Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1.    Sản phẩm phụ từ đậu nành: các nhà nghiên cứu Singapore chế tạo thành công pho mai plant-based từ bã đậu nành
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Republic Polytechnic (RP) – Singapre vừa công bố công nghệ độc quyền để sản xuất phô mai từ bã đậu nành.  Sắp tới, trường và công ty liên kết SoiLabs thuộc quỹ đầu tư Hafnium Hafaway sẽ tiến hành thương mại hóa các sản phẩm phô mai plant-based này ở dạng lát, kem và súp cho các thị trường quốc tế.
Đối tác và Giám đốc Điều hành tại Hafnium Hafaway, Francis Tan, cho biết pho mai đậu nành đang ở vị trí độc tôn trong thị trường đạm thay thế đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Theo Tan, thị trường bơ sữa thuần chay ước tính trị giá 2,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12,6% vào năm 2030.
Dự án nghiên cứu trên có sự tham gia của 15 sinh viên trường năm cuối dưới sự giám sát của các giảng viên Tiến sĩ Ritu Bhalla, Tiến sĩ Mervyn Yeo và Tiến sĩ Heng Kiang Soon. Theo Tiến sĩ Heng, Singapore thải ra 30 tấn bã đậu nành ướt mỗi ngày, nhưng hầu hết sẽ bị loại bỏ trở thành chất thải thực phẩm hoặc được tái chế làm thức ăn gia súc, điều này dẫn đến tổn thất về kinh tế và tạo ra các vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, bã đậu nành chứa “một lượng đáng kể” chất xơ, protein và các chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, nhưng khả năng tái sử dụng làm thực phẩm bị hạn chế do lượng chất xơ khó tiêu hóa cao. Vì vậy, RP đã nghiên cứu ra công nghệ độc quyền để chuyển hóa chất xơ khó tiêu hóa trong bã đậu thành lượng chất xơ dễ tiêu hóa, để có thể làm nguyên liệu cho việc sản xuất pho mai đậu nành.
Tiến sĩ Heng cho biết các giảng viên và sinh viên RP cũng đang thực hiện các dự án nghiên cứu tận dụng các phụ phẩm khác như bã cà phê đã qua sử dụng, vỏ trái cây, bã mía, bã trà, bã cà phê và lõi ngô. Các phụ phẩm này có thể được xử lý để sử dụng làm thức ăn cho cá, men vi sinh để xử lý nước, chất dinh dưỡng lỏng hữu cơ cho nuôi trồng thủy canh, vật liệu tổng hợp sinh học  và chất chống vi sinh vật.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/08/15/soy-cheese-a-promising-plant-based-alternative-singapore-partnership
2.    Công ty Duy Anh (Việt Nam) với trái cây là nguyên liệu chính cho đổi mới – sáng tạo
Công ty chuyên sản xuất gạo Duy Anh Foods (VN) đang tập trung sử dụng trái cây và rau quả làm nguyên liệu quan trọng trong nỗ lực đổi mới sản phẩm của mình, cho đến nay đã phát triển được các sản phẩm kết hợp độc đáo như bún dưa hấu và bánh tráng thanh long.
Trái cây thường được sử dụng như một hương vị trong các sản phẩm bánh kẹo khác nhau, nhưng rất hiếm khi được tích hợp vào các món ăn chính hoặc món mặn truyền thống như bún hoặc bánh tráng, vì vậy đây vẫn là một thị trường ngách khá mới mẻ và nhiều tiềm năng.
Duy Anh Foods hiện đã xuất khẩu các sản phẩm làm từ gạo sang 58 quốc gia trên thế giới bao gồm Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada…, và hy vọng sẽ đạt được hiện tăng trưởng hơn nữa khi ảnh hưởng từ dịch Covid đã qua đi.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/08/11/vietnam-s-duy-anh-looking-to-fruits-as-key-ingredients-for-novel-product-innovation

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1.    Nhờ nắng nóng, doanh thu bán đá lạnh của công ty Trung Quốc đạt cả triệu đô la
Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 12-8, nhu cầu sử dụng nước đá cho các ngành công nghiệp và người tiêu dùng ở Trung Quốc đã tăng vọt do nhiệt độ cao, khiến các nhà máy sản xuất nước đá và đá lạnh chịu áp lực sản xuất nhiều đá lạnh hơn. Khi cầu vượt cung, có công ty đạt doanh thu 1 triệu USD tháng trong thời gian gần đây.
Eleme, một ứng dụng giao hàng trực tuyến khác tại Trung Quốc, cũng cho biết các đơn đặt hàng đá lạnh và đá bi tiếp tục tăng. Trong nửa đầu tháng 7, các cửa hàng tiện lợi của ứng dụng này ở Thượng Hải đã bán được khoảng 300 tấn sản phẩm nước đá.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nho-nang-nong-doanh-thu-ban-da-lanh-cua-cong-ty-trung-quoc-dat-ca-trieu-do-la-20220812161710603.htm
2.    Trung Quốc: Gà đẻ ít hơn vì trời quá nóng, giá trứng tăng chóng mặt
Giá trứng gà ở các tỉnh thành miền Đông Trung Quốc đang tăng chóng mặt, vì trời quá nóng khiến gà mái đẻ ít trứng hơn, báo chí địa phương đưa tin. Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ cực đoan xảy ra thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu, và tình hình càng trở nên khốc liệt khi nhiệt độ tăng cao, tác động đến các hoạt động kinh tế và xã hội trên khắp thế giới.
Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong năm nay. Cơ quan khí tượng quốc gia đưa ra mức cảnh báo đỏ hôm 15/8.
Nguồn: https://tienphong.vn/trung-quoc-ga-de-it-hon-vi-troi-qua-nong-gia-trung-tang-chong-mat-post1462491.tpo
3.    Giá thịt lợn cao kỷ lục, lạm phát Trung Quốc cao nhất 2 năm
Theo CNBC, giá thịt lợn, loại thực phẩm chính tại Trung Quốc, trong tháng 7/2022 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, giá thịt lợn ghi nhận mức tăng theo tháng cao kỷ lục, mức tăng ghi nhận 25,6% so với tháng liền trước.
Việc nhiều người nông dân không muốn bán lợn với hy vọng sẽ bán được giá cao hơn trong tương lai khiến cho giá thịt lợn tăng vọt, chuyên gia phân tích tại quỹ Nanhua Futures – ông Bian Shuyang nhấn mạnh. Trong khi giá thực phẩm tăng, số liệu lạm phát tiếp tục phản ánh nhu cầu tiêu dùng yếu đi trong nền kinh tế Trung Quốc.
Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn/post-3099693.html
4.    Cố gắng bán pizza ở Italy, chuỗi nhà hàng Mỹ Domino’s hứng thất bại thảm hại
7 năm sau ngày ra mắt tại Italy – cái nôi của món pizza – “gã khổng lồ” pizza của xứ cờ hoa cuối cùng đã phải đóng tất cả các cửa hiệu tại nước này. Nguyên nhân dẫn tới kết cục này không gì khác chính là thất bại của Domino’s trong việc thu hút thực khách Italy – những người vẫn dành sự yêu thích lớn hơn cho các nhà hàng địa phương.
Nguồn: https://vneconomy.vn/co-gang-ban-pizza-o-italy-chuoi-nha-hang-my-dominos-hung-that-bai-tham-hai.htm
5.    Vì sao xoài đỏ của Nhật Bản lại đắt nhất thế giới?
Dù xoài đỏ Miyazaki có giá thành cao nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng mua bởi hương vị đặc biệt của nó. Xoài đỏ là một giống xoài xuất xứ từ Nhật Bản, được mệnh danh là “Những quả trứng của mặt trời”. Khác với những loại xoài phổ biến, xoài đỏ có vỏ ngoài màu đỏ, không bị trầy xước và hương vị ngọt thanh.
Hàng năm, những trái xoài ngon nhất sẽ được đem bán đấu giá cho người trả giá cao nhất. Trong đó, kỷ lục được thiết lập vào năm 2019 là 500.000 yên/2 quả  (tương đương gần 4.000 đô la). Chính vì điều đó, xoài Miyazaki được nhiều người biết đến là loại xoài đắt nhất thế giới. Những quả xoài này được bán với giá thành rất cao vì khâu nuôi trồng và bảo quản vô cùng nghiêm ngặt và phức tạp.
Nguồn: https://vtv.vn/doi-song/vi-sao-xoai-do-cua-nhat-ban-lai-dat-nhat-the-gioi-2022081301123492.htm
6.    Thị trường bánh Trung thu tại TP.HCM bắt đầu sôi động
Gần 1 tháng nữa mới đến tết Trung thu, nhưng thị trường bánh Trung thu ở TP.HCM đã bắt đầu sôi động. Bánh năm nay nhiều mẫu mã, hương vị mới và sức mua khá tốt. Với sức mua tăng dần như hiện nay, thị trường bánh Trung thu dự kiến sẽ thoát khỏi tình cảnh ảm đạm như hai năm dịch bệnh vừa qua
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-banh-trung-thu-tai-tphcm-bat-dau-soi-dong-post963984.vov
7.    Người Việt Nam chi hơn 8.400 tỷ đồng/năm để mua trà sữa
Mỗi năm, người yêu trà sữa tại Đông Nam Á chi tới 3,66 tỷ USD cho loại thức uống này. Thị trường tiêu thụ trà sữa lớn nhất trong khu vực là Indonesia, với doanh thu hàng năm ước tính là 1,6 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ hai, với 749 triệu USD từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác. Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 với 362 triệu USD (khoảng 8.477 tỷ đồng) và đứng thứ 4 là Singapore với 342 triệu USD.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nguoi-viet-nam-chi-hon-8400-ty-dongnam-de-mua-tra-sua-20220817155248150.htm
8.    Thí điểm thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc
Để người tiêu dùng dễ nhận diện, tin cậy chất lượng sản phẩm nước mắm Phú Quốc, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đã triển khai thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc cho loại sản phẩm truyền thống này. Phú Quốc cũng là đơn vị được chọn có sản phẩm đầu tiên của tỉnh Kiên Giang để xây dựng sổ tay hướng dẫn truy xuất nguồn gốc nước mắm.
