Một mẫu xe máy của hãng Honda

Trong số hàng ngàn vụ việc được Thanh tra Bộ KH&CN xử lý mỗi năm về vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên cả nước, có không ít vụ việc liên quan trực tiếp tới ngành công nghiệp xe máy. Nổi cộm nhất là các vụ giả mạo nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, xâm phạm sáng chế…

Cứ ra mắt kiểu dáng mới là bị sao chép

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), các dòng xe như Wave, Dream của Honda hay Best của Suzuki là bị sao chép kiểu dáng với số lượng rất lớn. Dù các hãng đã liên tục thay đổi kiểu dáng nhằm đối phó lại tình trạng này nhưng cứ sau khi ra mắt kiểu dáng mới được một thời gian thì các mẫu xe máy Trung Quốc kiểu dáng tương tự lại xuất hiện trên thị trường.

Bên cạnh đó là tình trạng làm giả phụ tùng xe máy với con số gần 10.000 phụ tùng giả các loại đã bị xử lý, phần lớn là nhập lậu.

Vấn đề phụ tùng xe giả, chất lượng kém đe dọa trực tiếp đến chất lượng của xe máy và sự an toàn của người điều khiển xe. Tuy nhiên, do nhu cầu thay thế phụ tùng xe rất lớn nên các đối tượng nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phụ tùng giả luôn bất chấp mọi nguy cơ để thực hiện các hành vi vi phạm.

Đã thế người làm hàng giả vẫn sống khỏe vì có một bộ phận người tiêu dùng vẫn thích dùng hàng giả vì có giá rẻ.

Xử lý xong lại tái phạm

Năm 2015, Công ty Piaggio Việt Nam năm 2015 khi kếu kiện thành công Công ty Sản xuất xe máy điện DK, trụ sở tại Lạng Sơn, về hành vi sản xuất xe điện có kiểu dáng giống xe Vespa của Piaggio. Cơ quan chức năng đã tịch thu và tiêu hủy hơn 100 xe điện, phạt hành chính đơn vị vi phạm gần 200 triệu đồng. Thế nhưng sau đó, bên xâm phạm lại thay đổi thiết kế mới, thiết kế mới này lại xâm phạm kiểu dáng của Piaggio.

Tình trạng xử lý xong lại tái phạm không còn là hiếm. Theo Thanh tra Bộ KH&CN, hiện có 4 nhóm biện pháp xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ là hành chính, dân sự, hình sự và biện pháp kiểm soát qua biên giới (hải quan). Trong đó có tới trên 98% các vi phạm được xử lý bằng các biện pháp hành chính (bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm).

Hành chính là biện pháp đang được cơ quan chức năng sử dụng mạnh và nhiều nhất, có thể chấm dứt việc xâm phạm trong thời gian ngắn nhưng lại không cho phép yêu cầu bồi thường. Thế nhưng mức xử phạt tối đa 500 triệu đồng hiện nay được cho là quá thấp khiến bên vi phạm không sợ.

Hiện VAMM đã gửi một văn bản kiến nghị về thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đề xuất 2 nhóm giải pháp:

Một là kiện toàn lại khung pháp lý với một số đề xuất như mở rộng đối tượng sở hữu trí tuệ mà việc xâm phạm các đối tượng này là cấu thành tội hình sự; nâng cao chế tài phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ trong xử phạt vi phạm hành chính.

Hai là nâng cao năng lực thực thi, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp, các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước… để đối phó với vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tổng hợp từ Pháp Luật TP.HCM