Tiêu điểm
Doanh nghiệp nước ngoài cũng xáo động với “ba tại chỗ”
Pouyen đóng cửa trong 10 ngày từ ngày 15/7, sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng của Nike và Adidas. Chỉ riêng 200 nhà thầu phụ của Nike có khoảng nửa triệu công nhân, bao gồm 56.000 người của Pouyen. Trong khi đó, Coca-Cola dựng lều cho công nhân ở ngay tại phân xưởng. Samsung Electronics tạm dừng sản xuất tại 3 trong 16 phân xưởng tại TP.HCM, giảm số nhân công còn 3.000 từ tổng số 7.000.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang chật vật đối phó với các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt của đợt bùng phát dịch thứ tư lần này. Dẫu có nhiều nguồn lực hơn doanh nghiệp trong nước, nhưng họ vẫn “rúng động” với chuyện lo ăn, ở và làm việc ngay tại nơi sản xuất theo chính sách “ba tại chỗ” và tổ chức xe đưa đón công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong quy định “một cung đường, hai địa điểm”
Các công ty lớn và tập đoàn nước ngoài chuyển đổi các container chở hàng thành nơi ở tạm. Intel thì cho nhân viên ở khách sạn. Họ phải trả thêm phụ cấp mỗi ngày cho công nhân ở tại nơi làm việc.
“Giờ chúng tôi không chỉ lo nguyên liệu sản xuất như đồng hay sợi nữa, mà phải kiêm thêm lo ăn ở, giặt giũ, xét nghiệm diện rộng và tập thể dục cho người lao động”, các diễn giả tham gia một webinar do Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tổ chức hôm 13/7 phát biểu.
“Việt Nam đưa ra các quy định bắt buộc để bảo vệ an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu, nhưng chúng tôi cũng phải phải vận hành doanh nghiệp để bảo vệ tính cạnh tranh của Việt Nam”, bà Uyên Hồ, giám đốc quan hệ công chúng của Intel tại Việt Nam và Malaysia, nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Jonathan Moreno, tổng giám đốc của hãng công nghệ y tế Diversatek Vietnam, đã dọn vào sống chung với công nhân của hãng hơn một tuần.
Diversatek đã nâng trợ cấp thêm giờ và các phụ cấp khác, gấp đôi lương bình thường – Moreno cho biết. Nhưng ông nói rằng nhân viên đã đồng ý làm việc và ở tại chỗ trước khi chế độ phụ cấp ban hành.
Moreno nói rằng hành động này thể hiện tinh thần tập thể cao, khác với chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây.
Nike đang gấp rút đưa các lô giày thể thao đã hoành chỉnh ra khỏi Việt Nam bằng đường không. Samsung đang lo ngại về các mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm sau khi dịch đã tấn công các nhà máy của họ ở phía Bắc – vốn chiếm 50% sản lượng smartphone – từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7. Bên cạnh đó, Samsung, LG và các tập đoàn Hàn Quốc đang phải đối đầu với các cuộc bạo động, hôi của và đốt nhà máy ở hai thành phố Johannesburg và Durban ở Nam Phi.
Apple cũng có thể gặp khó khi sản lượng dòng iPhone mới trong năm nay sẽ tăng hơn 20% so với năm ngoái. Tuy vậy, họ đỡ lo hơn khi dịch đã được khống chế ở các khu công nghiệp phía Bắc – nơi các nhà thầu Foxconn và các hãng thầu phụ nhỏ hơn của Apple đang hoạt động.
Khống chế thành công đợt dịch thứ tư này sẽ góp phần ổn định sản xuất và sức mua của thị trường nội địa đồng thời ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu – theo nhà phân tích Nguyễn Tiến Đức của hãng BIDV Securities.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,85 – 57,6 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu là 750.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.827,9 USD/ounce, tăng tới 20,6 USD, tương đương 1,14% so với chốt phiên trước.
2/ Theo đại diện của Bưu điện Việt Nam, bắt đầu từ 15/7, những trái nhãn Hưng Yên đầu tiên sẽ được chính thức bán trên sàn TMĐT Postmart. Đại diện Bưu điện cho biết, việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử Postmart không chỉ nhằm tiêu thụ loại đặc sản mang tính mùa vụ mà Bưu điện Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới để người nông dân nói chung và người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng có thêm kênh phân phối nông sản bền vững, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên Bưu điện đã tiếp cận và phát triển được gần 400 nhà cung cấp là những hộ gia đình, hợp tác xã trồng nhãn tham gia bán hàng trên sàn Postmart. Không chỉ có trái nhãn tươi, mỗi nhà cung ấp còn có nhiều mặt hàng đưa lên sàn như: long nhãn, mật ong hoa nhãn, giấm nhãn, các chế phẩm khác từ nhãn.
3/ Bị tắc khâu lưu thông, tiêu thụ do nhiều nơi giãn cách, giá heo hơi đang giảm mạnh, xuống còn 52.000-57.000 đồng/kg, thấp nhất trong 2 năm qua. Khảo sát cho thấy, giá heo hơi tại miền Bắc hiện dao động 56.000-59.000 đồng/kg, trong đó, Hà Nội và Tuyên Quang có giá thấp nhất. Còn tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, giá heo cũng điều chỉnh 1.000-3.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Ở các tỉnh miền Nam, giá heo hơi hiện quanh mức 52.000-57.000 đồng, thấp nhất cả nước. Theo đó, thương lái tỉnh Đồng Nai đang thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 52.000 đồng/kg. Nguyên nhân là các chợ đầu mối ở TP. HCM đóng cửa, lượng tiêu thụ giảm tới 5.000 con mỗi ngày. Các địa điểm phân phối lớn đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch nên giá sản phẩm chăn nuôi như heo, gia cầm bán tại trại đồng loạt giảm. Trên thế giới, giá heo tại Trung Quốc cũng lao dốc với sức mua yếu.
