Cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được, đòi hỏi sự chủ động từ các doanh nghiệp (DN), nhất là nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa; đồng thời các DN cũng phải thay đổi phương thức sản xuất để “vượt qua” các rào cản thương mại.
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo: “CPTPP – cơ hội từ một hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 26/3 tại TPHCM.
Theo các chuyên gia, Hiệp định CPTPP quy định rõ, các quốc gia cam kết xóa bỏ từ 78-95% số dòng thuế cho hàng Việt vào thị trường của họ ngay khi có hiệu lực. Cuối lộ trình thuế suất xóa bỏ là 97-100%, điều này mở ra cơ hội rất lớn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng lưu ý, các DN cũng phải tìm hiểu thêm một số khác biệt ở từng quốc gia tham gia hiệp định này vì thời điểm xây dựng và đàm phán các quy định là từ năm 2012 và hiện giờ nhiều quốc gia đã điều chỉnh quy định ngay trong nội địa theo hướng sẽ cắt giảm thuế quan sâu hơn.
Các chuyên gia khẳng định, cơ hội phát triển thị trường sẽ mở ra chỉ khi các DN đáp ứng được các quy định và yêu cầu từ CPTPP, quan trọng nhất vẫn là quy định về xuất xứ hàng hóa. Trong đó, có xuất xứ thuần túy (sản xuất và nguyên liệu ở nước xuất khẩu), xuất xứ nội khối, xuất xứ một phần. Theo cơ quan quản lý, ở các hiệp định cũ, 39% nguyên liệu không đúng xuất xứ cũng không được cộng gộp. Riêng CPTPP, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ nhưng có giá trị gia tăng 1% vẫn được phép cộng gộp.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để tận dụng cơ hội
Nhận định cơ hội từ CPTPP đối với các DN Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho rằng, DN tận dụng cơ hội từ giảm thuế suất nhập khẩu chưa được nhiều. Bởi theo bà Trang, quy tắc xuất xứ hàng hóa không phải là “chuyện ngày một ngày hai” và việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế cần cả một chặng đường cụ thể. Cần phải có sự thay đổi trong tìm kiếm nguồn cung, quy trình sản xuất để đạt được các quy tắc xuất xứ. Cho nên nếu DN chưa quan tâm tìm hiểu, chưa có hành động cụ thể để thay đổi cách thức thì rất khó để tận dụng.
Ở một diễn biến tương tự, bên cạnh Hiệp định CPTPP, một Hiệp định thương mại khác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA sắp có hiệu lực, tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM, mới đây tại buổi tọa đàm “ giới thiệu sách trắng 2019” của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hiện nay, rất nhiều DN phản ánh đang gặp khó trong việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa để có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Việc tìm kiếm và thay thế nguồn nguyên liệu mới không phải ngay được mà phải trải qua quá trình lâu dài và có chuyển tiếp.
Để khắc phục nhược điểm này, theo các chuyên gia, đòi hỏi Việt Nam phải phát triển tốt ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Chính vì vậy, cũng có thể nhìn nhận CPTPP cũng như EVFTA sẽ tạo điều kiện thúc đẩy ngành phụ trợ Việt Nam phát triển nhanh hơn. Các Hiệp định thương mại trên, khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy các DN đang hoạt động tại Việt Nam tăng cường nhập khẩu nhiều sản phẩm máy móc chất lượng với thuế suất 0% để năng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; từ đó có thể xuất khẩu ngược lại thị trường EU và các nước CPTPP, với các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất ưu đãi.
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang , ngoài những thay đổi phù hợp đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, DN còn phải đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hiện đại hơn để sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn các nước.
Theo chia sẻ từ các DN xuất khẩu, thuế quan chỉ là một phần câu chuyện. Rào cản tự vệ thương mại của các nước không kém phần quan trọng, bởi vì, trong các quốc gia tham gia CPTPP, các biện pháp phòng vệ thương mại không hề mất đi. Tại đây vẫn áp dụng các biện pháp tự vệ toàn cầu để có thể loại trừ hàng xuất xứ CPTPP và tự vệ đặc biệt chỉ áp dụng với hàng hóa của một số nước.
Các nước vẫn thực hiện hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp tương tự như trong WTO. Vẫn yêu cầu rõ về đóng gói, ghi nhãn sản phẩm, chất lượng, công năng sản phẩm…
VGP