Câu chuyện cạnh tranh sản phẩm Việt tuần này sẽ gồm ba mẩu chuyện, từ nhạc kịch Tiên Nga, đến con cá tra, rau quả hữu cơ…
Tất cả đều gợi ra cách nghĩ: giải bài toán cạnh tranh cần đặt đề bài lớn, tổng hợp và lời giải không gắn với trách nhiệm là không xong.
1. Chuyện xuất khẩu cá ba sa sang Hoa Kỳ.
Chiều 17/9/2018, một viên chức cao cấp mua hàng của hệ thống siêu thị Walmart Hoa Kỳ đến làm việc với hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tìm hiểu khả năng thu mua sản phẩm Việt tại Mekong Connect 2018 sắp được tổ chức ngày 1/11/2018. Cùng lúc, cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc bộ Nông nghiệp Mỹ đề xuất với văn phòng Đăng ký Liên bang (Federal Register) đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường này.
Ngày 14/9/2018, tài liệu dự thảo được đăng công khai trên website của văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ: https://www.federalregister.gov/public-inspection/current. Theo đề xuất của FSIS, sau 30 ngày lấy ý kiến, nếu cơ quan chức năng Mỹ đồng ý thì chỉ các sản phẩm cá và cá Siluriformes thô được sản xuất tại các cơ sở được chứng nhận của Việt Nam, mới đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Viên chức này cho rằng, Việt Nam nên đặc biệt lưu ý hai điều.Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cần giải quyết triệt để.Và cần chú ý đầy đủ cục diện cạnh tranh. Nguy hiểm cho Việt Nam là trong khi theo đuổi vụ kiện với Mỹ về con cá tra, thì phải biết là Trung Quốc cũng đang ráo riết chuẩn bị nuôi cá tra, thoả mãn các điều kiện để chiếm thị phần của Việt Nam đang bỏ trống. Thương nhân Trung Quốc qua Việt Nam mua cá giống, tìm hiểu kỹ cách nuôi và đang lặng lẽ chuẩn bị. Là sai lầm khi ta mải mê theo vụ kiện mà lãng quên thị trường, đối thủ cạnh tranh lại quyết liệt tìm cách chiếm lấy. Khi vụ kiện xong, dù có thắng ta cũng… mất.
2. Chuyện nông sản cao cấp an toàn của Việt Nam vật vã tìm thị trường.
Đến nay, theo chuyên gia Nguyễn Huy, công ty đánh giá chứng nhận Bureau Veritas, nông sản (rau củ quả) Việt Nam vào được thị trường khó tính Âu Mỹ mới chỉ chừng 1%. Việc trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ hay GlobalG.A.P là các tiêu chuẩn rất nghiêm nhặt, đòi hỏi sự kiên nhẫn và cả kiên định.
Tuần qua, tôi nghe một người bạn đang làm dưa lưới hữu cơ xuất đi Nhật cho biết, mưa xuống, hầu hết dưa của anh bị nhiễm sâu bệnh, phải lựa chọn giữa dùng hoá chất hay đành bỏ luôn. Anh chọn bỏ, vì dùng hoá chất là sai nguyên tắc trồng trọt hữu cơ. Trong khi đó, phần đông nông dân mình vẫn quen sử dụng thuốc trừ sâu, đến nỗi cây nghiện mà người cũng nghiện, phải dùng loại thuốc mà khi xịt đúng ngay bầy sâu, chúng lăn đùng ra chết tốt thì mới an tâm.
Chị Quỳnh Viên, chuyên gia hoá, giờ trồng rau hữu cơ, kể: mấy bạn trẻ tập tành trồng dâu tây hữu cơ ở Đà Lạt, gọi điện khóc ròng, sâu nó ăn hết trái rồi cô ơi, làm sao đây cô. Trót rồi thì đành để vậy, lần trồng kế, tôi gửi em chủng vi sinh về nhân ra, phun trên lá, cây. Sâu không chết ngay, nhưng nó sẽ yếu dần và không sinh sôi nữa. Với GlobalG.A.P, không cấm hẳn xài hoá chất, nhưng phải đúng loại và đúng liều chỉ định. Chi phí cao hơn, nhưng khi bán thị trường chưa chịu chấp nhận mức cao hơn.
Thế là người nông dân phân vân, chịu đựng một hồi, một số người quay về kiểu trồng với hoá chất cũ. Bài toán vì thế quay lại với cộng đồng. Mỗi người nông dân cần tham gia vào những tổ hợp tác hay hợp tác xã, giúp nhau trồng trọt đúng tiêu chuẩn và cùng đi bán hàng, lượng hàng hoá lớn bao giờ cũng có sức thương lượng mạnh hơn. Và lớn hơn nữa là môi trường kinh doanh. Xây dựng niềm tin và sự đồng thuận trả đúng giá trị cho nông sản an toàn hay hữu cơ, xây dựng nhận thức cho nông dân cần tuân thủ tự nguyện tiêu chuẩn, để giành lấy niềm tin của người tiêu dùng; và các tổ chức chuyên nghiệp cần giúp tìm thị trường cho nông dân, thay vì để họ tự bơi, rồi lại kêu liên miên “giải cứu”.
3. Từ nhạc kịch Tiên Nga, nghĩ về kinh doanh nghệ thuật.
Tôi được xem vở nhạc kịch này vào buổi diễn cuối của năm nay, chiều chủ nhật 16.9.2018.Suất diễn thứ 37, trong đó có sáu suất diễn cho các học sinh.Khi vở kết thúc, tôi cũng len vào hậu trường nói lời biết ơn với đạo diễn Thành Lộc và cả ê kíp. Tôi đọc thấy trong mắt của “ông Đồ Chiểu” Thành Lộc một nét buồn xót xa vì trong chốc lát, tất cả cảnh trí và cả cảm xúc còn rưng rưng của Tiên Nga sẽ được dọn dẹp sạch khi sẽ dừng biểu diễn.
Tối về, đọc thấy trên face, anh viết chỉ mấy chữ, “dọn thì chỉ vài giây…” Hiểu ngay nỗi ngậm ngùi của anh.Và cũng nghĩ đến những lời yêu cầu rất tỉnh táo của cô bạn than với Tiên Nga. “Tất cả đều tuyệt, trừ vài điều. Phông màn sân khấu, ánh sáng sân khấu thiếu đầu tư. Diễn viên một số hát chưa “tới”. Nhưng bao trùm là sự quan tâm đầu tư văn hoá nghệ thuật của những ai đang quản lý, khai thác văn hoá nghệ thuật tại Việt Nam.
Vở này cần được quốc tế hoá để đi rất xa, trở thành một trong những vở diễn chính cho khách nước ngoài đến tham quan Việt Nam, hay đi lưu diễn quốc tế. Và đó là quyền lực mềm, xuất khẩu văn hoá và qua đó xuất khẩu cả nền kinh tế. Thậm chí, cứ… bắt chước y xì cách Hàn Quốc làm, cũng là chiến lược kinh tế thành công”.
Tôi có đọc lại nhiều tài liệu về bước chuyển của Hàn Quốc, khi từ chiến lược công nghiệp nặng với các Chaebol nổi tiếng, chuyển qua KPOP và giờ thống trị thế giới giải trí, làm đẹp, thời trang mà Nhật, Mỹ, EU đều bị chinh phục. Cả một nền công nghiệp quốc gia kỳ vĩ, thông minh và đầy tham vọng.
Câu chuyện Tiên Nga là cả một giấc mơ lớn mà Thành Lộc theo đuổi nhiều năm. May mắn có một doanh nghiệp hàng hải và rồi làm nông nghiệp hữu cơ chia sẻ giấc mơ ấy của Lộc, mà không đòi bất cứ quyền lợi nào.Tôi hỏi kỹ 36 suất diễn, cuối cùng lỗ hay lời (hỏi nghe kỳ quá, nhưng bài toán kinh doanh đành vậy). Có một số suất không full khách. Sáu suất diễn cho học sinh thu tượng trưng.
Chi phí trung bình mỗi đêm 140 triệu đồng. Thù lao đạo diễn kiêm diễn viên chính của Thành Lộc chưa tới 4% tổng phí tổn. Trừ qua sớt lại 36 suất diễn, lãi chừng 50 triệu đồng.Mà công sức bỏ ra mới đáng nể. Ai dám “phiêu lưu” đầu tư tiền bạc công sức lớn vậy, bao nhiêu tên tuổi lớn vậy, nhất là công phu tuyệt đỉnh vậy?
Bài toán vẫn quay lại với chính sách đầu tư cho có mục đích xứng đáng, trọng tâm rõ ràng vì giá trị cho nền văn hoá dân tộc nghiêm túc. Ai giải bài toán đó?
Kim Hạnh