Trách nhiệm xã hội là một trong những bước đệm để doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong ảnh là Siêu thị 0 đồng ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức do chương trình từ thiện Vòng tay Việt tổ chức. Ảnh: Quỳnh Trần
Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) hình thành từ 50 năm trước và lan truyền đến Việt Nam theo sau làn sóng đầu tư nước ngoài giữa thập niên 1990. Gần đây, khái niệm ESG – các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị – được nhắc tới như là một tiêu chuẩn kinh doanh tốt của doanh nghiệp muốn vươn tầm quốc tế. Dù với CSR hay ESG, quá trình hội nhập và tìm đến các thị trường lớn và bền vững là thách thức của công dân doanh nghiệp trong thời hậu dịch.
Trong một bài luận nổi tiếng năm 1970, nhà kinh tế học Mỹ Milton Friedman – người sau này đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976 – đã viết: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tìm kiếm tăng trưởng lợi nhuận”. Kể từ thời điểm đó, người ta chứng kiến sự dịch chuyển và hiểu những gì Friedman bàn luận theo cách mở rộng hơn. Đó là các quyết định của doanh nghiệp ảnh hưởng đến các cá nhân, nhóm và tổ chức có liên quan mật thiết đến doanh nghiệp chứ không chỉ với cổ đông đơn thuần.
Vai trò của doanh nghiệp trong xã hội đã được thảo luận và khai triển rộng hơn trong vòng 50 năm qua kể từ bài luận đó của Friedman. Sự thay đổi triết lý đạt đến cao trào tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp ở Washington vào năm 2019. Khi đó, 181 vị CEO tham dự đã ký thông cáo chung cam kết “dẫn dắt công ty vì lợi ích của người lao động, nhà cung ứng, người tiêu dùng, cộng đồng và cổ đông”.
Doanh nghiệp trong nước: khi cần thì có
Khái niệm CSR đã ra đời và trở nên hoàn chỉnh hơn trong nửa thế kỷ qua. Sự thực hành kinh doanh mang ảnh hưởng cộng đồng, có tính bền vững đã đặt lên mình doanh nghiệp trách nhiệm mới.
Lý tưởng mà nói thì doanh nghiệp phải tạo ra ảnh hưởng tích cực. Các hoạt động tình nguyện, tổ chức các ngày nhận thức cùng nhiều lợi ích là các tiêu chuẩn của CSR. Bên cạnh đó là chính sách tái chế và các nỗ lực để giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các hoạt động cộng đồng ở doanh nghiệp trong nước vẫn còn tùy sự vụ “khi cần thì mới có”, như hoạt động thiện nguyện trong lúc dịch Covid-19 căng thẳng mấy tháng qua.
Mối quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hóa vào năm 1995, mở màn cho làn sóng đầu tư từ các công ty Mỹ và nước ngoài vào Việt Nam. Thời gian đầu chỉ các công ty Mỹ và châu Âu thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn CSR. Rồi dần đến là các công ty Hàn Quốc và Nhật và lan dần sang các công ty trong nước. Một trong số ít người chứng kiến sự thay đổi này là chuyên gia quản trị Phạm Phú Ngọc Trai – người đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo ở các Công ty nước giải khát Tribeco, SPCo rồi Công ty nước giải khát quốc tế IBC, trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Pepsi Đông Dương. Ông nói: “Chỉ trong vài năm gần đây, những yếu tố như thân thiện môi trường, tính bền vững, kinh tế tuần hoàn cùng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mới được thảo luận và áp dụng nhiều hơn tại Việt Nam”.
Đầu tư cho tương lai
Thường thì các đối thủ cạnh tranh trực diện sát sạt nhau như Pepsi-Cola và Coca-Cola thường không chơi với nhau. Nhưng trong PRO Vietnam (Liên minh tái chế bao bì Việt Nam) mà ông Phạm Phú Ngọc Trai làm chủ tịch, họ lại ngồi cùng nhau thảo luận và bắt tay vào các kế hoạch bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Coca-Cola Việt Nam bắt đầu chiến dịch tái chế các lon nhôm với khẩu hiệu “Recycle me” đầu tháng 8 này.
Cũng trong đầu tháng 8 này, Coca-Cola Việt Nam thông báo tạm dừng quảng cáo ít nhất một tháng và dành ngân sách quảng cáo trong tháng 8 cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Bước đầu khoảng 7 tỉ đồng sẽ được trao cho Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam để mua vật phẩm y tế và thức uống dinh dưỡng cho người dân.
Tạo thêm việc làm, gia tăng giá trị sản phẩm tại địa phương là một tiêu chí của CSR mà Pepsi theo đuổi nhiều năm. Hồi tháng 3 năm nay, PepsiCo Foods mới công bố thành quả tám năm tìm kiếm vùng đất thích hợp để trồng khoai tây tại Việt Nam có thể đáp ứng tiêu chuẩn của họ và chọn mở rộng vùng trồng khoai tây nguyên liệu tại Đắk Lắk và Gia Lai trong năm 2020.
PepsiCo theo kế hoạch sẽ ký với nông dân địa phương hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ về kỹ thuật, cùng đầu tư ứng giống, phân bón với chi phí ước tính khoảng 40% cho một héc ta. Nông hộ đầu tư 60% cho việc thuê đất, nông dược, nhân công, điện nước. Với sản lượng bình quân 26 tấn/héc ta, lợi nhuận sau khi trừ chi phí sản xuất dự kiến từ 90-100 triệu đồng/héc ta cho bốn tháng canh tác.
Đầu tư cho lợi ích cộng đồng trong tương lai dài hạn là xu thế của các tập đoàn doanh nghiệp, trong đó năng lượng tái tạo có tầm quan trọng. Đề cập đến các dự án đầu tư khủng nhiều tỉ đô la của Mỹ trong năm 2020 ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) Mary Tarnowka, nói: “Các doanh nghiệp lớn về năng lượng của Mỹ đang đầu tư vào tương lai. Chúng tôi tin rằng năng lượng tái tạo có thể thay đổi cuộc chơi cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long”, bà Tarnowka phát biểu.
Lộ trình phát triển mới
CSR là nền tảng tạo cho khung tiêu chuẩn ESG (environmental, social and corporate governance) về môi trường, xã hội và quản trị. Hai nền tảng này không thể thay thế cho nhau bởi hai lý do: Một, CSR là những gì doanh nghiệp phải có trách nhiệm, nhưng lại không có các chuẩn mực. Hai, các tiêu chuẩn ESG lại là thước đo nỗ lực của doanh nghiệp với các chuẩn mực rõ ràng.
Và ESG lại rất gần với thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP – resposible business practice). Một nghiên cứu gần 300 doanh nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố tại Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) chỉ ra rằng: Mức độ nhận thức về RBP của doanh nghiệp Việt Nam khá thấp, đặc biệt ở khu vực tư. Trong khi đó, RBP là điều kiện quan trọng để đất nước hội nhập sâu. Hai hiệp định thương mại lớn nhất mà Việt Nam đã ký là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam) và CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đều có các điều khoản liên quan đến kinh doanh có trách nhiệm, như thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề về lao động và môi trường.
Để thâm nhập các thị trường phát triển và khó tính đòi hỏi đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có tham vọng và vạch ra lộ trình trong tương lai. “Việt Nam đã quá chú trọng vào sản lượng và khối lượng gạo xuất khẩu chẳng hạn, và quá tự hào là một nhà xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới về số lượng thay vì chất lượng và giá trị gia tăng. Vì vậy, nên Việt Nam chủ yếu chỉ có thể xuất khẩu đến các thị trường dễ tính và không đòi hỏi cao”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
———————————————————————————————————————————————————————–
Những quyết định ảnh hưởng cộng đồng
Hãng bia Kirin của Nhật Bản huấn luyện kỹ thuật canh tác bền vững cho 350 trang trại cà phê ở Tây Nguyên. Tập đoàn đa ngành Mitsubishi của Nhật Bản cũng quyết định rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận và chuyển sang các dự án điện ít gây ngại cho môi trường như khí hóa lỏng hay năng lượng tái tạo. Trước đó, Ngân hàng StandardChartered rút khỏi việc tài trợ hơn 7 tỉ đô la cho các dự án Vũng Áng 2 và Vĩnh Tân 3 ở Việt Nam, Java 9 và Java 10 ở Indonesia. Ngân hàng Credit Suises của Thụy Sỹ, DBS của Singapore và tổ hợp HSBC cũng rút nguồn vốn cho vay đối với các dự án điện than trong hai năm 2019-2020…
———————————————————————————————————————————————————————–
Theo KTSG