1. Lễ hội mua sắm lớn nhất Trung Quốc dự kiến ảm đạm
Đa số người tiêu dùng ở Trung Quốc đang có kế hoạch hạn chế chi tiêu vào lễ hội mua sắm lớn nhất năm nay: Ngày Độc thân 11/11. Đó là kết luận từ cuộc khảo sát đối với trên 3.000 người tiêu dùng trong nước do hãng cố vấn toàn cầu Bain and Company thực hiện.
Theo báo cáo, đối với lễ hội năm nay, 77% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ không có kế hoạch tăng chi tiêu. Con số này cao hơn một chút so với mức 76% được báo cáo vào năm ngoái và chênh đáng kể so với mức 49% vào năm 2021. Tăng trưởng kinh tế chậm lại và những lo lắng về thu nhập trong tương lai đã đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng trong vài năm qua.
2. Thương hiệu phương Tây ‘thấm đòn’ khi người dân Trung Quốc thắt chặt hầu bao
Các thương hiệu hàng đầu của phương Tây từ Apple, nhà sản xuất iPhone, Esteé Lauder, hãng mỹ phẩm cao cấp của Mỹ cho đến Canada Goose, nhà sản xuất hàng thời trang mua đông của Canada, đang cảm nhận rõ rệt tác động khi người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu dè sẻn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Apple, Esteé Lauder, Canada Goose cùng nhiều thương hiệu cao cấp khác của phương Tây báo cáo kết quả yếu kém trong quí gần nhất do nhu cầu ở thị trường Trung Quốc không như kỳ vọng. Một số thương hiệu cho biết, nhiều khách hàng Trung Quốc vẫn chưa “mở ví” trở lai sau gần một năm Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế kiểm soát Covid-19.
Ngay cả một số công ty Trung Quốc cũng đang cảm thấy khó khăn. Tuần trước, Yum China, công ty điều hành các cửa hàng thức ăn nhanh KFC, Pizza Hut và Taco Bell ở Trung Quốc báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 không đạt được kỳ vọng. “Hiệu ứng thịnh vượng từ thị trường chứng khoán và bất động sản gần như đã biến mất”, Jason Yu, Tổng giám đốc của CTR Media Convergence Institute, một công ty nghiên cứu thị trường, nói khi đề cập đến thực tế là xu hướng suy giảm của thị trường chứng khoán cùng với giá nhà ở Trung Quốc đang khiến người tiêu dùng lo lắng và cắt giảm chi tiêu.
3. Bí mật giúp hàng Trung Quốc giao cho khách Việt Nam quá nhanh, quá rẻ
Ông Phạm Tấn Đạt, tổng giám đốc Công ty Fado Việt Nam, cho biết chính sách của Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong sự thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước này. Theo đó, kể từ khi việc xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang nhiều khu vực khác trên thế giới như Âu, Mỹ gặp khó khăn do căng thẳng Mỹ – Trung, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
“Mỗi vận đơn của các doanh nghiệp Trung Quốc xuất đi đều được chính phủ hỗ trợ chi phí. Lượng chi phí này thậm chí còn đủ bù đắp để doanh nghiệp Trung Quốc miễn phí vận chuyển hàng về Việt Nam. Bên cạnh đó, từ lâu các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với Việt Nam. Do đó khi có đơn hàng, họ có thể xuất kho đưa hàng về Việt Nam chỉ trong vòng 8 giờ”, ông Đạt nhận xét.
4. Đà Nẵng: Gần 500 tiểu thương “kêu cứu” vì giá thuê mặt bằng quá cao
Ông Lê Trí Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty THHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng vừa có công văn gửi Sở Công thương TP Đà Nẵng kiến nghị về việc xem xét giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ này. Trong khi đó, hàng trăm tiểu thương của chợ này thì “than khóc” bởi chịu không nổi với giá thuê mặt bằng. Với mức giá hiện tại, bình quân mỗi tiểu thương phải đóng trên dưới khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Giá thuê cao cộng với việc kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương đã phải “dứt áo ra đi”.
Các tiểu thương còn cho hay, việc kinh doanh ế ẩm ngoài các lý do khách quan như giao thông không thuận tiền từ khi có hầm chui Điện Biên Phủ, ảnh hưởng của việc mua bán hàng online còn lý do chủ quan là từ quản lý của cơ quan chức năng. “Khu vực xung quanh chợ, ở ngoài đường có rất nhiều người kinh doanh mà không bị đẩy đuổi. Khách đến chợ thì mua hết ở phía ngoài rồi, mấy ai vào trong chợ nữa” – một tiểu thương bức xúc.
1. Nidelven Blå là loại phomai ngon nhất thế giới trong năm 2023
Theo CNN, một loại phomai xanh của Na Uy đã vượt qua các đối thủ khác để trở thành loại phomai số 1 mới của thế giới. Phomai Nidelven Blå của nhà sản xuất Gangstad Gårdsysteri đã vượt qua nhiều đối thủ từ khắp nơi trên thế giới trong sự kiện phomai toàn cầu tổ chức ở Trondheim, Na Uy
Theo CNN, phomai Nidelven Blå đã phải cạnh tranh rất khốc liệt để giành được chiến thắng. Giải thưởng Phomai Thế giới lần thứ 35 quy tụ rất nhiều chuyên gia ngành phomai khắp thế giới đến lựa chọn, chấm điểm để tìm ra ngôi vị xuất sắc nhất trong giới phomai. 2023 cũng là năm đón số lượng phomai kỷ lục tới dự thi (4.502 bánh). Đây là con số cao nhất từ trước tới nay của cuộc thi này. Nước chủ nhà Na Uy có số lượng sản phẩm tham gia dự thi là 293, cao nhất từ trước tới nay.
2. Trà sữa, phở Việt nhượng quyền sang Philippines
Mô hình Phở’S, trà sữa Phúc Tea và spa Care With Love của 3 doanh nghiệp Việt Nam vừa hoàn tất thỏa thuận nhượng quyền cho các đối tác tại Philippines. Thông tin trên vừa được Công ty Go Global Holdings – đơn vị sở hữu quỹ đầu tư nhượng quyền dành cho các startup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam và Đông Nam Á – công bố vào chiều 2-11. Trong đó, Care With Love và Phúc Tea ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền (Master Franchise). Còn Phở’S có hợp đồng cụm chi nhánh, bắt đầu với ba điểm nhưng sẽ nâng cấp thành hợp đồng cho toàn thị trường sau khi vận hành thành công các chi nhánh đầu tiên này.
Dự kiến cửa hàng Care With Love đầu tiên tại Philippines sẽ được mở trong 2 tháng tới và quí 1-2024 mở thêm 3 cửa hàng. Trong khi đó, đối tác nhượng quyền của thương hiệu Phúc Tea sẽ mở khoảng 20 cửa hàng trong năm 2024 tại thủ đô Manila. Tương tự, Phở ‘S sẽ bắt đầu cùng đối tác mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên vào quí 1 tới. Ngoài thị trường Philippines, các doanh nghiệp trên cho biết đang trong quá trình đàm phán hợp tác nhượng quyền tại thị trường Indonesia và Malaysia.
3. Doanh nghiệp thực phẩm truyền thống rộng đường xuất khẩu
Ẩm thực Việt Nam nhận được nhiều sự yêu mến nhờ hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Việc xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm truyền thống Việt Nam đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhằm mở rộng thị trường. Bí quyết để xuất khẩu thành công các sản phẩm thực phẩm truyền thống không chỉ nằm ở hương vị, mà sản phẩm cần đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và sự tiện dụng cho người tiêu dùng.
Dự báo về tiềm năng phát triển cho thực phẩm truyền thống Việt Nam tại thị trường quốc tế, nhà nhập khẩu CTWS nhận định, Việt Nam có thế mạnh và chủ động nguyên liệu đối với nhiều sản phẩm, đặc biệt là ở ngành hàng mắm. Điều các doanh nghiệp cần làm lúc này là tìm kiếm, phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm thực phẩm truyền thống của Việt Nam, vừa để phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vừa góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Vừa chính thức ra mắt người tiêu dùng tại thị trường Mỹ, nước mắm Hoàng Gia đã thu hút sự tham gia quan tâm của rất nhiều người tiêu dùng, doanh nhân người Việt đang sống tại Mỹ. Mỹ vốn là một thị trường khá khắt khe và việc nước mắm Hoàng Gia có thể xuất hiện tại thị trường này chứng tỏ sản phẩm đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và các giấy phép kiểm định cần thiết.
Theo thống kê, hiện có hơn 3 triệu người Việt Nam thường sống tập trung ở các thành phố như San Jose – Garden Grove – San Diego (bang California), Houston – Dallas (Texas), Seattle (Washington)… Vậy nên điểm bán nước mắm Hoàng Gia được phân phối tại California trong chuỗi siêu thị Thuận Phát. Đây là nơi thu hút đông đảo người Việt đến sống.
Đại diện nhiều siêu thị tại TP.HCM cho biết vẫn đang giữ giá gạo ổn định. Trong khi đó giá gạo ngoài chợ và cửa hàng gạo tăng khá mạnh. Đại diện siêu thị Emart cho biết giá gạo tại siêu thị gần như vẫn giữ ở mức ổn định so với các tháng trước. Theo ông, giá gạo không tăng nhiều như ngoài thị trường nhờ siêu thị làm việc với nhà cung cấp từ sớm và chốt được giá bán, nguồn cung ở mức ổn định, trường hợp tăng giá cũng sẽ không quá nhiều.
Tuy nhiên, theo đại diện một đơn vị bán lẻ, diễn biến thị trường gạo thời gian tới khả năng còn “nóng”, đặc biệt nhu cầu đang có xu hướng tăng. Do đó, việc bình ổn giá gạo sẽ gặp nhiều áp lực. Đại diện Sở Công Thương TP.HCM xác nhận giá gạo bên ngoài thị trường tăng do chịu ảnh hưởng diễn biến chung, cán cân cung – cầu. Tuy nhiên, với các hệ thống bán lẻ (siêu thị), giá gạo hầu hết vẫn giữ ở mức tương đối ổn định, nguồn cung không thiếu hụt.
6. Khai mạc triển lãm quốc tế về công nghệ xử lý, đóng gói bao bì
Ngày 8/11, tại TP Hồ Chí Minh, công ty Informa Markets Việt Nam chính thức khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 16 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam – ProPak Vietnam 2023 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC). Với diện tích trưng bày lên đến 10.000m2 , triển lãm ProPak Vietnam 2023 chào đón hơn 400+ đơn vị trưng bày đến từ 30+ quốc gia và vùng lãnh thổ. Đa phần nhà trưng bày đến từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Ba Lan, Hà Lan, Úc, Áo, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (TrungQuốc) và nhiều quốc gia khác.
Trong 3 ngày từ 8-10/11, ProPak Vietnam 2023 quy tụ nhiều doanh nghiệp quốc tế nổi tiếng đến trưng bày. Các sản phẩm được trưng bày tập trung vào công nghệ bao bì, chế biến, nguyên vật liệu, công nghệ đồ uống, ngành dược, chuỗi cung ứng lạnh, logistics và lưu kho…
1. Nông sản Việt thất thế trên ‘mặt trận’ xuất khẩu online
Doanh nghiệp Việt ngày một thích nghi tốt hơn với xuất khẩu online qua kênh thương mại điện tử. Thế nhưng, có một điều đáng buồn là trong top 5 ngành hàng có tổng giá trị xuất khẩu online cao nhất của Việt Nam trên Amazon vắng bóng sự hiện diện của ngành nông sản. Trong khi, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản đã được biết đến trên thị trường quốc tế. Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, với những thế mạnh sẵn có, các sản phẩm nông sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu online ra thị trường quốc tế.
Thế nhưng, các doanh nghiệp nước khác như Singapore đang làm tốt câu chuyện bán sản phẩm trên Amazon, trong khi Việt Nam thì vẫn chưa làm được. Điểm khác biệt nằm ở chỗ các công ty Singapore biết xây dựng thương hiệu cho mặt hàng của mình. Họ không chỉ đơn thuần bán giá trị sử dụng của sản phẩm mà còn là thương hiệu và cách kể câu chuyện để chạm tới khách hàng toàn cầu. Theo ông Gijae Seong, đầu tiên, các doanh nghiệp cần hiểu được nhu cầu của thị trường để đáp ứng. Thay vì bán cái mình có, phải bán cái họ cần. Thứ hai là câu chuyện xây dựng thương hiệu. Hàng nông sản phải có thương hiệu mới giải được bài toán tăng trưởng bền vững.
Cả nước chỉ còn một vài vùng trồng có sầu riêng thu hoạch, sản lượng ít nên giá tăng hàng ngày. Nhà vườn bán xô sầu riêng Ri 6 với giá lên tới 120.000 đồng/kg. Ngày 5-11, một số vựa thu mua sầu riêng tại Tiền Giang báo giá thu mua sầu riêng Ri 6 tại kho lên mức 123.000 đồng/kg (loại 1 và loại 2); 106.000 đồng/kg (loại 3) và hàng dạt lên mức 50.000 – 60.000 đồng/kg. Đối với sầu riêng Monthong, giá tại kho hàng loại 1 là 145.000 đồng/kg, loại 2 là 130.000 đồng/kg, cao hơn đến 30.000 – 40.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đây, thời điểm Đắk Lắk vẫn còn hàng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng sầu riêng tăng giá là điều đã dự báo trước khi vùng trồng lớn nhất là Đắk Lắk thu hoạch xong. “Bây giờ chỉ còn vùng Gia Lai, diện tích bằng ¼ của Đắk Lắk và một ít sầu riêng trái vụ ở miền Tây. Nhu cầu giữ nguyên trong khi nguồn cung giảm nên giá tăng là điều dễ hiểu. Sắp tới có thể giá sẽ còn tăng tiếp. Như năm ngoái từng có đợt sầu riêng trái vụ tại vườn lên đến 200.000 đồng/kg” – ông Nguyên bày tỏ.
1. Sản lượng giảm mạnh, Ấn Độ khả năng cao kéo dài lệnh cấm xuất khẩu gạo
Lần đầu tiên sau 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ năm nay dự kiến sẽ giảm, làm tăng khả năng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải kéo dài chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để ngăn lạm phát giá lương thực trước cuộc bầu cử. Theo nhiều dự báo khác nhau, sản lượng có thể giảm tới 8% so với mức kỷ lục năm ngoái mặc dù diện tích trồng lúa tăng.
Mất mùa lúa đã và đang trở thành vấn đề lo ngại của các chính phủ và người tiêu dùng trên khắp châu Á và châu Phi, những người đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung mặt hàng lương thực chủ lực vì giá trên thị trường toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 15 năm sau khi Ấn Độ – quốc gia chiếm 40% tổng sản lượng gạo toàn cầu – hạn chế xuất khẩu gạo. Việc hạn chế xuất khẩu kéo dài có thể làm tăng thêm giá thực phẩm trên toàn cầu, do lượng tồn trữ ở các nước xuất khẩu chủ chốt khác, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar, cũng đang ở mức thấp.
2. Indonesia nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Myanmar
Ngày 3/11, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Giám đốc Chuỗi cung ứng và Dịch vụ công thuộc Bulog – ông Mokhamad Suyamto – cho biết đợt nhập khẩu bổ sung này được tiến hành nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của chính phủ đến năm 2024. Theo ông, Bulog sẽ thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn.
Ông Suyamto cũng lưu ý rằng mặc dù chính phủ đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo với 1,5 triệu tấn, nhưng việc thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu phân phối trong nước. Theo ông Suyamto, kho gạo do Bulog kiểm soát hiện còn 1,45 triệu tấn. Với việc thực hiện chỉ đạo nhập khẩu bổ sung, số lượng gạo dự trữ của cơ quan này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối đến năm sau nhằm duy trì ổn định giá gạo trong nước.
3. Tiềm năng xuất khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt hơn 84,1 triệu USD. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đã thu về hơn 755 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022 và là một trong 9 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm 2023.
Xét về thị trường, 3 thị trường lớn nhất của nhóm hàng bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đã thu về hơn 106 triệu USD, giảm nhẹ 12% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 2 đồng thời ghi nhậntrị giá xuất khẩu tăng vọt so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc sang Nhật Bản đạt hơn 59,4 triệu USD, tăng mạnh 183% so với cùng kỳ năm 2022. Hàn Quốc xếp thứ 3 trong số các thị trường với hơn 57,3 triệu USD, tăng mạnh 20,46% so với cùng kỳ năm 2022.
4. Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhôm đùn ép từ Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: ngày 24 tháng 10 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu từ 15 nước/vùng lãnh thổ; trong đó, có Việt Nam và điều tra chống trợ cấp với cùng sản phẩm từ 4 nước: Indonesia, Mexico, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng lưu ý, Việt Nam chỉ bị đề nghị điều tra chống bán phá giá.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm bị điều tra là nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm (phạm vi khá rộng). Mã vụ việc: A-552-837. Nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ. Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty của Việt Nam. Ngoài 14 công ty này, còn có các công ty khác cũng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam: 41,84% (biên độ phá giá cáo buộc cho 15 nước/vùng lãnh thổ trong khoảng từ 25,89%-376,85%) và thấp hơn so với mức cáo buộc đối với 3 nước xuất khẩu cạnh tranh nhất của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
1. Trung Quốc bước đầu thiết lập hệ thống “thay nhựa bằng tre” vào năm 2025
Mới đây, các bộ ngành của Trung Quốc đã xây dựng một kế hoạch hành động đẩy nhanh việc phát triển “thay nhựa bằng tre” trong vòng 3 năm. Theo đó, nước này sẽ phấn đấu bước đầu thiết lập hệ thống công nghiệp “thay nhựa bằng tre” vào năm 2025. Kế hoạch trên được Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Tài chính, Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên quốc gia Trung Quốc phối hợp xây dựng, nhằm đi sâu thúc đẩy việc xử lý toàn diện ô nhiễm nhựa và đẩy nhanh quá trình phát triển “thay nhựa bằng tre”.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, chất lượng sản phẩm, chủng loại sản phẩm, quy mô công nghiệp và hiệu quả tổng hợp của việc “thay nhựa bằng tre” sẽ được nâng cao hơn, thị phần của các sản phẩm chủ lực sẽ tăng đáng kể. So với năm 2022, giá trị gia tăng tổng hợp của các sản phẩm chính “thay nhựa bằng tre” sẽ tăng hơn 20% và tỷ lệ sử dụng tổng hợp của tre cũng tăng 20 điểm phần trăm.
