Ấn Độ là thị trường khách hấp dẫn của du lịch Việt Nam

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Người Nhật ngày càng ít ăn cơm
Người Nhật đang ăn ít cơm hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử quốc gia. Thực tế này khiến những người theo chủ nghĩa washoku (nấu ăn kiểu Nhật) lo ngại. Ngày nay, vị trí của gạo trong thị trường lương thực của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sụt giảm dân số, thay đổi lối sống và sự thống trị của các lựa chọn thay thế hấp dẫn khác. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, mức tiêu thụ gạo ở Nhật Bản đạt đỉnh điểm vào năm 1962, khi mỗi người dân ăn trung bình 118kg gạo/năm – tức là khoảng 5 bát cơm cỡ trung bình mỗi ngày. Nhưng đến năm 2020, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người đã giảm xuống hơn một nửa – chưa đến 51 kg/năm.
Khởi nguồn của thực trạng này là từ những năm kinh tế Nhật tăng trưởng “chóng mặt”, người Nhật bắt đầu ăn nhiều sản phẩm làm từ lúa mì hơn, ví dụ như bánh mỳ, mỳ tôm, mỳ ống. Nhiều nguyên nhân kết hợp khiến ngày nay gạo trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn so với những năm sau chiến tranh. Sự gia tăng các hộ gia đình 1 thành viên cộng với áp lực công việc, cuộc sống gia đình khiến nhiều người đặt sự thuận tiện lên trên thói quen ăn uống kiểu “gohan” (cơm nấu chín). Ngày nay, bữa sáng điển hình của người Nhật thường có bánh mì nướng và trứng luộc thay vì các món ăn truyền thống gồm cơm, cá nướng, súp miso và dưa chua.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của nhà phân phối gạo Makino, 84,8% người được hỏi cho biết họ ăn cơm hằng ngày, nhưng 68,1% nói rằng họ chỉ ăn cơm 1 bữa trong ngày. Chỉ có 16,7% ăn cơm cả 3 bữa. Vì mức tiêu thụ gạo trong nước sụt giảm nên các nhà sản xuất tăng cường tìm kiếm đầu ra ở thị trường nước ngoài. Xuất khẩu gạo Nhật Bản tăng gấp 5 lần – từ 4.515 tấn vào năm 2014 lên 22.833 tấn vào năm 2021, trong đó 1/3 là xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, xuất khẩu cũng chỉ chiếm chưa đầy 0,5% sản lượng gạo nội địa Nhật Bản. Vì thế, các hợp tác xã nông nghiệp vẫn khuyến khích các nhà hàng phục vụ nhiều món liên quan đến cơm hơn.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nguoi-nhat-ngay-cang-it-an-com-2164468.html
2. Gạo lãng phí ở châu Á thải ra hơn 600 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm
Theo Liên Hợp Quốc, vào năm 2022, một con số kỷ lục người đã phải trải qua nạn đói cấp tính, và dự trữ lúa mì và ngô toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Mặc dù lạm phát chung đã hạ nhiệt, nhưng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu còn lâu mới kết thúc. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính rằng lượng khí thải carbon từ thực phẩm bị lãng phí trên thế giới tương đương với 3,3 tỷ tấn carbon dioxide (3,6 tỷ tấn) mỗi năm. Đó là lượng khí thải nhà kính nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào sản xuất ra, ngoài Trung Quốc và Mỹ. Trong số các mặt hàng khu vực được LHQ phân tích, ngũ cốc được sản xuất ở châu Á là nguyên nhân lớn nhất gây ra lượng khí thải carbon từ chất thải thực phẩm. (Những loại khác là thịt ở Châu Âu; rau ở Bắc Mỹ và Châu Đại Dương, v.v.). Gạo chiếm hơn một nửa số ngũ cốc bị lãng phí ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, và 72% số ngũ cốc bị thất lạc hoặc bị loại bỏ ở Nam và Đông Nam Á— tổng cộng là 149,7 triệu tấn, theo LHQ. Số gạo bị lãng phí đó thải ra lượng khí thải nhà kính tương đương với 610,5 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm.
Mathilde Iweins, điều phối viên dự án cho chương trình Food Wastage Footprint (tạm dịch: Dấu chân lãng phí thực phẩm) của LHQ, nói rằng hầu hết dấu vết carbon từ gạo của khu vực xảy ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đó là do lá, thân cây và các chất hữu cơ khác bị phân hủy trong ruộng lúa, tạo ra khí mê-tan. Gạo bị phân hủy trong các bãi chôn lấp cũng góp phần tạo ra khí thải. Quá trình chế biến, vận chuyển, bảo quản kém dẫn đến gạo bị đổ, hư hỏng trước khi đến tay người tiêu dùng. Một số lãng phí cũng xảy ra ở phía người tiêu dùng vì mọi người chỉ đơn giản vứt bỏ cơm thừa. Liên Hợp Quốc ước tính rằng 80 kg ngũ cốc, chủ yếu là gạo, bị lãng phí mỗi người trong khu vực mỗi năm. Khi dân số gia tăng ở các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, nơi gạo là lương thực chính, thì thậm chí nhiều gạo hơn sẽ được sản xuất cũng như bị lãng phí. Và lượng khí thải carbon của gạo có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo một nghiên cứu năm ngoái, sự hiện diện của nhiều carbon dioxide trong không khí kết hợp với nhiệt độ tăng trong những thập kỷ tới có thể tăng gấp đôi lượng khí mê-tan tạo ra trong quá trình sản xuất một kg gạo.
Nguồn: https://markettimes.vn/gao-lang-phi-o-chau-a-thai-ra-hon-600-trieu-tan-khi-nha-kinh-moi-nam-34296.html
3. Các công ty thực phẩm và mỹ phẩm Hàn Quốc ráo riết thâm nhập thị trường Ấn Độ
Sau những thành công ở Bắc Mỹ và Đông Nam Á, các hãng thực phẩm và mỹ phẩm Hàn Quốc đang gấp rút thâm nhập và mở rộng kinh doanh ở Ấn Độ. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã rời khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây do quan hệ Hàn – Trung đang chuyển biến xấu. Ấn Độ nổi lên như vùng đất hứa mới, đầy cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng 6,3% trong năm 2022, cao hơn mức 5% của Trung Quốc, theo Ngân hàng Thế giới. Đất nước Nam Á này cũng vượt Trung Quốc về quy mô dân số vào tháng 4 vừa rồi.
Lotte Wellfood đã thâm nhập thị trường Ấn Độ từ năm 2004 bằng cách mua lại Parrys Confectionery, hãng bánh kẹo lớn nhất Ấn Độ với giá 22,4 tỉ won (17,14 triệu đô la). Hiện Lotte có năm cơ sở sản xuất ở Ấn Độ gồm ba nhà máy bánh kẹo và hai cơ sở sản xuất kem. Bên cạnh đó là tập đoàn Orion chỉ mới bước vào thị trường bánh kẹo Ấn Độ thời gian gần đây. Tháng 2-2021, Orion đã xây dựng nhà máy sản xuất bánh Choco Pie ở bang Rajasthan và bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường chỉ trong tháng 3. Cuối năm 2021, Orion tung ra loại bánh mới có vị dâu tây để thích hợp với khẩu vị người tiêu dùng địa phương.
Hãng mỹ phẩm AmorePacific lớn nhất Hàn Quốc cũng đã chọn Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Âu để đối phó với khó khăn kinh doanh hiện tại với Trung Quốc. AmorePacific đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, tập trung vào các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng đa thương hiệu. Hãng đã hợp tác với NYKKA, sàn thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ chuyên về mỹ phẩm, để quảng bá các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc. Theo hãng dữ liệu Statista, quy mô thị trường mỹ phẩm Ấn Độ năm ngoái là 26,3 tỉ đô la, lớn thứ tư trên thế giới.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-cong-ty-thuc-pham-va-my-pham-han-quoc-rao-riet-tham-nhap-thi-truong-an-do/
4. Coca Cola, Pepsi có nguy cơ phải thay đổi công thức đồ uống vì 1 quyết định của WHO
Hãng tin CNBC cho hay cảnh báo mới đây của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về chất tạo ngọt nhân tạo có trong các sản phẩm nước ngọt không đường như Diet Coke, Coke Zero, Pepsi Zero Sugar hay Diet Mountain Dew có thể gây ung thư sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường, thậm chí khiến các doanh nghiệp phải thay đổi công thức. Cụ thể, một báo cáo nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) trực thuộc WHO cho thấy mối liên quan giữa chất tạo ngọt nhân tạo (Aspartame) có trong những đồ uống này với bệnh ung thư gan. Mặc dù WHO đã chính thức cảnh báo nhưng cũng đồng thời cho biết cần nhiều nghiên cứu thêm về tác động của Aspartame với bệnh ung thư.
Tờ Fortune cho biết tuyên bố của WHO là đòn mới nhất từ tổ chức này đến các sản phẩm tạo ngọt nhân tạo. Vào tháng trước, chính WHO đã khuyến cáo người dùng ngừng sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo cho việc kiểm soát cân nặng vì nó chẳng có hiệu quả giảm cân. Tuy nhiên hướng dẫn này không chỉ ra bất kỳ rủi ro sức khỏe nào có thể xảy ra nếu người tiêu dùng sử dụng Aspartame. Hiện tại, báo cáo này của IARC cũng như tuyên bố của WHO đang làm xôn xao giới truyền thông và người nổi tiếng khi vô số người tiêu dùng hiện nay chuộng các sản phẩm không đường nhưng sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo.
Hãng tin CNBC cho biết hiện Aspartame được sử dụng trong hơn 6.000 sản phẩm khắp thế giới. Chất tạo ngọt nhân tạo này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1965 và ngay từ khi được phê duyệt lần đầu đã gây nên tranh cãi cực kỳ lớn về tác hại của chúng đến sức khỏe con người. Hiện FDA cho biết đang theo dõi tiếp tình hình về Aspartame.
Nguồn: https://markettimes.vn/nong-coca-cola-pepsi-co-nguy-co-phai-thay-doi-cong-thuc-do-uong-vi-1-quyet-dinh-cua-who-34118.html
5. Thị trường thực phẩm chức năng trên ‘đường đua’ tăng trưởng
Theo báo cáo sơ bộ về thị trường thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử trong 12 tháng qua của Metric, tổng doanh số ngành rơi vào khoảng 3,568 tỉ đồng, có khoảng 14,3 triệu sản phẩm đã được bán ra với mức giá tốt nhất từ 200.000-500.000 đồng. Các mặt hàng được ưa chuộng nhiều đa phần đến từ thương hiệu chuyên sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ. Một phần sự tăng trưởng này được lý giải từ sau dịch bệnh Covid-19, thói quen chăm sóc sức khỏe có sự thay đổi, người dân nhiều lứa tuổi tập trung đầu tư cho quá trình phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo số liệu tính toán cá nhân, ông Ngô Anh Ngọc, CEO của công ty cổ phần PharmaDi chia sẻ: “Thị trường ngành dược phẩm Việt Nam, chỉ nói đến thuốc đang dao động khoảng 8 tỉ đô la Mỹ, trong đó có khoảng 70% kênh tiêu thụ ở bệnh viện, 30% ở nhà thuốc. Tín hiệu cho thấy tỷ trọng doanh thu của thực phẩm bổ sung đang tương đương với thuốc tại kênh nhà thuốc, quy mô khoảng 2 tới 3 tỉ đô la”.
Qua khảo sát, các sản phẩm có nguồn gốc từ Úc, Nhật, Mỹ, Canada và châu Âu đang được ưa chuộng nhiều ở Việt Nam. Tuy vậy, CEO của PharmaDi đánh giá thực phẩm chức năng nội địa đang cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu bởi lẽ nhãn hàng Việt có những lợi thế như nguồn dược liệu bản địa phong phú, bài thuốc y học cổ truyền từ xưa nay, ưu thế trên sân nhà với kinh nghiệm làm thị trường và cuối cùng là mức giá các công ty Việt Nam đưa ra có thể cạnh tranh được. Để nhân rộng mặt hàng này, doanh nghiệp không thể bỏ qua làm truyền thông quảng cáo, sự phổ biến của sản phẩm đến phần nhiều từ việc làm tiếp thị, giúp cho khách hàng càng biết đến nhiều càng tốt.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-tren-duong-dua-tang-truong/

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Du lịch trải nghiệm giáo dục – một xu hướng mới tại Trung Quốc
Ngay sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, ngành du lịch Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2023, trong đó, du lịch trải nghiệm giáo dục-nghiên cứu trở thành một xu hướng mới, được du khách nước này ưa chuộng. Du lịch trải nghiệm giáo dục-nghiên cứu là một loại hình du lịch mới nổi, dựa trên việc khai thác các lợi thế về lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, phong tục tập quán địa phương; hướng tới những đối tượng du khách là người yêu thích khám phá, trải nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu như học sinh, sinh viên, người làm công tác nghiên cứu… Theo đánh giá, hình thức du lịch mới này nhận được sự đón nhận của xã hội, bởi không chỉ đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách, mà còn góp phần nâng cao vốn hiểu biết, tình cảm gắn bó, hình thành thái độ ứng xử đúng đắn với lịch sử-văn hóa truyền thống và môi trường thiên nhiên.
Tại thành phố Tế Ninh (JiNing) thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Thánh địa Ni Sơn, Tam Khổng, Thủy Hử…, du lịch trải nghiệm giáo dục-nghiên cứu đã trở thành ngành nghề mũi nhọn. Chỉ trong 6 tháng năm 2023, đã có 800.000 lượt khách đến trải nghiệm học tập, nghiên cứu tại Khúc Phụ-Tế Ninh, vượt số lượng du khách cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19. Thống kê cho thấy, chỉ riêng thành phố Tế Ninh đã thiết kế 4 tuyến du lịch theo chủ đề lớn, 10 tuyến du lịch chất lượng cao, 647 khóa học và 220.000 giờ nghiên cứu để phục vụ du khách đến trải nghiệm, học tập, nghiên cứu lịch sử-văn hóa địa phương.
Nguồn: https://nhandan.vn/du-lich-trai-nghiem-giao-duc-mot-xu-huong-moi-tai-trung-quoc-post762928.html
2. Lạng Sơn mời các KOL, tiktoker quảng bá du lịch
‘Trải nghiệm và Cảm nhận’ là chủ đề của buổi tập huấn du lịch Lạng Sơn trên nền tảng số do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng nay (13/7) nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của địa phương tới du khách. Sự kiện sáng 13/7 do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức cùng một số người nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch, các tiktoker có lượng theo dõi lớn; nhằm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch Lạng Sơn trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Tiktok,… Đây là những kênh truyền thông được đánh giá là hiệu quả và lan tỏa nhanh nhất đến với du khách trong thời đại số hiện nay.
Thông qua hoạt động chia sẻ kĩ năng quảng bá trực tuyến, kỹ năng tạo nội dung thu hút “triệu view” của các khách mời, ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc quảng bá du lịch địa phương trên nền tảng số. Trong đó, đẩy mạnh chụp ảnh và check-in tại điểm đến; tạo ra những xu hướng nổi bật (hot trend) thu hút được đông đảo sự quan tâm và đón nhận của mọi người. Cách làm của ngành du lịch Lạng Sơn cũng là cơ hội để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ với các đơn vị truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, từ đó tạo cơ hội để tiếp cận nguồn khách du lịch tiềm năng, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Lạng Sơn đến với đông đảo du khách.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/lang-son-moi-cac-kol-tiktoker-quang-ba-du-lich-post1032390.vov
3. Ấn Độ là thị trường khách hấp dẫn của du lịch Việt Nam
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đón khoảng 5,6 triệu lượt khách quốc tế. Đáng chú ý là thị trường Ấn Độ có sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 141.000 lượt khách, đứng thứ 10 trong số các thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Theo thống kê, năm 2022, tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 137.900 lượt, xếp thứ 9 trong 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam. Hiện ba Hãng Hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Indigo (Ấn Độ) đang khai thác 21 đường bay thẳng với hơn 60 chuyến bay mỗi tuần kết nối giữa các thành phố lớn của Việt Nam và Ấn Độ. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Việt Nam đã xác định Ấn Độ là một thị trường tiềm năng ưu tiên hàng đầu, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến, thu hút khách. Điều này thể hiện qua việc kết nối hàng không giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy trao đổi khách giữa Ấn Độ -Việt Nam.
Qua khảo sát, trao đổi với cơ quan quản lý tại địa phương, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, khách Ấn Độ là đối tượng khách hàng tiềm năng nhưng không dễ khai thác. Muốn nắm bắt được tâm lý, phục vụ tốt nhất đối tượng khách du lịch này, các đơn vị du lịch cần sẵn sàng một đội ngũ nhân lực du lịch hiểu về văn hóa, thói quen sinh hoạt, cũng như ẩm thực của người Ấn Độ.  Thực tế ở nước ta hiện nay, đội ngũ hướng dẫn viên có kinh nghiệm phục vụ khách Ấn Độ ở Việt Nam không nhiều. Các địa điểm kinh doanh phục vụ ẩm thực Ấn còn ít. Do đó, muốn đón đầu “làn sóng” khách Ấn Độ, du lịch Việt Nam cần có kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ riêng, đáp ứng nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, thói quen sinh hoạt, ẩm thực riêng biệt.
Nguồn: https://baotintuc.vn/du-lich/an-do-la-thi-truong-khach-hap-dan-cua-du-lich-viet-nam-20230718111354176.htm
4. Nâng trần giá vé máy bay: Giá tour có thể tăng đến 30%
Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất nâng mức trần giá vé máy bay nội địa với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. Theo đó, trừ các chặng bay kinh tế – xã hội và các chặng dưới 500 km, các chặng bay khác có thể tăng từ 50.000 – 250.000 đồng/vé/chiều. Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, những đường bay dưới 500 km như Hà Nội – Vinh, TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ và đường bay phát triển kinh tế – xã hội như Hà Nội – Điện Biên, TP Hồ Chí Minh – Côn Đảo… sẽ không tăng giá trần. Còn các đường bay 500 km trở lên đều được đề xuất tăng trần giá vé từ 50.000 – 250.000 đồng/vé. Trong đó, đường bay trên 1.280 km như Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – Cần Thơ tăng cao nhất, lên mức trần 4 triệu đồng/vé.
Theo Công ty Du lịch Ceo Tour, giá vé máy bay hiện chiếm từ 40 – 60% giá tour trọn gói của họ. Vì vậy, nếu nâng trần giá vé máy bay tại một số chặng, giá tour có thể tăng từ 5 – 30%. “Giá tour có thể tăng từ 100.000 – 500.000/khách. Đây cũng là yếu tố giảm sức mua của khách hàng”, bà Lê Thị Minh Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Ceo Tour, cho hay. “Nâng trần giá vé máy bay tác động ngay đến chi phí đi lại của người dân, từ đó tác động đến số lượng du khách, doanh nghiệp du lịch sẽ gặp khó khăn trong việc mua vé cho khách của mình cũng như yêu cầu đi lại. Doanh thu của lĩnh vực này có thể bị giảm”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhận định.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nang-tran-gia-ve-may-bay-gia-tour-co-the-tang-den-30-suc-mua-giam-2023071408540252.htm
5. Vietravel ký kết hợp tác thu hút khách du lịch với Singapore
Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), Tổng cục Du lịch Singapore – STB (Singapore Tourism Board) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOC) nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch và thu hút 20.000 lượt khách du lịch Việt Nam đến Singapore bắt đầu từ tháng 8 năm 2023. Với lần ký kết này, Vietravel và STB trong việc mang đến du khách Việt những sản phẩm du lịch Singapore chất lượng cao với nhiều trải nghiệm mới mẻ, độc đáo; hướng Singapore là điểm đến hấp dẫn dành cho cả khách du lịch cũng như khách doanh nhân thông qua Vietravel, cũng như các chương trình kích cầu dành riêng cho thị trường du lịch Việt.
Tại sự kiện này, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong khoảng thời gian ít nhất 12 tháng với các vấn đề như: hợp tác sáng tạo các trải nghiệm mới cho loại hình du lịch phổ thông và du lịch MICE (Du lịch kết hợp hội thảo, khen thưởng, hội nghị và triển lãm); hợp tác phát triển các chiến dịch quảng bá và nội dung tiếp thị bằng cách hỗ trợ kinh phí quảng cáo truyền thông điểm đến tại Singapore, hỗ trợ gia tăng giá trị cho du khách chọn Singapore làm điểm đến du lịch với các quà tặng, voucher ưu đãi mua sắm, voucher ăn uống…, duy trì và mở rộng chính sách hỗ trợ dành cho các đoàn Incentive đang cân nhắc chọn Singapore làm điểm đến.
Nguồn: https://bnews.vn/vietravel-ky-ket-hop-tac-thu-hut-khach-du-lich-voi-singapore/299604.html

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Hồi sinh chợ truyền thống
Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM đang không ngừng đổi mới, linh hoạt áp dụng khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng, chấp nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Chợ Nguyễn Tri Phương là một trong những chợ truyền thống tích cực hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung Shopping Season của TP HCM đợt này. Từ ngày 15-6, nhiều tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, giày dép, quần áo… đã treo bảng giảm giá 5%-20%, có sạp giảm giá đến 50% và gặt hái thành công ngoài mong đợi khi lượng khách đến chợ tăng khoảng 30% so với trước đó và tăng 70%-80% so với thời điểm sau dịch COVID-19. Tại các chợ truyền thống như Xóm Chiếu (quận 4), Thị Nghè (Bình Thạnh), Bến Thành (quận 1), Hòa Hưng (quận 10)…, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm lợi nhuận để làm khuyến mãi. Trong đó, phổ biến nhất là giảm giá trực tiếp hoặc tặng quà thiết thực cho khách hàng. Chợ Xóm Chiếu có đến 300 tiểu thương tham gia khuyến mãi cho hơn 800 sản phẩm, chủ yếu là giảm giá 10% – 20% trên tổng hóa đơn hoặc tặng kèm sản phẩm phụ như gia vị, rau củ, hóa phẩm. Chợ Bà Chiểu đang vận động thêm nhiều tiểu thương kinh doanh 600 quầy sạp tham gia khuyến mãi.
Theo phản ánh của các tiểu thương, hầu hết chợ truyền thống xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời khiến khách hàng ngại vào chợ. Nếu được sửa chữa hoặc xây mới, sạch đẹp, hiện đại hơn thì tiểu thương sẽ dễ buôn bán hơn. Thực tế, một số chợ sau khi được “thay áo mới” đã dần “thay da đổi thịt”, từng bước hồi sinh. Chợ Bến Thành (quận 1) sau khi sơn sửa, tu bổ khang trang hơn đã thu hút nhiều du khách hơn, tiểu thương cũng dần mở quầy sạp kinh doanh trở lại. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chợ đón hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Chợ An Đông (quận 5), Tân Định (quận 1) cũng có được lượng khách ổn định sau khi sửa chữa thông thoáng, hiện đại hơn. Tiểu thương các chợ này cũng chịu khó thay đổi cách bài trí quầy hàng, chào bán hàng trực tuyến qua điện thoại, Facebook, Zalo… Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1), cho hay đa phần tiểu thương ở chợ đều trang bị wifi để kết nối với khách hàng. Những người đi chợ không phải đến tận nơi như trước đây mà chỉ cần lên mạng kết nối với tiểu thương sẽ được cung cấp hàng hóa tận nhà.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/hoi-sinh-cho-truyen-thong-20230714204409976.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Chật vật cạnh tranh với Shein, H&M tìm đường sống mới
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), hãng Hennes & Mauritz (H&M) đang cố gắng đa dạng hóa sản phẩm ngoài mảng thời trang, chuyển hướng kinh doanh thêm đồ gia dụng, mỹ phẩm hay thậm chí là chấp nhận bán hàng cho những thương hiệu quần áo khác nhằm thu hút khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu. Cụ thể, mặc dù H&M đóng cửa bớt số chi nhánh kinh doanh quần áo nhưng lại mở thêm các cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm và đồ gia dụng. Ngoài ra, công ty này cũng mở rộng các chuỗi kinh doanh quần áo khác mà hãng sở hữu như Cos hay Weekday, đồng thời nhận bán thêm các thương hiệu của bên thứ 3 như Adidas và New Balance trong các cửa hàng của mình.
Theo WSJ, những động thái trên là bước đi mới nhất của H&M trong chiến lược phát triển trước bối cảnh doanh số giảm tốc. Trước đây, tăng trưởng doanh số của hãng này từng đứng đầu ngành thời trang nhanh (Fast Fashion) nhưng đã bắt đầu giảm tốc vài năm trở lại đây. Lượng hàng tồn kho quá nhiều cùng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng đến doanh thu. Tiếp đó, sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ như Shein ở mảng thương mại điện tử đã thách thức H&M trên chính 2 điểm mạnh của hãng là giá cả và tốc độ đổi mới mẫu mã. Trong năm 2022, doanh thu của H&M chỉ tương đương so với cách đây 6 năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, tăng trưởng của hãng thời trang này đều dưới kỳ vọng. Vào ngày 31/5/2023, H&M thông báo mức tăng trưởng doanh thu 9% trong 6 tháng đầu của năm tài khóa, nhưng khi trừ đi các yếu tố về tỷ giá, con số này chỉ còn khoảng 1%.
Nguồn: https://markettimes.vn/chat-vat-canh-tranh-voi-shein-h-m-tim-duong-song-moi-dong-bot-chi-nhanh-quan-ao-chuyen-sang-ban-do-gia-dung-my-pham-34311.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. LG Electronics muốn thành nhà cung cấp giải pháp cuộc sống thông minh
Ngày 12/7, trong một cuộc họp báo tại LG Science Park ở Seoul, Giám đốc điều hành (CEO) của LG Electronics, Cho Joo-wan, đặt mục tiêu đạt doanh thu 100.000 tỷ won (77 tỷ USD) vào năm 2030 bằng cách chuyển đổi công ty thành nhà cung cấp giải pháp cuộc sống thông minh, vượt xa hình ảnh thương hiệu hiện tại là nhà nhà sản xuất thiết bị. Để đạt được mục tiêu đó, LG sẽ dành 25.000 tỷ won (19,25 tỷ USD) cho R&D, 17.000 tỷ won (13,09 tỷ USD) cho đầu tư cơ sở vật chất và 7.000 tỷ won (5,39 tỷ USD) cho đầu tư chiến lược trong 8 năm tới, tổng cộng hơn 50.000 tỷ won (38,5 tỷ USD) cho đến năm 2030. CEO Cho Joo-wan chia sẻ: “LG Electronics sẽ trở thành công ty về giải pháp cuộc sống thông minh, kết nối và mở rộng trải nghiệm của khách hàng trong mọi không gian của cuộc sống, từ gia đình và không gian thương mại đến thế giới thực tế ảo như metaverse.”
Để đáp ứng những thay đổi thị trường toàn cầu, công ty đặt mục tiêu đổi mới mô hình kinh doanh của mình trong lĩnh vực phi phần cứng và phát triển trong lĩnh vực doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), chẳng hạn như kinh doanh điện tử ôtô. Các lĩnh vực kinh doanh mới mà công ty nhắm đến sẽ là chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số và sạc xe điện (EV). Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch chuyển đổi mô hình doanh thu từ bán phần cứng sang mô hình định kỳ kết hợp phần cứng, nội dung và dịch vụ. Trong lĩnh vực kinh doanh máy thu hình (TV), LG có kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ won (770 triệu USD) trong vòng 5 năm để tăng cường khả năng cạnh tranh nội dung của LG Channels, dịch vụ phát trực tuyến miễn phí và độc quyền của công ty, nhằm cung cấp trải nghiệm khác biệt cho người dùng TV thông minh.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/lg-electronics-muon-thanh-nha-cung-cap-giai-phap-cuoc-song-thong-minh/874737.vnp
2. Tesla nối lại đàm phán về kế hoạch xây nhà máy tại Ấn Độ
Tờ Times of India đưa tin hãng xe điện hàng đầu thế giới Tesla đã bắt đầu thảo luận với Chính phủ Ấn Độ về đề xuất đầu tư thành lập một nhà máy sản xuất ô tô tại quốc gia này với công suất hàng năm lên tới 500.000 chiếc xe điện. Công ty do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo cũng đang xem xét sử dụng Ấn Độ làm cơ sở xuất khẩu khi họ có kế hoạch vận chuyển ô tô đến các quốc gia ở khu vực. Các cuộc thảo luận với chính phủ Ấn Độ cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của nhà sản xuất ô tô điện Mỹ. Năm ngoái, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ sau khi chính phủ Ấn Độ từ chối đồng ý với yêu cầu của Tesla về việc giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô, có thể lên tới 100%. Ấn Độ rất muốn Tesla sản xuất xe tại địa phương, tuy nhiên công ty cho biết họ muốn xuất khẩu xe của mình trước để có thể kiểm tra mức độ nhu cầu của thị trường này.
Trong những nỗ lực mới để thâm nhập thị trường nội địa với sự thay đổi lập trường, Tesla đã tổ chức các cuộc thảo luận vào tháng 5 với các quan chức về các ưu đãi được Chính phủ đưa ra cho sản xuất ô tô và pin, Reuters đưa tin. Trong cuộc gặp với Musk vào tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc đẩy nhà sản xuất ô tô thực hiện một khoản đầu tư đáng kể vào nước này. Ấn Độ có tiềm năng mạnh mẽ cho một tương lai năng lượng bền vững bao gồm năng lượng mặt trời, bộ pin cố định và xe điện, tỷ phú Elon Musk cho biết sau cuộc gặp với Modi, đồng thời cho biết thêm rằng ông hy vọng sẽ mang dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX đến quốc gia này.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-quoc-gia-chau-a-vua-duoc-tesla-chon-mat-gui-vang-xay-nha-may-cong-suat-500-000-xe-nam-34060.html
3. Mitsubishi tạm dừng sản xuất xe ở Trung Quốc do doanh số giảm sâu
Mitsubishi Motors tạm dừng sản xuất tại Trung Quốc vô thời hạn và có kế hoạch cắt giảm nhân sự tại đây. Nikkei Asia hôm 14-7 đưa tin trong thư gửi cho nhân viên hôm 12-7, Kenichiro Yamamoto, CEO của GAC Mitsubishi, liên doanh ô tô giữa Mitsubishi và Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) , giải thích doanh số kém xa với kỳ vọng của GAC Mitsubishi đã dẫn đến quyết định tạm thời dừng sản xuất vào tháng trước. Ông cho rằng doanh số giảm một phần là do người tiêu dùng Trung Quốc nhanh chóng chuyển từ xe xăng sang các mẫu xe năng lượng mới, thân thiện với môi trường hơn bao gồm xe thuần điện và xe hybrid. Doanh số bán ô tô của các thương hiệu Nhật Bản suy giảm mạnh tại Trung Quốc do chậm triển khai xe điện và chịu áp lực từ cuộc chiến giá do Tesla phát động. Trong tháng 6, thị phần của các thương hiệu Nhật Bản trên thị trường ô tô Trung Quốc đã giảm xuống còn 17,8%, giảm từ mức 21,5% trong cùng tháng năm ngoái, theo Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc (CPCA).
Động thái trên khiến Mitsubishi trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn tạm dừng sản xuất tại Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hồi tháng 1, một liên doanh khác giữa Honda và GAC cũng thông báo ngừng sản xuất và bán ô tô dưới thương hiệu xe sang Acura của Honda. Tháng trước, Hyundai Motor (Hàn Quốc), nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba tính theo doanh số, thông báo sẽ đóng cửa một nhà máy khác ở Trung Quốc trong năm nay và tập trung nỗ lực kinh doanh ở các mẫu xe cao cấp hơn, bao gồm cả dòng xe SUV và xe thương hiệu Genesis.
Dù Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, một số thương hiệu nước ngoài đang chật vật để thích ứng với thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng địa phương và sự chuyển đổi nhanh chóng sang xe điện. Theo thông báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hôm 11-7, hơn một nửa số ô tô tiêu thụ ở Trung Quốc trong nửa đầu năm do các thương hiệu trong nước sản xuất. Theo báo cáo nghiên cứu của ông Ding Yuqian, nhà phân tích ô tô của ngân hàng HSBC, các thương hiệu nước ngoài đã mất đi lợi thế về công nghệ, đồng thời, người tiêu dùng Trung Quốc dường như sẵn sàng mua các thương hiệu nội địa hơn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/mitsubishi-tam-dung-san-xuat-xe-o-trung-quoc-do-doanh-so-giam-sau/
4. Thị trường ô tô Mĩ khởi sắc hơn dự đoán
Theo số liệu vừa được công bố, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ đã ghi nhận doanh số bán gia tăng trong quý II/2023, trong bối cảnh thị trường lao động khỏe mạnh. Lượng xe được giao của General Motors trong quý vừa qua tăng 19% lên 691.978 chiếc, qua đó giúp doanh thu của “ông lớn” này tăng 18,3% trong nửa đầu năm nay. Hai nhà sản xuất ô tô lớn khác là Toyota và Stellantis cũng ghi nhận doanh số gia tăng trong quý II. Doanh số của Toyota tăng 7,1% lên 568.962 chiếc, còn doanh số của Stellantis tăng 6% lên 434.648 chiếc trong giai đoạn từ tháng 4-6/2023.
Trong dự đoán trước đó cho năm 2023, giới chuyên gia cho rằng thị trường ô tô Mỹ có thể suy yếu do lạm phát và lãi suất cao. Nhưng nhu cầu tiêu dùng trên thực tế lại mạnh hơn dự đoán, sau khi tình hình căng thẳng trong chuỗi cung ứng dịu xuống, giúp các nhà sản xuất ô tô có thể gia tăng sản lượng. Cox Automotive cho biết lượng xe ô tô mới dự trữ của Mỹ đã tăng hơn 70% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://bnews.vn/my-thi-truong-o-to-khoi-sac-hon-du-doan/299393.html
5. Bất chấp lệnh hạn chế của chính quyền, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ vẫn khó rời bỏ Trung Quốc
Năm 2018, Washington bắt đầu dần tách khỏi Trung Quốc dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu và đầu tư nhằm giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến của Mỹ. Washington đặc biệt muốn ngăn chặn dòng chảy công nghệ có thể được chuyển hướng sang sử dụng quân sự và giảm sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc. Nhưng 5 năm sau, một phân tích dữ liệu tài chính của Nikkei Asia cho thấy các công ty công nghệ Mỹ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc để đạt được phần lớn doanh số bán hàng của họ: Phân tích, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu QUICK-FactSet, cho thấy 17 trong số 100 công ty quốc tế bán hàng ở Trung Quốc trong những năm gần đây đều là các doanh nghiệp công nghệ Mỹ.
Trong khi đó, sự phụ thuộc vào Trung Quốc, được đo bằng tỷ lệ doanh số hàng năm, đã tăng hoặc hầu như không thay đổi kể từ năm 2018 đối với nhiều thương hiệu công nghệ hàng đầu, chẳng hạn như Apple và Tesla. Ngay cả các công ty trong lĩnh vực bán dẫn, vốn là mục tiêu cụ thể của chính phủ Hoa Kỳ và gần đây là cả Trung Quốc, cũng nhận thấy rất ít thay đổi trong phần doanh thu của họ được tạo ra ở Trung Quốc. Rất khó để nói liệu Trung Quốc có phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ nhiều hơn các công ty công nghệ của Mỹ phụ thuộc vào thị trường và chuỗi cung ứng của Trung Quốc hay không. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, sự phụ thuộc của cả 2 bên đều không giảm kể từ những quyết định mang tính bước ngoặt của chính quyền Donald Trump vào năm 2018.
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc của các công ty công nghệ Mĩ thay đổi rất ít mặc dù Hoa Kỳ đã triển khai nhiều biệp pháp nghiêm ngặt. Theo hồ sơ của Apple, tổng doanh số của Apple ở Trung Quốc chỉ giảm 0,74%, xuống 18,8% trong năm tài chính gần đây nhất, so với năm 2018. Trung Quốc vẫn là nguồn doanh thu lớn thứ hai của Apple, sau thị trường tại quê nhà của công ty. Doanh thu của Apple tại Trung Quốc đã tăng 43% lên 74,2 tỉ USD trong năm 2022 từ 51,9 tỉ USD trong năm 2018. Đối với Tesla, doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc đã tăng vọt, một phần lớn nhờ việc Trung Quốc nhanh chóng áp dụng công nghệ xe điện. Vào năm 2022, công ty đã kiếm được 22% tổng doanh số bán hàng tại Trung Quốc, tăng từ 8% vào năm 2018. Qualcomm, công ty phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong năm ngoái công ty đã kiếm được 63,6% doanh số bán hàng tại Trung Quốc và Hồng Kông. Tỷ lệ này là 67% trong năm 2018, theo hồ sơ của công ty. Ngành công nghệ ngày nay đang phải vật lộn với các điều kiện kinh tế suy yếu và nhu cầu thị trường yếu đi. Theo Nikkei Asia, lĩnh vực công nghệ của Mỹ có thể dễ bị tổn thương trước các hạn chế tiếp theo của quốc gia này.
Nguồn: https://viettimes.vn/bat-chap-lenh-han-che-cua-chinh-quyen-nhung-ga-khong-lo-cong-nghe-my-van-kho-roi-bo-trung-quoc-post168315.html
6. Các tập đoàn công nghệ Đông Nam Á giảm tham vọng ‘siêu ứng dụng’
Grab, có trụ sở tại Singapore và GoTo của Indonesia đã dành phần lớn thời gian trong thập niên qua để tích hợp các dịch vụ tiêu dùng từ gọi xe đến giao đồ ăn vào một ứng dụng duy nhất hay còn gọi là siêu ứng dụng. Giới đầu tư toàn cầu đã hào hứng bơm tiền hai công ty này khi đặt cược vào triển vọng tăng tăng trưởng mạnh mẽ của siêu ứng dụng. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, Grab, có cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq ở Mỹ và GoTo, niêm yết tại Jakarta buộc phải giảm tham vọng siêu ứng dụng thông qua động thái sa thải hàng ngàn việc làm và giảm hoạt động của các đơn vị kinh doanh không cốt lõi. Giá cổ phiếu của hai công ty này đang ở mức thấp hơn 60% so với giá lúc mới niêm yết. Các nhà phân tích cho biết, kỷ nguyên huy động vốn giá rẻ đã chấm dứt khi lãi suất liên tục tăng trên toàn cầu, buộc các công ty công nghệ dựa vào tốc độ “đốt tiền” để mở rộng thị phần và thúc đẩy tăng trưởng phải dừng lại và kiểm tra xem liệu mô hình kinh doanh của họ có mang lại lợi nhuận và bền vững hay không.
Giờ đây, mô hình siêu ứng dụng, vốn dựa vào nỗ lực thu hút khách hàng bằng các ưu đãi tốn kém như giao hàng miễn phí, giảm giá và quà tặng để chiếm lĩnh thị trường từ Thái Lan đến Philippines, đang phải đối mặt với sự điều chỉnh khắc nghiệt. Ngoài việc sa thải 11% lực lượng lao động, tương đương hơn 1.000 người, vào tháng trước, Grab cũng cắt giảm hoạt động kinh doanh của dịch vụ nhà bếp đám mây (GrabKitchen), giảm trợ cấp trong các lĩnh vực như giao đồ ăn và dành ít thời gian hơn cho tham vọng mở rộng sang các mảng kinh doanh khác như giải trí. Trong khi đó, GoTo cũng đã thực hiện một số đợt cắt giảm việc làm và loại bỏ một số mảng kinh doanh dịch vụ theo yêu cầu như GoClean (dọn dẹp nhà cửa) và GoMassage (gọi nhân viên mát xa đến tận nhà).
Những chuyên gia vẫn hoài nghi về việc liệu các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á có thể mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư hay không. Trong khi GoTo và Grab tuyên bố có cơ hội rất lớn vì mức độ thâm nhập thị trường vẫn còn thấp ở Đông Nam Á, thì nhiều đối thủ cạnh tranh đang dần xuất hiện. Các đối thủ Trung Quốc giàu tiềm lực tài chính như TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance đã lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử trong 12 tháng qua. Tập đoàn Sea, công ty mẹ của Shopee và được Tencent của Trung Quốc hậu thuẫn, cũng là một đối thủ cạnh tranh đang phát triển nhanh khác với nhiều hoạt động kinh doanh. Shopee đã lấn sân sang lĩnh vực giao đồ ăn và cũng đang cạnh tranh gay gắt trong các dịch vụ tài chính, một lĩnh vực mà Grab và GoTo đặt kỳ vọng lớn cho tăng trưởng trong tương lai. Một số nhà đầu tư cho rằng GoTo và Grab đang thiếu sức cạnh tranh vì phải dàn trải nguồn lực do tham qua quá nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-tap-doan-cong-nghe-dong-nam-a-giam-tham-vong-sieu-ung-dung/

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. OPEC dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu 2,2% vào năm 2024
Trong một báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2024, tăng 2,2% so với mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày của năm 2023. Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh ổn định của thị trường dầu mỏ và tạo thành một phần nền tảng cho các quyết định chính sách của OPEC và các quốc gia đồng minh, được gọi là OPEC+. Vào tháng 6, nhóm đã gia hạn hạn chế nguồn cung đến năm 2024 để hỗ trợ thị trường.
Cũng trong báo cáo, OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2023 thêm 90.000 thùng/ngày so với tháng trước. Các nguồn tin của OPEC tuần trước cho biết tổ chức sẽ giữ quan điểm lạc quan về nhu cầu cho năm 2024 và dự báo mức tăng trưởng cao hơn so với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/opec-du-kien-tang-truong-nhu-cau-dau-22-vao-nam-2024-post1032524.vov
2. Trung Quốc và tham vọng chinh phục thị trường điện gió
Trung Quốc hiện đang có xu hướng phát triển các nguồn năng lượng mới và các phương tiện xanh. Sau những bước tiến đáng kể của xe điện và điện mặt trời thì tua-bin điện gió chính là thứ tiếp theo quốc gia này định chinh phục. Ngành điện gió ở Mỹ và châu Âu phát triển sớm hơn so với Trung Quốc, từ lâu đã có sức cạnh tranh rất lớn. Trong những năm gần đây, ngành sản xuất tua-bin gió của Trung Quốc đã tăng tốc để bắt kịp với các nước kia về công suất đơn vị, đường kính cánh quạt cũng như hệ thống ngoài khơi. Về công suất đơn vị, Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với châu Âu, thậm chí có lúc còn vượt qua. Năm 2022, công suất đơn vị trung bình của các dự án điện gió trên bờ ở Trung Quốc là 4,3 MW, còn ở châu Âu là 4,1 MW.
Trong khi khoảng cách công suất giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu đang được thu hẹp thì khoảng cách giá thành lại ngày một tăng. Theo dữ liệu của công ty điện gió Goldwind Technology (Bắc Kinh, Trung Quốc), giá đấu thầu trung bình của dự án tua-bin gió trên bờ tại Trung Quốc đang giảm đáng kể, trong tháng 3 năm 2023 chỉ còn 1.607 NDT/kW. Tình hình giá dự án tua-bin gió ngoài khơi cũng tương tự. Trong năm 2022, đơn đặt hàng tua-bin gió ngoài khơi của Siemens Gamesa, công ty điện gió Tây Ban Nha, có giá trị là 4,396 tỷ EUR cho 3,04 GW, tương ứng với 1.445 EUR/kW hay 11.400 NDT/kW. Trong khi giá đơn hàng tua-bin gió ngoài khơi của Siemens Gamesa không có xu hướng giảm thì giá trung bình ở Trung Quốc trong năm 2022 chỉ khoảng 4.000 NDT/kW trở xuống. Đây là kết quả của việc nâng cấp sản xuất trên quy mô lớn của Trung Quốc.
