Chổi bông cỏ của Việt Nam được bán với giá gần 2,5 triệu đồng
Những cây chổi bông cỏ lặng lẽ ở góc nhà ở Việt Nam đang được bán với giá từ 400.000 đồng đến ngưỡng cao gần 2,5 triệu đồng trên Amazon và các trang thương mại điện tử.
Chổi bông cỏ được sản xuất ở khắp các tỉnh thành ở Việt Nam. Tại các tỉnh Tây Bắc, nơi cây chít hay cây đót có diện tích lớn, sản phẩm nội thất khiêm tốn này có tên chổi chít hay chổi đót. Đây cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng của Tây Bắc, được sản xuất với số lượng lớn nhất nước. Vật liệu làm chổi được dùng từ bông của cây đót, cây chít chưa nở hoa. Vật liệu làm chổi được dùng từ bông của cây đót, chít chưa nở hoa, phơi khô và đan thành chổi.
Ở Việt Nam có nhiều làng làm chổi nổi tiếng tại Bắc Bộ và Trung Bộ như tại Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… Tại các huyện miền núi Kỳ Sơn hay Yên Thành của Nghệ An, một ký đót tươi hái từ rừng được bán giá 4.000 đồng, đót sau khi phơi khô giá 28.000 đồng. Một cây chổi cần 0,7-0,8 ký đót khô. Cộng thêm cây mây và các nguyên vật liệu khác, một chiếc chổi được bán khoảng 30.000-35.000 đồng, người làm ra chổi lãi 5.000 đồng một cây.
Hầu hết gia đình người Việt nào cũng có trông nhà một cây chổi bông cỏ, dựng ở góc nhà để tiện sử dụng. Tại các chợ truyền thống hay tiệm tạp hóa ở đô thị, giá cây chổi tăng lên thành 60.000 đồng trở lên.
Nhưng trên trang thương mại điện tử Amazon, loại chổi này có giá bán khá đắt. Chẳng hạn trên cửa hàng công ty MV Trading Online tại Mỹ, giá bán một cây chổi từ 16,99 – 29,48 USD và được miễn phí giao nhận, tùy vào chiều dài cán chổi và độ chắc chắn. Thời gian giao hàng từ 3-5 tuần.
Nhưng riêng trên trang Amazon tại Nhật Bản, sản phẩm được bán 12.002 yen, gần 2,5 triệu đồng mỗi chiếc.
Tuy nhiên, để có được giá trên trời như thế các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đáp ứng rất nhiều thủ tục phức tạp. Ở một số nước có chế độ kiểm dịch thực vật ngặt nghèo, giá chổi bông cỏ sẽ tăng cao, do phí kiểm dịch, hoa hồng cho Amazon hay eBay…
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,35 – 56,95 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 ngàn đồng/lượng chiều bán ra so với giá hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu được thu hẹp còn 600.000 đồng. Điều này cũng đồng nghĩa là sức mua của thị trường đang sụt giảm mạnh. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.739,6 USD/ounce, giảm 10,1 USD, tương đương 0,58% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021
3/ Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 3 năm nay đã giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, và cũng là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay. Tính chung 9 tháng năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được coi là bệ đỡ của nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 23,52% vào mức tăng GDP chung toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, khu vực dịch vụ giảm 0,69% trong 9 tháng qua. Được biết, tăng trưởng âm trong 9 tháng của một số ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn đã làm giảm tăng trưởng của khu vực dịch vụ và toàn nền kinh tế.
4/ Cũng theo Tổng cục Thống kế, tính đến cuối tháng 9/2021, mỗi tháng Việt Nam có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo đó, trong tháng 9, cả nước chỉ còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 32.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020. Ngoài ra, tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
5/ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tăng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm. Theo đó, đơn vị này đã nhất trí bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng để tạo điều kiện linh hoạt cho sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng và ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dịch Covid-19. Được biết, khi doanh nghiệp có kế hoạch làm thêm giờ chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Điều này, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của doanh nghiệp về nguyên liệu và lực lượng lao động.
6/ Theo Savills, với sự gia tăng trong nhu cầu dành cho văn phòng truyền thống, số lượng không gian co-working cũng tăng cao. Việt Nam hiện là một trong 20 thị trường trên thế giới đứng đầu về số lượng nhà cung cấp dịch vụ co-working, chiếm 1,2% nguồn cung co-working toàn cầu. Theo đó, nhu cầu cho văn phòng co-working được thúc đẩy bởi sự phát triển về số lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng thêm yếu tố môi trường khởi nghiệp lành mạnh, đặc biệt khi Hà Nội hiện có kế hoạch thêm khoảng 150.000 doanh nghiệp khởi nghiệp mới trong vòng 5 năm tới. Được biết, dịch bệnh Covid-19 được coi là một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu với loại hình thuê văn phòng này, khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực gia tăng về tài chính.
7/ Theo Cơ quan Thủy sản Mỹ (NMFS), tổng lượng tôm nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 518.00 tấn, trị giá 5,25 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 36,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 7/2021, nhập khẩu tôm của Mỹ tăng 13,8% về lượng và 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, và cũng là tháng thứ 8 liên tiếp, Mỹ tăng trưởng nhập khẩu tôm. Đáng chú ý, dù bị cạnh tranh khốc liệt, nhưng tôm Việt Nam vẫn chiếm 7,9% thị phần trên tổng lượng tôm Mỹ nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 1% so với cùng kỳ 2020. Ngoài Mỹ, ngành xuất khẩu tôm cũng đạt mức tăng trưởng tại các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thêm vào đó, xuất khẩu tôm sang các thị trường như EVFTA, CPTPP đều tăng trưởng 2 con số.
8/ “Quả bom nợ” Evergrande cho biết sẽ bán 9,99 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) cổ phần mà họ sở hữu tại ngân hàng Shengjing Bank cho một doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, tất cả số tiền thu được từ việc bán cổ phần này sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ của tập đoàn tại ngân hàng Shengjing, có trụ sở tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Theo Evergrande cho biết, 1,75 triệu cổ phiếu, chiếm 19,93% cổ phần của ngân hàng Shengjing, sẽ được bán với giá 5,7 nhân dân tệ/cổ phiếu cho Công ty đầu tư tài chính Shenyang Shengjing, một doanh nghiệp nhà nước liên quan đến quản lý vốn và tài sản. Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo một số công ty thuộc sở hữu của chính phủ và nhà phát triển bất động sản do nhà nước hậu thuẫn mua lại một số tài sản của Evergrande.
9/ Theo Phòng thương mại Mỹ và công ty kiểm toán PwC, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp Mỹ đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đã phục hồi lại ở mức trước đại dịch, mức cao nhất trong ba năm qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ vẫn dè dặt đối với những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, đồng thời cảm thấy bất an trước việc Trung Quốc tăng cường quản lý giám sát các hoạt động kinh tế gần đây. Trong số 338 doanh nghiệp Mỹ được phỏng vấn, 78% cảm thấy “lạc quan hoặc hơi lạc quan” về triển vọng kinh doanh 5 năm của doanh nghiệp tại thời điểm năm 2021, tỷ lệ này cao hơn gần 20 điểm phần trăm so với năm 2020, và hơn nữa đang phục hồi về mức của năm 2018.
10/ Theo Japan Times, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đánh bại ứng viên Taro Kono trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của Nhật Bản Theo đó, Cựu Ngoại trưởng được dự kiến sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng cầm quyền. Trước đó, hồi đầu tháng này, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tuyên bố không tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng LDP, chỉ sau một năm lên nắm quyền. Giới quan sát cho rằng, chiến thắng của ông Kishida sẽ ít khả năng kéo theo một sự dịch chuyển lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản, với một trong những ưu tiên mới sẽ là giảm tình trạng mất cân đối thu nhập.