2. Đồ ăn mua qua app: Nguồn rác thải khổng lồ đáng báo động
Ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn đặt hàng, mua đồ ăn qua app giao tới tận nhà, mang theo rất nhiều rác thải nhựa và đồ dùng một lần. Không chỉ vậy, theo các chuyên gia y tế, đồ ăn nóng đựng trong các túi ni lông hay bao xốp còn làm giảm độ ngon và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Một suất cơm, bún, phở… thải ra ít nhất 3-4 loại rác như hộp nhựa, túi ni lông, muỗng, dao nhựa tùy loại, chưa kể các loại đồ ăn bằng gỗ công nghiệp dùng một lần như đũa, dao, khăn… Đa phần các loại dụng cụ này đều là loại túi dai, nhựa cứng khó phân hủy.
Nhiều chuyên gia cho rằng dù hầu hết các loại túi ni lông hay hộp xốp hiện nay đã được sản xuất với chất liệu tốt, khả năng chịu nhiệt cao, nhưng thị trường vẫn sẽ luôn có những loại chất lượng thấp, giá rẻ phục vụ mục đích tối ưu chi phí của nhiều người bán hàng. Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ cao đến mức 70 – 80 độ C có thể làm nhiều loại ni lông nóng chảy hoặc giãn ra, vô tình giải phóng các loại hóa chất có hại trong ni lông.
1. Kham khổ vì lương tối thiểu, công nhân may mặc Bangladesh đòi tăng lương gấp ba
Trong những ngày gần đây, hàng chục nghìn công nhân may mặc ở Bangladesh từ chối làm việc, kêu gọi tăng mức lương tối thiểu lên gần gấp ba lần so với mức hiện nay, khoảng 3 đô la Mỹ/ngày, tương đương 75 đô la/tháng. Các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, với các nhà máy bị đốt cháy và máy móc bị đập phá. Khoảng ba trăm nhà máy may ở nước này phải tạm dừng hoạt động.
Căn nguyên của làn sóng biểu tình là người lao động ngành may mặc cần mức lương cao cao hơn để đáp ứng mức sống cơ bản. Họ nhận được được sự ủng hộ rộng rãi, bao gồm từ các thương hiệu thời trang khổng lồ như H&M, Gap và Inditex (công ty mẹ của Zara), vốn đang gia công sản xuất tại Bangledesh. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các bên liên quan không thể thống nhất được ai sẽ cáng đáng chi phí tăng lương. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thấy kỷ nguyên lao động và quần áo siêu rẻ mà nhiều thương hiệu thời trang phương Tây đang dựa vào không còn bền vững.
Trên thế giới, nhiều nhãn hàng đã và đang chuyển dịch sang sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu bền vững trong sản phẩm của mình. Có thể nói, doanh nghiệp Việt, nhất là trong lĩnh vực thời trang, cập nhật xu hướng khá nhanh. Do yêu cầu của thị trường xuất khẩu cộng với nhu cầu muốn bảo vệ môi trường của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc – dệt sợi – thiết kế đã sử dụng các loại vải có nguồn gốc tự nhiên, tái chế hoặc có cách thức dệt, nhuộm ít tốn nước, không dùng hóa chất để làm áo quần, váy vóc.
Có thể kể ra một vài thương hiệu nội địa tiêu biểu. Việt Tiến có dòng sơ mi làm từ xơ hoa hồng – bằng cách nghiền cánh hoa hồng thành bột và hòa tan trong dung môi chuyên dụng, Owen có áo sơ mi sợi bạc hà, Yody có áo polo từ sợi cà phê, Rabity dùng vải sợi tre may đồ ở nhà cho em bé… Nhìn vào mặt bằng chung, có thể thấy sự ứng dụng các loại vải thân thiện với môi trường của doanh nghiệp lớn còn nằm ở dạng thử nghiệm là chủ yếu, do giá thành của chúng vẫn còn cao và cần thời gian để “giáo dục” thị trường.
