Ấn Độ là một trong những vùng nguyên liệu, thị trường lớn về cây dược phẩm, nhưng bà Lê Vương Trâm – Trưởng Phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH Trà Ngọc Duy (Lâm Đồng) vẫn tự tin, giới thiệu những sản phẩm chế biến từ cây atiso cho đối tác, tại chương trình kết nối với chủ đề: “Kết nối kinh doanh ngành chế biến nông sản và thực phẩm – Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận thị trường Ấn Độ”.
Chương trình được tổ chức trong ngày 21 và 22/9, dưới hình thức kết nối trực tuyến, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) với sự hỗ trợ của Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (USAID LinkSME), kết hợp với công ty Crescendo WorldWide tổ chức.
Chương trình nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm mở rộng thị trường ở Ấn Độ. Theo đó, có 20 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm tham gia chương trình, kết nối với khoảng 50 doanh nghiệp từ Ấn Độ.
Tìm kiếm thị trường trong đại dịch
Trong những cuộc gặp gỡ trực tuyến với đối tác Ấn Độ, bà Lê Vương Trâm giới thiệu nhiều sản phẩm của doanh nghiệp mình. Như dòng trà atiso túi lọc, được công ty cho ra thị trường 30 năm nay. Sản phẩm cao mềm và cao nước atiso đóng trong các tuýp nhỏ, với nhiều loại khác nhau. Đây là những sản phẩm bán chạy nhất của Trà Ngọc Duy hiện nay, có chức năng giải độc gan.
Ông Parit Bhargava, đối tác từ Ấn Độ cho hay, đất nước ông không có loại cây atiso. Qua phần giới thiệu từ Ngọc Duy, hai bên đã có những trao đổi cụ thể hơn, bởi đối tác này là một đơn vị có đến 40 dòng sản phẩm trà từ loại thảo dược, và hoàn toàn có thể bổ sung thêm thành phần atiso trong đó…
Thông qua buổi trò chuyện, kết nối với chị Trâm, ông Parit Bhargava mong muốn sẽ hợp tác với Ngọc Duy trong việc phân phối các sản phẩm trà thảo mộc đặc trưng từ Ấn Độ tại thị trường Việt Nam…
Một số sản phẩm của trà Ngọc Duy hiện nay đã xuất sang các thị trường Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…. Giờ đây đơn vị này đang rất mong đưa sản phẩm vào thị trường Ấn Độ nhiều tiềm năng.
Trong khi đó, ông Hồ Võ Tấn Vương – Phó GĐ Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương đem đến cuộc kết nối nhiều dòng sản phẩm về gạo, có thể kể đến như: gạo cao hữu cơ Bông Tràm, được lấy từ giống lúa ST25 (đạt gạo ngon nhất thế giới năm 2019), gạo lứt, gạo tím, hay những bịch gạo 5kg mà hiện nay Tấn Vương đang bán ở các siêu thị…
Ấn Độ được biết đến là một trong những nước xuất khẩu gạo đi khắp thế giới. Gặp một số đơn vị Ấn Độ trong buổi kết nối, “họ muốn kết nối mình với những quốc gia khác, họ đứng ra bán nhưng sẽ bán từ Việt Nam đi. Bởi doanh nghiệp Ấn Độ được bán những sản phẩm từ nước mình, nhưng họ không có những sản phẩm gạo của khu vực Đông Nam Á…”, ông Hồ Võ Tấn Vương cho hay.
Theo ông Hồ Võ Tấn Vương, các doanh nghiệp, đối tác từ Ấn Độ về mặt tiêu chuẩn, họ đòi những tiêu chuẩn cơ bản, như HACCP, ISO, BRC… trong sản xuất an toàn thực phẩm.
“Những tiêu chuẩn trên chúng tôi đều đáp ứng được, và chúng tôi còn có thêm tiêu chuẩn hữu cơ được chứng nhận từ Hà Lan”, ông Vương nói.
Thông tin thêm về ngày đầu buổi kết nối, ông Vương cho biết thêm, đã có đối tác Ấn Độ nói về số lượng đơn hàng lớn cho phía doanh nghiệp Việt Nam, họ kỳ vọng vào kết quả làm việc tiếp theo để chốt các đơn hàng này.
Thực tế trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường trong nước của nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp thông qua những cuộc kết nối trực tuyến như thế này, đã thành công, xuất đơn hàng qua thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều nước châu Âu.
Bên cạnh việc tổ chức kết nối, Hội DN HVNCLC còn có những hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp Việt Nam về nhiều lĩnh vực, như nghiên cứu, phân tích nhu cầu và yêu cầu của thị trường Ấn Độ; cung cấp các thông tin cần thiết để tiếp cận thị trường này; hân tích nhu cầu, tần suất và số lượng tìm nguồn cung ứng cũng như các yêu cầu nếu có của các công ty đầu chuỗi/mua hàng…