Buổi tọa đàm tại hội thảo về “Tiêu chuẩn và chất lượng – con đường đưa Việt Nam thành bếp ăn của thế giới” tại Hà Nội.
Vừa rồi, tôi đọc được một tin quan trọng với người quan tâm nông nghiệp – nông sản như tôi: Việt Nam phấn đấu vào Top 10 trung tâm chế biến nông sản thế giới vào năm 2030.
Nội dung có nhấn rõ thêm, Top 10 với một số tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế.
8 năm – Top 10. Vậy là còn 8 năm để phấn đấu. Rất thách thức và quyết liệt. Bởi bây giờ chúng ta vẫn đang xuất thô tới 80% nông sản. Theo Bộ Nông nghiệp, tỷ lệ rau quả chế biến xuất khẩu năm 2020 là 18%.
Việc chế biến không phải là cầm món nông sản nào đó lên đem chế là nó biến, mà phải là chuyện cung ứng nông sản đã chế biến sau một quy trình, một chuỗi hoạt động. Bắt đầu dĩ nhiên từ nông sản thô, đem đi chế biến, trải qua công đoạn dùng công nghệ đem lại giá trị gia tăng cho nguyên liệu. Tham gia được Top 10 trung tâm chế biến nông sản thế giới mới là cuộc bình chọn từ sức cạnh tranh, cũng có nghĩa là cạnh tranh cả chuỗi, từ A là nông sản thô đến Z bán được trên thị trường với chuẩn chất chấp nhận được.
Theo thống kê chính thức, công nghiệp nông lâm thủy sản chế biến của Việt Nam chiếm 17% GDP – so với tỷ lệ 23% của Thái Lan.
Cách đây nửa tháng, tôi có tham gia một cuộc tọa đàm tại hội thảo và triển lãm “Tiêu chuẩn và chất lượng – con đường đưa Việt Nam thành bếp ăn của thế giới”. Một số diễn giả và cử tọa trình bày kinh nghiệm của họ, chứng minh rằng “ẩm thực Việt Nam xứng danh top đầu thế giới”. Các câu chuyện thật được kể. Mở một nhà hàng Việt Nam ở Ý, Na Uy, Thụy Điển… thì dân địa phương và cả du khách xếp hàng dài mua thực phẩm ngon hay vào nhà hàng ăn. Nhiều món ăn Việt Nam vào hàng “được ưa thích nhất” với khách du lịch thế giới vì khẩu vị tinh tế, nhiều rau, ít mỡ dầu, hương vị ngon đặc sắc… Tất cả đều có lý. Ngay cả ở những hội chợ “thực phẩm và đồ uống” thì việc thực khách xếp hàng dài trước gian hàng Việt Nam, hơn cả gian hàng Trung Quốc hay Thái Lan vẫn là chuyện thường thấy.
Nhưng hôm đó, tôi đã bày tỏ ý kiến khác. Ẩm thực Việt nhất thế giới không đồng nghĩa với công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam cũng chiếm vị trí cao nhất như vậy. Vì kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ catering (Horeca) hoàn toàn khác với công nghiệp chế biến thực phẩm.
Và cái món thứ hai thì chúng ta còn phôi thai lắm. Cứ cầm chai nước mắm có tên Việt Nam, nước mắm Phú Quốc mà toàn Product of ThaiLand là rõ thôi. Hoặc cứ thu gom lại các thư từ tin nhắn của bạn bè các nước hỏi phải mua ST 25 ở đâu là đủ hiểu, dù ST 15 chưa phải chế biến gì.
Từ nghệ thuật ẩm thực hàng đầu cho tới công nghiệp chế biến nông sản top 10, hôm nay chính phủ đã phải hẹn 8 năm nữa. Nhưng theo tôi, con số 8 năm là lạc quan quá. Trong 8 năm đó, ít nhất phải thấy trước những chặng đường và cột mốc rõ ràng, kế hoạch và lộ trình cùng hệ thống công việc các bên liên quan.
