Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1.    Tyson Foods (Mĩ) đóng cửa 4 nhà máy vì giá thịt gà giảm
Tyson Foods, nhà cung ứng khoảng 1/5 sản lượng thịt bò, thịt lợn và thịt gà trên toàn nước Mỹ, cho biết, họ đang tiến hành đóng cửa 4 nhà máy, bao gồm 2 nhà máy tại bang Missouri, một tại bang Indiana và một ở bang Arkansas, do tình hình sụt giảm doanh thu từ thịt gà. Báo cáo lợi nhuận do công ty công bố khi kết thúc quý II/2023 cho thấy doanh thu từ thịt gà giảm khoảng 3,5%.
Theo báo cáo của công ty dịch vụ tài chính Rabobank, nhu cầu bán lẻ tại Mỹ yếu, cộng với các nhà hàng ít chịu giảm giá đã kéo giá ức gà rút xương xuống trong quý II/2023. Cụ thể, giá thịt ức gà đã giảm 60% so với cùng thời điểm năm ngoái, khi giá thịt gà đang ở mức kỷ lục do nguồn cung thịt gà nay đã dồi dào hơn, song song với sự tồn tại của nhiều loại thịt có thể thay thế, như thịt bò xay.
Nguồn: https://bnews.vn/tyson-foods-dong-cua-4-nha-may-vi-gia-thit-ga-giam/302373.html
2.    Mixue mở rộng quyền lực mềm của Trung Quốc ở Đông Nam Á
Trong quan hệ quốc tế, thực phẩm có thể đóng vai trò là đại sứ quốc gia và thậm chí ảnh hưởng đến ngoại giao. Một quốc gia có thể sử dụng thực phẩm như một nguồn sức mạnh mềm để thể hiện các đặc điểm và biểu tượng văn hóa. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy hiểu biết của công chúng về quốc gia xuất xứ của một thương hiệu có thể giúp cải thiện hình ảnh của quốc gia đó. Khảo sát gần 500 người trả lời ở Mỹ, một nghiên cứu đã ủng hộ tuyên bố của Olle Wästberg, cựu giám đốc Viện Thụy Điển, rằng thương hiệu nội thất IKEA, đóng góp nhiều cho hình ảnh của Thụy Điển hơn là các hoạt động của chính phủ. Nghiên cứu cũng cho thấy nước tăng lực Red Bull đã cải thiện hình ảnh của nước Áo. Mixue cũng có thể mang tiềm năng tương tự cho Trung Quốc
Mixue đã thống trị ngành kinh doanh kem và trà ở Đông Nam Á trong 5 năm, sau khi mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2018. Có trụ sở chính tại Trung Quốc, nơi công ty điều hành 22.500 cửa hàng, hiện Mixue có khoảng 1.000 cửa hàng đang hoạt động ở mỗi nước tại Đông Nam Á bao gồm Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Mixue – cùng với các chuỗi bán lẻ quốc tế khác có trụ sở tại Trung Quốc như Miniso – không chỉ là một câu chuyện thành công trong kinh doanh. Nó còn có tiềm năng giúp Trung Quốc quảng bá hình ảnh quốc gia. Do đó, chính phủ Trung Quốc tiếp tục khuyến khích các công ty của họ phát triển ra nước ngoài không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn để quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/mixue-mo-rong-quyen-luc-mem-cua-trung-quoc-o-dong-nam-a-20230803165624360.htm
3.    Chủ thương hiệu Chocopie gia nhập thị trường bánh trung thu Việt Nam
Chủ thương hiệu Chocopie lần đầu tiên tung bánh trung thu ra thị trường sau 18 năm vào Việt Nam, chính thức tham gia khai thác thị trường sản phẩm mùa vụ trị giá hàng ngàn tỉ đồng này. Thông tin trên vừa được Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina công bố đầu tháng 8-2023. Năm nay là năm đầu tiên công ty tham gia thị trường bánh trung thu với nhiều dòng sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp, giá bán dao động 120.000- 900.000 đồng (hộp 2-4 bánh). Sản phẩm được bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, kênh trực tuyến và 63.000 cửa hàng và ki-ốt trên toàn quốc.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/chu-thuong-hieu-chocopie-gia-nhap-thi-truong-banh-trung-thu-viet-nam-20230803114816767.htm
4.    Doanh nghiệp F&B lay lắt chờ thời
Ngày 4/8, iPOS.vn, một doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt trong lĩnh vực F&B (kinh doanh ẩm thực, đồ uống) tại Việt Nam công bố kết quả khảo sát thị trường kinh doanh ẩm thực 6 tháng đầu năm 2023. Khảo sát được thực hiện trên phạm vi 137 nhà hàng, quán cafe, cùng 200 thực khách tại một số tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhằm phác họa toàn cảnh thị trường F&B Việt Nam nửa đầu năm 2023 đầy biến động và đưa ra những định hướng phát triển trong giai đoạn cuối năm.
Kết quả khảo sát của iPOS.vn cho thấy thị trường F&B 6 tháng đầu năm chứng kiến sự suy giảm đáng kể. Theo khảo sát, có tới hơn 40,1% doanh nghiệp F&B ghi nhận doanh thu giảm trong nửa đầu năm 2023. Nếu xét trên quy mô, doanh nghiệp F&B lớn có từ 150 chỗ ngồi trở lên có mức ảnh hưởng rõ rệt nhất, khi có tới 63,6% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm. Ngược chiều với diễn biến của nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, iPOS.vn ghi nhận 33% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ có mức doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, với nhiều tín hiệu tích cực. Một tín hiệu tích cực khác là theo kết quả khảo sát của iPOS.vn, có tới 89,8% doanh nghiệp nỗ lực duy trì ổn định số lượng cửa hàng hiện có, thậm chí nhiều cửa hàng mở được thêm chi nhánh mới. Hầu hết các doanh nghiệp hiện đang gồng mình trước sức ép, thử thách hiện tại để vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng tới mùa lễ hội cuối năm.
Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-fb-lay-lat-cho-thoi.htm
5.    WHO cảnh báo quảng cáo sữa công thức ở Việt Nam có nhiều sai lệch
Theo báo cáo toàn cầu của WHO công bố sáng 7/8, nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức tại Việt Nam sử dụng thông điệp ‘bóng bẩy, dễ gây hiểu lầm’ và không đủ căn cứ khoa học. Nghiên cứu này diễn ra từ từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2021, trên 8 quốc gia đại diện cho các châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau như Anh, Trung Quốc, Nam Phi, Nigeria, Bangladesh, Việt Nam… Tiến sĩ Juliawati Untoro, Trưởng nhóm Dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Khu vực Tây Thái Bình Dương cho hay, nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam “thường sai lệch khoa học”, bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp thị này có ảnh hưởng lớn đến thái độ của bà mẹ, người tiếp xúc. Theo đó, 82% bà mẹ Việt biết về sữa công thức giai đoạn 2 (trẻ ở độ tuổi 6-12 tháng) và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết. Điều này làm suy giảm tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/who-canh-bao-quang-cao-sua-cong-thuc-o-viet-nam-co-nhieu-sai-lech-2174619.html
6.    Nhà máy sản xuất Hamburg Steak đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động
Sau hơn 2 năm ấp ủ, chuẩn bị kỹ lưỡng tiềm lực, thử nghiệm công nghệ – kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản áp dụng vào quy trình sản xuất Hamburg Steak, ngày 4/8/2023 thương hiệu KOHAFO chính thức khai trương nhà máy có địa chỉ tại Bến Lức, Long An và cho ra mắt các dòng sản phẩm đóng gói sắp được đơn vị phân phối ra thị trường.
Sự kiện khai trương nhà máy KOHAFO cũng đánh dấu bước tiến lớn khi là đơn vị đầu tiên đưa máy móc, dây chuyền sản xuất hamburg hiện đại và công nghệ mới “nướng bằng hơi nước” của Nhật Bản về Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội quan trọng để thúc đẩy hợp tác văn hóa và phát triển kinh tế giữa hai quốc gia Việt – Nhật.
Nguồn: https://vtc.vn/nha-may-san-xuat-hamburg-steak-dau-tien-tai-viet-nam-di-vao-hoat-dong-ar811215.html
7.    LG và The Coffee House hợp tác đưa nông sản Việt vào BST đồ uống mới
LG vừa công bố khởi xướng chiến dịch “Better Choices Make a Better World” (tạm dịch: Lựa chọn cho cuộc sống tốt đẹp hơn) nhằm khuyến khích giới trẻ đưa ra những lựa chọn tích cực làm nên lối sống cân bằng cho bản thân và cộng đồng. Để mở đầu cho chiến dịch, LG kết hợp cùng The Coffee House ra mắt bộ sưu tập (BST) thức uống Trà xanh Tây Bắc tôn vinh nông sản Việt cùng Ly Xanh tái sử dụng. BST gồm 4 sản phẩm: Trà Xanh Latte, Trà Xanh Đường Đen, Đá Xay Frosty Trà Xanh, Trà Xanh Xoài Đá Tuyết với hương vị đặc trưng của trà xanh Tây Bắc đậm đà, chát nhẹ cùng hậu vị ngọt. Sản phẩm hiện đã có mặt tại chuỗi cửa hàng The Coffee House trên toàn quốc từ ngày 20 tháng 7.
Nguồn: https://markettimes.vn/cu-bat-tay-la-giua-lg-va-the-coffee-house-dua-nong-san-viet-vao-bst-do-uong-moi-ra-mat-ly-xanh-thiet-ke-cuc-bat-mat-36156.html
8.    Bia thủ công Việt gây sốt tại Nhật Bản, Singapore
Các loại bia thủ công Việt Nam có vị trái cây, cay nồng đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Những loại bia nhiều màu sắc từ thương hiệu Pasteur Street Brewing của Việt Nam ngày càng trở nên nổi bật so với các sản phẩm bia tại Tasting Bar Shibataya ở Tokyo, Nhật Bản.
Các nhà sản xuất bia thủ công khác của Việt Nam cũng đang hướng đến thị trường nước ngoài nhiều hơn. Nhà máy bia Heart of Darkness, có trụ sở tại ngoại ô TP Hồ Chí Minh, đã khai trương nhà máy bia thứ hai tại Singapore. Các loại bia thủ công của hãng, được biết đến với hương vị socola và trái cây, được xuất khẩu sang 8 quốc gia và khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Phần Lan.
Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/bia-thu-cong-viet-gay-sot-tai-nhat-ban-singapore-post1037642.vov

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Các nền tảng đặt phòng trực tuyến ghi nhận mùa hè du lịch bùng nổ
Tuần trước, Airbnb, Expedia và Booking đều báo cáo kết quả kinh doanh quí 2, cho thấy những bức tranh khác nhau về một mùa hè du lịch sôi động. Tuy nhiên, xu hướng chung là giá cả mà họ cung cấp, từ các chuyến bay đến phòng khách sạn và dịch vụ cho thuê nơi lưu trú ngắn hạn, đều cao hơn so với trước đây. Du khách cũng ưu tiên chọn các kỳ nghỉ ở châu Âu hoặc châu Á.
Các hãng hàng không toàn cầu như United Airlines và Delta Air Lines đã nâng dự báo lợi nhuận hàng năm do lượng đặt chỗ quốc tế tăng mạnh. Họ cho biết nhu cầu mạnh mẽ sẽ tiếp tục kéo dài sang mùa thu. Công ty quản lý chuỗi khách sạn Marriott International cũng nâng ước tính lợi nhuận cho thời gian còn lại của năm 2023, với dự báo các khách sạn ở châu Á và châu Âu sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-nen-tang-dat-phong-truc-tuyen-ghi-nhan-mua-he-du-lich-bung-no/

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Trung Quốc: Nhiều công ty lớn cảnh báo về doanh số bán hàng chậm lại
Từ “gã khổng lồ” hàng tiêu dùng Unilever, cho đến nhà sản xuất ô tô Nissan, hay hãng máy móc Caterpillar, các các công ty lớn trên toàn cầu đều đang cảnh báo xu hướng sụt giảm doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc, sau khi đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm đi, bắt đầu từ quý 2/2023. Vào tuần trước, Giám đốc Tài chính của Unilever, Graeme Pitkethly, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn, khi thị trường bất động sản suy giảm, nhu cầu xuất khẩu đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, rất cao. Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo thu nhập quý 2/2023, ông Pitkethly nói có thể cho rằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức thấp lịch sử.
Cảnh giác với những dữ liệu kinh tế quý 2/2023 mờ nhạt, hầu hết các công ty, tập đoàn toàn cầu đã dừng việc nâng triển vọng của thị trường Trung Quốc trong các quý tới. Một số công ty tiêu dùng lớn, vẫn giữ niềm tin vào sức mua khổng lồ của thị trường này, như Procter & Gamble, L’Oreal và Coca-Cola, đã lựa chọn đưa ra một lập trường ít bi quan hơn, nhưng vẫn rất thận trọng.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-nhieu-cong-ty-lon-canh-bao-ve-doanh-so-ban-hang-cham-lai/886891.vnp
2.    Thương mại điện tử đã qua thời kỳ đỉnh cao tại phương Tây
Ngày 3/8, Amazon, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, báo cáo đà tăng trưởng doanh thu 11% trong quý hai, so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ nhánh điện toán đám mây. Con số này cao hơn kỳ vọng, và giúp cổ phiếu của công ty tăng 10%. Thế nhưng nó chỉ bằng một phần nhỏ so với mức tăng trưởng doanh thu 42% mà Amazon báo cáo trong cùng quý năm 2020, chậm hơn so với xu hướng tăng trưởng trước đại dịch. Sau thời kỳ tăng mạnh vào đầu năm 2020, tỷ lệ chi tiêu cho bán lẻ trực tuyến ở Mỹ ở mức khoảng 15%, gần bằng mức mà đáng lẽ sẽ có nếu như xu hướng trước đại dịch vẫn tiếp tục. Câu chuyện ở Anh, Pháp và Đức cũng tương tự, theo như con số dữ liệu của Euromonitor, công ty nghiên cứu thị trường.
Trong khi đó, sự cạnh tranh trong những lĩnh vực trưởng thành hơn của thương mại điện tử đang dần nóng lên. Shein, hãng bán lẻ thời trang nhanh nổi tiếng trong cộng đồng Gen Z ở phương Tây, đang lấn sân sang hàng điện tử và đồ nội thất. Temu, một nhánh của Pinduoduo – một ngôi sao mới nổi ở Trung Quốc – cũng tăng trưởng nhanh chóng sau khi ra mắt ở Mỹ trong năm ngoái. Một thách thức khác đến từ TikTok, ứng dụng video ngắn của Trung Quốc được giới trẻ ưa chuộng. Để kiếm tiền từ người dùng của họ, TikTok cho phép các doanh nghiệp chèn quảng cáo và trình diễn trực tiếp vào feed của họ, với các liên kết để mua sản phẩm mà không cần rời khỏi ứng dụng.
Thách thức cuối cùng đối với các công ty thương mại điện tử phương Tây là các thương hiệu ngày càng mong muốn bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Euromonitor cho biết doanh số bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng hiện chiếm 16% thương mại điện tử, con số đã tăng gấp 4 lần trong 8 năm qua. Các thương hiệu nổi tiếng như Nike nằm trong số những thương hiệu đã nắm bắt xu hướng này. Doanh số bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của họ đã tăng từ 17% lên 42% tổng doanh thu trong thập kỷ qua, với hơn một nửa doanh số bán hàng đó được tạo ra từ mua sắm trực tuyến.
Nguồn: https://viettimes.vn/thuong-mai-dien-tu-da-qua-thoi-ky-dinh-cao-post168974.html
3.    Kỷ nguyên hàng hóa giá rẻ bị đe dọa khi nhà máy châu Á khó thu hút công nhân trẻ
Châu Á, công xưởng của thế giới, cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng Mỹ, đang đối mặt một vấn đề lớn: Giới trẻ không muốn làm việc trong các nhà máy.  Thời kỳ “hoàng hôn” của lao động nhà máy giá rẻ ở châu Á đang nổi lên như một phép thử mới nhất đối với mô hình sản xuất toàn cầu hóa. Để đối phó khủng hoảng nhân lực, các nhà máy châu Á buộc phải tăng lương. Họ cũng áp dụng các chiến lược tốn kém hơn để giữ chân công nhân, từ việc cải thiện các bữa ăn cho đến xây dựng trường mẫu giáo cho con cái của công nhân. Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên Hợp Quốc, tiền lương trung bình của công nhân nhà máy ở Việt Nam tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011, lên 320 đô la Mỹ/tháng. Tại Trung Quốc, tiền lương công nhân nhà máy tăng 122% trong giai đoạn 2012-2021.
Trong năm nay, Hasbro (Mỹ), nhà xuất đồ chơi và game hàng đầu thế giới, cho biết tình trạng thiếu lao động ở Việt Nam và Trung Quốc đã đẩy chi phí lên cao. Mattel (Mỹ), nhà sản xuất búp bê Barbie, có nền tảng sản xuất lớn ở châu Á, cũng đang vật lộn với chi phí lao động cao hơn. Cả hai công ty này đều đã tăng giá sản phẩm của họ. Hồi tháng 6, Nike, công ty sản xuất phần lớn giày thể thao ở châu Á, tiết lộ giá thành sản phẩm của công ty đang tăng lên do chi phí lao động tốn kém hơn
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/ky-nguyen-hang-hoa-gia-re-bi-de-doa-khi-nha-may-chau-a-kho-thu-hut-cong-nhan-tre/
4.    Nhộn nhịp thị trường đồ dùng học tập mùa tựu trường
Theo các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm, từ đầu tháng 8 đến nay, sức mua đồ dùng, đồng phục chuẩn bị cho năm học mới đang tăng lên. Trong đó, phần lớn các sản phẩm là hàng Việt được người tiêu dùng chọn mua khá nhiều, sức mua của các mặt hàng này cũng đang tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các nhân viên bán hàng tại Fahasa, năm nay giá sách và đồ dùng học tập không biến động nhiều, một số mặt hàng hàng Việt còn được giảm giá từ 10 – 15%. Tính đến nay, sức mua các mặt hàng này tăng khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng hầu hết đều là hàng Việt, ngày càng được các nhà sản xuất trong nước đầu tư về kiểu dáng, mẫu mã.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/tp-ho-chi-minh-nhon-nhip-thi-truong-sach-giao-khoa-20230808155308347.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

  1. Hãng mỹ phẩm Yves Rocher đóng cửa chi nhánh ở Thụy Sĩ, Áo và Đức
Hãng mỹ phẩm Yves Rocher (Pháp) ngày 4/8 đã thông báo đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Thụy Sĩ, Áo và Đức. Thông báo cho biết: “Với hình thức kinh doanh hiện nay, Yves Rocher không thể duy trì hoạt động liên tục và hiệu quả. Trong hai năm qua, chúng tôi đã đối diện với nhiều thách thức về kinh tế. Các khách hàng của Yves Rocher vẫn có thể tìm kiếm được sản phẩm trên gian hàng trực tuyến và có thể đặt mua qua hệ thống các sàn thương mại điện tử.” Theo kế hoạch, Yves Rocher sẽ đóng cửa khoảng 140 cửa hàng ở các quốc gia nói tiếng Đức, ảnh hưởng tới 350 nhân sự. Hãng cũng đã gửi thông báo này tới các nhân viên từ giữa tháng 3 vừa qua.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hang-my-pham-yves-rocher-dong-cua-chi-nhanh-o-thuy-si-ao-va-duc/887349.vnp
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1.    Grab chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ nhà hàng
Theo ghi nhận của CNBC đến ngày 3/8, một số siêu ứng dụng ở Đông Nam Á như Grab và Foodpanda đang chuyển hướng sang mảng kinh doanh ăn uống tại chỗ khi người tiêu dùng có xu hướng ra ngoài ăn nhiều hơn sau đại dịch Covid-19. Kỳ lân Grab khởi đầu với dịch vụ taxi công nghệ, và dần mở rộng sang các lĩnh vực giao hàng, sau đó là giao đồ ăn. Giờ đây, Grab đang tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ăn uống tại chỗ, để đáp ứng nhu cầu ra ngoài ăn và thư giãn của người tiêu dùng khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Theo CNBC, Grab đang thử nghiệm tính năng ăn uống tại chỗ GrabFood’s Dine-in ở 15 thành phố tại Singapore, Thái Lan và Indonesia. Tính năng này cho phép người dùng mua các phiếu ăn uống tại nhà hàng với mức chiết khấu lên tới 50%. Hơn nữa, người dùng có thể xem thực đơn và đánh giá về nhà hàng, đặt hàng và thanh toán qua hệ thống dựa trên mã QR code, cũng như đặt các chuyến đi đến nhà hàng thông qua tính năng gọi xe trên ứng dụng Grab.
Nguồn: https://mekongasean.vn/grab-chuyen-huong-sang-kinh-doanh-nha-hang-ke-hoach-den-viet-nam-post25157.html
2.    Disney lập nhóm nghiên cứu ứng dụng AI
Hãng Reuters đưa tin bất chấp biên kịch và diễn viên Hollywood đình công nhằm hạn chế việc khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) khiến họ mất việc, tập đoàn Walt Disney vẫn thành lập nhóm chuyên trách nghiên cứu cách ứng dụng công nghệ này trong cả ngành giải trí. Theo nguồn tin, nhóm chuyên trách vào đầu năm nay đã nỗ lực phát triển ứng dụng AI nội bộ và bắt tay hợp tác với các công ty khởi nghiệp. Thông tin Reuters tiết lộ có bằng chứng rõ ràng: Disney đang tuyển dụng 11 vị trí đòi hỏi ứng viên có chuyên môn về AI hoặc máy học. Tập đoàn tuyển dụng cho nhiều đơn vị trực thuộc, từ hãng phim Walt Disney Studios, công viên giải trí, đội ngũ kỹ thuật đến truyền hình Disney và đội ngũ quảng cáo.
Nguồn: https://1thegioi.vn/disney-lap-nhom-nghien-cuu-ung-dung-ai-203134.html
3.    Công ty thiết kế chip Arm thu hút nhiều nhà đầu tư cá mập
Tờ Nikkei của Nhật Bản ngày 8/8 đưa tin tập đoàn công nghệ Apple và công ty điện tử Samsung Electronics sẽ đầu tư vào công ty thiết kế chip Arm thuộc sở hữu của tập đoàn SoftBank Group trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của công ty này, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Chín. Trước đó hồi tháng Sáu, hãng tin Reuters cho biết Arm đang đàm phán với khoảng 10 công ty, trong đó có Apple, Samsung và Intel (INTC.O), nhằm mục đích thu hút thêm các nhà đầu tư lớn tham gia vào đợt IPO sắp tới. Cũng theo Nikkei, Arm sẽ chính thức nộp đơn đăng ký niêm yết lên Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) trong tháng này.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cong-ty-thiet-ke-chip-arm-thu-hut-nhieu-nha-dau-tu-ca-map/888039.vnp
4.    TSMC xây nhà máy ‘siêu khủng’ tại Đức
“Gã khổng lồ” chất bán dẫn TSMC cho biết đã phê duyệt khoản đầu tư 3,8 tỷ USD vào nhà máy tại Đức, với tổng vốn đầu tư vào nhà máy dự kiến vượt 10 tỷ EUR, tương đương 11 tỷ USD, bao gồm cả hỗ trợ của chính phủ. Đặc biệt, nhà máy mới cũng là màn “bắt tay” của TSMC với các nhà sản xuất chip địa phương như Infineon Technologies AG – nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức; nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu của Hà Lan NXP Semiconductors NV và tập đoàn công nghệ Đức Robert Bosch GmbH.
Nhà máy mới là bước tiến đầu tiên của TSMC trong việc thiết lập sự hiện diện lớn ở châu Âu để chống lại rủi ro từ căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Được biết, nhà máy dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2027, sẽ cung cấp chip cho lĩnh vực ô tô và công nghiệp. Nhà máy của TSMC tại Đức cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào châu Á trong việc nhập khẩu công nghệ quan trọng và được đưa ra sau khi các nhà sản xuất ô tô Đức bao gồm Volkswagen AG và Porsche AG nhấn mạnh mối quan tâm sâu sắc của họ đối với việc có một nhà máy TSMC tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/tsmc-xay-nha-may-sieu-khung-tai-duc-pha-vo-the-kho-cua-eu-ve-cong-nghe-chip-20180504224287517.htm
5.    Tesla bí mật thâu tóm công ty công nghệ sạc không dây của Đức
Tesla đã mua lại một công ty Đức chuyên về công nghệ sạc không dây với số tiền không được tiết lộ. Thông thường, các vụ mua lại tương tự sẽ đi kèm với thông báo chi tiết về giao dịch nhưng lần này cả Tesla và công ty Đức Wiferion đều chia sẻ rất hạn chế về thỏa thuận. Những gì được công bố là trang web của Wiferion cho biết, nó hiện là một phần của ‘Tesla Engineering Germany GmbH’. Giá mua cũng chưa được tiết lộ nhưng rất có thể nó chính là con số 76 triệu USD được liệt kê trong báo cáo thu nhập gần đây nhất của Tesla với đề mục “kết hợp kinh doanh”.
Theo Drive Tesla Canada, Wiferon có kinh nghiệm trong việc phát triển và sản xuất các hệ thống sạc và chủ yếu cung cấp các trang bị cho hệ thống vận chuyển, xe nâng hàng và rô-bốt. Kể từ khi Tesla mua lại công ty, các bản cập nhật được ghi nhận bởi Cơ quan đăng ký thương mại Đức cho thấy giờ đây họ sẽ tập trung nhiều hơn vào “các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực điện tử cũng như các ngành kỹ thuật khác để hỗ trợ sự phát triển của xe điện cùng hệ thống lưu trữ năng lượng cố định và thiết bị”. Tesla cũng từng đề cập đến lĩnh vực giải pháp sạc không dây cho xe điện của mình và nhiều người cho rằng họ sẽ tận dụng chuyên môn của Wiferon trong lĩnh vực này để cải thiện hệ thống của chính mình.
Nguồn: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/tesla-bi-mat-thau-tom-cong-ty-cong-nghe-sac-khong-day-cua-duc-post1037030.vov
6.    Quy định cứng rắn của Trung Quốc ‘hãm phanh’ giấc mơ xe điện của Big Tech
Tình trạng dư thừa công suất và phá sản của các nhà sản xuất xe điện đã dẫn đến việc chính quyền Bắc Kinh phải hạn chế cấp giấy phép sản xuất tràn lan. Hồ sơ công khai cho thấy chỉ có hai phê duyệt sản xuất ô tô điện mới kể từ đầu năm 2023. Những người trong ngành cho biết các cơ quan quản lý đã thắt chặt các phê duyệt để giải quyết tình trạng dư thừa công suất ngày càng tăng và hàng loạt lỗi của công ty EV khiến khách hàng phàn nàn về việc sở hữu những phương tiện không thể sửa chữa hoặc bảo dưỡng. Eunice Lee, một nhà phân tích ô tô tại Bernstein, ước tính Trung Quốc hiện có khả năng sản xuất tổng thể gần 40 triệu xe mỗi năm và đang tăng lên, nhưng nhu cầu trong nước chỉ ở mức 20 triệu đến 25 triệu.
Bên cạnh đó, những quy định chặt chẽ đang cản trở những nỗ lực của Big Tech ở Trung Quốc trong việc ra mắt xe điện, với việc triển khai xe từ gã khổng lồ tìm kiếm Baidu, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và tập đoàn gọi xe Didi đều bị đình trệ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/quy-dinh-cung-ran-hon-cua-trung-quoc-ham-phanh-giac-mo-dien-khi-hoa-cua-big-tech.htm
7.    Hãng pin xe điện số một thế giới đứng trước nguy cơ mất thị phần từ đối thủ mới
Trong một thời gian dài, CATL là đế chế vững chắc và không thể bị thay thế trong ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô điện. Nhưng với sự phát triển quá nhanh của xe điện ở khắp thế giới, khiến sự cạnh tranh trong lĩnh vực phụ trợ ngày một gắt gao hơn, vị thế của CATL có thể bị lung lay nếu không có những bước tiến đáng chú ý. BYD bên cạnh là một nhà sản xuất xe điện lớn, họ cũng đã tự nghiên cứu chế tạo hệ thống pin Lithium-Ion cho riêng mình. Không những vậy, pin BYD vừa qua được sử dụng trên xe điện Tesla mang lại hiệu suất vượt trội hơn so với pin của CATL. Điều này khiến cho nguy cơ về việc mất một khách hàng chiến lược như Tesla vào tay BYD của CATL đang hiện hữu một cách rõ ràng.
Tính tới tháng 5 năm 2023, CATL dẫn đầu thế giới về sản phẩm pin xe điện, chiếm thị phần 36,3% trên toàn thế giới. Trong khi đó, đối thủ của họ là BYD hiện nay mới chỉ bán được pin trên các xe điện sản xuất tại nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thị trường quan trọng thứ hai là Mỹ lại khá thận trọng và không chào đón nhà sản xuất pin CATL. Thay vào đó, các hãng xe điện nội địa của Mỹ tập trung tự chủ nguồn pin điện của riêng mình.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hang-pin-xe-dien-so-mot-the-gioi-dung-truoc-nguy-co-mat-thi-phan-tu-doi-thu-moi-2175253.html
8.    Ấn Độ áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu, Apple, Samsung, HP gặp khó
Ấn Độ vừa công bố áp đặt các lệnh hạn chế nhập khẩu máy tính cá nhân và máy tính bảng với lý do an ninh và thúc đẩy nhu cầu sản xuất trong nước. Động thái này được cho sẽ ảnh hưởng lớn đến Samsung, Apple hay HP – những công ty bán thiết bị phần cứng hàng đầu tại một trong những thị trường điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Máy tính xách tay và máy tính bảng nằm trong số ít các thiết bị điện tử yêu cầu giấy phép nhập khẩu vào Ấn Độ, theo một thông báo của chính phủ Ấn Độ hôm 3/8.
1 ngày sau khi lệnh hạn chế được công bố, Apple, Samsung, HP đã đóng băng việc nhập khẩu laptop và tablet vào Ấn Độ, theo Bloomberg. Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà sản xuất kể trên đã chuẩn bị sẵn sàng cho các biện pháp của chính phủ Ấn Độ nhằm giảm sự phục thuộc vào hàng nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, họ vẫn “hoàn toàn bất ngờ” khi lệnh hạn chế được áp dụng đột ngột như vậy .Việc này chắc chắn khiến Apple, Samsung, HP thêm đau đầu bởi họ vốn đã phải vật lộn với tình trạng dư thừa hàng tồn kho trên toàn cầu. Lệnh cấm này có thẻ khiến việc ra mắt các sản phẩm tại Ấn Độ bị trì hoãn hoặc thậm chí thiếu hụt sản phẩm trên thị trường.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-quoc-gia-tung-tin-set-danh-apple-samsung-hp-tai-mat-nguy-co-mat-ty-usd-doanh-thu-36183.html
9.    Hãng xe Trung Quốc Lynk & Co gia nhập Việt Nam
Chiều 5/8, Lynk & Co Automobile International Sales Co.Ltd (Lynk & Co) đã tổ chức Lễ công bố phân phối chính thức Lynk & Co tại Việt Nam với Công ty cổ phần GreenLynk Automotives. Thông qua hợp tác chiến lược với GreenLynk Automotives, Lynk & Co thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường kinh doanh, thúc đẩy xu hướng “xanh hóa” ngành ô tô thông qua lộ trình phân phối các dòng xe từ xe xăng, xe lai (hybrid) đến xe điện tại Việt Nam.
Lynk & Co là một thương hiệu xe cao cấp được thành lập bởi Volvo và Geely Auto Group – đơn vị thành viên của Geely Holding (Geely). Kể từ năm 2012, Geely đã được xếp hạng trong danh sách Fortune Global 500 trong 11 năm liên tiếp (xếp thứ 229 vào năm 2022). Geely sở hữu và quản lý một số thương hiệu lớn như: Geely Auto, Lynk & Co, Volvo Cars, Polestar, Lotus, Zeekr,…
Nguồn: https://markettimes.vn/lynk-co-gia-nhap-viet-nam-du-kien-gioi-thieu-4-mau-xe-moi-36095.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Mưa lũ đe dọa an ninh lương thực Trung Quốc
Mưa lớn kéo dài gây lũ lụt nghiêm trọng ở đông bắc Trung Quốc, nhấn chìm nhiều cánh đồng ngũ cốc và đe dọa an ninh lương thực nước này. Tại tỉnh Hắc Long Giang, các con sông tưới tiêu cho vùng đất nông nghiệp màu mỡ này đã tràn bờ, nhấn chìm nhiều cánh đồng lúa, phá hủy nhà kính trồng rau và làm hư hại nhiều nhà máy. Nhiều làng xóm và vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn ở Vũ Xương, thành phố sản xuất lúa gạo lớn ở Hắc Long Giang, cũng bị ngập lụt. Ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh được gọi là vựa lúa của Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 1/5 sản lượng ngũ cốc cả nước, nhờ vùng đất phù sa màu mỡ. Các loại cây trồng chính ở khu vực này là đậu tương, ngô và gạo.
Tình trạng ngập lụt đất nông nghiệp làm gia tăng lo ngại về những tác động tiềm tàng tới an ninh lương thực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh các sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu đang gây thách thức lớn đối với nguồn cung cấp thực phẩm và nông nghiệp của Trung Quốc.Trong ngắn hạn, những đợt thiên tai liên tiếp nhiều khả năng sẽ tác động lên giá lương thực vốn tương đối ổn định trong những tháng gần đây của Trung Quốc.
Nguồn: https://vnexpress.net/mua-lu-de-doa-an-ninh-luong-thuc-trung-quoc-4639033.html?gidzl=5v9fSvPJ-HKMX6XtdKpz5HY4RtE46_iK0O5ZTjTCynfKXcKhXqRsJW6DOoZHGQT51zaqSZ6o-Q1Kbrdx7m
2.    Bộ Công Thương: Tránh mua gom gạo ồ ạt, đẩy giá trong nước tăng bất hợp lý
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.Theo đó, trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thóc, gạo, kiểm soát mức tăng giả lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. Đồng thời, thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-tranh-mua-gom-gao-o-at-day-gia-trong-nuoc-tang-bat-hop-ly-20230804102627963.htm
3.    Lâm Đồng đưa rau củ quả, cà phê lên TikTok: Gần 2.000 orders, thu về xấp xỉ 11.000 USD trong ngày
Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, tạo ra nhiều loại nông sản đặc sản như rau củ quả, hoa cao cấp, cà phê Arabica chất lượng cao, ngày 03/08/2023 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã thành công tổ chức chương trình “Chợ Phiên OCOP – Nông Sản Trong Mây” tại tỉnh với sự hỗ trợ của TikTok cùng MCN DC MEDIA. Chợ phiên nông sản trên TikTok của Lâm Đồng ngày đầu tiên đã có 16 phiên livestream bùng cháy với gần 500.000 lượt xem, gần 2.000 đơn đặt hàng với GMV (tổng giá trị giao dịch) đạt gần 11.000 USD. Chương trình kéo dài đến ngày 5/8, đánh dấu giai đoạn bản lề cho ngành thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới việc giúp nông sản địa phương vươn đến tỉnh thành trên khắp cả nước, vươn tới thị trường quốc tế.
Nguồn: https://markettimes.vn/lam-dong-dua-rau-cu-qua-ca-phe-len-tiktok-gan-2-000-orders-thu-ve-xap-xi-11-000-usd-trong-ngay-35966.html
4.    Cần đánh giá kỹ đặc tính mít hương sầu riêng trước khi nhân giống
Trước thông tin giống mít hương sầu riêng mới xuất hiện gây xôn xao dư luận, mới đây, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã đến thăm và trao đổi thông tin với anh Nguyễn Hữu Khang (quận Thốt Nốt) – người đã lai tạo và trồng thành công giống mít ‘độc, lạ’ này. bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ khẳng định, ngành nông nghiệp rất hoan nghênh việc anh Khang tự tìm tòi, nghiên cứu giống cây trồng mới để nâng chất lượng, sản phẩm mới, tạo kinh tế tốt cho nông dân.
Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ cũng khuyến cáo đối với giống cây ăn trái để có thể đánh giá được quá trình phát sinh, phát triển, năng suất, chất lượng sản phẩm cần phải theo dõi trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ khi cây cho trái. Từ đó, người lai tạo giống mới có cơ sở thực tiễn đưa ra khuyến cáo nhân rộng loại cây trồng mới này. Vì thế, anh Khang không nên vội nhân giống số lượng lớn ở giai đoạn này mà cần đánh giá kỹ các đặc tính trước khi nhân giống. Đại diện ngành nông nghiệp Cần Thơ đã trao đổi và hướng dẫn cho anh Nguyễn Hữu Khang ghi chép thông tin, số liệu về quá trình sinh trưởng, dịch bệnh, chất lượng, năng suất quả,…làm cơ sở để có số liệu chính thống đăng ký cây đầu dòng đáp ứng yêu cầu nhân giống mở rộng vùng trồng cho sản phẩm.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/can-danh-gia-ky-dac-tinh-mit-huong-sau-rieng-truoc-khi-nhan-giong-20230808180051201.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Sau gạo, thị trường lo ngại Ấn Độ có thể cấm xuất khẩu đường
Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo để kiểm soát giá trong nước, các thương nhân lo ngại việc xuất khẩu đường có thể bị ảnh hưởng. Theo Bloomberg, thế giới ngày càng phụ thuộc vào đường Ấn Độ khi nguồn cung toàn cầu hạn hẹp. Lượng mưa không đồng đều trên các vành đai nông nghiệp của Ấn Độ đã làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng đường sẽ giảm, có khả năng giảm năm thứ hai liên tiếp trong mùa vụ bắt đầu từ tháng 10. Điều này có thể sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu đường của Ấn Độ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/sau-gao-thi-truong-lo-ngai-an-do-co-the-cam-xuat-khau-duong-20230809110657502.htm
2.    Dự trữ gạo Ấn Độ đang cao gấp 3 lần mục tiêu
Giá gạo châu Á tiếp tục lập kỷ lục cao mới. Tuy nhiên, với dự trữ gạo của Ấn Độ hiện đạt tổng cộng 37,6 triệu tấn, các thị trường gạo thế giới không nên quá lo lắng về lệnh cấm xuất khẩu mới đây của nước này. Reuters dẫn một nguồn tin tin cậy cho biết, tính tới ngày 01/8/2023, các kho dự trữ gạo của Ấn Độ hiện chứa 24,6 triệu tấn gạo và 13 triệu tấn thóc. Con số này cao gấp 3 lần so với mục tiêu của Chính phủ – là các kho dự trữ quốc gia phải có 13,5 triệu tấn gạo, bao gồm dự trữ chiến lược 2 triệu tấn cho quý bắt đầu từ ngày 1/7.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, cho biết nếu sản lượng vụ mới bội thu, FCI sẽ buộc phải thu mua khối lượng lớn gạo từ nông dân. Điều đó sẽ khiến lượng dự trữ gạo của Chính phủ càng tăng hơn nữa. Khi vụ mùa mới dự kiến bắt đầu được tung ra thị trường vào tháng 10, thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ dư thừa ở quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tạo điều kiện New Delhi nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gần đây.
Nguồn: https://markettimes.vn/du-tru-gao-an-do-dang-cao-gap-3-lan-muc-tieu-36017.html
3.    Thái Lan sẽ không hạn chế xuất khẩu gạo
Thái Lan đang hưởng lợi từ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và không có lý do nào để dừng các chuyến hàng của mình trong bối cảnh có đủ nguồn cung cho cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Thái Lan trong một cuộc họp báo mới đây, lệnh cấm của Ấn Độ đang tạo cơ hội cho các nhà sản xuất gạo Thái Lan, đặc biệt là ở thị trường châu Phi – nơi tiêu thụ một lượng gạo lớn từ Ấn Độ. Thái Lan dự kiến xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo trong năm nay. Trong thời gian từ tháng 1-7/2023, nước này đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, với mức bình quân hàng tháng là từ 700.000-800.000 tấn.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thai-lan-se-khong-han-che-xuat-khau-gao-20230808084739981.htm
4.    Lý do gạo Việt đắt đỏ, khó xuất khẩu
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo VCCI , sau khi tham vấn ý kiến, các doanh nghiệp cho rằng, chi phí và thời gian đi lại để nộp hồ sơ và nhận “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” hiện ở mức khá lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo VCCI, việc đáp ứng các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo ở Việt Nam hiện khá ngặt nghèo khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ khó có thể tiếp cận. Điều này buộc doanh nghiệp phải đi thuê giấy chứng nhận dẫn tới hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt và khó xuất khẩu hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/ly-do-gao-viet-dat-do-kho-xuat-khau-post1557219.tpo
5.    Hoa Kỳ và EU tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam
Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Do đó, việc 2 thị trường này giảm nhập khẩu cà phê sẽ tác động tiêu cực lên ngành cà phê thế giới. Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam vào hai thị trường này thời gian qua vẫn tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong bối cảnh thị hiếu tiêu dùng cà phê của người dân EU có sự dịch chuyển sang cà phê đặc sản Robusta.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hoa-ky-va-eu-tang-nhap-khau-ca-phe-viet-nam-108785.htm
6.    Đơn hàng tăng trở lại, xuất khẩu tôm có thể đạt trên 3 tỷ USD
Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố tích cực tác động đến xuất khẩu tôm: Một là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; Hai là nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm và cuối cùng là nguồn cung ổn định khi các nước như Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ. Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, VASEP dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, về bằng mức trước dịch.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/don-hang-tang-tro-lai-xuat-khau-tom-co-the-dat-tren-3-ty-usd-20230806120926462.htm
7.    Xuất khẩu gỗ tăng trở lại
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, hầu như tháng nào cũng sụt giảm về lượng lẫn giá trị. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trở lại, khi đạt 1,1 tỉ USD, cao hơn 3,7% so với tháng 5. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những tháng cuối năm của ngành gỗ. Kết quả khảo sát sơ bộ các DN do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) thực hiện cho thấy trong tháng 7-2023, DN trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Nhiều DN gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm giải pháp thâm nhập trực tiếp thị trường quốc tế.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/xuat-khau-go-tang-tro-lai-20230808212016571.htm
8.    Sắp diễn ra Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023
Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023do Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đồng tổ chức và thực hiện sẽ khai mạc vào ngày 16/8 tới tại Trung tâm Thương mại Central World (Bangkok, Thái Lan), một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023 với chủ đề The Magical Taste of Vietnam – Hương vị phương Nam, sẽ lần đầu tiên tập trung giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch và các sản phẩm OCOP tốt nhất đến từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Sự kiện thường niên này sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho gần 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các hệ thống phân phối bán lẻ tại Thái Lan, cũng như gặp gỡ trực tiếp các doanh nhân và khách hàng để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Nguồn: https://congthuong.vn/sap-dien-ra-tuan-hang-viet-nam-tai-thai-lan-nam-2023-265841.html

BSA MEDIA