Có ba nguyên nhân chính giúp Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp Mỹ và châu Âu. Thứ nhất, Trung Quốc đã làm mẫu cho các công ty trong ngành bằng dự án quy mô lớn hoàn chỉnh. Năm 2018, Trung Quốc xây dựng cơ sở điện gió 6 triệu kW ở Ulaan Chab, nội Mông Cổ làm dự án mẫu, cơ sở điện gió trên bờ lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Thứ hai, càng ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc tham gia vào mảng này. Cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong mảng tua-bin trên bờ, ngày càng khốc liệt, từ đó các lộ trình kỹ thuật cũng trở nên phong phú và sáng tạo hơn. Cuối cùng, không thể bỏ qua yếu tố chuỗi cung ứng nội địa. Trung Quốc là cơ sở sản xuất các bộ phận tua-bin gió lớn nhất thế giới. Hiện tại, sự phát triển của mảng tua-bin gió trên bờ của nước này tập trung chủ yếu ở các khu vực phía bắc, nơi có hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi. Do đó, việc vận chuyển các bộ phận, linh kiện điện gió vốn dĩ khó khăn thì lại có thể được thực hiện tương đối dễ dàng ở Trung Quốc.
Nguồn: https://markettimes.vn/sau-xe-dien-va-dien-mat-troi-dau-la-thu-tiep-theo-nguoi-trung-quoc-se-chinh-phuc-34517.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Nguồn vốn cạn kiệt, các startup thung lũng Silicon bán mình cho các ông lớn công nghệ
Trong những tuần gần đây, tập đoàn phần mềm Databricks đã mua lại công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) MosaicML với giá 1,3 tỷ USD, Thomson Reuters đã trả 650 triệu USD cho các dịch vụ pháp lý của nhóm AI Casetext. Ngoài ra, Robinhood đã mua công ty khởi nghiệp thẻ tín dụng X1 với giá 95 triệu USD và công ty tự động hóa tài chính Ramp đã mua lại Cohere. io, một công ty khởi nghiệp đã xây dựng công cụ hỗ trợ khách hàng do AI cung cấp. Một loạt các thỏa thuận liên quan đến các công ty khởi nghiệp AI là một tín hiệu tích cực cho các công ty, sau 18 tháng ảm đạm trong thời kỳ suy thoái công nghệ khiến giá trị sụt giảm và dẫn đến sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, điều này cũng là một tín hiệu cho thấy các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh chóng trong thời kỳ bùng nổ công nghệ đang tìm cách bán mình cho các công ty lớn hơn hoặc chịu áp lực từ những người ủng hộ liên doanh của họ để hợp nhất với đối thủ. Nhiều công ty phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền mặt khi các nhà đầu tư mạo hiểm rút lui và khi thị trường trở nên tồi tệ với các đợt chào bán lần đầu ra công chúng của các công ty khởi nghiệp.
Các công ty đầu tư mạo hiểm đã cắt giảm chi tiêu trong 12 tháng qua. Họ chỉ đầu tư 80 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong năm nay. Năm ngoái, đầu tư mạo hiểm đạt tổng cộng 246 tỷ USD, giảm từ 347 tỷ USD vào năm 2021, theo PitchBook. Theo các nhà đầu tư mạo hiểm, định giá của các công ty khởi nghiệp công nghệ đã bắt đầu giảm gần hơn so với các đối tác được niêm yết công khai. Đã có một loạt các vòng giảm giá – trong đó các công ty buộc phải huy động vốn với mức định giá thấp hơn – tại các công ty mới thành lập ở giai đoạn cuối, chẳng hạn như các công ty fintech Stripe và Klarna và tập đoàn bảo mật Snyk. Theo nghiên cứu của Carta, giá trị của vốn cổ phần ưu đãi trong các công ty mới thành lập đã giảm một phần tư kể từ đầu năm 2022. Sau sự sụp đổ của SVB, các nhà đầu tư nổi tiếng bao gồm cả chủ tịch Y Combinator, Garry Tan đã dự đoán một “sự kiện cấp độ tuyệt chủng” đối với các công ty khởi nghiệp ở Mỹ sẽ diễn ra. Các nhà sáng lập và nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng này có thể tàn khốc như vụ vỡ bong bóng dotcom vào đầu những năm 2000.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nguon-von-can-kiet-cac-startup-thung-lung-silicon-ban-minh-cho-cac-ong-lon-cong-nghe.htm
2. Quỹ gia đình sẽ là nguồn vốn mới cho thị trường Việt Nam
Theo định nghĩa của Forbes, văn phòng gia đình (family office) hay quỹ gia đình là một công ty quản lý tài sản tư nhân được thành lập bởi một gia đình hay gia tộc kinh doanh lớn. Quỹ cung cấp một loạt giải pháp được cá nhân hóa hay chuyên biệt hóa cho gia đình hay gia tộc đó, gồm quản lý đầu tư, lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch thuế và bất động sản, đầu tư phục vụ mục đích từ thiện, dịch vụ tư vấn nhà đầu tư… Trên thế giới, theo CNBC, có khoảng 10.000 quỹ gia đình quản lý nguồn quỹ hơn 6.000 tỉ đô la Mỹ, phần lớn các quỹ có tài sản trị giá hơn 200 tỉ đô la Mỹ. Các quỹ gia đình châu Á đang được các quỹ mạo hiểm săn đón trong bối cảnh startup toàn cầu đang trải qua “mùa đông băng giá” trong gọi vốn, nhất là sau sự sụp đổ hồi tháng 3 của Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng chuyên biệt cho giới đầu tư, quỹ mạo hiểm và startup ở Mỹ.
PENM Partners – quỹ cổ phần tư nhân tập trung vào Việt Nam có trụ sở tại Đan Mạch, đang tiếp cận các công ty quản lý tài sản của các gia đình và gia tộc kinh doanh lớn trên thế giới cho vòng huy động vốn thứ năm (PENM V). Sự chuyển hướng này diễn ra khi các quỹ hưu trí đang giảm phân bổ vốn ở các lĩnh vực đầu tư trước đây và quỹ gia đình chính là đích ngắm mới! Không chỉ các quỹ nước ngoài, các quỹ cổ phần tư nhân tại Việt Nam cũng tích cực tiếp cận các quỹ gia đình để gọi vốn. Hiện chưa có các thông tin về việc tiếp cận quỹ gia đình của hai quỹ tư nhân lớn tại Việt Nam là Mekong Capital và VinaCapital. Nhưng với các quỹ nhỏ hơn và thành lập sau này thì chắc chắn có. ABB Merchant Banking – thành viên của Asia Business Builder (ABB), đang tiếp cận các quỹ gia đình, các tổ chức tài chính phát triển (DFI) và các nhà đầu tư khác để gọi 100 triệu đô la trong nửa đầu năm 2023. Đây là lần huy động quỹ thứ hai, sau đợt gọi 20 triệu đô la vào năm 2018. Có thể kể tên vài quỹ có tuổi đời hơn và ở phân khúc tầm trung, cũng đang tiếp cận quỹ gia đình: Vietnam Investment Group (VI Group) thành lập năm 2006, SSIAM (thành viên của Công ty Chứng khoán SSI) hình thành năm 2007, và Excelsior Capital Vietnam Partners (thành viên của Excelsior Capital Asia) thành lập năm 1998.
Xét theo quy mô vốn 50-100 triệu đô la của Forbes và chi phí hoạt động mỗi năm theo Toptal, có thể nói rằng các tập đoàn hay gia tộc kinh doanh tại Việt Nam chưa thành lập được hay đủ sức điều hành quỹ gia đình đúng nghĩa, nhưng dòng vốn gia tộc vẫn chảy mạnh. Hầu hết các quỹ cổ phần tư nhân tại Việt Nam đã huy động nhiều vốn từ các định chế tài chính phát triển (DFI) như Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO), Norfund có trụ sở tại Na Uy và các tổ chức khác. Thương vụ Sơn Kim Retail và IFC cùng đầu tư 20 triệu đô la cho chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 hôm 15-6 có thể giúp hiểu phần nào cách thức tiếp cận các DFI để gọi thêm vốn có lãi suất nhẹ hơn của các doanh nghiệp sở hữu gia đình tại Việt Nam. Các hãng quản lý tài sản gia đình hay gia tộc rồi sẽ sớm hình thành tại Việt Nam – một chuyên gia về vốn mạo hiểm và sáp nhập (M&A) cho biết. Bởi các gia tộc kinh doanh đang chuẩn bị các kế hoạch chuyển giao quyền lực và quyền điều hành kinh doanh cho thế hệ thứ hai hay thứ ba. Nhiều trong số đội ngũ kế thừa là những người được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có chuyên môn và từng làm việc tại các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/quy-gia-dinh-se-la-nguon-von-moi-cho-thi-truong-viet-nam/
3. Startup giáo dục Vuihoc nhận thêm 6 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài
Theo DealStreetAsia, Vuihoc, một startup Việt về công nghệ giáo dục (Edutech) ngày 12/7 đã huy động được thêm 6 triệu USD trong vòng gọi vốn mới được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp startup này gọi vốn thành công. Trước đó, tháng 8/2021, quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cũng đã công bố khoản đầu tư vào Vuihoc. Đây là vòng gọi vốn đầu tiên của startup Edtech này sau 2 năm đi vào hoạt động. Tháng 9/2022, Vuihoc đã huy động thêm được 2 triệu USD trong khoản tài trợ bắc cầu được dẫn đầu bởi quỹ đầu tư Bace Capital do tập đoàn Ant Group hậu thuẫn. Vòng gọi vốn này của Vuihoc còn có sự tham gia của một số quỹ đầu tư khác như Vulpes Ventures, DT & Investment, Colopl Next và Nextrans. Đội ngũ sáng lập cho biết, khoản đầu tư mới sẽ được sử dụng nhằm đạt mục tiêu 1 triệu người dùng trả phí vào năm 2024. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cấp các tính năng của sản phẩm, đa dạng hóa để đem lại hiệu quả học tập cho người dùng. Hiện tại, Vuihoc công bố đã có hàng trăm nghìn người dùng trên khắp cả nước.
Nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc cung cấp hơn 400.000 học liệu dưới nhiều hình thức bao gồm các khóa học trực tuyến, bài giảng video, kho câu đố. Hệ thống bài giảng được xây dựng theo từng tuần học trên lớp, bám sát với khung chương trình trong sách giáo khoa. Các chuyên gia giáo dục nghiên cứu và xây dựng nguồn học liệu dựa trên cơ sở phân tích theo từng lứa tuổi nhằm cung cấp nội dung học phù hợp cho học sinh. Các lớp học trực tiếp cho phép học sinh có thể học riêng hoặc học theo nhóm nhỏ với các giáo viên, nơi họ có thể nhận được phản hồi tức thì. Hiện tại, có khoảng 1.000 lớp học hàng ngày trên Vuihoc.
Nguồn: https://mekongasean.vn/startup-giao-duc-vuihoc-nhan-them-6-trieu-usd-von-dau-tu-nuoc-ngoai-post24139.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Doanh nghiệp chế biến gạo vẫn gặp khó vì lãi suất ngân hàng
Tại Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đã tiến hành đầu tư thiết bị công nghệ mới, mở rộng nhà máy, kho chứa theo hướng quy mô, hiện đại. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp đang than khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và lãi suất cao khiến họ chịu nhiều áp lực. Khảo sát mới đây của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ tại quận Thốt Nốt, nơi có hàng chục nhà máy chế biến gạo lớn của thành phố cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do lãi suất ngân hàng cao. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng cắt giảm hạn mức cho vay đã làm doanh nghiệp gặp trở ngại trong việc xoay chuyển đồng vốn để thu mua lúa về chế biến xuất khẩu. Tại Thốt Nốt hiện có 29 doanh nghiệp xay xát và 49 doanh nghiệp lau bóng gạo; trong đó, có 15 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp với tổng sản lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 195.000 tấn, tương đương giá trị 115,5 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, hiện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh xay xát, chế biến và lau bóng gạo của thành phố đang gặp một số khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận vốn, ký các hợp đồng vay để thu mua lúa của nông dân. Sở Công Thương đang tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gạo bởi đây là lĩnh vực quan trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của thành phố. Thành phố Cần Thơ hiện có 104 cơ sở, doanh nghiệp và công ty chế biến lúa gạo với khoảng 15.000 công nhân. Hàng năm lượng ngoại tệ xuất khẩu thu về khoảng 700 triệu USD, chiếm 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn thành phố. Các doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo toàn diện trong tái cơ cấu lại ngành chế biến lúa gạo; trong đó, có việc cơ cấu lại tài sản máy móc thiết bị mới và định giá lại tài sản để hỗ trợ vốn, giảm lãi suất vay để ngành chế biến nông sản đủ sức phục hồi và phát triển.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-che-bien-gao-van-gap-kho-vi-lai-suat-ngan-hang-20230713162245933.htm
2. Mỗi năm Việt Nam có 47 triệu tấn rơm rạ phải ‘biến thành tiền’
Ngày 14/7, tại Hậu Giang, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang tổ chức sự kiện trình diễn đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững. Sự kiện nhằm giới thiệu việc cơ giới hóa trong thu gom rơm sau thu hoạch và các công nghệ xử lý chế biến rơm tạo các sản phẩm xanh và phát thải thấp. Theo Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Việt Nam có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm nhưng mới chỉ hơn 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây… phần lớn còn lại chủ yếu là đốt hoặc vùi vào ruộng.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, phụ phẩm nông nghiệp là một tài nguyên cần phải phát huy để nâng cao giá trị, giúp bà con nâng cao thu nhập. Hiện nay, sản xuất lúa Việt Nam đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, tương đương lượng rơm rạ đưa ra môi trường trên 40 triệu tấn, trong đó, vùng ĐBSCL chiếm hơn một nửa, lượng rơm rạ rất lớn này cần phải tạo ra giá trị tăng thêm ngoài hạt gạo. Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – cho hay: “Quy trình và sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp cần được nhân rộng để đóng góp tích cực vào chương trình phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Cần xem rơm là một khâu trong chuỗi ngành hàng lúa gạo để có cách gia tăng giá trị cho ‘tài nguyên’ phần lớn đang bị bỏ quên này.”.
Nguồn: https://tienphong.vn/moi-nam-viet-nam-co-47-trieu-tan-rom-ra-phai-bien-thanh-tien-post1551335.tpo
3. Rau quả chưa thoát cảnh được mùa rớt giá
Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,7 tỉ USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), phân tích về kỷ lục xuất khẩu rau quả của Việt Nam 6 tháng đầu năm chủ yếu nhờ vào mặt hàng sầu riêng từ Trung Quốc. “Các mặt hàng còn lại và thị trường còn lại không có nhiều sự thay đổi. Vì vậy, tình trạng được mùa mất giá vẫn tái diễn” – ông Mười nêu. Ông Mười nói thêm từ tháng 4 đến nay, nhiều mặt hàng trái cây vào vụ thu hoạch, mặt bằng giá giảm so với các năm như: vải thiều, mận, xoài, bơ, thanh long… Trong đó, bơ bị rớt giá kéo dài do sản lượng lớn nhưng chỉ tiêu thụ nội địa, các sản phẩm chế biến từ bơ còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), rau quả Việt Nam mặc dù có sản lượng gần 35 triệu tấn/năm nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường dẫn đến khó tiêu thụ, tình trạng giải cứu lặp đi lặp lại, ùn tắc trong lưu thông vẫn thường xuyên xảy ra. “Hạ tầng cơ sở dành cho ngành rau quả vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch cao (30%-35%) dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Công nghệ bảo quản rau quả còn lạc hậu càng làm cho hàng hóa giảm giá trị và khó cạnh tranh trên thương trường. Điều này khiến cho chuỗi cung ứng rau quả của Việt Nam dễ bị đứt gãy và hiệu quả thấp” – ông Bình thẳng thắn.
Ông Lương Quang Thi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp thương mại ABA – chuyên về chuỗi cung ứng lạnh, nhìn nhận rau quả là mặt hàng mang tính mùa vụ cao – đến mùa thì đồng loạt thu hoạch với sản lượng lớn. Khi vào mùa thu hoạch, rau quả sẽ bị thừa cục bộ, dù giá giảm nhưng cũng khó tiêu thụ, nhiều khi phải bỏ đi vì sản lượng quá lớn. Người tiêu dùng dù có yêu thích sản phẩm, quý mến nông dân cũng không thể ăn mỗi ngày vài ký trái cây nào đó để ủng hộ. Theo ông Thi, vấn đề này, nước sản xuất rau quả nào cũng gặp phải, không riêng Việt Nam nhưng họ giải quyết bằng cách lưu kho, xuất bán hằng ngày số lượng vừa phải để tránh rớt giá. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xuất khẩu trái cây đi xa nhiều, chủ yếu vẫn bán cho thị trường gần là Trung Quốc dưới dạng xá, giá trị không cao. “Muốn thay đổi cục diện cần có quy hoạch kho bảo quản tại vùng trồng và thu hút DN đầu tư để có chi phí thấp cho nông dân thuê. Có như vậy mới nâng được giá trị cho nông sản Việt, giúp nông dân gắn bó với nông thôn.” – ông Thi nêu ra giải pháp.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/rau-qua-chua-thoat-canh-duoc-mua-rot-gia-2023071821411703.htm
4. Trái dừa hữu cơ Bến Tre giá ổn định trong bối cảnh đầu ra khó khăn
Giá dừa khô và dừa tươi ở tỉnh Bến Tre đều lao dốc do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Tuy nhiên, trái dừa trồng theo mô hình hữu cơ, có liên kết với các doanh nghiệp thì vẫn ổn định được mức giá, nhà vườn có lãi. Ở thời điểm này, trái dừa xiêm (dừa tươi) ở tỉnh Bến Tre sụt giảm chỉ còn khoảng trên dưới 40.000 đồng/chục (12 quả), dừa khô khoảng 50.000 đồng/chục. Chi phí, nhất là phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh ở mức cao nên nhà vườn không có lãi, thậm chí nhiều khu vực trái dừa khô bị ế ẩm. Ngược với trái dừa trồng theo kiểu truyền thống thì trái dừa hữu cơ (dừa sạch) có liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã thì giá vẫn ổn định và cao hơn giá dừa trên thị trường từ 20-30%, đảm bảo cho nhà vườn có lãi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, diện tích dừa toàn tỉnh hiện nay gần 80.000 hecta; trong đó, dừa tươi uống nước chiếm hơn 20.000 hecta. Riêng dừa hữu cơ nhà vườn địa phương đã nhân rộng được hơn 13.000 hecta; trong đó diện tích đạt chứng nhận trên 7.200 hecta. Toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ dừa cho bà con nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Nguồn: https://vov.vn/thi-truong/trai-dua-huu-co-ben-tre-gia-on-dinh-trong-boi-canh-dau-ra-kho-khan-post1033697.vov

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, ‘thiên thời’ cho gạo Việt Nam đang đến
Theo nguồn tin từ Bloomberg, Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo, một động thái có thể đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn khi hiện tượng thời tiết El Nino quay lại. Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo non-Basmati (các loại gạo không phải basmati, một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ và Pakistan). Động thái này do giá cả trong nước tăng cao và các nhà chức trách muốn tránh nguy cơ lạm phát gia tăng. Nếu quy định này được thực hiện, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Một động thái như vậy có thể làm giảm giá gạo trong nước, nhưng có nguy cơ đẩy chi phí toàn cầu lên cao hơn.
Ấn Độ cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia, trong đó Benin, Trung Quốc, Senegal, Bờ Biển Ngà và Togo là những khách hàng lớn nhất. Các nhà nhập khẩu như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đã ráo riết dự trữ gạo trong năm nay. Kế hoạch của Ấn Độ được đưa ra sau khi lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh vào tháng 6 chủ yếu do giá lương thực cao hơn. Theo dữ liệu từ Bộ lương thực Ấn Độ, giá gạo bán lẻ ở Delhi đã tăng khoảng 15% trong năm nay trong khi giá trung bình trên toàn quốc tăng 8%.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-quoc-gia-hang-dau-xem-xet-cam-xuat-khau-gao-thien-thoi-cho-gao-viet-nam-dang-den-34094.html
2. Xuất khẩu hải sản quý và cá ngừ đóng hộp tăng mạnh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trị giá 4,15 tỷ USD, giảm 27,1% so với cùng kỳ 2022. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, thời gian qua, hầu hết nhóm thủy sản chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tôm, cá tra giảm mạnh 18-40%. Tuy nhiên, trong 22 mặt hàng, một vài mặt hàng xuất khẩu lại tăng đột biến. Theo đó, hàu là hải sản tăng mạnh nhất, đạt hơn 2.700 tấn, trị giá trên 5 triệu USD, tăng 100% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Tiếp đến là hải sâm xuất 73 tấn, tương đương 1,7 triệu USD, tăng 160% về lượng và 40% về giá trị. Chỉ riêng trong tháng 5, xuất khẩu hải sâm đã tăng tới hơn 900% về lượng và hơn 2.000% về giá trị.
Bên cạnh đó, 5 tháng qua, trong khi các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam xuất sang EU đều giảm so với cùng kỳ thì sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại tăng mạnh 71% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng này đang là chủ lực, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của cá ngừ Việt Nam vào EU. Đức và Hà Lan lần lượt là 2 nước dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam trong thời gian qua với tỷ trọng lần lượt là 23% và 26%.
Nguồn: https://markettimes.vn/nguoi-nuoc-ngoai-me-hai-san-quy-cua-viet-nam-mot-mat-hang-ghi-nhan-tang-hon-900-ve-luong-hon-2-000-ve-gia-tri-34252.html
3. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu số 1 của toàn ngành thủy sản Việt Nam
Ngày 17-7, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) thông tin chi tiết về số liệu xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) bất ngờ vươn lên vị trí số 1 trong tốp 8 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) đạt 716 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản 713 triệu USD và xuất khẩu sang Mỹ 706 triệu USD. Đây là 3 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam.
Đại diện VASEP thông tin thêm, những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, thị trường này sụt giảm đến 46% về giá trị trong khi thị trường Trung Quốc hồi phục tốt hơn (giảm 22%) dẫn đến sự thay đổi trong bảng xếp hạng. Trung Quốc cũng thường ở vị trí dẫn đầu đối với nhập khẩu cá tra, nhất là khối lượng trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy giảm 28% so với cùng kỳ 2022, đạt 4,2 tỉ USD. Một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu thủy sản giảm là do mặt bằng giá thủy sản xuất khẩu giảm.
Nguồn:  https://nld.com.vn/kinh-te/my-giam-nhap-tom-ca-cua-viet-nam-trung-quoc-bat-ngo-vuon-len-so-1-2023071715184782.htm
4. Người Trung Quốc đang mê đắm sầu riêng
Bất chấp các biện pháp kiểm soát Covid ngặt nghèo, sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2022 vẫn tăng gấp 4 lần so với năm 2017, nâng tổng giá trị lên hơn 4 tỷ USD. Nhập khẩu sầu riêng của nước này trong quý đầu tiên của năm 2023 cũng đã tăng hơn 150%, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Giá nhập khẩu trung bình trong quý I là 38,3 nhân dân tệ/kg (khoảng 127.000 đồng), giảm khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo trang tin tài chính Yicai, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5, doanh số bán sầu riêng trên nền tảng Meituan – nền tảng giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc – tăng 711% so với cùng kỳ 2022. Với việc mùa cao điểm xuất khẩu sầu riêng từ Đông Nam Á vào tháng 5 và 6, giá bán lẻ sầu riêng tại Trung Quốc đã giảm đáng kể và trở nên hợp túi tiền với nhiều người. Tại các chợ đầu mối trên khắp Trung Quốc, giá trung bình dao động từ 36 nhân dân tệ đến 52 nhân dân tệ/kg, tùy thuộc vào chủng loại.
Được hỗ trợ bởi mức thuế thấp, thủ tục hải quan nhanh gọn theo hiệp định thương mại Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Trung Quốc và ASEAN, nhập khẩu sầu riêng và các loại trái cây nhiệt đới vào Trung Quốc đã tăng vọt. Các mặt hàng này không chỉ phổ biến ở thành phố lớn mà còn len lỏi vào các thị trấn nhỏ ở Trung Quốc. Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines – tất cả đều là thành viên của RCEP – là những nhà cung cấp sầu riêng chính cho Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang đổ xô vào thị trường, từ việc ký hợp đồng với các vườn cây ăn trái ở Việt Nam và Thái Lan đến xây các dịch vụ hậu cần, kho lạnh và nền tảng thương mại điện tử. Nhà nhập khẩu Bob Wang cho biết cơ chế nhập khẩu dễ dàng và nhanh chóng cho phép sầu riêng có mặt tại khắp các vùng ở Trung Quốc trong 3 ngày. Ông đã ký hợp đồng với các trang trại sầu riêng ở Việt Nam với diện tích 3.000 ha và có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng trong năm nay.
Nguồn: https://markettimes.vn/con-re-bieu-me-vo-tuong-lai-qua-cuoi-qua-sinh-nhat-sau-rieng-bong-tro-thanh-thu-ton-tai-duy-nhat-thu-khac-co-hay-khong-khong-quan-trong-tai-quoc-gia-nay-viet-nam-thai-lan-mo-co-trong-bung-34377.html
5. 3 công ty Việt Nam nghi bị 1 doanh nghiệp Dubai lừa đảo
Chiều 17-7, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) phát đi cảnh báo đến các DN hội viên khi giao dịch với khách hàng Dubai. Cụ thể, báo cáo của các công ty cho biết, giao dịch xuất hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo từ cùng một người mua (công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC) và cùng một ngân hàng (Ajman Bank PJSC) tại Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) dẫn đến các lô hàng của các công ty đã bị mất khi chưa nhận được hết tiền hàng. Người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán, đồng thời cắt đứt liên lạc với các doanh nghiệp nêu trên đặt ra nghi vấn có sự thông đồng giữa bên mua và ngân hàng bên mua.
Cùng ngày, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng thông tin về vụ việc nghi lừa đảo tại thị trường này. Cụ thể, Công ty T.M xuất khẩu hạt điều cho công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC và được ứng 15% tiền. Công ty đã giao hàng và ngày 24-6 đã đến cảng Jebel Ali (UAE). Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27-6 nhưng công ty T.M không được thanh toán 85% số tiền còn lại của lô hàng. Ngân hàng phía Việt Nam đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua Ajman Bank PJSC yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.
Đại diện Vinacas cho rằng vụ việc này giá trị không lớn (chỉ 3 container, trị giá gần 300.000 USD) nhưng của 3 DN với 3 mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, vụ việc thể hiện có sự cấu kết, thông đồng của ngân hàng bên mua – nếu nghi vấn này đúng sẽ là sự việc hiếm có; nhất là xảy ra giữa Trung tâm tài chính Dubai. Vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo lừa đảo khi xuất khẩu cho các DN, nhất là bối cảnh xuất khẩu khó khăn, DN khát đơn hàng như hiện nay.
Nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/3-cong-ty-viet-nam-nghi-bi-1-doanh-nghiep-dubai-lua-dao-20230717161145813.htm
BSAi