4/ Tại đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines, các cổ đông đã thông qua chủ trương bán 6 máy bay cánh quạt ATR-72 để thay thế đội máy bay phản lực loại nhỏ nhằm cạnh tranh trên các đường bay đến sân bay nhỏ. Theo đó, kế hoạch bán máy bay ATR-72 nằm trong chủ trương đổi mới đội bay của Vietnam Airlines để thay thế dần các tàu bay thế hệ cũ bằng máy bay thế hệ mới. Ngoài ra, cách đây mấy năm Vietnam Airlines đã nghiên cứu lập công ty chuyên khai thác máy bay chở hàng. Nhưng các yếu tố về quy mô thị trường, mạng bay, chân hàng, luồng hàng đến và từ Việt Nam đi các nước chưa đem lại hiệu quả. Do dịch Covid-19 khiến hành khách sụt giảm nên năm 2020 và 2021 Vietnam Airlines đã thực hiện giải pháp tháo ghế 5 máy bay A 350, 2 máy bay A321 để chở hàng hóa.
5/ Những ngày qua, nhiều nông dân tại ĐBSCL đã ồ ạt thu hoạch tôm sớm hơn kế hoạch do lo sợ dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu ra khó khăn do giãn cách. Theo đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng phức tạp, lo ngại đầu ra sẽ khó khăn nên nhiều nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL đang thu hoạch tôm sớm dẫn đến lượng cung lớn, khiến giá tôm giảm. Do nông dân ồ ạt thu hoạch tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg tuần này tại Tiền Giang tiếp tục giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần qua và giảm khoảng 25.000 đồng/kg so với tháng trước. Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng ở khoảng 130.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có lãi nhưng không cao so với các năm trước.
6/ Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Viettel, VNPT và MobiFone đã gửi hồ sơ xin cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). Mục tiêu của việc triển khai mobile money là góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu… Với dịch vụ mobile money, người dùng có thể sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa. Không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng, sau khi có tài khoản mobile money được định danh, khách hàng có thể chi tiêu đến 10 triệu đồng/tháng.
7/ 6 tuần sau khi áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc, Malaysia vẫn đang ở trong tình trạng tê liệt vì Covid-19, và phải tìm mọi cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Theo đó, Các bệnh viện quá tải, nhân viên y tế kiệt sức, những người mất việc làm trở nên nghèo đói. Nền kinh tế tê liệt, lạm phát liên tục gia tăng, tới mức gấp đôi so với nước láng giềng Indonesia cũng đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, nếu tính theo đầu người. Sau sự khởi đầu chậm chạp, hiện 25% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và Malaysia có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% số người trưởng thành vào cuối tháng 8 và 60% vào cuối tháng 9 nếu các nhà cung cấp thực hiện đúng cam kết của họ.
8/ Theo Wall Street Journal và Reuters, sau gần 2 tuần bế tắc, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận về mức sản lượng dầu trong tương lai. Tình trạng bế tắc tạm thời, chưa từng có, bắt đầu diễn ra từ hồi đầu tháng 7 khi UAE từ chối phối hợp với kế hoạch sản lượng của OPEC mà đứng đầu là Saudi Arabia. UAE đã yêu cầu tăng mức cơ sở cho sản lượng dầu thô, mức tối đa mà OPEC công nhận có thể sản xuất, vì con số này sau đó được dùng để xác định mức cắt giảm sản lượng cũng như hạn ngạch của mỗi nước theo thỏa thuận sản lượng của nhóm.
9/ Trước nguy cơ chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc bị chậm trễ do thiếu vaccine, Ủy ban vaccine Quốc gia Thái Lan (NVC) vừa qua đã thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo thông báo về việc sẽ yêu cầu nhà sản xuất vaccine AstraZeneca tại Thái Lan giảm lượng vaccine xuất khẩu để tăng nguồn cung trong nước. Động thái này được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều lời kêu gọi chính phủ Thái Lan dành thêm lượng vaccine AstraZeneca do Tập đoàn Siam Bioscience sản xuất để dùng trong nước trong bối cảnh Thái Lan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 bùng phát. Trước đó, AstraZeneca đã gửi thư cho chính phủ Thái Lan nói rằng sẽ cung cấp cho nước này khoảng từ 5 đến 6 triệu liều vaccine mỗi tháng, có nghĩa là Thái Lan sẽ phải tìm kiếm thêm nguồn cung vaccine từ các nhà sản xuất khác. Malaysia và Philippines chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách này.
10/ Facebook sẽ chi 1 tỷ USD cho những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đến cuối năm 2022, sau khi đối thủ TikTok trở thành ứng dụng di động đầu tiên đạt 3 tỷ lượt tải xuống toàn cầu tuần trước. Theo đó, khoản đầu tư này sẽ bao gồm khoản tiền thưởng trả cho những người sáng tạo nội dung khi các chương trình của họ đạt được các mốc nhất định trên các ứng dụng của Facebook, trong đó có cả ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram. Được biết, Facebook hiện đang mở “hầu bao” để thu hút những người sáng tạo nội dung có lượng người hâm mộ/theo dõi lớn từ các nền tảng như YouTube của Alphabet Inc và ứng dụng TikTok. Nhiều nền tảng công nghệ lớn khác hiện cũng đang cố gắng thu hút và giữ người dùng trên mạng xã hội bằng các dịch vụ và phương thức thanh toán mới, như TikTok đã cam kết chi 2 tỷ USD để hỗ trợ những nhà sáng tạo nội dung trong ba năm.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA