Hàng gốm ở Bình Dương giờ đây toàn là “gốm nhập cư” từ nơi khá đem lại bày bán.

Ngành gốm của miền Nam trước đây tập trung ở ba khu vực chính là Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hoà (Đồng Nai) và Cây Mai (Sài Gòn).

Trong đó nổi bật nhất là gốm sứ Lái Thiêu với làng nghề gốm sứ hơn 100 lò.

Nhưng làng gốm Lái Thiêu trở thành điểm gây ô nhiễm vì khói. Bị dân khiếu nại, chính quyền quyết định yêu cầu các lò phải ngưng đốt củi, chuyển sang đốt điện. Vì không đáp ứng với yêu cầu đó, gần 100 lò gốm Lái Thiêu buộc phải bỏ lò để xây nhà trọ… Hơn 500 người làm nghề gốm giờ đang đối mặt với những trôi nổi cuộc đời…

Trôi nổi phận thợ

Sau năm 2000, khi nhiều lò gốm ở Lái Thiêu xoá sổ, ông Lợi, là một người thợ làm gốm lâu năm, xin vào làm cho một lò gốm ở ngã tư Hoà Lân, cách Lái Thiêu chừng 6 cây số. Ông cho biết: “Trên này có bốn lò củi, nhưng mới đây có hai lò, trong đó có lò tui đang làm, vừa ngưng hoạt động vì thuế cao quá”. Mất việc, ông Lợi phải phụ vợ bán hàng bông ở chợ Lái Thiêu, ăn ngủ ở đó luôn vì không có nhà. Ông không biết chữ, không có con.Nhờ ông Lợi chỉ đường, tôi lọ mọ tìm đến lò gốm đốt củi cũng ở gần ngã tư Hoà Lân.

Lò gốm đốt củi ở đây có bốn công nhân, trong đó có một người Việt và ba người Khmer.Khi tôi tìm đến được lò cũng là lúc nghỉ trưa, hai người thợ đang ngồi nhậu, mời khách vào làm một ly. Anh Út là một người Khmer, quê ở An Giang, kể: “Tui được chú Lim (người thợ đang ngồi nhậu chung) dẫn vào làm được ba tháng, mang theo bé con bốn tuổi, bé không biết tiếng Việt.

Hồi bé được một tuổi, mẹ bé lên thành phố làm công nhân rồi bỏ con, không về nữa. Bé cũng sắp đi học nên năm sau tui phải nghỉ làm về quê cho bé đi học mẫu giáo”, anh tâm tình sau khi cạn ly rượu đế giờ nghỉ trưa. Ông Lim cũng cho biết: “Tui và vợ con lên đây làm hai năm rồi, lương cũng đủ sống, nhưng để tiết kiệm tui ngủ ở lại lò, còn vợ con ở nhà trọ gần đây”. Nhìn cảnh hai người thợ ngồi bên chén rượu, không chắc hy vọng rực rỡ về tương lai của họ.

Hàng gốm Tàu

Tới Lái Thiêu, chạy qua cầu Đúc hướng về Chùa Bà, dọc bờ sông có các hẻm dẫn vào các lò gốm xưa. Trên sông, những ghe thuyền đậu sát vào nhau, chở đầy những sản phẩm gốm sứ như lu, khạp, chén, dĩa, chậu… Xe tải đậu trước các cửa hàng, nhiều nhà bán lẻ cũng đem xe máy đến các cửa hàng để lấy hàng, phía trên khu công viên bờ sông có sẵn những chiếc xe ba gác cũ sẵn sàng chở hàng cho khách mua lẻ. Khung cảnh “trên xe dưới thuyền” như còn giữ được nét của một làng nghề gốm sứ.

Nhìn thấy vậy, tưởng chừng nghề làm gốm ở Lái Thiêu vẫn còn “ngon” lắm, nhưng không phải vậy. Khi có quyết định chuyển từ lò củi sang lò điện, nhiều chủ lò chuyển đi nơi khác như Tân Uyên, Bến Cát, Bến Lức… để tiếp tục làm nghề gốm với quy trình đốt than củi. Chỉ ít chủ lò như: Cường Phát, Minh Long… chấp nhận đầu tư lò điện để tiếp tục sản xuất. Ghé một cửa hàng, tôi hỏi mua vài chậu nhỏ trồng cây kiểng bonsai.Chủ cửa hàng cho biết, hầu hết những chậu kiểng nhỏ cỡ trồng cây bonsai có xuất xứ từ làng gốm sứ Bát Tràng. Tôi hỏi thêm về gốm sứ Trung Quốc, chủ cửa hàng lảng tránh.

Còn như lời ông Tuấn, một khách hàng đến sau, cho biết: “Hàng ở đây đều là hàng ở chỗ khác đem lại. Hàng sản xuất ở đây ít lắm.Nơi nào có thị trường tiêu thụ, người ta đem hàng tới đó để bán”.

May mắn gặp được bà M., chuyên lấy hàng ở Lái Thiêu từ hồi 1975 để đi bán lẻ, cứ ba, bốn hôm là lấy hàng mới. Bà cho biết, thực sự gốm sứ Lái Thiêu đã tàn lụi, thị trường hàng gốm sứ gia dụng hiện nay như chén, tô, đĩa hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc! Bà cũng đang bán những món hàng Trung Quốc, vì hàng gốm Lái Thiêu không còn hàng có kiểu đẹp, dày và rẻ.Chén Trung Quốc chừng 50.000 – 60.000 đồng/một chục; còn của Cường Phát, Minh Long tới cả trăm ngàn, đắt quá. Mấy loại chén của lò trên Tân Uyên, Bến Cát, Bến Lức…, dù rẻ nhưng kiểu dáng xấu, giờ những lò gốm đó chỉ chuyên về lu, chậu…

Theo lời bà M., có những nhà buôn gốm sứ lớn ở Lái Thiêu đặt hàng bên Trung Quốc, chỉ cần in vài chữ cái Latinh, thay vì chữ Trung Quốc để “đánh lận con đen”. Nhờ vậy mà khu vực buôn bán gốm sứ Lái Thiêu vẫn còn sống ngon!

Nguyên Phát (theo TGTT)