Chi 1.000 tỷ mua iPhone 15 trong ‘một nốt nhạc’, người Việt vẫn đang mua sắm mạnh tay

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Bớt sính hàng ngoại, người dân Trung Quốc dần chuộng các sản phẩm nội địa
Khi ngày càng nhiều hộ gia đình tìm cách giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh thu nhập trì trệ và bất ổn gia tăng, các thương hiệu nội địa đang trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn đối với những người tiêu dùng từng rất ‘sính ngoại’ ở Trung Quốc. Theo cuộc khảo sát do PwC công bố trong tháng này, quyết định của người tiêu dùng Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tài chính cá nhân nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác. Trong đó, 51% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ đang hạn chế chi tiêu không thiết yếu do tình hình kinh tế hiện tại. 25% nói rằng họ đã để ý hơn đến các thương hiệu nội địa, giảm 20% so với năm ngoái. Xu hướng chuộng hàng nội địa đã thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng của các thương hiệu trong nước như Li-Ning và Anta.
Bà Yuwan Hu, Phó chủ tịch Daxue Consulting, cho biết: “Kích thích tiêu dùng ngắn hạn có thể là điều mà mọi người hy vọng. Nhưng về lâu dài, điều này đòi hỏi sự cải thiện tổng thể về niềm tin của người tiêu dùng”. Bà Hu cho biết, mặc dù các sản phẩm nội địa đang trở nên hấp dẫn hơn,nhưng họ vẫn còn một khoảng cách lớn phải lấp đầy trước khi có thể cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế. Bà lập luận lòng yêu nước và giá cả thấp là chưa đủ. Dù người tiêu dùng đang đánh giá cao tính hiệu quả về mặt chi phí và sự an toàn của các thương hiệu nội địa, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tập trung vào giá trị cảm xúc và các tính năng độc đáo để thiết lập hiện diện lâu dài trên thị trường toàn cầu.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/bot-sinh-hang-ngoai-nguoi-dan-trung-quoc-dan-chuong-cac-san-pham-noi-dia-20231002104310532.htm
2. Ông lớn Thái Lan, Singapore muốn mua cổ phần Bách Hóa Xanh
Hãng tin Reuters vừa cho biết, đang có cuộc đua giữa các đại gia ngoại trong việc mua chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam. Cụ thể, Quỹ đầu tư GIC (Singapore) đang cạnh tranh với các nhà đầu tư khác để mua 20% cổ phần của Bách Hóa Xanh. GIC cũng không phải là cái tên xa lạ vì đã thực hiện nhiều thương vụ mua cổ phần các công ty lớn tại Việt Nam. Trong khi đó, các nhà đầu tư Thái Lan cũng đã có động thái tìm hiểu mua cổ phần của Bách Hóa Xanh.
Một nguồn tin của Reuters cho biết, các nhà đầu tư đang định giá Bách Hóa Xanh lên đến 1,7 tỉ USD. Đặc biệt, việc thỏa thuận mua cổ phần Bách Hóa Xanh đang đi đến giai đoạn hoàn tất. Bước sang đầu quý I-2024, các bên có thể công bố thông tin cụ thể nếu thương vụ thành công.
Nguồn: https://plo.vn/ong-lon-thai-lan-singapore-muon-mua-co-phan-bach-hoa-xanh-post753686.html
3. FPT Long Châu công bố dự án cộng đồng Cải thiện tầm vóc Việt
Ngày 3-10, FPT Long Châu và Merck Healthcare Việt Nam hợp tác phát động dự án Cải thiện tầm vóc Việt “Miễn phí thiết bị tiêm hormone tăng trưởng cho trẻ thấp còi”, nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng giúp thế hệ tương lai của đất nước cao lớn, khỏe mạnh tự tin với chiều cao vượt trội. Dự án đồng hành cùng phụ huynh có con đang trong quá trình điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng, bằng chương trình tặng miễn phí thiết bị tiêm hormone tăng trưởng cho trẻ thấp còi. Dự án mang tiến bộ y học đến gần hơn với người dân, giúp giảm chi phí điều trị, và góp phần mở ra một tương lai cao lớn, khỏe mạnh hơn cho trẻ em Việt Nam.
Theo đó, khi trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng sẽ được bác sĩ tầm soát và có thể chỉ định bổ sung hormone tăng trưởng. Khi bác sĩ kê đơn và chỉ định điều trị, phụ huynh sẽ nhận phiếu lấy miễn phí thiết bị tiêm, và gia đình đem phiếu đến nhà thuốc FPT Long Châu để nhận thiết bị tiêm hormone tăng trưởng hoàn toàn miễn phí. Thiết bị sẽ được dược sĩ Long Châu lập trình sẵn dung tích tiêm rất tiện lợi, phụ huynh chỉ cần mang về nhà và sử dụng theo đúng thời gian bác sĩ chỉ định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/fpt-long-chau-cong-bo-du-an-cong-dong-cai-thien-tam-voc-viet-20231004133908017.htm?gidzl=1wpwUlJyUbm6klj-_-H_Mms-_NVZvYXGGRwe9UBaBmX7kgWljkDvNqUphthXwIrP4RAaUZR0QB0KzVPuLW
4. Có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính
Theo khảo sát của Công ty Kantar Việt Nam – DN chuyên nghiên cứu thị trường, trong bối cảnh tăng trường kinh tế trong nước phục hồi nhẹ, nhưng người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập nên xu hướng tiêu dùng thay đổi nhiều. Có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần 1/2 số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.
