Việt Nam hiện có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Du Kiến Hoa ký có hiệu lực từ ngày 11-7-2922.

Nội dung cụ thể thực chất là các yêu cầu kỹ thuật liên quan các tiêu chuẩn thực hành tốt trong nông nghiệp, chẳng hạn như GlobalGAP, localGAP, VietGAP… Các yêu cầu cơ bản phải đáp ứng bao gồm cho cả vùng trồng và cả nhà máy đóng gói.

Đối với vùng trồng phải có mã số đã đăng ký, quá trình trồng trọt và chăm sóc sầu riêng phải có nhật ký ghi chép đầy đủ từ cây giống đến thu hoạch. Quy trình chăm sóc và thu hoạch có được tuân thủ; các quy định cấm và hạn chế đối với thuốc bảo vệ thực vật cả Việt Nam và Trung Quốc đã được tuân thủ như thế nào và phải có đủ hồ sơ chứng minh. Đặc biệt một số sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm gồm có 1 loài ruồi, 3 loài rệp, 2 loài nấm.

Riêng cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm tất cả các thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng, ngày xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu, nước nhập khẩu, số container và các thông tin khác liên quan.

Điều 5 của Nghị định thư cho biết trong hai năm đầu áp dụng, cán bộ quản lý nông nghiệp (MARD) phải lấy mẫu 2% để thực hiện kiểm dịch thực vật và đảm bảo kết quả về dư lượng thuốc BVTV và các sinh vật cấm không vượt ngưỡng cho phép. Sau hai năm nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì sẽ lấy mẫu giảm xuống còn 1%. Trường hợp vi phạm, vùng trồng và các cơ sở đóng gói liên quan sẽ không được xuất khẩu vào Trung Quốc trong suốt mùa vụ còn lại. MARD phải tiến hành điều tra nguyên nhân, khắc phục hiệu quả, lập hồ sơ báo cáo cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Trong một số trường hợp, nếu phía Trung Quốc phát hiện sự không tuân thủ hay vi phạm kiểm dịch thực vật (lẫn đất, lá, sinh vật…) thì lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy. Một số trường hợp sẽ bị tạm dừng nhập khẩu cho đến khi MARD thực hiện các hành động khắc phục hiệu quả và được GACC xem xét đánh giá và gỡ bỏ.

Ngoài ra, năm đầu tiên Nghị định thư có hiệu lực, GACC sẽ thực hiện kiểm tra thực tế hoặc trực tuyến với sự hỗ trợ của MARD, tại các vùng trồng sầu riêng của Việt Nam để xác nhận hệ thống quản lý sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phù hợp với các yêu cầu của Nghị định thư này không.

Theo báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng sầu riêng cả nước đạt 588.025 tấn/năm, trong đó Đồng bằng sông Hồng & Bắc Trung bộ 59 tấn, duyên hải Nam Trung bộ 10.475 tấn, Tây Nguyên 193.314 tấn, Đông Nam bộ 83.622 tấn, ĐBSCL 300.556 tấn chiếm hơn 51%.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, cả nước hiện có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Danh sách này đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt và cập nhật lên website trước khi lô hàng sầu riêng đầu tiên tại Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc.

Với 123 mã số vùng trồng được cấp và đang đăng ký chiếm bao nhiêu % diện tích vùng trồng sầu riêng cả nước. Trong tổng số diện tích trồng sầu riêng được bao nhiêu vùng trồng đạt tiêu chuẩn GAP thực sự và có duy trì để đảm bảo đạt các yêu cầu của Nghị định thư. Điều này cho thấy ngay cả thị trường Trung Quốc xưa nay có tiếng dễ cũng đã yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm không khác gì thị trường Âu, Mỹ. Vậy lý do gì các nhà vườn, nhà nông… chưa khẩn trương xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

Điều ngặt nghèo cuối cùng, nếu phía Việt Nam không đủ chặt chẽ các khâu kiểm tra chất lượng, để lọt sản phẩm không an toàn, không đạt kiểm dịch thực vật, thì không những lô hàng đó bị tiêu hủy mà phía Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu hay “gắn thẻ vàng” sầu riêng Việt Nam.

Phước Hòa / BSAS

Các ngôi sao Bolywood khuấy động thị trường thịt thực vật ở Ấn Độ