Ông Nguyễn Lâm Viên

“Với công nghệ sấy đông khô, tôi chắc rằng các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn làm được và làm tốt” – ông Nguyễn Lâm Viên nói.

Sau chuyến tham quan thực tế tại hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống Sial – Thượng Hải từ 13 – 19/5 cùng đoàn DN HVNCLC, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty cổ phần Vinamit, đã chia sẻ với chúng tôi về ứng dụng công nghệ sấy làm gia tăng giá trị nông sản, cũng như những khác biệt mà thế giới đang làm trong ngành chế biến trái cây.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, quan sát từ hội chợ Sial – Thượng Hải, về mặt công nghệ trong lĩnh vực chế biến trái cây, thì chưa có gì quá mới, mang tính đột phá. Với những sản phẩm được trưng bày, chào bán, cho thấy công nghệ sấy đông khô đang được sử dụng nhiều hơn, từ những loại sản phẩm ăn chơi cho đến những sản phẩm đảm bảo dinh dưỡng, hương vị, màu sắc…

“Với công nghệ sấy đông khô, tôi chắc rằng các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn làm được và làm tốt. Nhưng vấn đề của chúng ta là ứng dụng ở quy mô lớn, mang tính phổ biến thì chưa nhiều”. Theo ông Viên, tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đang sử dụng các dạng công nghệ phổ biến, sấy tươi là IQF, sấy đông khô frezze – dried… “So với Trung Quốc, chúng ta còn rất khiêm tốn, khi họ đã làm thành công xưởng, đại trà, quy mô rất lớn”, ông Viên đánh giá

Khảo sát trực tiếp những đơn vị tham dự hội chợ Sial – Thượng Hải, ông Viên nhận xét thêm: “Thật ra thì công nghệ vẫn thế, nhưng các doanh nghiệp thế giới họ biết cách sáng tạo, ứng dụng thêm kiến thức mới các trong cách tạo ra sản phẩm. Có những sáng tạo kết hợp giữa xu hướng tiện ích của người tiêu dùng và thói quen truyền thống ngày xưa, để tạo nên tính mới trong sản phẩm. Trong đó, những sáng tạo thấy rõ trong các sản phẩm từ ngũ cốc, rau củ quả… Cũng chỉ từ nông sản, nhưng họ tạo ra nhiều món ăn mới, lạ tạo sự tò mò và kích thích tiêu dùng. Thị trường vì vậy mà sôi động, đa dạng hơn, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng truyền thống cho cơ thể. Sấy đông nhưng không “đóng băng” sản phẩm là vậy”.

Khẳng định rằng đây là cách làm mang tính đột phá, ông Viên cho hay, người tiêu dùng ngày nay do vậy đang lãng quên các thứ mang tính truyền thống luôn được coi trong trong việc nạp dinh dưỡng qua các bữa ăn hàng ngày là ngũ cốc và các loại trái cây, rau củ quả.

Trong khi đó, nhìn ở thị trường Việt Nam, chúng ta vẫn đang trong trào lưu của “thực phẩm hiện đại”, xa dần xu hướng thực phẩm bền vững. Do vậy, Việt Nam vẫn chậm hơn so với các nước về thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ.

Ông Viên đề xuất khi tham dự những hội chợ quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần đi theo đoàn, kiểu “buôn có bạn, bán có phường”, tương trợ, cùng nhau khai phá thị trường, tạo ra sức mạnh cộng đồng.

Về riêng lẻ, một doanh nghiệp muốn vào sân chơi mới, phải có thông tin và phải hiểu luật chơi.Trong đó, việc đầu tiên sản phẩm phải có “chuẩn mực, chuẩn chất”.Để có tiêu chuẩn phải học hỏi từ thế giới, muốn có chất lượng phải có đầu tư cho công nghệ.Kế đến, giá cả phải hấp dẫn.

“Ngoài các yếu tố trên, quan trọng không kém là phải có lợi thế vùng nguyên liệu, nhất là tận dụng các nguồn tài nguyên bản địa để tạo ra giá trị linh hồn cho sản phẩm. Phải như vậy chúng ta mới có cơ may và cơ hội bước vào thị trường thế giới và tạo ra tên tuổi cho mình”, ông Viên gợi ý.

Trần Quỳnh (Theo TGHN)