Từ đó, người tiêu dùng hiện nay thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm, lựa chọn sản phầm theo tiêu chí: Ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu, đồng thời tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối… Xu hướng mua quà tặng, trong đó có quà tặng dịp tết sắp tới là tính đến tính ứng dụng cao và sự đa dạng trong một món quà, thay vì ưu tiên chọn theo thương hiệu, hình thức như trước.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/co-den-28-ho-gia-dinh-dang-gap-kho-khan-ve-tai-chinh-post1050288.vov
5. Chi 1.000 tỷ mua iPhone 15 trong ‘một nốt nhạc’, người Việt vẫn đang mua sắm mạnh tay
Thế Giới Di Động – nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam – thông báo bán được hơn 15.000 iPhone 15 trong ngày mở bán, đạt doanh thu 500 tỷ đồng. Trong khi đó, FPT Shop công bố ngay trong đêm ngày 29/9 đã bàn giao hơn 5.000 máy cho khách, thu về khoảng 150 tỷ đồng. Tại một số hệ thống bán lẻ lớn khác như CellphoneS, ShopDunk, Hoàng Hà Mobile hay Di Động Việt, lượng máy bán ra trong ngày đầu cũng ở mốc cả nghìn chiếc. Tổng cộng, có khoảng 35.000 iPhone 15 đã được bàn giao đến tay khách hàng Việt trong ngày đầu mở bán, doanh thu khoảng hơn 1.000 tỷ đồng , theo tiết lộ từ một đơn vị nhập khẩu.
Việc này một phần đến từ việc iPhone năm nay mở bán sớm khiến lượng hàng bàn giao về trong đợt đầu có phần hạn chế. Bên cạnh đó, tại hầu hết đại lý giá đặt trước iPhone 15 series năm nay thấp hơn so với năm ngoái khi đại lý cạnh tranh mạnh mẽ với nhau để giành khách hàng. Ngoài ra, việc Apple chủ động đưa ra một mức giá “tham chiếu” trên trang Apple Store Online cũng khiến các đại lý không thể chào giá quá cao, ngay cả khi biết chắc sẽ bán hết hàng trong “một nốt nhạc”.
Nguồn: https://markettimes.vn/chi-1-000-ty-mua-iphone-15-trong-mot-not-nhac-nguoi-viet-van-con-bao-tay-lam-41798.html
6. Ra mắt trang thương mại điện tử chuyên về đặc sản vùng miền
Ngày 4/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chus – trang thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm Việt độc đáo, chất lượng đã chính thức ra mắt. Chus là nơi quy tụ hơn 500 thương hiệu với 6.000 sản phẩm Việt là những sản phẩm thủ công, đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu dùng được sản xuất với số lượng giới hạn, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nội địa và cả những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Injoon Song – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Chus cho biết, Chus kết nối và hợp tác với nhiều nghệ nhân, thợ thủ công tài năng ở khắp Việt Nam để tạo ra sự khác biệt trên từng sản phẩm. Tại Chus, mỗi sản phẩm đều biểu trưng cho nỗ lực không ngừng và tình yêu mà mỗi nghệ nhân gửi gắm trong từng chi tiết sản phẩm.
Nguồn: https://nhandan.vn/ra-mat-trang-thuong-mai-dien-tu-chuyen-ve-dac-san-vung-mien-post775858.html
7. TikTok dừng hoạt động thương mại điện tử ở Indonesia sau lệnh cấm
Theo Hãng tin AFP, TikTok sẽ ngừng tính năng TikTok Shop tại Indonesia từ ngày 4-10. Tính năng này cho phép người dùng TikTok mua bán ngay trên mạng xã hội này như một sàn thương mại điện tử thông thường. Động thái trên của TikTok nhằm tuân thủ lệnh cấm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội của Chính phủ Indonesia. Lệnh cấm này có hiệu lực từ hôm 27-9, cho phép các mạng xã hội quảng cáo sản phẩm nhưng không được trực tiếp buôn bán chúng.
Tuy nhiên, TikTok Indonesia vẫn chỉ trích lệnh cấm, cho rằng nó sẽ gây tổn hại đến hàng triệu tiểu thương đang bán hàng trên ứng dụng này. Với 125 triệu người dùng, Indonesia hiện là thị trường lớn thứ hai thế giới của TikTok, chỉ đứng sau Mỹ. Cùng lúc, xứ vạn đảo cũng là một trong những thị trường TikTok Shop lớn nhất toàn cầu. Do đó vụ việc này vẫn giáng một đòn nặng vào TikTok, bên cạnh một loạt căng thẳng liên quan đến an ninh giữa mạng xã hội này và chính phủ nhiều nước, tiêu biểu là Mỹ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tiktok-dung-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-o-indonesia-sau-lenh-cam-20231004150628918.htm?gidzl=eA0NOfso3o2XjXPcbgeA9wcv6s-9erOivRbEFOYXKNJZlKuttAO78-EqIMABh5CbjRL2OZOEAYXmdBWDAW

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Đầu tư bạc tỷ, chủ cửa hàng Mixue nhượng quyền nổi giận vì chính sách giá
Sáng 29/9, theo ghi nhận của PV. VietNamNet, đại diện hàng chục chủ cửa hàng nhượng quyền của thương hiệu Mixue tập trung trước cửa trụ sở của đơn vị này tại phố Triều Khúc (Hà Nội) để phản đối chính sách giá vừa được áp dụng. Lý do các chủ cửa hàng tập trung phản đối là vì phía Mixue ra quyết định giảm 25% giá bán nhiều sản phẩm, nhưng chỉ giảm 8-10% giá nhập nguyên liệu đầu vào cho các chủ cửa hàng. Cụ thể, theo thông báo của Mixue, nhiều mặt hàng trà hoa quả giảm giá khá sâu. Trà đào tứ kỳ xuân giảm từ 25.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/ly, hồng trà chanh giảm từ 20.000-22.000 đồng xuống 15.000-17.000 đồng/ly; hồng trà mật ong giảm từ 20.000 đồng xuống 15.000 đồng/ly…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dau-tu-bac-ty-chu-cua-hang-mixue-nhuong-quyen-noi-gian-vi-chinh-sach-gia-2195920.html
Tham khảo thêm: https://tuoitre.vn/toan-canh-vu-kinh-doanh-nhuong-quyen-mixue-gap-kho-20231003080642585.htm?gidzl=k7Y6R4VsYnQvReTeJEwE4BXfWMzQxzaKz6dKFLljtapoRTGt3-g86_9aqs9OuDmTf6NOOZRCjZr8Hlo970
2. Vinamilk ký hợp tác đưa sữa chua ‘Made in Vietnam’ đến thị trường tỷ dân
Ngày 26-9 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Vinamilk đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu phân phối sữa và nông sản tại thị trường tỷ dân này. Hợp tác mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm sữa chua “Made in Vietnam” hiện diện và tạo vị thế riêng tại Trung Quốc.
Theo nội dung hợp tác, Vinamilk sẽ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sữa chua với chủng loại và chất lượng theo thỏa thuận giữa các bên. Danh mục sản phẩm hợp tác sẽ được nghiên cứu và phát triển kỹ lưỡng, để mang đến những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc. Hai đối tác Trung Quốc chịu trách nhiệm nhập khẩu, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối; đăng ký lưu hành sản phẩm theo pháp luật để phân phối sản phẩm Vinamilk trên thị trường này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với Vinamilk cùng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại theo thỏa thuận giữa các bên tại từng thời điểm.
Nguồn: https://markettimes.vn/sau-sua-dac-ong-tho-sua-chua-vinamilk-duoc-ky-vong-tao-suc-hut-tai-thi-truong-trung-quoc-41699.html
3. Quỹ đầu tư Mỹ rót 200 triệu USD vào tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố, Bain Capital, Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ được dùng để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của Masan.
Ông Barnaby Lyons, thuộc đội ngũ lãnh đạo của Bain Capital, chia sẻ đây là thương vụ đầu tiên trong dự án đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Ông cho rằng tập đoàn của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch hội đồng quản trị có những nền tảng vững chắc, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng phù hợp để thành công trong một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và tăng trưởng cao như Việt Nam. Tùy theo nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường, doanh nghiệp Việt có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Nguồn: https://vtc.vn/quy-dau-tu-my-rot-200-trieu-usd-vao-tap-doan-cua-ty-phu-nguyen-dang-quang-ar824097.html
4. Những triển vọng đối với ngành dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam
Dù chỉ mới nổi lên trong những năm gần đây nhưng thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng. Tổng khối lượng hàng hóa (GMV) của lĩnh vực thực phẩm và vận tải trực tuyến của Việt Nam đã đạt cột mốc quan trọng là 3 tỷ USD vào năm 2022.
Theo trang Vietnam Briefing, quý 2/2023 cũng chứng kiến nhu cầu đặt bữa ăn trực tuyến tăng vọt. Doanh thu từ thị trường giao đồ ăn trực tuyến dự kiến đạt khoảng 1,93 tỷ USD trong năm 2023. Dự đoán, doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến cũng được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,29% từ năm 2023 đến năm 2027. Quỹ đạo tăng trưởng này dự kiến sẽ dẫn đến một thị trường trị giá khoảng 3,41 tỷ USD vào năm 2027. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia và giữ lấy một phần thị trường đang trên đà phát triển tại Việt Nam vào thời gian tới.
Nguồn: https://toquoc.vn/bao-quoc-te-danh-gia-nhung-trien-vong-doi-voi-nganh-dich-vu-giao-do-an-tai-viet-nam-20231004111301639.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Giá ớt tăng vọt
Ớt tại nhà vườn Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang được bán giá 25.000-35.000 đồng một kg, tăng 66% so với tháng trước đó. Ông Vũ Tuấn, thương lái chuyên thu mua ớt ở các tỉnh miền Tây, cho biết ớt xiêm đang có giá rất cao vì mùi thơm và vị cay đặc trưng. Ngoài ra, loại này có nhu cầu cao trên thị trường. Nếu Trung Quốc không mua, chúng sẽ được bán cho các cơ sở chuyên chế biến ớt tương, ớt bột chế biến.
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, Tiền Giang cho thấy giá ớt bán tại vườn và chợ lẻ tăng 50-60% so với tháng 8. Nguyên nhân giá ớt tăng mạnh so với vụ trước do đang vào mùa mưa bão, sản lượng thấp, chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc nhộn nhịp khiến cầu cao hơn cung, đẩy giá đi lên.
Nguồn: https://vnexpress.net/gia-ot-tang-vot-4659530.html?gidzl=mmJHLJwj7oR24j1HDRKQ8CWNr54ejayZX1U10ocqI7k24u49VRCUB88QXbmgkKegr1kDN3REaVv1FwSTB0
2. Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam có thể thu 100 triệu USD từ bán tín chỉ carbon
Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT diện tích sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon trong năm 2024 trên địa bàn hơn 51.900 ha. Với việc áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác nhằm giảm chi phí đầu vào, sử dụng nước hiệu quả, Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL hướng đến mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái, nâng tầm thương hiệu và giá trị hạt gạo của Việt Nam. Đây cũng được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới.
Thực hiện đề án, Việt Nam còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD. Khi đó, thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao, nâng được tầm thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-lua-theo-cach-nay-viet-nam-giam-10-trieu-tan-carbon-co-the-tin-chi-hoa-dem-ban-thu-100-trieu-usd-20231001181630002.htm
3. Bị thu hồi mã số vùng trồng, nông dân trồng chuối như ngồi trên lửa
Những ngày này, bà Hinh (xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai) như ngồi trên đống lửa do 11 ha chuối chỉ còn 3 tháng nữa vào mùa thu hoạch, nhưng nguy cơ bị đứt gãy đầu ra. Nguyên nhân là từ đầu tháng 9, mã vùng trồng chuối bị đình chỉ, thu hồi. Điều này đồng nghĩa nếu không khắc phục vi phạm mã vùng trồng thì hơn 500 tấn chuối không xuất khẩu được. Tại Đồng Nai, sản lượng chuối trong vùng trồng bị thu hồi mã số chiếm 49% tổng sản lượng vùng trồng được cấp mã số và chiếm 21,85% trong sản lượng chuối dự kiến thu hoạch trên địa bàn tỉnh, ước lượng 568.000 tấn.
Các vùng trồng, cơ sở đóng gói bị đình chỉ mã số là do phía Trung Quốc phát hiện có sinh vật gây hại trên các lô hàng xuất khẩu. Theo đó, loài rệp sáp đang là loại sinh gây hại phổ biến trên cây trồng toàn tỉnh. Trong khi đó, quá trình canh tác của nông dân và sơ chế tại cơ sở đóng gói chưa diệt trừ hết rệp sáp trước khi xuất khẩu nông sản. Năm nay, tỉnh Đồng Nai dự kiến xuất khẩu hơn 500.000 tấn chuối với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm này, hoạt động này của tỉnh đang bị tạm ngưng, do chuối bị thu hồi mã số vùng trồng nhiều nhất. Trong khi đó, chuối đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Do vậy, việc tập trung các giải pháp khắc phục để mở lại mã số đang được nông dân, cơ sở đóng gói và cơ quan quản lý gấp rút thực hiện.
Nguồn: https://cafef.vn/bi-thu-hoi-ma-so-vung-trong-nong-dan-trong-chuoi-nhu-ngoi-tren-lua-188231002193513599.chn
4. Mối nguy từ cạnh tranh khốc liệt mua sầu riêng
Thời gian gần đây do lượng sầu riêng tại các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang còn ít nên thương lái lùng sục tranh nhau mua. Thậm chí nhiều thương lái chi tiền hoa hồng cho người giới thiệu vườn để vào cắt. Việc các thương lái cạnh tranh nhau trong việc gom sầu riêng có mặt lợi trước mắt là nhà vườn sẽ bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, hệ lụy lâu dài là rất khó tránh khỏi khi thương lái mua bất chấp, cắt sầu riêng chưa chín, chưa đạt chuẩn để xuất khẩu gây mất uy tín tại thị trường nhập khẩu.
Xuất trái cây qua thị trường Trung Quốc nhiều năm qua, ông Ngô Văn Đình, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM, thừa nhận Thái Lan hơn hẳn Việt Nam ở cả chất lượng và số lượng trái cây, và sầu riêng cũng không ngoại lệ. Theo ông Đình, lý do giúp Thái Lan duy trì sự ổn định chất lượng trái sầu riêng nhờ họ đặt ra một tiêu chuẩn quốc gia cho loại quả này, và khuyến cáo, thậm chí bắt buộc các nông dân, doanh nghiệp phải tuân theo. Trong tiêu chuẩn này có các nội dung cụ thể như thời gian thu hoạch, cách thu hoạch sầu riêng, tiêu chí đặt ra như cơm, độ ngọt khi thu hoạch… Đây là điều căn bản không chỉ giúp sầu riêng Thái Lan mà còn nhiều mặt hàng khác tạo ra thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay chưa quan tâm điều này, mạnh ai nấy làm dẫn đến chất lượng bấp bênh. Do đó, chúng ta phải sớm có tiêu chuẩn này”, ông Đình nhận định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/moi-nguy-tu-canh-tranh-khoc-liet-mua-sau-rieng-20230930233953304.htm?gidzl=-z_-Ei9-hr3woVy-oMQgLllC_ZhVPVfHjyohQDvd_GcnoAjYYc2hNh71h3VTQlzOvy2dDpOAcM5OmtIjMW

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Ấn Độ sẽ hạ giá sàn xuất khẩu gạo
Theo Reuters, giới chức Ấn Độ đang có kế hoạch hạ giá sàn đối với gạo basmati – mặt hàng gạo duy nhất mà nước này còn cho phép xuất khẩu. Ấn Độ có thể giảm giá sàn gạo basmati từ 1.200 USD/tấn hiện nay xuống 850 USD/tấn những ngày tới. Theo các chuyên gia, đây là động thái hỗ trợ nông dân Ấn Độ xuất khẩu mặt hàng này, trong bối cảnh giá gạo basmati trên thị trường quốc tế giảm, trong khi giá sàn cao khiến nông dân và doanh nghiệp nước này bị dư thừa nguồn cung.
Giá sàn gạo basmati được Ấn Độ đưa ra hồi tháng trước nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng gạo đang bị cấm xuất khẩu, dưới giấy tờ ghi là gạo basmati. Mỗi năm, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo basmati sang các nước như Iran, Iraq, Yemen, Arab Saudi, UAE và Mỹ. “Giá sàn 1.200 USD là quá cao. Đó là lý do phần lớn hãng xay xát và thương nhân không thể xuất khẩu”, Vijay Setia – công ty xuất khẩu lớn tại bang Haryana – một trong những khu vực trồng lúa chính của Ấn Độ cho biết.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/an-do-se-ha-gia-san-xuat-khau-gao-20230928161251916.htm
2. Philippines bỏ chính sách giá trần đối với gạo
Hôm nay (4-10), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thông báo chính phủ của ông bỏ chính sách giá trần đối với gạo xay xát thường lẫn xay xát kỹ sau gần một tháng triển khai. Động thái này được đưa ra giữa lúc giá gạo toàn cầu hạ nhiệt và nguồn cung gạo trong nước tăng lên khi Philippines bước vào vụ thu hoạch. Ông Marcos nhấn mạnh rằng, nguồn cung gạo trong nước đầy đủ và sẽ tiếp tục tăng trong mùa thu hoạch hiện tại. Ông cam kết tiếp tục hỗ trợ cho nông dân và các gia đình nghèo.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/philippines-bo-chinh-sach-gia-tran-doi-voi-gao/
3. Sầu riêng Philippines ‘cháy hàng’ tại hội chợ Trung Quốc
Theo Thông tấn xã Philippines, tại hội chợ triển lãm Trung Quốc – Asean lần thứ 20 được tổ chức ở Nam Ninh (Trung Quốc) hôm tháng 9, có 15 nhà triển lãm đến từ Philippines đã tạo ra doanh thu ít nhất 8 triệu USD. Đặc biệt, giống sầu riêng “Puyat” của Philippines đã trở thành mặt hàng bán chạy nhất hội chợ. Một kg sầu riêng tươi của họ được bán giá 90 nhân dân tệ (305.000 đồng) – cao gấp 7 lần giá bán ở Philippines.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines trong buổi họp báo 19/9, cho rằng tiềm năng cho các nhà xuất khẩu trái cây Philippines vào Trung Quốc vẫn rất lớn, nhưng nguồn cung không đủ là hạn chế với nước này. Thống kê hải quan Trung Quốc cho thấy 8 tháng đầu năm nay, Philippines xuất khẩu 917 tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trị giá 3,54 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 824.000 tấn của Thái Lan (4,04 tỷ USD) và 271.000 tấn của Việt Nam (1,18 tỷ USD).
Nguồn: https://vnexpress.net/sau-rieng-philippines-chay-hang-tai-hoi-cho-trung-quoc-4659974.html?gidzl=GVd0HG7OPHL0xy512i1W4qlgmq4MmpCG1-gM4nV1D4W1xfOPGyPY7m7daKmKp3OPL-QQJ3Pp6PLY0D9d7m
4. Nguyên nhân khiến thanh long Việt “đi lùi”?
Thanh long từng góp mặt trong nhóm các sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu thanh long giảm dần trong 3 năm trở lại đây. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long mới đạt 450 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Một trong những tác nhân làm cho ngành hàng tỷ đô có đi lùi thời gian qua là đến từ thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc phát triển được diện tích lớn thanh long cũng là lý do khiến thanh long Việt Nam bán chậm hơn tại thị trường này.
Hiện diện tích thanh long của Trung Quốc khoảng 67.000 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam về diện tích và sản lượng, đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước của họ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đây sẽ là một áp lực không nhỏ đối với ngành hàng thanh long của Việt Nam. Vì 80% thanh long xuất khẩu của Việt Nam đang tiêu thụ vào thị trường này. Bộ Công Thương cho rằng, đã có thay đổi lớn trong cơ cấu mặt hàng trái cây xuất khẩu Việt Nam. Nếu năm 2021, thanh long chiếm 43% trong cơ cấu các mặt hàng. Năm 2023, tỷ trọng thanh long đã giảm xuống còn 17,7%.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nguyen-nhan-khien-thanh-long-viet-di-lui-20231003234818603.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Pháp sẽ đóng cửa nhà máy thuốc lá cuối cùng
Ngày 27/9, công ty thuốc lá SEITA (Pháp) thông báo sẽ đóng cửa nhà máy Manufacture Corse des Tabacs (Macotab) trên đảo Corsica, cơ sở sản xuất thuốc lá cuối cùng còn lại ở Pháp, vào cuối năm nay. Macotab sản xuất thuốc lá theo hợp đồng với công ty thuốc lá đa quốc gia Philip Morris của Mỹ. Thông báo trên được đưa ra sau khi Philip Morris gần đây cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng sản xuất với Macotab. Theo SEITA, doanh số bán hàng của Macotab đã giảm mạnh do tình trạng thuốc lá lậu. Hiện tại Macotab chỉ có khoảng 30 nhân viên, giảm từ mức 143 người hồi đầu những năm 1980.
Ngoài ra, những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế hút thuốc và những mối nguy hại đối với sức khỏe người dân, như cấm hút thuốc trong nhà hàng, quán cà phê, cấm quảng cáo thuốc lá, cũng đã khiến doanh số bán thuốc lá tại Pháp giảm trong những năm gần đây. Một số nhà máy sản xuất thuốc lá tại Pháp trước đây hiện đã chuyển đổi công năng thành các không gian văn hóa và triển lãm, thậm chí thành trường đại học như ở Lyon. Theo cơ quan y tế công cộng Sante Publique France của Pháp, hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa được ở nước này. Ước tính, Pháp ghi nhận 75.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm.
Nguồn: https://bnews.vn/phap-se-dong-cua-nha-may-thuoc-la-cuoi-cung/308013.html
2. Hỗ trợ nghiên cứu các dự án chuyển đổi xanh
Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận cộng đồng khoa học xuất sắc thông qua quỹ ngân sách lớn tới 53,5 tỷ euro từ Horizon Europe. Thông tin được TS Jenny Elmaco, Điều phối viên của Horizon Europe tại khu vực Asean (Euraxess Asean) chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững” trong khuôn khổ sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023, sáng 30/9.
Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thông tin IFC đã hỗ trợ cho nhiều dự án, trong đó cho vay 76 tỷ USD đối với công trình xanh. Tại Việt Nam, năm vừa qua IFC đã cho vay được 300 triệu USD, góp phần giúp Việt Nam mở rộng thị trường công trình xanh đa dạng từ nhà kho nhà xưởng, trường học, bệnh viện hay các công trình thương mại, thậm chí nhà ở cho người thu nhập thấp đều có thể được đánh giá xanh và cho vay ưu đãi.
Nguồn: https://vnexpress.net/ho-tro-nghien-cuu-cac-du-an-chuyen-doi-xanh-4659404.html?gidzl=QKiUCNUazJreNHyrVBpmEsXS4p9hkwq_95n6O6gvgcSYM4PgFhxyC29HGJzfjAWsT51AFpOjrzi-TgxtDm

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Nghề nấu cơm thuê tại nhà nở rộ ở Trung Quốc
Ở các thành phố lớn của đất nước tỉ dân, các đầu bếp nghiệp dư nấu ăn trong chính căn bếp của khách hàng dần trở thành một nghề phổ biến. Giới trẻ Trung Quốc ngày càng yêu thích sự tiện lợi với các hình thức dịch vụ tại nhà theo yêu cầu, từ đầu bếp riêng đến nhân viên mát-xa. Theo dữ liệu từ nền tảng giao đồ ăn Meituan, số lượt tìm kiếm dịch vụ đầu bếp riêng đã tăng đến 533% trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 – 12/2022.
Để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích sinh viên tốt nghiệp tìm những công việc tự do ít mang tính truyền thống. Theo báo cáo do nền tảng tuyển dụng hàng đầu Zhilian Zhaopin và Đại học Tế Nam công bố vào tháng 9, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm những “công việc linh hoạt” như vậy, bao gồm cả lái xe giao hàng và phát sóng trực tiếp (livestream).
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nghe-nau-com-thue-tai-nha-no-ro-o-trung-quoc-20231002103239494.htm
2. Xanh SM Bike ra mắt tại TP.HCM
Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện Xanh SM Bike chính thức vận hành tại TP.HCM từ ngày 29/09/2023, hướng tới mục tiêu phủ sóng tại 6 tỉnh, thành phố và mở rộng quy mô lên đến 90.000 xe máy điện ngay trong năm 2023. Kể từ ngày 29/09/2023, khách hàng tại TP.HCM có thể đặt xe và sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy điện Xanh SM Bike thông qua ứng dụng Xanh SM cài đặt trên điện thoại di động. Trước khi đến với TP.HCM, Xanh SM Bike đã được triển khai tại Hà Nội và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân thủ đô, với gần 1 triệu lượt khách chỉ sau hơn một tháng hoạt động.
Nguồn: https://toquoc.vn/xanh-sm-bike-ra-mat-tai-tphcm-2023092916453989.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Người Trung Quốc lựa chọn các kỳ nghỉ trong nước do khó khăn kinh tế
Theo thống kê, một số lượng lớn khách du lịch Trung Quốc đã chọn đi dụ lịch nội địa trong kỷ nghỉ Tuần lễ Vàng (1/10-7/10) thay vì đi du lịch nước ngoài như các năm trước. Việc nền kinh tế vẫn còn đang chật vật phục hồi sau đại dich, thị trường làm việc yếu và thu nhập thấp đã ảnh hướng tiêu cực tới mức chi tiêu bình quân đầu người của người dân Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc vẫn không muốn chi tiêu cho những thứ không thực sự cần thiết như những kỳ nghỉ ở nước ngoài.
Boon Sian Chai, Giám đốc điều hành và Phó chủ tịch phụ trách thị trường quốc tế của Trip.com, trang web trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cho biết: “Trong khi dữ liệu cho thấy du lịch nội địa đang hồi phục thì thị trường nước ngoài chỉ phục hồi khoảng 60% so với mức trước đại dịch”. Theo ông Boon, chi phí là yếu tố quyết định chính, vì giá trung bình của các chuyến du lịch theo nhóm từ Trung Quốc cao hơn tới 30% so với trước đại dịch, một phần do các hãng hàng không vẫn chưa nối lại lịch trình quốc tế trước đại dịch. Bên cạnh đó, các nền tảng và đại lý đặt phòng cho biết người Trung Quốc ưa thích các điểm đến châu Á rẻ hơn, trong đó Thái Lan cho đến nay là lựa chọn ưu tiên.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-trung-quoc-lua-chon-cac-ky-nghi-trong-nuoc-do-kho-khan-kinh-te-20230928163728006.htm
2. Dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn sắp bị ‘xóa sổ’?
Ra đời vào năm 2008 như một cách để khách du lịch tìm thấy những nơi lưu trú độc đáo với mức giá phải chăng trên toàn cầu, Airbnb và những dịch vụ tương tự không chỉ cạnh tranh trực tiếp với ngành khách sạn mà còn tạo ra một lớp những người mua nhà để đầu cơ cho thuê ngắn hạn. Họ mua nhiều bất động sản, cải tạo nội thất và cho thuê quanh năm. Theo Bloomberg, tính đến hết năm ngoái, thị trường có khoảng 6,6 triệu căn hộ Airbnb (không bao gồm Trung Quốc), nhiều hơn hẳn so với con số khoảng 900.000 hồi đầu năm 2022. Đến cuối quý 2 năm nay, con số này tăng lên 7 triệu.
Theo AirDNA, tình trạng dư thừa khiến doanh thu hầu hết các thị trường đều giảm trong nửa đầu năm nay. Nhiều chủ nhà thậm chí còn phải hạ giá thuê phòng để cạnh tranh với các đối thủ. Bên cạnh đó, tại các điểm đến hàng đầu thế giới, dịch vụ đặt phòng và căn hộ trực tuyến mặc dù đã mang lại hàng triệu euro thuế lưu trú nhưng vẫn bị coi là ‘kẻ thù’ của nhiều người dân bản địa và là ‘cái gai’ trong mắt chính quyền các thành phố. Ngày càng nhiều thành phố có thể đang cố gắng hạn chế việc cho thuê Airbnb, nhưng công ty vẫn tiếp tục phát triển. Trong quý 2/2023, nền tảng này kiếm được 2,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, với số đêm và trải nghiệm được đặt trên nền tảng này tăng 11% trong cùng kỳ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/dich-vu-cho-thue-nha-ngan-han-sap-bi-xoa-so.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Máy bay ‘made in China’ nhận đơn hàng kỷ lục
Ngày 28/9, hãng hàng không Trung Quốc China Eastern Airlines tuyên bố mua thêm 100 máy bay C919. Đây là đơn đặt hàng lớn nhất từ trước đến nay đối với loại máy bay phản lực do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) sản xuất. Sau 14 năm phát triển, COMAC đã được Trung Quốc cấp giấy chứng nhận cho máy bay C919 vào cuối tháng 9/2022. Mẫu máy bay thân hẹp này sở hữu sức chứa tối đa gần 170 hành khách và được đánh giá có tham vọng cạnh tranh với sản phẩm của Airbus và Boeing tại thị trường Trung Quốc.
Trong thương vụ trên, giá trị đơn hàng không được công bố. China Eastern Airlines chỉ cho biết đã nhận được khoản chiết khấu đáng kể. Mức niêm yết của một chiếc C919 là 99 triệu USD nhưng có thể giảm giá 50%, đặc biệt đối với mẫu mã mới. Đơn hàng được thanh toán theo hình thức trả góp bằng nguồn vốn tự có, vay ngân hàng và phát hành trái phiếu. Các máy bay sẽ được bàn giao theo đợt từ năm 2024 – 2031.
Nguồn: https://tienphong.vn/may-bay-made-in-china-nhan-don-hang-ky-luc-post1573360.tpo
2. Mitsubishi rút khỏi thị trường Trung Quốc
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Mitsubishi Motors đã quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc. Hãng đã bắt đầu trao đổi việc này với đối tác liên doanh, Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) của Trung Quốc. Doanh số bán ô tô của Mitsubishi tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do sự lên ngôi của xe điện và các thương hiệu ô tô nội địa. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác cũng đang gặp nhiều khó khăn, và có thể cũng sẽ xem xét lại các chiến lược của họ ở Trung Quốc.
Liên doanh GAC Mitsubishi Motors có một nhà máy ở tỉnh Hồ Nam, đã dừng sản xuất từ tháng 3/2023 và sẽ không khôi phục hoạt động. Đây là nhà máy duy nhất của Mitsubishi tại Trung Quốc. Sau khi rút khỏi Trung Quốc, Mitsubishi sẽ tập trung nguồn lực vào Đông Nam Á và châu Đại dương, các khu vực thị trường chiếm khoảng 30% doanh số của Mitsubishi.
Nguồn: https://baotintuc.vn/o-to-xe-may/mitsubishi-rut-khoi-thi-truong-trung-quoc-20230928154058930.htm
3. Tesla sắp bị BYD vượt mặt
Hãng tin Bloomberg cho hay kết quả kinh doanh quý III/2023 đáng thất vọng của Tesla đã khiến đối thủ BYD của Trung Quốc có cơ hội tiến gần hơn nữa và thậm chí sắp vượt mặt để trở thành hãng xe điện có doanh số theo đơn vị lớn nhất toàn cầu. Cụ thể, đế chế nhà Elon Musk chỉ bán được 435.000 chiếc xe điện trong quý III, cao hơn một chút so với 431.000 đơn vị bán được của BYD. Khoảng cách chênh lệch hiện nay chỉ còn 3.000 chiếc xe là Tesla sẽ mất ngôi vương hãng xe điện bán nhiều nhất thế giới vào tay đối thủ Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định trong khi Elon Musk đang mải mê với công nghệ xe tự lái thì BYD lại đang hướng đến cải tiến toàn diện hiệu năng xe điện và giảm giá xuống thấp hơn nữa. Chính hướng đi này đã tạo nên sự khác biệt rõ ràng giữa 2 thương hiệu. Nếu Tesla đại diện cho sự sang chảnh và công nghệ mới lạ thì BYD lại toàn diện hơn, dễ tiếp cận hơn và chắc chắn là hiệu quả cũng như giá rẻ hơn nhiều. Theo WSJ, chiến lược của BYD hiện có hiệu quả hơn khi tính hiệu năng và chi phí sẽ trở thành yếu tố quan trọng với khách hàng khi quyết định mua xe. Trái lại những tính năng mới lạ như chế độ tự động lái của Tesla vẫn còn đang gây tranh cãi về độ an toàn cũng như khó thu hút được tầng lớp người dùng thông thường.
Nguồn: https://markettimes.vn/tesla-sap-bi-byd-vuot-mat-chi-con-dung-3-000-chiec-xe-dien-nua-la-elon-musk-se-mat-ngoi-vuong-41904.html
4. Nhà mạng Hàn Quốc đầu tư gấp ba lần vào trí tuệ nhân tạo
Phát biểu tại họp báo ở Seoul hôm 26/9, CEO SK Telecom Ryu Young Sang cho biết cuộc cách mạng siêu AI được châm ngòi bởi ChatGPT đã gặp phải một số hoài nghi thời gian gần đây. Dù vậy, thị trường AI vẫn đang trong thời kỳ sơ khai. Nhìn vào cách ngành công nghiệp vận động và công nghệ phát triển, ông tin rằng cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp AI mới bắt đầu.
Với việc tập trung hơn vào AI, CEO Ryu tin rằng SK Telecom sẽ được định giá thị trường tốt hơn. 5 năm qua, nhà mạng tăng cường đầu tư vào dịch vụ, công nghệ và hạ tầng AI. Từ 12% vốn chi cho AI, công ty muốn nâng lên 33% và tăng doanh số lên 25 nghìn tỷ won vào năm 2028.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nha-mang-han-quoc-dau-tu-gap-ba-lan-vao-tri-tue-nhan-tao-2195434.html
5. ‘Kỳ lân’ chip AI bắt tay Samsung, thách thức Nvidia
Start-up tỷ đô lĩnh vực chip AI, Tenstorrent trụ sở Canada vừa đạt thỏa thuận sử dụng công nghệ sản xuất vi xử lý trên tiến trình 4 nanomet (nm) của Samsung. Tenstorrent là một trong số các công ty khởi nghiệp đang tìm cách lật đổ ngôi vương của Nvidia. Hiện công ty này đang sản xuất chip và bán bằng sáng chế sử dụng trong trung tâm dữ liệu, song cũng nỗ lực mở rộng sang những thị trường khác như ô tô.
Bên cạnh đó, Tenstorrent cũng đang phát triển chip AI cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, gồm cả thỏa thuận công bố vào tháng 5 với LG về vi xử lý sử dụng trong smart tivi. Tenstorrent cho hay họ huy động được 30 triệu USD từ Huyndai, 20 triệu USD từ Kia và 50 triệu USD còn lại đến từ quỹ Catalyst của Samsung và một số nhà đầu tư khác như Fidelity Ventures, Eclipse Ventures, Epiq Capital và Maverick Capital,…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/start-up-ty-do-linh-vuc-chip-ai-bat-tay-samsung-thach-thuc-nvidia-2197117.html
6. Hãng chip Hana Micron của Hàn Quốc đầu tư 1 tỷ USD mở nhà máy mới tại Bắc Giang
Hana Micron dự định rót 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam vào năm 2025. Hãng sản xuất chip nhớ và đóng gói chip của Hàn Quốc nói với Nikkei Asia rằng họ đang chuyển thiết bị đến nhà máy thứ hai mới ở tỉnh Bắc Giang để “chuẩn bị sản xuất và hãng có lịch trình bận rộn với việc kiểm toán khách hàng”. Bắc Giang hiện có ba nhà cung ứng của Apple.
Cùng với Bắc Giang, tỉnh láng giềng Bắc Ninh là cứ điểm sản xuất của phần lớn smartphone của Samsung với phần lớn smartphone của Samsung được sản xuất tại đây. Các thông báo của các hãng chip gần đây đã tạo động lực mới cho các hãng chip toàn cầu đang trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng do địa chính trị, và cả Việt Nam, nhằm thu hút các hãng công nghệ cao sau nhiều năm nỗ lực bị đình trệ.
Nguồn: https://bsamedia.vn/hang-chip-hana-micron-cua-han-quoc-dau-tu-1-ty-usd-mo-nha-may-moi-tai-bac-giang/
7. VinFast có kế hoạch thâm nhập xe điện vào thị trường Ấn Độ
VinFast Auto – Nhà sản xuất xe ô tô điện Việt Nam sẽ gia nhập thị trường ô tô Ấn Độ trong thời gian tới, trong đó có khả năng mở nhà máy tại quốc gia Nam Á. Hãng xe được cho là sẽ cho ra mắt thị trường 1,4 tỷ dân này từ tháng 4/2024 với 3 mẫu xe điện. Tờ Thời báo Kinh tế (Economic Times) của Ấn Độ số ra ngày 3/10 đã hé lộ thông tin này.
Về kế hoạch mở cơ sở sản xuất tại Ấn Độ, VinFast vẫn chưa xác định chắc chắn địa phương nào sẽ là nơi đặt nhà máy đầu tiên. Công ty mong muốn công suất ban đầu của nhà máy là 50.000 chiếc/năm và sau đó sẽ tăng lên 200.000 – 300.000 chiếc. Việc mở rộng sản xuất trong tương lai sẽ tùy thuộc vào phản hồi của thị trường.
Nguồn: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/vinfast-co-ke-hoach-tham-nhap-xe-dien-vao-thi-truong-an-do-post1050319.vov

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. ‘Ông trùm’ y tế Singapore thâu tóm bệnh viện quốc tế tại TP. HCM
Mới đây nhất, Tập đoàn y tế Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong đã chấp thuận mua phần lớn cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tại TP. HCM với tham vọng mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc và Singapore. Theo đó, tập đoàn vận hành mạng lưới y tế tư nhân thuộc hàng lớn nhất Singapore này sẽ ký kết thỏa thuận dịch vụ quản lý để quản lý hoạt động của AIH. Với thương vụ này, Raffles Medical có thể khai thác nhu cầu đang bùng nổ về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Việt Nam.
Đi vào hoạt động từ năm 2018, AIH hiện được định giá khoảng 45,6 triệu USD. Bệnh viện có quy mô 120 giường bệnh và có khoảng 500 nhân viên, trong đó có 60 bác sĩ. Công ty cho biết thỏa thuận này sẽ được chi trả bởi nguồn lực nội bộ của Raffles Medical. Tập đoàn này có nguồn tài chính vững chắc với gần 300 triệu USD Singapore (218 triệu USD) tiền mặt và các khoản khác tính đến cuối tháng 6 vừa qua.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ong-trum-y-te-singapore-thau-tom-benh-vien-quoc-te-tai-tp-hcm-20180504224289652.htm
BSAi