Tiêu điểm
Đạt kỷ lục trong 13 năm, giá nhôm dự báo sẽ tiếp tục lên đỉnh
Giá nhôm trên thế giới đã vượt ngưỡng 3.000 USD/tấn, chạm mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Theo Bloomberg, dự báo giá nhôm sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do nguồn cung từ Trung Quốc suy giảm mạnh.
Sáng 12-10, giá kim loại nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 2,82% lên 3.049,76 USD/tấn – mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2008 đến nay. 
Giá nhôm trên thị trường thế giới bắt đầu xu hướng tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây khi cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục xấu đi tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Tình trạng thiếu hụt điện năng đã khiến Trung Quốc phải yêu cầu các ngành có mức tiêu thụ năng lượng cao như luyện kim phải giảm đáng kể công suất hoạt động, thậm chí ngưng hoạt động. Trong đó, ngành sản xuất nhôm chịu tác động mạnh nhất; để sản xuất 1 tấn nhôm, các nhà máy phải dùng trung bình 14 Mwh điện năng.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tình trạng thiếu điện có thể khiến công suất sản xuất nhôm của Trung Quốc giảm 3 triệu tấn, tương đương 8% tổng công suất hàng năm của nước này. Sản lượng nhôm của Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% tổng sản lượng nhôm toàn cầu. Điều này đã khiến thị trường lo ngại sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhôm trong ngắn hạn; nhôm là một trong những kim loại công nghiệp được sử dụng phổ biến nhất.
Cuối tuần rồi, Trung Quốc đã quyết định nâng mức trần giá điện bán sỉ, ổn định giá điện bán sỉ – tức tăng giá điện bán cho doanh nghiệp, trong khi đó điện sinh hoạt, sử dụng trong nông nghiệp và công trình công cộng thì bình ổn. Điều này sẽ đẩy giá nhôm tăng lên do chi phí năng lượng thường chiếm 40% tổng chi phí sản xuất nhôm.
Goldman Sachs nhận định Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu lượng lớn nhôm trong năm sau nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung nội địa, qua đó khiến sự thiếu hụt nhôm trên thị trường quốc tế trở nên trầm trọng hơn và giá nhôm sẽ biến động mạnh.
Một số nhà phân tích cảnh báo tình trạng giá các loại năng lượng tăng kỷ lục ở châu Á và châu Âu có thể kiến nguồn cung nhôm suy giảm hơn nữa. Một số hãng sản xuất nhôm tại châu Âu đang có động thái cắt giảm sản lượng do chi phí năng lượng tăng cao.
Ông Mark Hansen, CEO hãng giao dịch hàng hoá Concord Resources Ltd (Anh) nhận định giá nhôm có thể đạt 3.400 USD/tấn trong vòng 12 tháng sắp tới. Nhưng giá dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Trong vài tuần gần đây, sàn LME đã ghi nhận một số nhà đầu tư đã thực hiện các hợp đồng quyền chọn với giá nhôm tại mức 4.000 USD/tấn – mức cao nhất trong lịch sử giá nhôm. Có nghĩa là giới đầu tư ngày càng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và sẵn sàng trả giá cao để bảo đảm có sẵn nguồn kim loại này cho sản xuất công nghiệp.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 57,25 – 57,95 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.755 USD/ounce, giảm 2,1 USD, tương đương 0,12% so với chốt phiên trước. Được biết, triển vọng lạm phát kèm suy thoái hiện đã kìm hãm đà giảm của kim loại quý này.
2/ Infographic: Thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu lọt trong Top 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030
3/ Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế (Mỹ), 7 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu hạt điều đạt xấp xỉ trên 97.000 tấn, trị giá 615 triệu USD, tăng 0,5% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ 2020. Tuy bị cạnh tranh mạnh từ một số nguồn cung khác, nhưng hạt điều Việt Nam vẫn tăng nhẹ về thị phần ở Mỹ và chiếm xấp xỉ 90%. Cụ thể, hạt điều Việt Nam hiện đang chịu sự canh tranh từ thị trường Bờ Biển Ngà và Nigieria, nhưng thị phần hạt điều Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ vẫn tăng nhẹ từ 89,08% trong 7 tháng đầu năm 2020 lên 89,26% trong 7 tháng 2021. Được biết, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, giá cước phí vận chuyển ở mức cao đã tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang Mỹ.
4/ Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Australia vừa phê duyệt khoản tài trợ 5 triệu AUD nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh, giảm lượng khí thải carbon và cải thiện đời sống, sinh kế cho người dân. Đây là nguồn tài trợ bổ sung cho Chương trình Hợp tác giữa Chính phủ Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (ABP) được thiết kế để hỗ trợ chương trình phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau. Được biết, chương trình ABP ra đời năm 2017 với số tiền tài trợ ban đầu là 25 triệu AUD. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, chương trình ABP đã nhanh chóng cung cấp thêm 5 triệu AUD để hỗ trợ Việt Nam ứng phó và khắc phục đại dịch.
5/ Theo dữ liệu của CoinDesk, Bitcoin hiện đang tiếp tục tăng giá mạnh, tiến sát mức 58.000 USD, mức cao nhất trong 5 tháng qua. Tuy nhiên, thị trường tiền mã hóa lại phân hóa rõ rệt khi nhiều đồng tiền điện tử tăng giá mạnh nhưng giá nhiều đồng tiền khác lại lao dốc không phanh. Được biết, lượng Bitcoin giao dịch trong 24 giờ qua rơi vào khoảng gần 43 tỷ USD, đưa vốn hóa thị trường Bitcoin đạt 1.077 tỷ USD. Một thông tin tích cực với thị trường tiền mã hóa là tỷ phú George Soros, chủ sở hữu Quỹ quản lý Soros, mới đây cho biết quỹ này đã tham gia đầu tư vào Bitcoin. Theo các chuyên gia, nhiều tín hiệu tích cực khiên thị trường tiền mã hóa sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
6/ Trong vài năm qua, Facebook đã liên tiếp vướng vào những rắc rối và hứng chịu cái nhìn thiếu thiện cảm từ dư luận, người dùng. Mới đây, công ty Piper Sandler đã thực hiện khảo sát với 10.000 thanh thiếu niên Mỹ về các thương hiệu và dịch vụ yêu thích. Theo đó, 80% thanh thiếu niên Mỹ cho biết đang sử dụng Instagram, tỷ lệ cao nhất trong số 6 nền tảng được đề cập đến, 77% số người được hỏi đang dùng Snapchat và 73% dùng TikTok. Ngược lại, chỉ 27% thanh thiếu niên Mỹ đang sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook và 38% dùng Twitter. Được biết, làn sóng phản đối Facebook đã tang lên cao sau khi cựu quản lý mạng xã hội này công khai các tài liệu cho thấy cách hoạt động của Facebook, Instagram gây tác động xấu đến trẻ vị thành niên.
7/ Trung Quốc là quốc gia mới nhất công bố lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Anh đối với nhóm vật nuôi dưới 30 tháng tuổi do lo ngại bệnh bò điên. Theo đó, lệnh cấm của Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 29/9, nhưng đến nay mới được công bố. Đây được coi là phản ứng sau trường hợp bò điên được phát hiện hồi giữa tháng 9 tại một trang trại ở Somerset. Lệnh cấm mới là tin chẳng hề tốt lành với ngành chăn nuôi Anh, sau nhiều năm cơ quan chức năng hai nước đàm phán và giám sát thực địa. Một đánh giá của chính phủ Anh cho biết, họ nhìn nhận sẽ có khoản doanh thu 250 triệu bảng Anh cho người chăn nuôi trong vòng 5 năm nhờ nối lại được thị trường Trung Quốc.
Bò nuôi ở Anh. Ảnh: Getty Images
8/ Theo Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng và đẩy mạnh đầu tư vào Thái Lan với tổng giá trị các dự án cam kết đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2021 lên tới 520,7 tỷ bạt (tương đương 15 tỷ USD), cao hơn tổng mức đầu tư của cả năm 2020. Theo đó, đây là mức tăng gấp hơn 2 lần so với mức 216,6 tỷ bạt của cùng kỳ năm trước và thậm chí còn cao hơn mức cam kết đầu tư của cả năm 2020. Số dự án được các nhà đầu tư đăng ký hồ sơ là 1.273 dự án, cao hơn đáng kể so tổng số 1.037 dự án năm 2020. Trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư tại Thái Lan đã giảm 30% so năm trước đó, xuống chỉ còn 481 tỷ bạt. Trong đó, các dự án FDI giảm tới 54% xuống chỉ còn 213 tỷ bạt do các tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
9/ Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đang xem xét cấp phép lưu hành thuốc kháng thể đơn dòng Ronapreve để điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc Covid-19 ở người trên 12 tuổi. Theo đó, EMA sẽ đánh giá dữ liệu lâm sàng về hiệu quả của liệu pháp này trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện ở các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị ngoại trú cũng như kết quả một nghiên cứu khác về hiệu quả phòng ngừa đối với người lớn và trẻ em trong các gia đình có người mắc bệnh. Sau khi xem xét, cơ quan này sẽ đưa ra kết luận trong vòng hai tháng tới. Ronapreve được công ty công nghệ sinh học Regeneron và tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Roche hợp tác phát triển cũng như tiếp thị. Được biết, hiện EMA mới chỉ cấp phép cho thuốc kháng virus remdesivir của Gilead trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
10/ Nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp đã tăng 12% lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020 giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nói nợ công được duy trì ở mức bền vững là rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế và giảm nghèo ở những quốc gia có thu nhập thấp. Ông nhấn mạnh các biện pháp chống dịch Covid-19 đã khiến nợ công nhiều nước gia tăng và giải pháp cho vấn đề này sẽ cần đến sự cứu trợ của các chủ nợ. Chủ tịch WB khuyến nghị đưa ra một cách tiếp cận toàn diện, trong đó có thể có cả phương án xóa nợ. Vấn đề nợ công ở các nước thu nhập thấp trở nên cấp bách kể từ đầu năm 2020 khi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) công bố Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI). Sáng kiến này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA