Tháng 7 vừa rồi kỷ niệm 20 năm cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, hay chính xác hơn, sự kiện đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng: sự kiện phá giá đồng baht Thái Lan.
Trong khi những lễ kỷ niệm kiểu này không phải là một lý do tốt để ăn mừng, ít nhất chúng cũng mang lại một cơ hội để nhìn lại xem những gì đã thay đổi – và, không kém phần quan trọng, là những gì đã không thay đổi.
Mời độc giả theo dõi bài viết của Barry Eichengreen (*), trên Project Syndicate
Các nguyên nhân của cuộc khủng khoảng đã gây nhiều tranh luận lúc đó và chúng vẫn còn được tranh luận đến ngày hôm nay. Các nhà quan sát phương Tây đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch và quan hệ quá mật thiết giữa các doanh nghiệp và các chính phủ Châu Á – cái mà họ gọi là “tư bản thân hữu.” Những nhà bình luận Châu Á, về phần mình, lại phê phán các quỹ đầu tư mạo hiểm vì đã gây mất ổn định các thị trường tài chính khu vực và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì đã kê một đơn thuốc vốn chút nữa đã giết chết bệnh nhân.
Cả hai góc nhìn đều có ý đúng. Bảng cân đối tài chính mà Ngân hàng Trung ương Thái Lan công bố đã thổi phồng quy mô lượng dự trữ ngoại hối của mình – chắc chắn đây không phải là một ví dụ tốt về minh bạch tài chính. Các nhà đầu cơ ngoại quốc đã chủ động đánh cược rằng đồng baht sẽ mất giá, và những người bán khống bao gồm không chỉ các quỹ đầu tư mạo hiểm mà còn cả các ngân hàng đầu tư, trong đó có một ngân hàng cùng lúc đó đang tư vấn cho chính phủ Thái Lan cách thức bảo vệ đồng tiền của mình. Và khi tư vấn cho các nước Châu Á về cách quản lý cuộc khủng hoảng, IMF đã phạm sai lầm – cũng nên nhắc rằng đây không phải là lần cuối – khi đi theo hướng thắt lưng buộc bụng thái quá.
Ở mức căn bản hơn, cuộc khủng hoảng đã phản ánh sự không phù hợp giữa mô hình phát triển lâu đời của Châu Á và tình hình lúc đó của nó. Mô hình đó nhấn mạnh tỷ giá hối đoái ổn định, thứ được coi là cần thiết cho việc gia tăng xuất khẩu. Nó nhấn mạnh vào đầu tư- bất kể là bao nhiêu để đạt mức tăng trưởng hai con số. Nó cũng khuyến khích việc vay mượn từ bên ngoài nếu cần để tạo ra mức tư bản cần thiết.
Nhưng tính đến năm 1997, các nền kinh tế Đông Nam Á đã đạt tới mức phát triển mà chỉ dồn sức đầu tư đơn thuần đã không còn đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Bằng việc dựa vào vay nợ nước ngoài, mô hình phát triển của họ đã bỏ qua các rủi ro.
Trong lúc đó, những yếu tố bên ngoài càng làm vấn đề phức tạp hơn. Việc Hàn Quốc gia nhập OECD đòi hỏi chính phủ nước này phải từ bỏ việc kiểm soát vốn, mở nền kinh tế đón nhận rủi ro từ các luồng “tiền nóng” ngắn hạn. Nói rộng hơn, nhiều nước đã chịu sức ép từ IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ để loại bỏ các hạn chế đối với dòng chảy vốn, làm tăng rủi ro và khiến việc duy trì tỉ giá hối đoái ổn định càng khó khăn hơn.
Phác họa này về cuộc khủng hoảng nêu trên đã làm nổi bật lên những thay đổi đã diễn ra trong 20 năm sau đó.
Đầu tiên, các nước gặp khủng hoảng đã hạ mức đầu tư và kỳ vọng tăng trưởng xuống mức có thể duy trì được. Các chính phủ Châu Á vẫn nhấn mạnh tăng trưởng, nhưng không phải là làm điều đó bằng mọi giá.
Thứ hai, các nước Đông Nam Á giờ đây đã có tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Không có nước nào có tỷ giá hoàn toàn linh hoạt, chắc chắn là vậy, nhưng các chính phủ trong khu vực ít nhất đã từ bỏ việc neo chặt vào đồng đô-la, căn nguyên của sự dễ tổn thương năm 1997.
Thứ ba, các nước như Thái Lan lúc đó đang có thâm hụt thương mại lớn, làm tăng phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài,nhưng giờ đây đang có thặng dư. Thặng dư thương mại đã giúp họ tích lũy dự trữ ngoại hối, thứ có tác dụng như một dạng bảo hiểm.
Thứ tư, các nước Châu Á giờ đang cùng nhau làm việc để bảo vệ khu vực. Năm 2000, khi cuộc khủng hoảng kết thúc, họ lập ra Sáng kiến Chiang Mai, một mạng lưới tín dụng tài chính và hoán đổi ngoại hối khu vực. Và bây giờ họ có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á để khu vực hoá việc cung cấp tài chính phục vụ phát triển hạ tầng.
Những sáng kiến này có thể được hiểu như một phản ứng với kỷ niệm không vui của Châu Á với IMF. Sâu xa hơn, chúng phản ánh sự nổi lên của Trung Quốc. Năm 1997, một Trung Quốc còn chưa chắc chắn về vai trò trong khu vực đã không ủng hộ kế hoạch của người Nhật về một Quỹ Tiền tệ Châu Á. Việc không nhận được sự ủng hộ cuối cùng đã chấm dứt số phận của đề xuất đó.
Sau này, sự tự tin ngày một tăng và vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đã góp phần mở lối cho việc xây dựng thể chế và hợp tác khu vực. Sự thay đổi này, xảy ra trong bối cảnh 20 năm tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, là thay đổi có tính quan trọng nhất ảnh hưởng đến Châu Á kể từ sau cuộc khủng hoảng.
Nhưng nếu sự nổi lên của Trung Quốc đã cho thấy nhiều thứ thay đổi thế nào, thì nó cũng là một lời nhắc nhở về việc nhiều thứ vẫn còn nguyên ra sao. Trung Quốc vẫn giữ mô hình ưu tiên tốc độ tăng trưởng, và nó vẫn dựa vào mức đầu tư cao để đạt được điều đó. Chính phủ duy trì việc cung cấp thanh khoản ở mọi cấp độ cần thiết để giữ đà cho động cơ kinh tế, giống một cách đáng sợ với những gì Thái Lan đã làm trước khủng hoảng.
Vì chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế về vay mượn nước ngoài nhanh hơn mức thận trọng cần có, các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan tới chính phủ đã tích tụ mức nợ nước ngoài cao. Và vẫn còn một sự miễn cưỡng trong việc thả nổi tỷ giá trong bối cảnh tỉ giá thả nổi sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc không muốn tích tụ các khoản nợ lớn bằng ngoại tệ như vậy.
Trung Quốc hiện đang ở cùng thời điểm với các nước láng giềng Đông Nam Á 20 năm trước: như họ,
Trung Quốc đã đến lúc vượt ra ngoài mô hình tăng trưởng cũ. Chúng ta phải hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nghiên cứu về cuộc khủng hoảng Châu Á. Nếu không, chắn chắn họ sẽ lặp lại điều đó.
(*) Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley, và là một cựu cố vấn chính sách cao cấp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông là Phòng Gương: Cuộc Đại Suy thoái, Đại Suy giảm, và việc Sử dụng – và Sử dụng Sai – Lịch sử.
Biên dịch Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp (theo nghiencuuquocte.org)