Nâng chất lượng, hạ giá thành để 'cứu' ngành cá tra

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Nước Anh và ‘cơn nghiện trả hàng’
Báo Guardian cho biết vào thời điểm nước Anh chuẩn bị bước vào mùa mua sắm cuối năm, các nhà bán lẻ trong nước đang khá lo lắng vì thời gian qua họ chứng kiến một xu hướng không mong muốn: khách mua hàng online đã trả lại hàng triệu món đồ. Theo các số liệu về tình trạng trả hàng ồ ạt ở Anh được Guardian dẫn lại, có tới một nửa số quần áo mua online đã bị gửi trả. Năm ngoái, số hàng bị trả lại tăng 26% so với năm 2021, và ngày trả lại nhiều nhất là 28-11-2022, tức vài ngày sau siêu hội giảm giá “Thứ sáu đen tối”. Các chuyên gia tại Công ty phân tích dữ liệu GlobalData chỉ ra: người mua hàng ở Anh đã trả lại số quần áo mua online trị giá tới 4,1 tỉ bảng Anh (5 tỉ USD) trong năm ngoái. Họ ước tính con số này sẽ tăng 16,7% trước năm 2027.
Chi phí xử lý hàng trả lại ở Anh đã tăng lên khi tiền trả cho nhân viên giao hàng và kho bãi cũng như giá năng lượng và xăng dầu tăng. Ngoài ra, các công ty bán lẻ còn phải xử lý sạch sẽ các món hàng thay vì đưa chúng đến bãi rác hoặc đốt bỏ. Trước thực trạng khách “nghiện trả hàng”, giới bán lẻ ở Anh đang tìm cách ngăn chặn việc này. Hãng thời trang trực tuyến Asos đầu tháng này nhấn mạnh cuộc chiến chống ồ ạt trả hàng là một phần quan trọng trong nỗ lực cắt giảm chi phí của họ trong năm tới.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nuoc-anh-va-con-nghien-tra-hang-20231112100002949.htm
2. Chợ cuối năm đìu hiu, tiểu thương ngồi lo ‘Tết khó sống’
Thời điểm này hồi trước dịch là mùa làm ăn của các chợ tại TP.HCM, đơn hàng sỉ lẻ khắp nơi đổ về, tiểu thương làm cả ngày không hết việc. Vậy mà nay nhiều chợ rơi vào cảnh đìu hiu, khách hàng vắng bóng, người bán nhiều hơn người mua. Nhiều chợ cho rằng việc ế ẩm phần nào được dự báo trước do kinh tế khó khăn và xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhiều người dân thích mua sắm online.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, phó ban quản lý chợ An Đông, cho biết chợ có 2.300 sạp với nhiều ngành hàng, trong đó đa phần hàng quần áo, thời trang. Tuy nhiên sau dịch COVID-19 đến nay, lượng khách đến chợ ở mức thấp, nhất là nguồn khách lẻ. Tình trạng này dẫn đến có những trường hợp tiểu thương hạn chế mở cửa bán hàng, hoặc chọn tạm nghỉ, sang sạp, đặc biệt ngành hàng như quần áo, vải, thời trang… Theo bà Hà, để hỗ trợ tiểu thương, chợ phối hợp với chính quyền tìm nhiều giải pháp, trong đó có mời báo cáo viên (cá nhân có kinh nghiệm bán hàng online) về để hướng dẫn tiểu thương kinh doanh online như livestream bán hàng trên Facebook, TikTok, Zalo… và hiện nhiều tiểu thương đã áp dụng cách bán này, livestream ngay tại chợ và hút thêm được nhiều khách hàng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cho-cuoi-nam-diu-hiu-tieu-thuong-ngoi-lo-tet-kho-song-20231111230103665.htm?utm_source=dable

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Nhật Bản thu hồi hơn 44.000 chai sữa Meiji vì phát hiện thuốc kháng sinh
Tỉnh Osaka của Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi hơn 44.000 chai sữa của công ty Meiji được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh này sau khi phát hiện trong sữa có chứa thành phần thuốc dùng để phòng bệnh truyền nhiễm ở bò. Sản phẩm phải thu hồi là Meiji Milk, chai sữa 180ml được sản xuất tại nhà máy của Meiji ở thành phố Kaizuka thuộc tỉnh Osaka. Chính quyền Osaka cho biết thuốc kháng sinh thú y sulfamonomethoxine đã được phát hiện trong chai sữa của Meiji với nồng độ 0,02 ppm trong một cuộc kiểm tra định kỳ do Trung tâm y tế công cộng tiến hành vào ngày 6/11.
Sulfamonomethoxine là loại thuốc kháng sinh dùng để phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm ở bò và các động vật khác. Theo Đạo luật Vệ sinh thực phẩm, thuốc bị cấm sử dụng trong vòng 72 giờ trước khi vắt sữa để tránh ảnh hưởng tới thành phần của sữa. Cơ quan chức năng tỉnh Osaka đang điều tra nguyên nhân các thành phần bị nhiễm vào trong sữa và các địa điểm được phân phối sản phầm này.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-thu-hoi-hon-44000-chai-sua-meiji-vi-phat-hien-thuoc-khang-sinh-20231111101216306.htm
2. TPHCM sẽ có 5.000 xe hủ tiếu gõ đạt chuẩn
Theo thông tin từ đại diện Hiệp hội Du lịch TPHCM, hiện Hiệp hội đang xúc tiến ký kết với một số doanh nghiệp để xây dựng dự án khởi nghiệp kinh doanh mang tên Hủ tiếu gõ Sài Gòn. “Dự án Hủ tiếu gõ Sài Gòn ra đời nhằm gìn giữ và quảng bá món ăn này trên khắp mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế. Toàn bộ nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là thịt, xương heo, nguồn nguyên liệu chính đạt chuẩn sạch Vietgap với quy trình khép kín, đảm bảo tuyệt đối các quy tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tham gia chỉ cần dành thời gian bán hàng. Tất cả các khâu chuẩn bị, trang thiết bị cần thiết đều được tài trợ, sắp xếp.
Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-se-co-5000-xe-hu-tieu-go-dat-chuan-post1586232.tpo
3. Lễ hội ẩm thực Chợ Lớn sắp diễn ra vào T12/ 2023
Ngày 10-11, UBND quận 5 (TP.HCM) tổ chức họp báo về sự kiện ra mắt Lễ hội ẩm thực Chợ Lớn Food Story lần 1 năm 2023 với chủ đề “Trải nghiệm món ngon điểm tâm”. Lễ hội diễn ra từ ngày 1 đến 3-12 tại Trung tâm Văn hóa quận 5.
Theo ban tổ chức, với quy mô hơn 50 gian hàng, trong đó đa phần đến từ các nhà hàng, quán ăn uy tín trên địa bàn quận, lễ hội sẽ giới thiệu đến thực khách hàng loạt món ăn ngon, mang đậm phong cách ẩm thực người Hoa như sủi cảo, mì vịt tiềm, vịt quay, cơm gà, bánh bao Thọ Phát… Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều chương trình liên quan như tọa đàm về văn hóa – ẩm thực, trình diễn món ăn, trải nghiệm chế biến dimsum, trò chơi dân gian, ca nhạc…
Nguồn: https://tuoitre.vn/den-le-hoi-am-thuc-cho-lon-de-thuong-thuc-sui-cao-mi-vit-tiem-cua-nguoi-hoa-20231110163754542.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Trái cây ngoại vào Việt Nam bán giá siêu rẻ
Kiwi, táo, lựu, lê nhập khẩu hiện có giá vài chục nghìn đồng một kg, bằng một phần năm so với cao điểm hai năm trước và là mức rẻ nhất từ trước đến nay. ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do giúp thuế nhập khẩu rau quả gần như giảm về 0%. Do đó, giá trái cây cũng giảm khá mạnh do không phải chịu thuế.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 10, Việt Nam chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả. Đặc biệt năm nay, Việt Nam tăng nhập trái cây từ các nước có giá rẻ như Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, với mức tăng trưởng từ 4-62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://vnexpress.net/trai-cay-ngoai-vao-viet-nam-ban-gia-sieu-re-4674986.html?gidzl=n9qPC7gb7s35YnWqSR8MOCc34ZPgi45WqO4KOp-v6ZYBYaXgChD9RDgA6ZfklavfsuaSRZQD03PYUwyTQW
2. Dừa miền Tây lại rớt giá, nhà vườn thua lỗ
Vào chính vụ nhưng dừa miền Tây xuất khẩu “nhỏ giọt”, thương lái chỉ thu mua 1.500-2.900 đồng mỗi quả. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cho biết đang mùa mưa, dừa vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn nên giá có phần giảm theo quy luật thị trường. Ngành nông nghiệp nhiều năm qua khuyến cáo trồng giống dừa xiêm xanh của địa phương để đảm bảo chuẩn thu mua. Tuy nhiên, hiện có khoảng 10% diện tích dừa nông dân trồng tự phát giống ngoại lai không đảm bảo tiêu chuẩn nên đầu ra gặp khó.
Bến Tre có trên 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Ngoài xuất sang Mỹ còn khá khiêm tốn, dừa Bến Tre chủ yếu do các thương lái trong nước thu mua, thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã đến địa phương khảo sát vùng trồng, cơ sở đóng gói. “Hiện chỉ chờ ký các nghị định thư để xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc vốn có sức tiêu thụ lớn, khi đó đời sống người trồng dừa sẽ khấm khá hơn”, ông Đức nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/dua-mien-tay-lai-rot-gia-nha-vuon-thua-lo-4674187.html?gidzl=1xZm1GEPhde6hl4128wdUWga_0GJZlTz4gRwKKQ7h2L8hQPOIut_SHcjz0WNWFXq6AxoN3Ot6MvD0fEiS0
3. Nông dân Ninh Hòa đua nhau trồng bí đỏ, sản lượng dư thừa nhưng bí đầu ra
Thấy bí đỏ những năm trước được giá, người dân ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đua nhau trồng bí, nay đến mùa thu hoạch, bí chất đống không có người mua. Các năm trước thương lái từ Tuy Hòa, Quy Nhơn hay các tỉnh miền Nam như Bình Dương, Đồng Nai đi mua bí rất đông, nhưng năm nay lại ít, khi đến mua lại ép giá thấp. Giá mua tại vườn chỉ 1.800 đồng/kg (bí hạt đậu) và 3.000 đồng/kg (bí bánh xe), chỉ bằng một nửa so với giá của những năm trước. Bên cạnh đó, năm nay ở miền Nam, bí đỏ cũng được mùa nên không có nhiều thương lái tìm đến đây.
Theo ông Mai Xuân Bình – phó chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, việc bí đỏ tồn đọng nhiều như mùa vụ năm nay do diện tích trồng bí tại địa phương tăng đột biến. “Những năm trước, diện tích trồng bí tại địa phương chỉ có khoảng 250ha, tuy nhiên ở mùa vụ năm nay, con số ấy tăng gần gấp đôi, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 450ha bí đỏ” – ông Bình nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dua-nhau-trong-bi-do-gio-khong-biet-ban-cho-ai-20231109151147248.htm
4. Nâng chất lượng, hạ giá thành để ‘cứu’ ngành cá tra
Tuy có mức tăng trưởng xuất khẩu dương trong những tháng gần đây, nhưng cá tra vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn. Do đó, để giúp ngành hàng này vượt qua khó khăn, hai vấn đề quan trọng cần giải quyết, đó là kiểm soát chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh. Ông Trần Văn Hùng, người sáng lập Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, tình trạng nâng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm trong sản phẩm cá tra đang bị một bộ phận lạm dụng để có giá rẻ. Chính vì vậy, ông Hùng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cùng các đơn vị liên quan phải vào cuộc kiểm tra để bảo vệ chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành cá tra Việt Nam.
Bên cạnh củng cố chất lượng sản phẩm, vấn đề quan trọng cần thực hiện để gia tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu cá tra Việt Nam là phải kéo giảm giá thành sản xuất. Gần đây, sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam đang ngày càng giảm khi các loại sản phẩm cùng phân khúc có giá sản xuất ngày càng thấp hơn. Để kéo giảm giá thành sản xuất cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch VINAPA kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có ý kiến để Bộ Tài Chính giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 2% như hiện nay xuống còn 0%. Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó tổng thư ký VINAPA, cho rằng cách đây tư 10 năm, đã có công trình nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp cho ăn gián đoạn để hạ giá thành sản xuất cá tra, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi nên áp dụng phương pháp này để hạ giá thành sản phẩm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nang-chat-luong-ha-gia-thanh-de-cuu-nganh-ca-tra/
5. Vì sao hiện nay tôm hùm bông khó xuất khẩu sang Trung Quốc?
Tháng 5-2023, phía Trung Quốc đã sửa đổi Luật bảo vệ động vật hoang dã, trong đó quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ nêu trên. Đối với tôm hùm bông nuôi và cách xác định tôm hùm bông nuôi, phía Trung Quốc quy định không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2).
Từ các thông tin phía Tổng cục Hải Quan Trung Quốc và đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tại buổi làm việc của 2 bên, cho thấy vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông vào Trung Quốc là vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm, nguy cấp và các thủ tục (của cả nhà nhập khẩu và cơ sở xuất khẩu) chứng minh 3 quá trình nuôi trồng (từ con giống) đáp ứng yêu cầu này. Còn lại các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không có thay đổi.
Trên cơ sở đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề xuất Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục trao đổi với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cập nhật, thông báo tới các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi tôm hùm bông về quy định, biểu mẫu đăng ký của Trung Quốc đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-hien-nay-tom-hum-bong-kho-xuat-khau-sang-trung-quoc-20231114092555601.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Trung Quốc tăng mạnh mua đậu tương từ Mỹ
Trung Quốc từng là thị trường tiêu thụ đậu tương lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên thời gian vừa qua, đậu tương đã trở thành mặt hàng Trung Quốc đánh thuế cao, để đáp trả các động thái áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc vừa đặt số lượng lớn đậu tương Mỹ trong nhiều tháng nay. Động thái này cũng được nhiều chuyên gia kỳ vọng quan hệ giữa 2 nền kinh tế sẽ bớt căng thẳng. Lượng đặt mua đậu tương Mỹ trong một ngày mới đây từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc lớn nhất trong 3 tháng gần đây, mang lại hy vọng cho nông dân Mỹ sau khi lượng xuất khẩu thời gian gần đây giảm khá mạnh. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt mua 10 lô đậu tương, hơn 600.000 tấn, từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024.
Các chuyên gia cho rằng, động thái tăng mạnh mua đậu tương cũng là dấu hiệu thể hiện thiện chí của Trung Quốc trong góp phần cải thiện quan hệ giữa 2 nước. Nhu cầu mua đậu tương của Trung Quốc tăng cao phần nào góp phần giúp nông dân Mỹ bớt áp lực xuất khẩu sang các nước khác.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-tang-manh-mua-dau-tuong-tu-my-20231110103705087.htm
2. Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 5 triệu tấn gạo từ nay đến năm 2024
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman, ngày 13/11, cho biết đến năm 2024, quốc gia đông dân thứ tư thế giới có thể cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino ảnh hưởng hoạt động sản xuất lúa gạo. Theo ông Amran, việc Indonesia chuyển từ vị thế quốc gia tự cung tự cấp gạo thành nhà nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi, xuất phát từ việc sản lượng lúa gạo trong nước sụt giảm do ảnh hưởng của El Nino.
Sản lượng gạo của Indonesia ước tính sẽ giảm xuống còn 30 triệu tấn trong năm nay từ mức 31 triệu tấn của năm ngoái. Bên cạnh đó, vụ thu hoạch lúa năm 2024 có thể bị chậm khoảng hai tháng, khiến lượng cung thêm thiếu hụt và giá cả tăng. Ngoài El Nino, ông Amran cho rằng các cuộc xung đột địa chính trị cũng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, do gián đoạn hoạt động phân phối và gây ra hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lương thực.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/indonesia-co-ke-hoach-nhap-khau-5-trieu-tan-gao-tu-nay-den-nam-2024-post907939.vnp
3. Sẵn sàng xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc
Đến nay, đã có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư. Trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến 5 trong số 9 doanh nghiệp này.
Ngày 3/11/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Công hàm chính thức chấp thuận cho Công ty cổ phần Dinh Dưỡng AVANEST Việt Nam được xuất khẩu 2 loại sản phẩm mà công ty đăng ký là tổ yến sạch và yến hũ chưng sẵn vào Trung Quốc kể từ ngày 20/10/2023. Đối với các doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ, đánh giá và sẽ thông báo sau khi kết quả đạt yêu cầu. Dự kiến, vào ngày 16/11 tới, tại tỉnh Lạng Sơn sẽ diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/san-sang-xuat-khau-to-yen-sang-trung-quoc-post1058653.vov
4. Việt Nam lần đầu xuất khẩu cơm
Sau một thời gian nghiên cứu sản xuất, tăng cường quảng bá và kết nối tiêu thụ, lô cơm thành phẩm đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu đi châu Âu. Cơm xuất khẩu là dạng cơm chay được nấu từ gạo lứt kết hợp các đặc sản rau quả tại tỉnh Đồng Tháp do ông Thái Thanh Bình nghiên cứu, sản xuất. Điểm đặc biệt là sản phẩm không dùng chất bảo quản, không phụ gia, không chất tẩy, có ích cho sức khỏe người dùng nên hiện không đủ bán.
Hiện cơ sở sản xuất đang đẩy nhanh chế biến 7.000 sản phẩm cơm chay dạng khay để kịp giao cho đối tác tại Anh từ nay đến cuối năm. Trước đó, đơn vị cũng đã xuất khẩu thử nghiệm được 1.200 sản phẩm cơm gạo lứt hạt sen dạng đóng lon sang thị trường châu Âu với giá bán khá tốt. Việc nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu đang là giải pháp giúp nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-lan-dau-xuat-khau-com-20231112142515212.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Một ‘ông lớn’ ngành sữa cam kết sẽ tái chế 100% rác thải bao bì
Ngày 14-11, Tập đoàn Friesland Campina – đơn vị sở hữu các thương hiệu sữa và sản phẩm từ sữa nổi tiếng như Cô Gái Hà Lan, Friso, Yomost, Fristi… – đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương và Công ty Cơ khí xây dựng Trường Thịnh cam kết tái chế 100% rác thải bao bì của mình tới năm 2030. Theo đó, “ông lớn” đầu ngành sữa sẽ hỗ trợ các đối tác trong việc thu gom và tái chế bao bì giấy vỏ hộp sữa và giấy các tông. Cụ thể, Friesland Campina sẽ phối hợp Trường Thịnh đầu tư tạo mạng lưới thu gom bao bì giấy vỏ hộp sữa và giấy các tông ở các khu dân cư, trường học… và phối hợp cùng Đồng Tiến tái chế bao bì ứng dụng công nghệ cao.
Ông Richard Kiger – tổng giám đốc Friesland Campina Việt Nam – chia sẻ đây là bước đi tiên phong của Friesland Campina Việt Nam trong việc chủ động thực thi nghị định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR – Extended Producer Responsibility) có hiệu lực từ 1-1-2024. Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Chỉ tính riêng các vỏ hộp sữa, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường đến 10-15 tỉ vỏ hộp, nhưng con số thu gom và tái chế các loại vỏ đồ uống chưa đến 5%.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mot-ong-lon-nganh-sua-cam-ket-se-tai-che-100-rac-thai-bao-bi-20231114195150739.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Ngành hàng xa xỉ ngày càng chú trọng thị trường kính râm
Nhà sản xuất kính Thelios của LVMH đã đồng ý thâu tóm Barton Perreira với mức giá không được tiết lộ. Đây là vụ thâu tóm lớn thứ hai của Thelios trong hai tháng, sau khi đã mua thương hiệu Vuarnet của Pháp hồi tháng Chín. Thị trường kính mắt xa xỉ, bao gồm kính râm và kính cận, trên thế giới tăng trưởng nhanh. Các tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ hiện sản xuất đa dạng các loại gọng kính có chất lượng cao hơn và phong cách. Kính râm đang trở nên thịnh hành hơn ở châu Á, trong khi nhu cầu kính cận gia tăng khi con người làm việc trên máy tính và sử dụng điện thoại nhiều hơn.
Theo EssilorLuxottica, nhà sản xuất và phân phối mắt kính, gọng và kính râm hàng đầu thế giới, doanh số bán kính mắt toàn cầu vượt 107 tỷ USD vào năm 2022, với mức tăng trưởng khoảng 5% trong những năm tới.
Nguồn: https://bnews.vn/nganh-hang-xa-xi-ngay-cang-chu-trong-thi-truong-kinh-ram/314724.html
2. Ngành mỹ phẩm và hàng miễn thuế Hàn Quốc sa sút vì vắng khách đoàn Trung Quốc
Sự thay đổi trong xu hướng du lịch khiến những doanh nghiệp Hàn Quốc, trước đây dựa vào chi tiêu của khách Trung Quốc đi theo tour đoàn, gặp khó khăn. Chẳng hạn, hoạt động kinh doanh của ngành công nghiệp mỹ phẩm và cửa hàng miễn thuế của Hàn Quốc, giảm sút rõ rệt trong quí 3. Theo Hiệp hội kinh doanh hàng miễn thuế Hàn Quốc, ngành này chỉ đạt doanh thu 1,14 nghìn tỉ won trong tháng 8, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp mỹ phẩm và kinh doanh hàng thuế của Hàn Quốc cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc. Kim Joo-deok, giáo sư của Đại học Phụ nữ Sungshin, cho biết các sản phẩm làm đẹp của Trung Quốc đã trở nên rẻ hơn rất nhiều và chất lượng của chúng cũng tăng cao hơn giờ hết. Ông nói thêm, tiêu dùng theo chủ nghĩa dân tộc cũng đang thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc. Theo ông, các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc cần đa dạng hóa mục tiêu khách hàng sang các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nganh-my-pham-va-hang-mien-thue-han-quoc-sa-sut-vi-vang-khach-doan-trung-quoc/

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Alibaba ra mắt công cụ AI mới hỗ trợ thương mại toàn cầu
Ngày 6/11, Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã công bố dự án Aidge – bộ ứng dụng lập trình thương mại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ cho các doanh nghiệp trên toàn cầu. Aidge – tên viết tắt của cụm từ Trí tuệ nhân tạo cho Doanh nghiệp Kỹ thuật số và Toàn cầu, được xây dựng dựa trên các mô hình độc quyền của Alibaba International. Những mô hình này được đào tạo dựa trên nguồn dữ liệu của tập đoàn về hoạt động thương mại điện tử toàn cầu, cho phép Aidge tăng cường hiệu suất kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn thử nghiệm thí điểm, Alibaba International có kế hoạch hợp tác với các đối tác phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) và nhà cung cấp dịch vụ độc lập (ISV) để thử nghiệm.Các mảng dịch vụ được Aidge cung cấp bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến thương mại toàn cầu:thông tin về người tiêu dùng, bản địa hóa nội dung, tiếp thị, thiết kế và dịch vụ khách hàng. Hiện tại, Aidge đã tìm được đối tác trên nền tảng thương mại điện tử Nam Á Daraz. Nền tảng này đang tiến hành thử nghiệm với công cụ Aidge và có kế hoạch nâng cao tính năng tin nhắn tức thời Daraz bằng công cụ AI.
