Tiêu điểm:

Bắc Giang chuẩn bị 3 kịch bản để tiêu thụ 180.000 tấn vải vào vụ

Chỉ vài ngày trước khi mùa vải bắt đầu thu hoạch rộ, tỉnh Bắc Giang đã công bố 3 kịch bản để kịp tiêu thụ lượng vải thiều tăng gần 10% so với vụ năm ngoái trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trong đó, các kênh tiêu thụ và chế biến trong nước chiếm tối thiểu 50% trong kịch bản tốt nhất và tăng 50-100% trong kịch bản xấu nhất của tình hình dịch bệnh.

UBND tỉnh Bắc Giang cho biết diện tích vải trên địa bàn tỉnh là 28.100 ha trong năm 2021, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so vụ năm ngoái. Trong đó, lượng vải sớm đầu mùa là 45.000 tấn, vải chính vụ ước đạt 135.000 tấn.

Để ứng phó với dịch đang bùng phát mạnh, Bắc Giang đã đưa ra 3 kịch bản chính.

Kịch bản 1: Khi dịch được kiểm soát, vải thiều tiêu thụ thuận lợi với 50% trong nước và 50% xuất khẩu.

Các chợ đầu mối là kênh tiêu thụ chính, như chợ Thủ Đức và Bình Điền ở TP HCM; Dầu Giây ở Đồng Nai; Bắc Thăng Long, Phùng Khoang và Long Biên ở Hà Nội, Hòa Cường ở Đà Nẵng. Dự kiến tiêu thụ khoảng 40.000 tấn.

Các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, MM Mega MarKet, Aoen, Lotte, Coo.mart, Co.opFood, Intimex, Fivimart và Citimart, Vincom… dự kiến tiêu thụ khoảng 15.000 tấn.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu như: Công ty CP xuất nhập khẩu VIFOCO, Công ty TNHH một thành viên Dũng Sỹ, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty Long Hà, Công ty CFC… dự kiến tiêu thụ khoảng 15.000 tấn. Các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động tiêu thụ khoảng 10.000 tấn.

Sản lượng vải còn lại chuyển chế biến sấy và chế biến khác, dự kiến tiêu thụ khoảng 9.000 tấn (số lượng lò sấy trên địa bàn các huyện khoảng 600 lò, tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam, công suất tối đa đạt khoảng 30.000 tấn).

Sản lượng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…), kinh doanh trên nền tảng online tiêu thụ khoảng 1.000 tấn.

Ở kịch bản này, sản lượng xuất khẩu vào các thị trường như Trung Quốc, Nhật, Úc, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore… khoảng 90.000 tấn.

Kịch bản 2: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130.000 tấn, 30% xuất khẩu, khoảng 50.000 tấn.

Trong kịch bản này, các kênh tiêu thụ trong nước tăng sức mua lên gần 50%, lượng xuất khẩu giảm gần 50%. Riêng sàn thương mại điện tử tiêu thụ 2.000 tấn.

Kịch bản 3: Dịch ảnh hưởng toàn diện, sản lượng vải thiều 90% tiêu thụ nội địa, khoảng 160.000 tấn, xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn. Ở kịch bản này, UBND tỉnh cho rằng: cần tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm.

Trong kịch bản này, các kênh tiêu thụ trong nước tăng ít nhất từ 50-100% sức mua. Sàn thương mại điện tử vẫn giữ mức 2.000 tấn.

Sáng hôm nay 18/5, UBND tỉnh Hải Dương, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh đã xây dựng các phương án, kịch bản hợp lý để vừa triển khai sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Dẫn 2 câu thơ “Vải em là vải vườn nhà. Em là con gái Thanh Hà xứ Đông“, ông Hoan khẳng định vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bản Tin Thị Trường

1/ Bộ Công Thương cho biết Thương vụ Việt Nam tại Úc đã làm việc với các nhà nhập khẩu rau quả để thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang các bang Nam Úc và Tây Úc. Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương, căn cứ vào tình hình vận chuyển. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thương vụ Việt Nam tại Úc sẽ tiếp tục kết nối giao thương suốt mùa vải thiều và cử cán bộ trực phối hợp tháo gỡ các khó khăn do thủ tục nhập khẩu tại Úc. Trước đó, năm 2020, dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu quả vải Việt Nam sang Úc vẫn tăng 188% so với cùng kỳ năm 2019. Được biết, Bắc Giang và Hải Dương hiện là hai địa phương có diện tích trồng vải rất lớn ở Việt Nam.

2/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,13 – 56,48 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 80.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.870,2 USD/ounce, tăng tới 26,3 USD/ounce, tương đương 1,43% giá trị so với chốt phiên trước. Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp của kim loại quý và là mức cao nhất kể từ hôm 18/2.

3/ Xuất khẩu gạo sang Mỹ đã tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Giá gạo xuất khẩu sang Mỹ cũng đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 5 ngàn tấn, trị giá 3,8 triệu USD, tăng 18,5% về khối lượng và 40,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Trong tháng 3/2021, gạo thơm là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,3 ngàn tấn, trị giá 1 triệu USD, chiếm 68,6% về khối lượng và 76,1% về giá trị. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo thơm sang Mỹ đã tăng 24,5% về khối lượng và 37,1% về giá trị. Đứng thứ hai là gạo trắng đạt 0,4 ngàn tấn, trị giá 0,2 triệu USD, chiếm 22,6% về khối lượng và 15,4% về giá trị.

4/ Trong bốn tháng đầu năm 2021, hàng loạt mặt hàng của Trung Quốc tăng nhập vào Việt Nam, khiến thâm hụt cho cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt kỷ lục 17,6 tỷ USD, cao nhất 3 năm trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 33,9 tỷ USD, tăng hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 20 tỷ USD so với năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 16 tỷ USD. Vì vậy, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong thời gian này đã tăng lên mức cao kỷ lục 17,6 tỷ USD, hơn 75% so với cùng kỳ năm 2020 và hơn 665% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện các sản phẩm linh kiện cho điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị vẫn chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chiếm 80% kim ngạch và ngày càng tăng.

5/ Một số xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus vận hành đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên một số tuyến phố trong nội đô thành phố Hà Nội. Theo VinBus, mục đích của việc chạy thử xe là để làm quen và thử các điều kiện trên tuyến trước khi đi vào vận hành chính thức, do đó xe chưa đón khách. Dự kiến, VinBus tiếp tục chạy thử nghiệm các tuyến khác trong vòng 3-4 tuần tới. Sau khi được sự cho phép của các cơ quan chức năng, thì xe buýt điện VinBus sẽ chính thức được kết nối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng của toàn thành phố.

6/ Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và nhóm nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA), công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỉ lệ sở hữu sau phát hành. Thông qua giao dịch này, The CrownX đã được định giá 6,9 tỉ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, trị giá mỗi cổ phần tương đương 93,5 USD (xấp xỉ 2,15 triệu đồng). Sau đợt phát hành, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX đạt 80,2%. Được biết, Masan hiện đang trong quá trình đàm phán giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá 300 – 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

7/ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có kế hoạch xuất khẩu bổ sung thêm 20 triệu liều vaccine Covid-19 ra nước ngoài trước thời điểm cuối tháng 6/2021. Những liều vaccine này được lấy từ nguồn vaccine Covid-19 lẽ ra sẽ được dùng cho nội địa nước Mỹ nhưng giờ không cần đến nữa bởi nguồn cung hiện đã vượt quá nhu cầu. Được biết, Tổng thống Biden cũng đã công bố rằng ông sẽ cho phép xuất khẩu thêm 20 triệu liều vaccine Covid-19 từ các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Trước đó, thì ông đã chấp thuận cho xuất khẩu 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước khác. Mexico và Canada cho đến nay đã nhận được vaccine Covid-19 từ AstraZeneca còn Pfizer đã bắt đầu bán vaccine Covid-19 hãng sản xuất tại Mỹ cho các nước bao gồm Mexico, Canada và Uruguay.

8/ Các nền tảng truyền hình trực tuyến từ Netflix, Amazon đến Disney + tại Mỹ đều đang muốn người dùng dừng thói quen chia sẻ mật khẩu tài khoản của họ với nhau. Tuy nhiên, động thái này cũng rất cẩn trọng vì lo ngại việc quá cứng rắn sẽ khiến người dùng quay sang tìm cách hack dịch vụ. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Park Associates, việc chia sẻ hoặc đánh cắp mật khẩu dịch vụ phát trực tuyến gây tổn thất khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến tăng lên gần 3,5 tỷ USD vào năm 2024. Đó có thể chỉ là một phần nhỏ trong số 119,69 tỷ USD mà eMarketer dự đoán người Mỹ sẽ chi tiêu cho truyền hình trực tuyến trong năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thuê bao đang chậm lại và chi phí ngày càng tăng vọt. Theo Trung tâm Internet và Công nghệ Pew, khoảng hai phần năm lượng thuê bao tại Mỹ đã chia sẻ mật khẩu tài khoản với bạn bè hoặc thành viên gia đình. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở giới trẻ, độ tuổi từ 18 đến 29, với 56% thuê bao chia sẻ mật khẩu.

Các dịch vụ phát trực tuyến rất thận trọng trong việc siết chặt quản lý việc người dùng chia sẻ mật khẩu. Ảnh: Fox News

9/Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo sẽ xóa toàn bộ các khoản nợ với tổng trị giá gần 5 tỷ USD cho Sudan để giúp nước này vượt qua khó khăn về kinh tế. Hơn thế nữa, một hội nghị thượng đỉnh về Sudan cũng đã được tổ chức tại thủ đô Paris nhằm hỗ trợ Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok thúc đẩy cải cách kinh tế và đầu tư. Chính phủ Pháp chỉ nói rõ ưu tiên lớn nhất là giúp Sudan thoát khỏi “gánh nặng” nợ nần với tổng số tiền lên tới khoảng 60 tỷ USD, đồng thời hy vọng các chủ nợ khác sẽ làm theo Pháp. Được biết, tháng 12/2020 vừa qua, Mỹ đã đưa Sudan ra khỏi danh sách đen các nhà nước tài trợ khủng bố, qua đó loại bỏ một rào cản lớn đối với đầu tư nước ngoài vào quốc gia châu Phi này.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA