PTT nổi tiếng có những bước đi táo bạo nhưng thành công bất ngờ. Ảnh: Business Thailand TV

Tiêu điểm:

Tập đoàn dầu khí Thái Lan nhắm đến thị trường đạm thực vật

PTT Group đã bắt đầu kinh doanh thực phẩm làm từ thực vật trong nỗ lực đa dạng hóa ngành kinh doanh và đáp ứng giảm thiểu lượng khi thải. Gã khổng lồ trong ngành hóa dầu mới đây đã hợp tác với công ty đồng hương hãng thực phẩm hàng đầu NR Instant Produce để sản xuất đạm thực vật, bao gồm thịt làm từ đậu nành.

PTT gọi đây là “thực phẩm cho tương lai”. Với hoạt động mới này, PTT hy vọng rằng công ty sẽ trở nên ít phụ thuộc hơn vào hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, tức xăng dầu.

Ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật hiện trị giá 35 tỷ USD trên toàn cầu và có thể tăng lên 68 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Auttapol Rerkpiboon, CEO kiêm chủ tịch của PTT, nói rằng tập đoàn đã đầu tư 300 triệu baht (9,6 triệu USD) vào một công ty con của NR Instant, với các hoạt động thương mại được dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2022. PTT sẽ cung cấp các khoản đầu tư và mạng lưới hoạt động, trong khi NR Instant sẽ sử dụng chuyên môn của mình trong việc phát triển các sản phẩm đạm thay thế cho thị trường thực phẩm thực vật.

Khoản đầu tư tương đối nhỏ này là một phần trong chiến lược đa dạng hóa của PTT bằng cách theo đuổi các hoạt động kinh doanh khoa học đời sống có giá trị gia tăng. PTT đã có kế hoạch để kiểm soát và vận hành toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành kinh doanh đạm protein thay thế này, từ khâu phát triển, sản xuất đến khâu phân phối.

Nhà máy sản xuất cho hoạt động mới này của PTT sẽ được đặt tại Thái Lan với công suất 3.000 tấn/năm, cao nhất cả nước. Auttapol cho biết: “Hoạt động sản xuất sẽ được phân chia đều trên toàn bộ thị trường Đông Nam Á”.

Theo Krungthai Compass, chi nhánh nghiên cứu của Ngân hàng Krungthai, thị trường thực phẩm thực vật nội địa của Thái Lan hiện có giá trị khoảng 28 tỷ baht (899 triệu USD) hàng năm và được dự báo sẽ tăng 10% mỗi năm lên 45 tỷ baht. Ngoài ra, các loại dịch bệnh mới được phát hiện ở gia súc và gia cầm trong thời gian qua đã gây ra những mối lo ngại về sức khỏe, giúp chỉ rõ ra các cơ hội trong lĩnh vực protein có nguồn gốc từ thực vật.

Ngoài việc đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm thay thế, PTT còn đa dạng hóa đầu tư sang các lĩnh vực kinh doanh khoa học đời sống khác. Chẳng hạn, PTT cũng đã đầu tư 24 tỷ baht (770 triệu USD) vào hoạt động sản xuất găng tay y tế, với mục tiêu chiếm lấy một phần của thị trường thiết bị y tế, đang phát triển mạnh mẽ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

PTT nổi tiếng có những bước đi táo bạo nhưng thành công bất ngờ. Năm 2002, chuỗi Café Amazon được thành lập nhằm giúp tập đoàn tìm kiếm nguồn lợi nhuận mới khi chuyển dịch dần ra khỏi các nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt.

Đến nay, chuỗi cà phê hàng đầu Đông Nam Á đã có hơn 3.000 cửa hàng tại Thái Lan và các nước khác gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Malaysia, Singapore, Oman, Trung Quốc và Nhật Bản. Chuỗi này dự định sẽ đầu tư 2,39 tỷ USD trong 5 năm tới để đạt 5.200 cửa tiệm và trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới.

Tại Việt Nam, Café Amazon đã đầu tư 3,5 triệu USD để mở bốn tiệm tại Bến Tre, TP.HCM, Mỹ Tho và Trà Vinh. Tiệm cà phê thứ năm của chuỗi khai trương tại quận Gò Vấp chỉ vài ngày trước khi lệnh giãn cách 16 được ban hành. Café Amazon dự định mở tiệm thứ 6 tại Big C Đồng Nai. Chuỗi này sẽ nương theo sự phát triển và lan rộng của tập đoàn bán lẻ Central Retail vốn là chủ sở hữu chuỗi siêu thị Big C cũ.

Tại Thái Lan, Café Amazon đang phát triển chuỗi cà phê có trạm sạc điện dành cho xe hơi. Hiện có khoảng 30 quán có trạm sạc điện, Café Amazon đặt mục tiêu có hơn 100 trạm vào cuối năm nay và 300 trạm sạc điện cuối năm 2022.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,5 – 57,1 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với hôm trước, chênh lệch hai đầu vẫn là 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.853,3 USD/ounce, giảm 12 USD, tương đương 0,68% so với chốt phiên trước. Áp lực lên giá vàng trong tuần này đã tăng lên khi mà lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng.

2/ Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định các doanh nghiệp ngành hàng không đang đứng bên bờ vực phá sản. Theo Bộ KH&ĐT, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5-65,9 % so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019. Nguy hiểm hơn, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không đã giảm khoảng 80 % so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Theo đó, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Các doanh nghiệp hàng không đang đối mặt với khó khăn chưa từng có. Ảnh: Dân Trí

3/ Ngày 16/6, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu vải thiều Việt Nam so với dự kiến trước đó để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ nhập lô thứ 2 ngay trong tuần này. Theo Cục Xúc tiến thương mại, nhiều khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Á Châu, sau khi được nếm thử trái vải Thanh Hà đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon và ngọt dịu đặc trưng. Mặc dù có giá chung của thị trường là 18 euro/hộp 1 kg, nhưng nhiều khách hàng đã mua tới 5 kg cho cả gia đình và làm quà cho bạn bè người Pháp. Được biết, Lô hàng gần một tấn vải thiều được nhập khẩu vào sân bay quốc tế Charles de Gaulle ngày 12-6 là lô hàng đầu tiên vào thị trường Châu Âu có mang theo tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương xây dựng.

4/ Bộ Công Thương đã có quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan với mức 47,64%, áp dụng trong 5 năm. Quyết định này được đưa ra trên cơ sở các điều tra cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

5/ Tiếp tục đứng trong top 10 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất năm 2021, đồng thời đứng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng của bảng xếp hạng, lần thứ 9 liên tiếp Vinamilk có tên trong danh sách thường niên do Forbes Việt Nam đánh giá, xếp hạng. Theo đó, Với Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất năm 2021 do tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố trong bối cảnh hơn một năm chống chọi với những khó khăn do đại dịch, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn nằm trong top 10 doanh nghiệp dẫn đầu, lẫn giữ vị trí số 1 ở ngành hàng tiêu dùng về doanh thu và lợi nhuận. Dữ liệu của Forbes Việt Nam ghi nhận 50 công ty trong danh sách năm 2021 đạt tổng doanh thu hơn 1.219 ngàn tỉ đồng, tăng 8,7% so với 50 công ty trong danh sách xếp hạng năm 2020.

6/ Theo CNBC, đã nhiều năm nay, Trung Quốc là nơi tập trung của hơn nửa những mỏ đào tiền mã hóa của thế giới, giờ đây, Trung Quốc muốn “tống khứ” các mỏ này càng sớm càng tốt. Theo đó, thủ phủ mới của hoạt động đào tiền mã hóa tiếp theo của thế giới có nhiều khả năng sẽ là bang Texas của Mỹ. Dù rằng thiếu nguồn dự trữ và trải qua tình trạng mất điện tồi tệ trong mùa đông vừa qua, bang Texas hiện vẫn đang có giá năng lượng thấp nhất thế giới. Tỷ lệ thị phần của Texas trong ngành năng lượng tái sinh của thế giới đang tăng chóng mặt. Được biết, Hoạt động đào tiền mã hóa, về bản thân nó, rất tiêu tốn năng lượng, đồng thời tạo ra các đồng tiền mới, cũng như lưu trữ tất cả các giao dịch của tiền mã hóa hiện tại.

7/ Theo Financial Times, giá heo hơi trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên hiện đã giảm tới 7,1%, chạm mức đáy 18.550 Nhân dân tệ (2.900 USD)/tấn. Theo đó, giá thịt heo tại Trung Quốc đang tụt xuống thấp ở mức kỷ lục vì dư nguồn cung khiến nông dân lo lắng giá heo sẽ còn giảm nên tiếp tục giết mổ để phá đàn, khiến tình hình càng tệ hơn. Được biết, giá thịt heo ở Trung Quốc đã giảm gần 50% trong năm nay, xuống còn 23,57 Nhân dân tệ/kg (3,68 USD/kg), mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2019. Trung Quốc đã phải vật lộn để kiểm soát biến động về giá thịt heo kể từ khi dịch tả heo châu Phi bắt đầu hoành hành ở nước này vào năm 2018. Các nhà chức trách đã khuyến khích nông dân chăn nuôi nhiều heo hơn và bổ sung nguồn dự trữ thịt lợn của đất nước sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, khiến giá cả bị ảnh hưởng.

