(Cafe news)- Theo báo cáo của tổ chức chứng nhận UTZ, 4C tính đến nay trên địa bàn tỉnh Đak Lak có 29 đơn vị tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, tăng 6 đơn vị so với năm trước, với tổng diện tích 14.455 nông hộ, diện tích 19.498,33ha và sản lượng 71.607,57 tấn.
Diện tích cà phê được xác nhận 4C là 37.172 ha, sản lượng 134,706 tấn với 25.411 hộ, sản lượng cà phê 4C được bán trong niên vụ trước khoảng 40%. Tổng diện tích sản xuất cà phê 4C có chứng nhận UTZ và 4C chiếm tỷ lệ còn thấp trong tổng diện tích cà phê toàn tỉnh (56.670/203.357 ha).
Trong 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thì 7 đơn vị sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ với tổng số 7.107 nông hộ, tổng diện tích là 8.680,3 ha và tổng sản lượng là 28.281,1 tấn và có 2 đơn vị tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận 4C với tổng diện tích 6.966 ha, sản lượng 26,297 tấn và 6.079 nông hộ.
Ngoài ra trong 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thì có 3 đơn vị sản xuất cà phê có chứng nhận RFA với tổng diện tích là 4.376 ha, sản lượng đăng ký là 15.643 tấn, 1 đơn vị sản xuất cà phê có chứng nhận FLO có diện tích 3.105 ha, sản lượng đăng ký 4.254 tấn với 570 nông hộ.
Được biết, tham gia chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận, các nông hộ, doanh nghiệp được các đơn vị chức năng tập huấn kỹ về bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc của chứng nhận, xác nhận để canh tác bền vững trên vườn cà phê.
Sau khi được tập huấn về bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sản xuất một cách hợp lý, khoa học, tiết kiệm chi phí mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô… nhưng năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê vẫn tăng lên.
Sản phẩm cà phê nhân có tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận cũng được các doanh nghiệp, trong ngoài nước thu mua với giá cao hơn…
Bá Thăng – GLO