật sự là nước mắm truyền thống và nước chấm hay nước mắm công nghiệp”, ông Dũng kiến nghị.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Trương Tiến Dũng thì cần tổ chức hội thảo, chuyến đi thực tế để làm tiêu chuẩn này

Nhìn dưới góc độc cơ quan quản lý về tiêu chuẩn, ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục ATTP, Bộ Y tế nêu khuyến nghị: Khi các doanh nghiệp đề nghị phân biệt thành những loại nước mắm, thì nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng tiêu chuẩn, quy phạm riêng cho những loại nước mắm khác nhau.

Khi chưa có căn cứ khoa học về độ an toàn, trong khi thực tế cho thấy không mất an toàn, tại sao đưa vào tiêu chuẩn quốc gia để làm rào cản cho sự phát triển của nghề nước mắm.

Ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục ATTP, Bộ Y Tế

Trong khi đó, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc khẳng định, cần tạm dừng ban hành dự thảo này, tổ chức hội thảo để có ý kiến trực tiếp cho nhóm soạn thảo của các nhà sản xuất thực thụ, chuyên gia chuyên ngành.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc “cần dừng việc ban hành tiêu chuẩn này”

Bà Liên cho biết, trước kia, khi ban hành TCVN 5107:2018 thay thế TCVN 5107:2013, nhóm soạn thảo đã lấy ý kiến các bên, nhưng tới khi ban hành thì nội dung TCVN 5107:2018 có nhiều nội dung quan trọng bị thay đổi hoàn toàn, không tiếp thu ý kiến của các nhà sản xuất nước mắm thực thụ.

“Cụ thể hơn, ngay như Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống đã xây dựng tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống, nhưng cũng không được tham khảo để đưa vào TCVN 5107:2018”.

Như vậy các nhà quản lý xây dựng TCVN phục vụ ai? Bà Liên đặt câu hỏi.

Cuối cùng, bà Liên cho rằng, nếu ban hành TCVN 12607:2019, Việt Nam sẽ theo vết Thái Lan, đánh mất nghề nước mắm truyền thống và cổ súy cho phát triển nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp.

Ông Triều Anh, đến từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi, “tại sao không lấy ý kiến của các Hội nước mắm địa phương? Mặt khác, các tài liệu tham khảo không cập nhật văn bản quy phạm pháp luật hiện hành…. Cần tạm dừng ban hành để lấy thêm ý kiến”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam: “Tiêu chuẩn này chưa ổn, đã có QCVN về nước mắm mà không được tham khảo. Các định nghĩa thuật ngữ trong dự thảo không đúng thực tế. Trên thị trường không có nước mắm nguyên chất mà lại đưa khái niệm này vào để người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Khái niệm nước mắm pha chế không được làm rõ mà lẫn vào nước mắm thật của Việt Nam. Nếu đánh lẫn khái niệm nước mắm và nước mắm pha chế, thì hệ lụy sẽ còn dài, làm mất nghề truyền thống. Cần làm riêng tiêu chuẩn cho nước mắm, và nước mắm pha chế…”

Theo ông Hùng, tiêu chuẩn nước mắm này chưa tham khảo các tiêu chuẩn hiện hành nên có nhiều điểm không khả thi

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, những người làm ra tiêu chuẩn trên hình như xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn cho mặt hàng cá đông lạnh, chứ không phải nước mắm. Bởi có quá nhiều điểm bất hợp lý không có trong lĩnh vực sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam.

Chuyên gia Vũ Thế Thành tại cuộc họp

Trần Quỳnh