ông dân và các bạn Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp mang sản phẩm mà họ chế biến đến Hội chợ Thaifex (tháng 5/2022).
Cho phép tôi nêu vài ý để hình dung. Trước khi xác định về công nghệ, nhà máy, thiết bị, máy móc, phòng thí nghiệm, tay nghề công nhân… thì cần xác định ngay: chọn chế biến gì?
Thấy gì làm nấy, có gì làm đó là không được rồi.Mà muốn chọn gì thì cần phải có hệ thống R&D các cấp về kỹ thuật và các tổ chức nghiên cứu thị trường để xác định đối tượng chế biến. Hệ thống R&D trên cả nước hiện nay cũng có nhưng còn chia cắt cho những “nhu cầu mưu sinh” riêng lẻ. Cần tạo cơ chế cho các trường đại học liên quan và các viện nghiên cứu chuyên ngành được hoạt động năng động, không gò bó vào quy định hành chánh. Xác định công nghệ càng quan trọng. Xu hướng thị trường đang dẫn dắt tới nhiều hình thức “đạm thay thế”, một nhu cầu đang khá xa nhu cầu ăn cho no, nếu ngon chút càng tốt, nhưng lại ít dinh dưỡng của Việt Nam hiện nay. Nhìn xu hướng nổi trội là Xanh, Bền vững, nhiên liệu và năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn… thì có thể định hướng công nghệ sẽ ứng dụng cho công nghiệp chế biến.
Hiểu thị trường, các xu hướng chi phối hiện nay và sắp tới cũng là điều kiện để định hướng đầu tư cho công nghiệp chế biến.
Và căn cơ nhất vẫn là giáo dục, trang bị lại nhận thức cùng hành động cho nông dân, doanh nghiệp về yêu cầu bắt buộc cho giai đoạn hội nhập hiện nay: cần có hệ thống quản lý chặt chẽ, có quy trình, kỷ luật, luôn tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo lòng tin của khách hàng, từ đó duy trì và phát triển kinh doanh mới bền vững.
Tôi có những ví dụ về các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam chỉ xuất khẩu kiệu chua, cà pháo, mắm tôm mà FDA Mỹ, BRC Anh luôn tôn trọng sau mọi kỳ kiểm định đột xuất và hiện phát triển ổn định trong khi nhiều nhà máy lớn vẫn bị thổi còi về vi phạm tiêu chuẩn. Như vậy, tín nhiệm của thị trường thế giới không chỉ lệ thuộc qui mô doanh nghiệp.
So sánh một chút với một nền chế biến thực phẩm đáng học hỏi là Thái Lan. Nông dân của họ cũng như nông dân mình, chỉ lo sản xuất và muốn bán nông sản sao cho có lời tốt nhất. Họ khác mình ở chỗ có một hệ sinh thái chung quanh người nông dân, biến cả nền nông nghiệp Thái thành nền kinh tế mạnh với nền chế biến sâu và hiệu quả; luôn được nâng cấp bằng hệ thống R&D mạnh (từ các viện, trường đại học có ngân sách để nghiên cứu và có tự do học thuật); hệ thống quản lý tiêu chuẩn mạnh với các bộ ngành nhà nước sát cánh trang bị, đồng hành, giám sát việc tuân thủ tiêu chuẩn của các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; có một hệ thống các nhà kinh doanh nông sản có kinh nghiệm, có quan hệ tin cậy nhiều năm với thị trường thế giới; và có hệ thống các tổ chức xúc tiến, phân phối có nghề, tận tâm để đưa nông sản đến các thị trường lớn thế giới.
Chừng ấy, kể một lúc là quá nhiều nên ta cần phải tự phân tích bản thân nền chế biến nông sản Việt Nam hiện nay và sắp xếp thứ tự ưu tiên cùng với nghệ thuật liên kết với nhau thật nhịp nhàng hài hòa.
Tôi dùng hai từ “nghệ thuật” vì chỉ kỹ thuật chắc là không xong với quán tính “ít khi chịu hợp tác” của các tổ chức Việt Nam với nhau.
Vũ Kim Hạnh