Nguồn: https://markettimes.vn/alibaba-ra-mat-cong-cu-ai-moi-ho-tro-thuong-mai-toan-cau-47124.html
2. Nguy cơ dư thừa nguồn cung chip do đối đầu địa chính trị
SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, cảnh báo, căng thăng địa chính trị và nỗ lực sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang gây rủi ro dư thừa nguồn cung trong ngành chip bán dẫn toàn cầu. Các cường quốc từ Mỹ cho đến Anh và Nhật Bản, Hàn Quốc đang chạy đua phân bổ những khoản trợ cấp khổng lồ để hỗ trợ xây dựng các nhà máy sản xuất chip, do lo ngại căng thẳng chính trị có thể làm tắc nghẽn nguồn cung chip ở châu Á, đặc biệt là ở Đài Loan, nơi TSMC là nhà sản xuất chip nhất toàn cầu. Từ lâu, Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng thu hồi bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ngành công nghiệp chip đã phát triển qua nhiều thập niên thành một chuỗi giá trị toàn cầu, có tính liên kết cao, trong đó, các công ty từ các khu vực khác nhau trên thế giới vượt trội trong các phần khác nhau của quy trình. Điều đáng lo ngại đối với ngành là khi các khối khu vực khác nhau sẽ cố gắng tự thực hiện tất cả các phần của quy trình sản xuất chip, điều này có thể dẫn đến sự trùng lặp tốn kém. Christopher Cytera, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Phân tích chính sách Châu Âu (CEPA), cũng cho rằng, các chương trình trợ cấp có thể sẽ tạo ra cho các cơ sở sản xuất chip tốn kém và lãng phí, dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nguy-co-du-thua-nguon-cung-chip-do-doi-dau-dia-chinh-tri/

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Bong bóng đầu tư năng lượng mặt trời ở Trung Quốc có nguy cơ bùng vỡ
Cơn sốt đầu tư sản xuất linh kiện năng lượng mặt trời ở Trung Quốc dường như lên đến đỉnh điểm khi những đối thủ xa lạ bên ngoài tăng tốc nhập cuộc bao gồm một công ty chăn nuôi bò sữa, một nhà sản xuất đồ chơi, hay thậm chí một công ty kinh doanh trang sức. Tuy nhiên, giá cả đang suy giảm nhanh chóng trong ngành này do nguồn cung dư thừa, làm dấy lên lo ngại về làn sóng thua lỗ và phá sản. Theo Công ty dữ liệu OPIS, kể từ đầu năm đến nay, giá polysilicon – vật liệu nền của các tấm pin mặt trời ở Trung Quốc giảm 50% và giá các tấm pin giảm 40%. Giá cả suy giảm nhanh chóng khiến một số công ty lo ngại ‘bong bóng xanh’ sắp bùng vỡ.
Theo Công ty dữ liệu InfoLink, hiện tại có hơn 70 công ty niêm yết ở Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ thời trang, hóa chất, bất động sản đến thiết bị điện, gia nhập lĩnh vực năng lượng mặt trời vào năm 2022. Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, đầu tư quá lớn ở Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung linh kiện và giá giảm, khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều công ty năng lượng mặt trời lâu đời của Trung Quốc đang cảnh báo, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, với nguy cơ thua lỗ hoặc phá sản của nhiều đấu thủ yếu kém.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/bong-bong-dau-tu-nang-luong-mat-troi-o-trung-quoc-co-nguy-co-bung-vo/

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Sun World bắt tay Be Group nâng cao trải nghiệm du khách
Ngày 9/11, Sun World – thương hiệu vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group – ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Be Group nhằm mang lại trải nghiệm tham quan, vui chơi liền mạch, độc đáo cho du khách, hướng đến thúc đẩy du lịch nội địa.
Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch trên toàn cầu, sự hợp tác giữa Sun World và Be Group hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn, chi phí ưu đãi cho du khách. Đây cũng được xem là bước đi táo bạo, thể hiện nỗ lực thúc đẩy hành trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam của hai doanh nghiệp.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/sun-world-hop-tac-chien-luoc-voi-be-group-nang-cao-trai-nghiem-du-khach-2213282.html
BSAi