Việc áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nước mắm Phú Quốc không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn là cách để các doanh nghiệp chung tay bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/thi-diem-thanh-cong-dan-tem-truy-xuat-nguon-goc-nuoc-mam-phu-quoc-post963365.vov
9.    Cách mạng kỹ thuật số của F&B: Khái niệm nhà bếp đám mây đang phát triển như thế nào tại APAC?
Năm 2020, thị trường phục vụ đồ ăn ở châu Á đã giảm từ 25% đến 30%. Văn hóa ăn uống tại nhà hàng buộc phải tạm dừng trong thời kỳ đại dịch, nhà bếp đám mây (cloud kitchen) chính là mô hình tối ưu nắm bắt khoảng trống thị trường. Trên thực tế, sự xuất hiện của mô hình phục vụ này là kết quả tất yếu của nhiều yếu tố như công nghệ, thói quen ăn uống-tiêu dùng thay đổi và sự gia tăng của dịch vụ giao hàng trực tuyến.
Dựa trên các số liệu nghiên cứu, thị trường nhà bếp đám mây khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ trở thành thị trường lớn nhất toàn cầu vào năm 2027, khi mà tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo sẽ tăng 14,4% từ năm 2021 đến năm 2027.
Nguồn: https://vneconomy.vn/cach-mang-ky-thuat-so-cua-fb-khai-niem-nha-bep-dam-may-dang-phat-trien-nhu-the-nao-tai-apac.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Phát triển du lịch y tế – Bài toán vẫn còn ‘bỏ ngỏ’
Theo báo cáo của Grand View Research, doanh thu năm 2030 của ngành du lịch y tế (medical tourism) trên toàn cầu sẽ lên đến gần 100 tỷ USD. Là khái niệm không còn xa lạ trên thế giới, thậm chí còn là xu hướng du lịch lên ngôi sau đại dịch, tuy nhiên việc phát triển du lịch y tế ở Việt Nam theo hướng nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/phat-trien-du-lich-y-te-bai-toan-van-con-bo-ngo.htm
2.    Giá vé máy bay trên toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng
Theo báo cáo Dự báo hoạt động du lịch doanh nghiệp toàn cầu năm 2023 do công ty quản lý du lịch toàn cầu Carlson Wagonlit Travel (CWT) và Hiệp hội du lịch doanh nghiệp toàn cầu (GBTA) công bố tuần trước, giá vé máy bay trên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm nay và trong năm tới. Giá nhiên liệu tăng, tình trạng thiếu lao động và sức ép lạm phát giá nguyên liệu thô là những yếu tố chính dẫn tới sự gia tăng giá vé máy bay.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-ve-may-bay-tren-toan-cau-du-kien-tiep-tuc-tang-20220815163135959.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Đại gia Việt ồ ạt mở cửa hàng bán lẻ
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam hiện được định giá khoảng 170 tỉ USD với dự báo tăng trưởng 10% trong vòng năm năm tới. Các đại gia Việt đang nỗ lực mở rộng quy mô, liên tục gây sức ép cạnh tranh lên đối thủ ngoại để tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ đầy tiềm năng. Tuy nhiên, ngành bán lẻ sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ngoại gia nhập mạnh mẽ trên thị trường. Vì vậy, các công ty Việt cần phải thích nghi và thay đổi để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như nắm bắt cơ hội bứt phá.
Nguồn: https://plo.vn/dai-gia-viet-o-at-mo-cua-hang-ban-le-post693508.html
2.    Cuộc đua khốc liệt giành thị phần bán lẻ tại chung cư
Hàng loạt cửa hàng tạp hóa mô hình mới mở ra tại các chung cư trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ. Cuộc tranh quyết liệt hơn khi các đại gia ngoại cũng đầy tham vọng khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Quan sát động thái của các nhà bán lẻ của khối nội lẫn khối ngoại, giới phân tích cho rằng cuộc đua mở rộng thị phần của các nhà bán lẻ sẽ tiếp tục gay cấn trong các năm tới.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cua-hang-tap-hoa-len-doi-cuoc-dua-chiem-khach-chung-cu-2050027.html#vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong18

Nhóm tin về ngành thời trang

1.    Các thương hiệu xa xỉ vẫn kiếm bộn tiền bất chấp lạm phát, lo ngại suy thoái
Theo CNBC, các công ty phục vụ giới siêu giàu, như Ferrari và các công ty mẹ của Dior, Louis Vuitton và Versace, đang báo cáo doanh số cao hoặc tăng dự báo lợi nhuận. Các công ty này ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan ngay cả khi lo ngại suy thoái bao trùm nền kinh tế và các tập đoàn khác như Walmart, Best Buy, Gap cắt giảm triển vọng tài chính với lý do người tiêu dùng thu nhập thấp giảm chi tiêu do lạm phát.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-thuong-hieu-xa-xi-van-kiem-bon-tien-bat-chap-lam-phat-lo-ngai-suy-thoai-20220814205528339.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Nếu bị Mỹ cấm xuất khẩu phần mềm thiết kế chip EDA, cả ngành công nghiệp chip Trung Quốc sẽ không thể sản xuất nổi các chip tiến trình nhỏ hơn 5nm.
Theo các nhà phân tích, nỗ lực tự chủ ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ gặp phải một trở lực lớn trong thời gian tới nếu chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu phần mềm thiết kế chip với quốc gia này. Ít được biết tới, nhưng phần mềm này là một thành phần cốt lõi để có thể phát triển được các thế hệ chip mới trong tương lai.
Theo một báo cáo từ trang Protocol, chính phủ đã sẵn sàng chặn việc xuất khẩu các phần mềm thiết kế điện tử tự động (EDA: electronic design automation) sang Trung Quốc. Nếu được xác nhận, đây sẽ là bước leo thang mới nhất trong nỗ lực hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip.
Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/neu-my-ap-dung-chinh-sach-nay-nganh-cong-nghiep-chip-trung-quoc-se-khong-the-phat-trien-tiep-20220812140401665.htm
2.    Thách thức của Apple tại thị trường Việt Nam
Việt Nam thuộc nhóm thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới của Apple. Trong 3 năm trở lại, thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh về doanh số, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này khiến Táo khuyết phải nhìn nhận Việt Nam dưới góc nhìn khác, không còn là thị trường nhỏ.
Tuy nhiên, Apple phải đối diện với những thách thức lớn như: người dùng vẫn giữ thói quen mua sắm tại cửa hàng, sự cạnh tranh của hàng xách tay với mức giá tốt hơn, cũng như bài toán cung ứng lẫn chất lượng hậu mãi.
Nguồn: https://zingnews.vn/thach-thuc-cua-apple-tai-thi-truong-viet-nam-post1344249.html
3.    Việt Nam lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook
Apple đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, đánh dấu một chiến thắng nữa cho quốc gia Đông Nam Á này khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.
Nguồn: https://asia.nikkei.com/Business/Technology/Vietnam-to-make-Apple-Watch-and-MacBook-for-first-time-ever
4.    Nguồn cung lithium tiếp tục khan hiếm trong thập kỉ này, ngành xe điện gặp khó
Mới đây, Công ty sản xuất ô tô Albemarle của Mỹ cho biết nguồn cung lithium sẽ vẫn eo hẹp trong vòng 7-8 năm nữa. Bởi vậy các nhà sản xuất ô tô điện sẽ phải đối mặt với cuộc chiến trong suốt thời gian còn lại của thập kỉ này để đảm bảo nguồn cung lithium cho cuộc cách mạng xe điện của mình. Ông Kent Masters, Giám đốc điều hành của Albemarle, nhà sản xuất lithium được giao dịch công khai lớn nhất cho biết thị trường sẽ vẫn thắt chặt bất chấp những nỗ lực khai thác thêm kim loại này. “Trong 7-8 năm nữa, nguồn cung vẫn khá chặt chẽ vì những lí do hệ thống trong khoảng thời gian dài.”
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nguon-cung-lithium-tiep-tuc-khan-hiem-trong-thap-ki-nay-nganh-xe-dien-gap-kho-20220812093128981.htm
5.    Toyota đứng đầu thế giới về doanh số bán xe nửa đầu năm 2022
Toyota, Volkswagen và Hyundai là 3 hãng ô tô đứng đầu thế giới về doanh số bán xe 6 tháng đầu năm 2022. Theo dữ liệu chính thức do các hãng xe công bố, Toyota dẫn đầu với 5,138 triệu chiếc xe được bán trên thị trường toàn cầu, tiếp đến là Volkswagen Group với 4,006 triệu chiếc và Hyundai Motor Co với 3,299 triệu xe.
Nguồn: https://baotintuc.vn/o-to-xe-may/toyota-dung-dau-the-gioi-ve-doanh-so-ban-xe-nua-dau-nam-2022-20220815132531599.htm
6.    Tencent từ bỏ kinh doanh NFT tại Trung Quốc trước sức ép của Chính phủ
Trong tuyên bố mới nhất vào ngày 16/8, Tencent thông báo từ bỏ việc kinh doanh các tài sản NFT (mã thông báo không thể thay thế) cho các nhà sưu tập đồ kỹ thuật số ở Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc vẫn kiên định lập trường cấm giao dịch tài sản kỹ thuật số trong nước, bao gồm: NFTs , tiền điện tử như bitcoin và ethereum, trò chơi blockchain… theo cơ quan quản lý Bắc Kinh.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tencent-tu-bo-kinh-doanh-nft-tai-trung-quoc-truoc-suc-ep-tu-chinh-phu-2050377.html
7.    Tencent muốn thoái vốn khỏi nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc
Gã khổng lồ công nghệ có kế hoạch bán bớt số cổ phần trị giá 24 tỷ USD tại công ty giao đồ ăn Meituan. Từ đầu năm, Tencent đã có động thái thoái vốn ở nhiều công ty. Reuters cho biết Tencent đang tìm cách thoái vốn trong điều kiện thị trường thuận lợi. Tuy nhiên, một nguồn tin trong ngành của CNBC khẳng định tập đoàn công nghệ không có kế hoạch bán cổ phần Meituan.
Nguồn: https://zingnews.vn/tencent-muon-thoai-von-khoi-nen-tang-giao-do-an-lon-nhat-trung-quoc-post1346281.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.    Giá than được dự báo sẽ tăng cao trong nhiều năm, có thể gây áp lực lên hoạt động sản xuất điện trong nước
Lệnh cấm nhập khẩu than Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày 11/8 vừa qua. Một số nhà phân tích dự báo rằng lệnh cấm này có thể góp phần đưa giá than toàn cầu vào một đợt tăng giá kéo dài trong những năm tới.
Lệnh cấm than Nga sẽ đặt ra áp lực lớn lên nguồn cung than ở châu Âu, khiến các nước trong khu vực phải xoay sở nguồn cung thay thế giữa lúc vốn đã lao đao vì nguồn cung khí đốt Nga ngày càng chảy chậm lại.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/gia-than-duoc-du-bao-se-tang-cao-trong-nhieu-nam-co-the-gay-ap-luc-len-hoat-dong-san-xuat-dien-trong-nuoc-20220813102944755.htm
2.    Venezuela ngừng vận chuyển dầu thô sang châu Âu
Ngày 12/8, Venezuela đã quyết định đình chỉ các hoạt động vận chuyển dầu thô sang châu Âu theo thỏa thuận cấn trừ nợ và cổ tức trễ hạn. Ngoài việc ngừng chuyển dầu thô sang châu Âu, Venezuela cũng yêu cầu các công ty dầu mỏ Eni SpA của Italy và Repsol SA của Tây Ban Nha đổi xăng lấy các lô hàng dầu thô trong tương lai.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/venezuela-ngung-van-chuyen-dau-tho-sang-chau-au-20220813061732434.htm
3.    Dầu thô của Nga đã trở nên quá phụ thuộc Ấn Độ và Trung Quốc
Nga đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm hơn 40% lượng dầu xuất khẩu. Cụ thể, hai “gã khổng lồ châu Á” chiếm 41,4% tổng lượng xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 7, gần gấp đôi so với mức 21,7% cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đáng lo ngại với Nga là nhập khẩu dầu thô của hai thị trường này đã có dấu hiệu đạt ‘đỉnh’.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/dau-tho-cua-nga-da-tro-nen-qua-phu-thuoc-an-do-va-trung-quoc-20220814092440581.htm
4.    Sự phục hồi của thép nhập khẩu Việt Nam
Hạn chế về nguồn cung từ hai nhà xuất khẩu Trung Quốc và Ấn Độ trong bối cảnh sản xuất bị cắt giảm và giá thép HRC nội địa Trung Quốc tăng đã đẩy giá chào bán tăng lên. Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường nội địa Việt Nam lại đang tiếp tục duy trì ở mức tương đối ổn định
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/su-phuc-hoi-cua-thep-nhap-khau-viet-nam-20220812094534522.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.    EVERPIA và VMLY&R ký kết hợp tác xây dựng chiến lược tái định vị cho thương hiệu EVERON
Ngày 11/8, tại Hưng Yên, Công ty Cổ phần Everpia và Agency chuyên tư vấn về thương hiệu và trải nghiệm khách hàng VMLY&R Việt Nam đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng chiến lược tái định vị cho thương hiệu chăn ga gối nệm Everon.
Đây là một bước tiến lớn đối với công ty Everpia nói chung, và thương hiệu Everon nói riêng trong việc nâng cấp thương hiệu lâu đời này theo hướng phù hợp với môi trường kinh doanh mới, nhu cầu và thị hiếu mới của khách hàng – nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao vị thế cạnh tranh và ngày càng phát triển của doanh nghiệp.
Nguồn: https://congthuong.vn/everpia-va-vmlyr-ky-ket-hop-tac-xay-dung-chien-luoc-tai-dinh-vi-cho-thuong-hieu-everon-216892.html

Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi

1.    Giá mít Thái, dưa hấu, thanh long tăng vọt khi cửa khẩu phía Bắc hút hàng
Những ngày gần đây, giá mít Thái, thanh long, dưa hấu… tăng mạnh nhờ việc thông thương cửa khẩu phía Bắc thuận lợi. Do trái cây nội địa đang ở mùa thấp điểm nên thị trường xuất hiện nhiều loại trái cây nhập khẩu. Tuy nhiên, so với mọi năm, giá những mặt hàng này giá đều cao hơn 30%-50% do mất mùa, chi phí vận chuyển tăng.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 6-2022, kim ngạch xuất khẩu mít của Việt Nam đạt gần 10,2 triệu USD (giảm 44,5% so với tháng trước đó và giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mít đạt 93,5 triệu USD, xếp thứ 3 trong nhóm các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, sau thanh long và chuối.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/gia-mit-thai-dua-hau-thanh-long-tang-vot-khi-cua-khau-phia-bac-hut-hang-20220813142935735.htm
2.    Sầu riêng Tiền Giang trúng vụ, nhưng cung không đủ cầu
Hiện nay, Tiền Giang có diện tích vườn cây sầu riêng lớn nhất vùng ĐBSCL với hơn 16.000 ha, cho sản lượng một năm khoảng 298.900 tấn. Ở thời điểm này, do hết vụ nên đa số vườn cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang đã hết trái, còn trái sầu riêng nghịch vụ giá trên 70.000 đồng/kg nhưng rất hiếm hàng, không đủ sản lượng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhà vựa phải ra đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên để mua hàng về cung ứng cho đối tác.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/sau-rieng-tien-giang-trung-vu-nhung-cung-khong-du-cau-post962864.vov
3.    Giá gà tăng mạnh
Giá gà tăng mạnh, hiện đang ở cao nhất trong nhiều năm gần đây. Các hộ chăn nuôi cho biết dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng giá gà tăng bà con vẫn có lãi, mang lại lợi nhuận khá.
Tổng đàn gia cầm của cả nước hiện có khoảng 550 triệu con, trong đó gà khoảng 440 triệu con. các hộ chăn nuôi đang có xu hướng tái đàn là tín hiệu tốt cho ngành chăn nuôi. Những người chăn nuôi lâu năm nhận định, từ nay đến cuối năm, khi nguồn cung gà tăng lên, giá gà vẫn có thể duy trì ở mức cao.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-ga-tang-manh-20220812110849178.htm
4.    Ngư dân Quảng Bình ‘trúng đậm’ sau thời gian dài tàu nằm bờ
Sau một thời gian dài nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao, mới đây đoàn tàu đánh cá xa bờ của xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) xuất bến và “trúng đậm” sau ít ngày đánh bắt. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh cho biết: Chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, xã này đã có 7 tàu cá cập bờ, thu về hơn 10 tỷ đồng nhờ trúng luồng cá nục. Chuyến đi vừa rồi, để tiết kiệm chi phí, nên các chủ tàu tập trung đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc bộ và đã trúng luồng cá nục. Đây là sự khích lệ lớn để ngư dân tự tin vươn khơi, vươn xa phát triển kinh tế và bảo vệ biển đảo.
Nguồn: https://tienphong.vn/ngu-dan-quang-binh-trung-dam-sau-thoi-gian-dai-tau-nam-bo-post1460937.tpo
5.    Xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau tăng mạnh
Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam nói chung, của tỉnh Cà Mau nói riêng chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, phải kể đến những hiệp định có hiệu lực gần đây như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Kể từ khi các hiệp định bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau sang các thị trường thành viên của các hiệp định trên liên tục tăng, như: thị trường EU năm 2021 đạt 135 triệu USD, tăng gần 45% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2022 của Cà Mau vào thị trường Anh tăng gần 70% so với cùng kỳ.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-cua-ca-mau-tang-manh-post962471.vov
6.    Nông dân Quảng Nam làm giàu từ trồng hoa và quất cảnh
Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Nam mạnh dạn vay vốn để xây dựng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, trồng hoa và quất cảnh. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều hộ dân Quảng Nam đã khấm khá hơn, không ít hộ lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Siêng năng, chịu khó cùng với sự tiếp sức về vốn của ngân hàng không chỉ giúp người dân tỉnh Quảng Nam nâng cao đời sống, mà còn góp phần hiện thực hoá mục tiêu chiến lược quốc gia về kinh tế xanh thích ứng với biển đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-quang-nam-lam-giau-tu-trong-hoa-va-quat-canh-post962472.vov
7.    Ốc hương khổng lồ, giá cả triệu đồng/kg vẫn cháy hàng
Thông thường, ốc hương trên thị trường có giá trung bình 200.000 – 350.000 đồng/kg tùy kích cỡ (khoảng từ 100 – 150 con/kg). Thế nhưng ốc hương khổng lồ thì khác. Vẫn là ốc hương nhưng là loại to bằng 3 đầu ngón tay (khoảng 20 – 30 con/kg) có giá lên đến 1,1 triệu đồng/kg. Ốc hương “khổng lồ” hay còn gọi là ốc hương cồ hiện rất hiếm, không có hàng để mua.
Anh Phạm Tâm, chủ cửa hàng chuyên nhận sỉ lẻ các loại hải sản ở Quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết, khoảng vài tháng trở lại đây, ốc hương tăng giá cao hơn từ 60.000 – 70.000 nghìn đồng/kg, thậm chí có loại tăng gấp đôi. Đặc biệt ốc hương cồ giá đã lên đến 1,1 triệu đồng/kg. Giá cao nhưng do khan hiếm nên hàng về đến đâu thì các mối sỉ đều lấy hết đến đó, không có để bán lẻ.
Nguồn: https://vtc.vn/oc-huong-kho-ng-lo-gia-ca-trieu-dong-kg-van-chay-hang-ar691958.html
8.    Ngư dân Bình Thuận trúng đậm cá cơm cao điểm vụ Nam
Năm nay, mùa cá cơm tại ngư trường Bình Thuận và vùng biển khu vực phía Nam bắt đầu rộ từ thời điểm đầu tháng 7 dương lịch, với sản lượng khai thác tăng mạnh so với vụ cá những năm trước.
Sản lượng khai thác cao nhưng đáng mừng hơn cho ngư dân là giá thu mua cá cơm năm nay khá ổn định. Tại cảng cá Phan Thiết, mỗi giỏ cá cơm size lớn (trọng lượng 25 ký/giỏ) được thương lái thu mua giao động trên dưới 300.000 đồng. Riêng cá ngon, kích cỡ lớn, tươi dùng để sấy khô thì có nơi thu mua gần 350.000 đồng mỗi giỏ.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/ngu-dan-binh-thuan-trung-dam-ca-com-cao-diem-vu-nam-20220817151806495.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Nhiều đặc sản Việt Nam được giới thiệu tại Hội chợ thực phẩm quốc tế Hong Kong
Từ ngày 11 – 15/8, Hội chợ Thực phẩm quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Hong Kong. Bên cạnh đó, Hội chợ trà quốc tế, Hội chợ đồ gia dụng và Hội chợ mỹ phẩm – thực phẩm chức năng cũng đồng thời diễn ra.
Do tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam năm nay tiếp tục không tham gia được hội chợ. Vì vậy, Tổng lãnh sự quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong đã có một gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của Việt Nam. Người dân Hong Kong rất thích ăn các thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như hạt điều, cà phê, bún và phở khô….Các sản phẩm của Việt Nam có mùi vị và hương vị tiếp cận được với nền văn hóa ẩm thực của người dân Hong Kong.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-dac-san-viet-nam-duoc-gioi-thieu-tai-hoi-cho-thuc-pham-quoc-te-hong-kong-20220811182956032.htm
2.    Nhãn Hòa Bình xuất sang châu Âu
Lô nhãn đầu tiên của tỉnh Hòa Bình vừa được xuất đi thị trường châu Âu. Đây là thương hiệu nhãn Sơn Thủy, thuộc huyện Kim Bôi. Nhãn được xuất khẩu sang châu Âu bằng đường hàng không. Để vào được thị trường châu Âu, nhãn Sơn Thủy phải đạt hơn 820 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm.
Từ năm 2021, nhãn Sơn Thủy đã được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo kế hoạch, khoảng 50 tấn nhãn Sơn Thủy sẽ được xuất đi trong năm nay.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nhan-hoa-binh-xuat-sang-chau-au-20220812082724393.htm
3.    Gạo DT8 của Việt Nam chiếm ưu thế tại Philippines
Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh vì họ lo ngại Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo nên đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Tuy lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch tăng không tương xứng, do thương nhân ép giá và tính ra giá gạo xuất khẩu sang Philippines giảm chứ không tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo chuyên gia này, hiện người dân Philippines rất ưa chuộng gạo Đài Thơm 8 (DT8) của Việt Nam, vì chất lượng ngon, giá thành hợp lý nên cạnh tranh tốt và quan trọng là chỉ có Việt Nam mới sản xuất được DT8 nên chiếm ưu thế và giữ thị phần ổn định, dù Thái Lan “rất thèm muốn” nhưng không thể cạnh tranh được với Việt Nam gạo DT8 ở thị trường này.
Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/gao-dt8-cua-viet-nam-chiem-uu-the-tai-philippines-thai-lan-muon-cung-khong-duoc-post3099620.html
4.    Vì sao gạo Việt ‘mất ngôi’ giá cao nhất thế giới?
Ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng, nguyên nhân giá gạo Việt Nam giảm mạnh so với tháng trước là do đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu. Nguồn cung dồi dào cũng làm cho giá lúa ở thị trường nội địa giảm nhẹ 100 – 200 đồng/kg so với tháng trước. Các doanh nghiệp cũng giảm giá bán để đẩy lượng tồn kho.
Đại diện một doanh nghiệp khác cho biết, giá gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu giảm ngoài do nguồn cung tăng, còn do chất lượng của vụ thu hoạch này chỉ ngang bằng với gạo Thái Lan và Ấn Độ, vốn có mức giá rẻ hơn. Do đó, để cạnh tranh với gạo các nước khác, các doanh nghiệp hạ giá bán để đẩy được nhiều hàng hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/vi-sao-gao-viet-mat-ngoi-gia-cao-nhat-the-gioi-post1462371.tpo
5.    Sắp ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây sang Trung Quốc
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi kỹ thuật, tiến hành xây dựng các Nghị định thư đối với 8 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó từ nay đến cuối năm tập trung hoàn thiện Nghị định thư với quả xoài, dưa hấu và thanh long.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, hiện nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 loại trái cây ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng. 8 loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc (gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm) đến nay vẫn chưa ký Nghị định thư.
Nguồn: https://tienphong.vn/sap-ky-nghi-dinh-thu-xuat-khau-chinh-ngach-nhieu-loai-trai-cay-sang-trung-quoc-post1461845.tpo
6.    Mỹ, Nhật, Trung Quốc tranh nhau mua cua, ghẹ Việt Nam
Ngày 16-8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến 15-7, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam đạt hơn 111 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường tăng trưởng mạnh nhất là Trung Quốc với mức tăng 76%, đạt giá trị 37 triệu USD, đứng vị trí thứ 2 sau Mỹ (giá trị hơn 38 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái). Thị trường thứ 3 là Nhật Bản với giá trị 24 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/my-nhat-trung-quoc-tranh-nhau-mua-cua-ghe-viet-nam-20220816164415817.htm
7.    Giá cá tra đông lạnh xuất khẩu sang Mexico tăng 63,5%
Nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu trung bình sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mexico cao hơn 63,5% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 2,8 USD/kg. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 7, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 11 triệu USD.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Mexico đạt 73,4 triệu USD. Trong đó, 94% giá trị xuất khẩu là mặt hàng cá tra phile đông lạnh, 6% còn lại là sản phẩm cá tra cắt khúc đông lạnh.
Nguồn: https://ndh.vn/nong-san/gia-ca-tra-dong-lanh-xuat-khau-sang-mexico-tang-63-5-1322128.html
8.    VASEP: Nhiều nhà nhập khẩu đã ngưng nhận đơn hàng đến tháng 10
Xuất khẩu thủy sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn và đầu ra cho sản phẩm. Ở nhiều nước nhập khẩu, lạm phát tăng cao khiến người dân giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu vì thế tạm ngưng nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu áp lực hàng tồn kho, khó xoay sở dòng tiền để trả vay ngân hàng.
Theo nhận định của VASEP, sau khi tăng nóng từ 39-62% trong 4 tháng đầu năm nay, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Theo đó, giá trị xuất khẩu tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục chững lại đạt 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4% so với tháng 6.
Nguồn: https://ndh.vn/nong-san/vasep-nhieu-nha-nhap-khau-da-ngung-nhan-don-hang-den-thang-10-1322059.html
9.    Việt Nam nhập hơn 600.000 tấn hạt điều từ Campuchia
Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Campuchia, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 670.000 tấn hạt điều thô sang Việt Nam, trị giá hơn 1 triệu USD, giảm hơn 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Aun Silot, Chủ tịch Hiệp hội Điều Campuchia cho biết, từ đầu năm tới nay, thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng điều giảm và chất lượng hạt điều cũng bị giảm. Vì vậy, Campuchia đã không đủ số lượng hạt điều để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-nhap-hon-600000-tan-hat-dieu-tu-campuchia-post963644.vov
10.    Dự báo Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu than giai đoạn 2025-2035
Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam. Theo thông tin tại dự thảo này, với nhu cầu sử dụng than tiếp tục tăng, đạt đỉnh vào 2030-2035, Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Theo thông tin tại dự thảo này, với nhu cầu sử dụng than tiếp tục tăng, đạt đỉnh vào 2030-2035, Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/du-bao-viet-nam-se-tang-nhap-khau-than-giai-doan-20252035-20220810160010005.htm
11.    Xuất khẩu gỗ gặp khó tại thị trường Mỹ và EU
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, do đối mặt với tình trạng lạm phát đang gia tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam là Mỹ và các nước EU, khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm.
Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm. Cục XNK dự báo xuất khẩu của ngành gỗ trong nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.
Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/xuat-khau-go-gap-kho-tai-thi-truong-my-va-eu-post3099718.html
BSA