1. Dự báo khách Ấn Độ đứng thứ 4 thế giới về chi tiêu cho du lịch nước ngoài
Nhu cầu ‘du lịch trả thù’ để giải tỏa dồn nén trong đại dịch Covid-19 có thể đã qua đi đối với du khách của nhiều nước, nhưng khát khao lên máy bay để đi ra nước ngoài không hề giảm đối với khách Ấn Độ. Báo cáo gần gần của nền tảng đặt phòng Booking.com và hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự đoán khách Ấn Độ sẽ vươn lên đứng thứ 4 thế giới về chi tiêu cho các chuyến du lịch nước ngoài vào năm 2030. Khách Ấn Độ dự kiến chi tiêu 410 tỉ đô la cho các chuyến du lịch nước ngoài vào thời điểm đó. Con số này tăng hơn 170% so với mức 150 tỉ đô la vào năm 2019.
Năm 2022, khách Ấn Độ đóng vai trò then chốt trong sự phục hồi của ngành du lịch châu Á. Chi tiêu của khách Ấn Độ trong năm ngoái đạt 78% mức của năm 2019, trong khi chi tiêu trung bình của khách châu Á chỉ đạt được 52% so với năm 2019. Đáng lưu ý, sự tiện lợi về ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong quyết định du lịch của họ. Hơn 80% khách Ấn Độ đánh giá cao sự sẵn có về các sự lựa chon nhà hàng và dịch vụ phòng trong thời gian lưu trú của họ, theo báo cáo.
Theo CNBC, hôm 6/11, WeWork đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án ở New Jersey, Mỹ. Cùng ngày, cổ phiếu WeWork đã bị ngừng giao dịch. Công ty cung cấp không gian làm việc linh hoạt này cho biết đã ký kết thỏa thuận với đa số các chủ nợ và dự kiến sẽ cắt giảm các hợp đồng thuê ‘không hoạt động’. Theo WeWork, việc phá sản chỉ giới hạn tại các địa điểm hoạt động ở Mỹ và Canada. Công ty này đã báo cáo các khoản nợ từ 10-50 tỉ USD.
2. Các hãng điện thoại Trung Quốc lấy ‘điện thoại gập’ để cạnh tranh với Samsung, Apple
Theo Counterpoint Research, các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu được dự báo sẽ đạt tổng cộng khoảng 1,15 tỉ chiếc vào cuối năm nay, mức thấp nhất trong một thập niên và giảm 6% so với năm trước. Tuy vậy, điện thoại gập được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng giữa bối cảnh nhu cầu điện tử tiêu dùng trên toàn cầu đang suy giảm. Đây có thể là thị trường khổng lồ đến 100 triệu chiếc mỗi năm vào năm 2027, tăng từ mức 18,6 triệu chiếc hiện nay, tức hơn sáu lần.
Các hãng smartphone hàng đầu của Trung Quốc đang tăng tốc xâm nhập thị trường Đông Nam Á với kỳ vọng phục hồi doanh số bán hàng trong thời gian tới và dòng ‘điện thoại gập’ đang được xem là ‘át chủ bài’ cho chiến lược này. Samsung đã dẫn đầu trong cuộc đua màn hình gập, trong khi Apple vẫn chưa trình làng iPhone màn hình gập. Các hãng Trung Quốc đang hy vọng giành được khách từ cả hai thương hiệu lớn trên. Sheng Win Chow, nhà phân tích của Canalys nhận định, Đông Nam Á là nơi tốt để các hãng như Oppo phát triển người dùng cao cấp vì Apple không chú trọng giành thị trường này.
3. Tesla chuẩn bị sản xuất mẫu xe điện bình dân, giá 25.000 euro
Hãng xe điện Tesla của Mỹ đang lên kế hoạch sản xuất xe điện bình dân tại một nhà máy gần Berlin, Đức, với giá bán chỉ 25.000 euro, tương đương khoảng 26.800 đô la Mỹ. Kế hoạch trên báo hiệu một động thái quan trọng đối với Tesla khi hãng nhắm đến mục tiêu thúc đẩy sự phổ cập rộng rãi hơn của các mẫu xe chạy bằng pin. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu ô tô JATO Dynamics, trong nửa đầu năm 2023, giá bán lẻ trung bình của một chiếc xe điện ở châu Âu vượt quá 65.000 euro (69.000 đô la). Trong khi đó, giá trung bình của một xe điện ở Trung Quốc chỉ hơn 31.000 euro (33.000 đô la).
Chiến lược mở rộng sang thị trường đại chúng của Tesla đóng vai trò then chốt trong kế hoạch đầy tham vọng của hãng: đạt mục tiêu bán 20 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2030. Một mẫu xe rẻ hơn của Tesla, được sản xuất tại Đức, có thể cải thiện lợi thế cạnh tranh của công ty Mỹ trước các thương hiệu Trung Quốc khi các nhà sản xuất ô tô đang chạy đua để giảm chi phí và tung ra thị trường những mẫu xe điện hấp dẫn, giá cả phải chăng.
Hãng Meta vừa công bố thu phí người dùng các ứng dụng mạng xã hội Facebook và Instagram tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong tương lai không xa sẽ có cả người dùng Việt Nam. Theo đó, người dùng Facebook và Instagram sẽ phải trả mức phí hằng tháng khoảng 260.000 đồng cho phiên bản web và hơn 330.000 đồng cho phiên bản ứng dụng di động để được lướt mạng xã hội mà không phải xem quảng cáo. Gói thuê bao này được áp dụng tại hầu hết các quốc gia ở châu Âu bắt đầu từ tháng 11-2023.
Đây được xem là động thái đáp trả của Meta với phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu hồi tháng 7 yêu cầu Meta phải có sự đồng ý của người dùng trước khi cung cấp quảng cáo phù hợp. Cũng theo Meta, những người dùng không trả phí vẫn sẽ được tiếp tục dùng Facebook và Instagram miễn phí nhưng phải chấp nhận xem các quảng cáo được phân phối bởi Meta.
5. ChatGPT đã hỗ trợ đăng ký tài khoản tại Việt Nam.
Sáng 2/11, nhiều người dùng công nghệ đã đồng loạt chia sẻ thông tin ChatGPT đã hỗ trợ đăng ký tài khoản tại Việt Nam. Đây được coi là một tin vui với nhiều người dùng Việt, vốn từng gặp khá nhiều rào cản khi muốn dùng thử ChatGPT vào thời điểm nền tảng trí tuệ nhân tạo tạo sinh này mới ra mắt.
Ở thời điểm hiện tại, chi phí người dùng Việt phải bỏ ra để dùng ChatGPT Plus là 20 USD/tháng (tức khoảng 491 nghìn đồng). Việc thanh toán nhanh chóng cũng rất đơn giản, khi người dùng có thể sử dụng các thẻ thanh toán quốc tế phát hành tại Việt Nam, hoặc có thể sử dụng ApplePay (nếu là người dùng iOS) để trả phí định kỳ.
Ngày 6/11 FPT công bố thương vụ mua Cardinal Peak – công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ tại thị trường Bắc Mỹ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ. Với hơn hai thập kỷ hoạt động, Cardinal Peak hiện đang cung cấp dịch vụ công nghệ toàn diện, bao gồm phần cứng, phần mềm nhúng, IoT, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm di động cho hơn 300 công ty, trong các lĩnh vực ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, phát nội dung trực tuyến, robot, an ninh – an toàn, quốc phòng – hàng không vũ trụ.
Thông qua thương vụ này, FPT kỳ vọng Cardinal Peak sẽ giúp FPT tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm (dịch vụ tư vấn, thiết kế, phát triển, thử nghiệm các công nghệ mới bao gồm cả phần cứng và phần mềm để tạo ra các sản phẩm tốt nhất) tại thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới.
7. MoMo có mặt trên Grab, thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến
Chưa bao giờ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay khi chỉ trong tám tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng tới 49,71% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây nhất, người dùng Việt lại có thêm một phương thức thanh toán không tiền mặt là MoMo cho các nhu cầu gọi xe, giao hàng, đặt đồ ăn, đi chợ online trên siêu ứng dụng đa dịch vụ Grab.
Hợp tác của MoMo và Grab góp phần đẩy nhanh xu hướng không dùng tiền mặt đang nở rộ tại Việt Nam, mang đến trải nghiệm thanh toán tiện lợi, dễ dàng cho nhiều nhu cầu trong đời sống hằng ngày của người dùng Việt.
1. Tập đoàn SK khẳng định sẽ đầu tư lâu dài vào thị trường Việt Nam
Trái ngược với tin đồn ở một số bộ phận trong ngành đầu tư rằng SK đang xem xét kế hoạch rút khỏi Việt Nam, tập đoàn này khẳng định sẽ đầu tư lâu dài vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn SK của Hàn Quốc xác nhận đang thảo luận về hợp tác kinh doanh lâu dài với chính phủ cùng các công ty lớn của Việt Nam, tiếp tục lên kế hoạch đưa Việt Nam trở thành căn cứ kinh doanh của tập đoàn này ở Đông Nam Á.
Kể từ năm 2018, SK đã thiết lập quan hệ đối tác với các công ty hàng đầu Việt Nam như Vin Group và Masan Group và đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực như phân phối, hàng tiêu dùng, phát triển bất động sản, chăm sóc sức khỏe cũng như các ngành công nghiệp cốt lõi. Đặc biệt, SK đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào các mảng kinh doanh lớn của Masan Group, như hàng tiêu dùng thiết yếu (FMCG) và phân phối.
2. Thái Lan công bố chương trình toàn dân sáng tạo
Thái Lan đã công bố kế hoạch đào tạo hơn 20 triệu hộ gia đình ở nước này tham gia chương trình “Mỗi gia đình một quyền lực mềm” đồng thời thành lập cơ quan chính phủ về nội dung sáng tạo, với tham vọng tạo ra nguồn doanh thu mới trị giá 4.000 tỉ baht (hơn 112 tỉ đô la) trong bốn năm tới. Chiến lược này chỉ được công bố sau khi Hội đồng chiến lược quyền lực mềm quốc gia đã thành lập và họp thường xuyên từ hôm 4-10-2023 vừa rồi.
Ngoài ra, các nỗ lực sẽ được thực hiện để tăng cường quyền lực mềm trong 11 ngành công nghiệp sáng tạo, cụ thể là phim ảnh, thiết kế thời trang, thực phẩm và đồ uống, thể thao, âm nhạc và hòa nhạc, du lịch văn hóa, văn học, nghệ thuật đương đại, y tế và sức khỏe, phần mềm và trò chơi điện tử. Hơn nữa, Bộ Văn hóa, phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh Sasin của Đại học Chulalongkorn, sẽ thiết lập các chỉ số thống kê văn hóa để đo lường tác động của các hoạt động văn hóa đối với nền kinh tế Thái Lan. Cách tiếp cận toàn diện này nhằm mục đích nâng cao quyền lực mềm của Thái Lan, tạo sự cạnh tranh mới cho kinh tế và văn hóa Thái Lan trên toàn cầu.
3. Tập đoàn Marubeni Nhật Bản đầu tư vào công ty thực phẩm AIG Việt Nam
Marubeni Development Capital Asia (MGCA), một công ty đầu tư thuộc tập đoàn Marubeni Nhật Bản, đã quyết định đầu tư vào công ty thực phẩm AIG Việt Nam. Cụ thể, MGCA đã mua một phần cổ phần thiểu số trong AIG Việt Nam, một công ty sản xuất nguyên liệu thực phẩm và thực phẩm đóng gói AIG Asia của Việt Nam. Theo thông tin từ Marubeni, AIG Việt Nam, thành lập vào năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực phân phối thực phẩm và nguyên liệu chức năng tại Việt Nam, đồng thời sở hữu các cơ sở sản xuất và phòng thí nghiệm nội bộ để phát triển sản phẩm.
Việc MGCA đầu tư vào AIG sẽ đánh dấu khoản đầu tư thứ hai của MGCA. Trước đó, công ty đã thiết lập quan hệ đối tác nhượng quyền tổng thể với chuỗi cà phê Tim Hortons của Canada để đưa sản phẩm của Tim Hortons đến Singapore, Malaysia và Indonesia. Theo DealStreetAsia, Marubeni nhận thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực thực phẩm nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Marubeni dự báo thị trường thực phẩm tại Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 8%.
4. Sắp diễn ra Diễn đàn Mekong Connect 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 8/11, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố thông tin Diễn đàn Mekong Connect 2023, với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.”
Theo đó, diễn đàn Mekong Connect 2023 sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/11, với một phiên diễn đàn chính và 4 chương trình hội thảo song hành. Trong số đó, đại diện đến từ bộ, ngành, địa phương, hiệp hội; hay chuyên gia, doanh nghiệp… sẽ tập trung thảo luận đa dạng nội dung, gồm: kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh, giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024, cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong mối liên kết với khu vực liên quan chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ… Cùng với đó, không gian triển lãm nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ được tổ chức xuyên suốt trong khuôn khổ diễn đàn năm nay.
5. Lạng Sơn thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Singapore
Sáng 8/11, ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam, cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và khảo sát tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư vào địa bàn tỉnh. Những năm qua, Lạng Sơn đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ông Jaya Ratnam cho hay để việc hợp tác kịp thời, hiệu quả, dự kiến vào đầu năm 2024, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore sẽ thành lập đoàn công tác đến Lạng Sơn tìm hiểu cơ chế chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp Singapore khi đầu tư vào địa bàn.
1. Người dân, doanh nghiệp có thể được giảm thuế phí trong năm tới
Sắp tới, Bộ Tài Chính sẽ tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí cho năm 2024, hướng đến để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước như tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023. Đồng thời, cơ quan chức năng nghiên cứu để giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí…