Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền kinh tế phát triển năng động và ổn định, Mỹ Latinh đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

Còn với mức tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu trung bình hàng năm lần lượt trên 7% và 20% trong giai đoạn từ 2000 đến nay, Việt Nam đã trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ Latinh ngày càng quan tâm.

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đã và đang được mở rộng và phát triển.

Cụ thể, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong Khu vực, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 20 lần từ 245 triệu USD năm 2000 lên 3,95 tỷ USD năm 2010, và tiếp tục đạt mức 13,49 tỷ USD năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Khu vực đạt 7,91 tỷ USD và nhập khẩu đạt 5,58 tỷ USD.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Việt Nam đã có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD như các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại Pêru, phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Pêru, sản xuất mỳ ăn liền ở Bra-xin…

Ở chiều ngược lại, đầu tư của các nước Mỹ Latinh sang Việt Nam còn hạn chế. Argentinamới có 4 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 3,2 triệu USD, Mexico có 1 dự án, Chilê có 1 dự án, Pêru có 2 công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực sản phẩm nước giải khát và khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng du lịch.

Tuy nhiên, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong hợp tác làm ăn, kinh doanh hiện nay là những trở ngại khác cũng cần phải kể đến là tình hình thương mại toàn cầu có nhiều biến động. Điển hình, sự ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; cũng như sự xuất hiện trở lại của xu hướng bảo hộ mậu dịch những năm gần đây tại một số thị trường lớn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Long Long hiện đang đầu tư tại thị trường Mỹ Latinh cho hay, khó khăn của doanh nghiệp là khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải – đi lại dài và chi phí cao.

Đồng thời, sự khác biệt về ngôn ngữ, còn ít thông tin về đất nước, con người, môi trường và cơ hội kinh doanh.Cùng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, những trở ngại và thách thức trên tác động không nhỏ đến việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Khu vực, khiến cho việc duy trì và nâng cao mức kim ngạch hai chiều trong thời gian tới đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn của Chính phủ, các Hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Do đó, việc Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong Khu vực đã và đang húc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước Mỹ Latinh.

Nhân Phương – TTXVN