8/ Ấn Độ là nước sản xuất cà chua lớn thứ hai thế giới, nhưng người nông dân nước này đang phải đối mặt với tình cảnh rớt giá, thất thu trong trong vụ mùa có sản lượng cao. Theo đó, dù hiện là vụ mùa bội thu, nhưng người nông dân lại kém vui vì mức giá giảm mạnh, do nhu cầu tiêu thụ cà chua lao dốc trong thời điểm chính quyền thực thi đóng cửa, hạn chế di đi lại, ảnh hưởng lớn đến giao thương, vận chuyển hàng hóa. Bình thường, một túi cà chua 15 kilogam có giá từ 250-300 rupee (khoảng 3,40 – 4,10 USD), nhưng nay rớt xuống chỉ còn 70 rupee, thậm chí có thời điểm 30 rupee. Người nông dân giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để cà chua chín thối trên đồng, hoặc đem chất đống, đổ bỏ bên vệ đường.

Người nông dân ở Kolar đổ bỏ cà chua vì không tiêu thụ được. Ảnh: Nikkei

9/ Cơ quan Sở hữu trí tuệ (EUIPO) của Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố một báo cáo cho biết cứ 10 người thì có 1 người châu Âu đã bị lừa mua phải hàng giả, hầu hết đến từ châu Á. Theo số liệu của EUIPO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hàng giả chiếm 6,8% hàng hóa nhập khẩu vào EU và trị giá tới 121 tỷ euro (147 tỷ USD). Hàng giả xuất hiện ở mọi lĩnh vực, từ quần áo đến điện tử, đồ chơi, rượu. Báo cáo cho biết 9% người châu Âu “thừa nhận đã bị lừa mua hàng giả”. Tuy nhiên, tỷ lệ này khác biệt tùy theo từng nước. Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, khi thương mại điện tử nở rộ khắp toàn cầu do đại dịch COVID-19, có tới 70% người châu Âu mua sắm qua mạng trong năm 2020.

10/ Pháp đã có kế hoạch để thành lập các siêu tập đoàn công nghệ với giá trị vốn hoá của mỗi công ty khoảng 120 tỷ USD vào năm 2030, nhằm cạnh tranh với các đối thủ Mỹ đang thống trị lĩnh vực này. Theo đó, quốc gia này đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thành lập 10 siêu tập đoàn công nghệ với mỗi công ty có giá trị vốn hóa 100 tỷ euro (khoảng 120 tỷ USD) vào năm 2030 nhằm cạnh tranh với các đối thủ Mỹ đang thống trị lĩnh vực này. Được biết, kế hoạch này là một phần trong một sáng kiến toàn châu Âu mà Pháp đang nỗ lực dẫn dắt để tăng nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp, nhất là ở giai đoạn phát triển về sau, giúp họ trở thành những tập đoàn lớn hơn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và nhân viên cao cấp. Vào năm ngoái, Tổng thống Pháp đã hy vọng rằng quốc gia sẽ có 25 “kỳ lân” vào năm 2025.

11/ Kết quả điều tra dân số mới công bố cho thấy với tốc độ 1,1% trong 10 năm qua, Singapore đang ở mức tăng trưởng dân số thấp nhất kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập năm 1965. Theo Reuters, trong vòng 10 năm qua, dân số Singapore tăng từ 3,23 lên 3,52 triệu người. Ngày càng nhiều người chọn cuộc sống độc thân, trong khi những cặp vợ chồng cũng sinh ít con hơn. Được biết, năm 2020, dân số Singapore giảm 0,3%, còn 5,7 triệu người, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2003. Bên cạnh đó, giống như nhiều quốc gia phát triển khác, Singapore cũng đang phải vật lộn với hệ lụy của tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Hơn thế nữa, trong khi người dân Singapore quyết định sinh ít con hơn, chính phủ nước này cũng thắt chặt các chính sách nhập cư.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

“Taxi bay” sẽ sớm xuất hiện trên bầu trời đô thị sau đại dịch