Tại vòng chung kết cuộc thi SKC (Dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp do BSA tổ chức lần thứ 4) vừa diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 26 và 27/10/2018, các giám khảo của cuộc thi chung kết SKC đã chỉ cho thí sinh thấy các cơ hội thị trường. Những góp ý thực tế và hữu ích.

Những lời góp ý ân tình

Với dự án “Sản xuất tinh dầu dừa theo phương pháp ủ lên men kết hợp tinh dầu bưởi”, giám khảo Nguyễn Lâm Viên đã nhắc riêng thí sinh: “Khi làm tiếp thị online bằng livestream, facebook… cần thận trọng. Hiện nay em bán sỉ là chính, nếu quá tập trung tiếp thị online, đối tác sỉ sẽ tưởng em quảng bá rộng rãi với khách hàng mua lẻ, sẽ khó cho công việc bán hàng. Nếu sau này, muốn bán lẻ, nên chuẩn bị đủ sản lượng và các điều kiện về tiếp thị rồi hãy tập trung thật đậm cho quảng bá online”.

Với món bánh hỏi khô của thí sinh M.B.K (Đồng Tháp), giám khảo Nguyễn Phi Vân cứ xuýt xoa: “Sản phẩm ngon lắm, giờ có thể tính việc mở rộng thị trường, thay vì chỉ bán ở chợ truyền thống. Việt kiều và khách hàng nước ngoài sẽ rất cần và thích sản phẩm của em, khách hàng miền Bắc cũng sẽ thích vì tiện dụng và ngon. Nhưng muốn ra nước ngoài, nhận diện chưa ổn, khi thì nổi bật hai chữ “bánh hỏi” khi thì nổi chữ Phú Khang. Em cần nghĩ lại, đầu tư bao bì đẹp hơn, cao cấp hơn”.

Còn với dự án “Kinh doanh táo sấy du lịch”, cô chủ trẻ bị “khớp” trước dàn giám khảo chuyên gia khi giám khảo Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh giải pháp sinh học để chống nạn ruồi vàng, còn giám khảo Dương Đức Minh giới thiệu xu hướng mới hiện nay: khách du lịch nội địa Việt Nam đã quá ngán những địa phương có quá nhiều khách Trung Quốc, họ tìm các tỉnh nào không có nhóm khách này mới đến, Ninh Thuận là điểm đến thú vị cho du lịch sinh thái. “Bán hàng cho khách du lịch phải tinh tế, từ thông điệp, đến đóng gói, giảm ngọt…

Không cần phải đủ loại: mứt dẻo, snack dòn rồi nước cốt… mà hãy làm thật chu đáo từng loại để thu hút khách từng món. Với món bột rau má sấy lạnh, công nghệ tốt, chọn nguyên liệu là các loại rau Việt như vậy là tốt. Cần theo dõi thị trường từng loại và cần chi tiết và nghiêm ngặt hơn về chỉ tiêu và quy trình kiểm soát an toàn cho nguyên liệu”, giám khảo Minh góp ý thêm.

Với dự án “Chăn nuôi gà ta thả đồi” của anh nông dân Phan Văn Tuân (Bắc Kạn) với cách nuôi dùng trấu và nệm lót sinh học, có chú ý truy xuất nguồn gốc được “tín nhiệm”, giám khảo Nguyễn Quân góp ý: “Cần chú ý hơn để tăng giá trị từ chỉ dẫn địa lý. Như gà ta của Lạc Thuỷ, Hoà Bình hay gà đồi Yên Thế, nhấn mạnh chỉ dẫn địa lý sẽ có giá bán gấp đôi. Gà Bắc Kạn có cho dược liệu vào thức ăn, có thể nghĩ tới món “gà thuốc Nà Rì” (Bắc Kạn) khi đó sẽ bán ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu”.

Thương cho roi, cho vọt…

Cũng có dự án chọn nguyên liệu bản địa, nhưng quá chú trọng yếu tố địa phương, trong khi bản thân loại trái cây được chọn rất kém năng suất, khó đủ sản lượng, hình thức không đẹp, mùi vị đặc biệt nhưng còn nặng, giám khảo Nguyễn Thanh Mỹ góp ý khá gay gắt: “Tôi đã trồng máy chục cây này đều không sống”. Mọi người thấy giám khảo Mỹ góp ý lo thí sinh “mất tinh thần”, nhưng vừa nói xong, đã thấy ông chạy đến bên hai bạn trẻ để phân tích thêm, sau đó cả ba cùng cười.Xem ra nhà khoa học ít lựa lời cho được lòng, nhưng rất chú tâm và thực chất.

Với dự án “Trứng gà ta hữu cơ”, các giám khảo phân tích hai hình thức chuỗi hợp tác dọc và ngang, sau đó gợi ý nghị định 98 hỗ trợ liên kết chuỗi. Với dự án “Phát huy cây cam Vinh Nghệ An”, giám khảo Nguyễn Quân nhấn mạnh đến yếu tố “chỉ dẫn địa lý bị lợi dụng khi “cam Vinh giả” bán tràn lan, đã làm giảm sức cạnh tranh. “Tại Hà Nội, cam Cao Phong của Hoà Bình lại được chuộng hơn”, ông Quân nhận xét. Với nước uống từ hồng đẳng sâm, có ý kiến của giám khảo khuyên thay đường bằng cỏ ngọt và chú ý đối tượng kiêng đường. Với tinh dầu xua muỗi và chống muỗi Odora, giám khảo Trần Anh Tuấn phân tích rõ sự khác biệt chiến lược giữa tinh dầu xua muỗi và tinh dầu nói chung.

Các dự án liên quan đến hàng mỹ nghệ của Bến Tre và dự án dân tộc H’Mông tỉnh Hoà Bình (vùng có nạn ma tuý) làm hàng dệt từ cây rừng, vẽ bằng sáp ong, đã nhận được lời khuyên: “Tạm dừng công việc dạy học đi, vì cơ hội thị trường quá lớn nên sẽ có người nhảy vào”!

Các sản phẩm liên quan kỹ thuật, công nghệ được các giám khảo Phan Văn Minh và Nguyễn Thanh Mỹ “chăm sóc” kỹ từng chi tiết. Lời khuyên của giám khảo Mỹ với các dự án sản xuất thiết bị khá kỹ: với máy lọc nước, cần tính kỹ về mô hình kinh doanh: “bán súng rẻ nhưng đạn lại bán đúng giá. Đạn gọn, dễ dùng, không cần pha chế nhiều, có hệ thống dịch vụ tiện lợi, dự báo và đáp ứng ngay lúc khách cần thay, đó là kinh doanh bền vững”.

Nhiều ý kiến tập trung vào dự án “bánh chuối phồng”. Món bình dị, ngon, đang bị giới hạn sản lượng do làm thủ công, theo các giám khảo, cần dùng bài toán công nghệ để giải. Giám khảo Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh: “Tận dụng cơ hội là bức bách, phải thoát nhanh khỏi vùng an toàn, bứt phá quyết liệt phát triển”. Thí sinh Tư Bông cười hiền khi thấy các giám khảo quá gay gắt khi nói đến tính ác liệt của cạnh tranh: “Thị trường mà, thiên hạ đâu để yên khi cơ hội thị trường quá lớn… Trước mỗi cơ hội, bài toán phải khác. Phải xây dựng tiêu chuẩn, củng cố sản lượng, thay đổi công nghệ, bài toán liên kết, thay đổi mẫu mã bao bì…”

Mỗi bài toán đều cần tiền và nhân lực. Cuộc thi chung kết có 33 dự án mà tới năm dự án thí sinh xúc động chảy nước mắt, nghẹn ngào khi nói tới người yếu thế, kể về những khó khăn hay cái tình “đồng cam cộng khổ” lúc khởi nghiệp.

Có nhiều nét mới về bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, tính liên kết thật quý giá giữa thí sinh và giám khảo, chân thành và vô tư chia sẻ thông tin… Cộng đồng những bạn trẻ khởi nghiệp năm nay đã thể hiện rõ tính liên kết, thực chất và cầu tiến. Có thể tin các bạn đang đi những bước ổn và còn tiến xa…

Kim Hạnh