Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được giá trong nửa cuối năm 2022, nhưng lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp bị sụt giảm do giá phân bón và vật tư nông nghiệp gia tăng. Ảnh: Trần Lưu.
Các số liệu tổng hợp của BSA cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng hơn 7% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2021.
Các nước châu Á tiêu thụ phần lớn gạo Việt Nam, với Philippines là thị trường lớn nhất chiếm gần 50%. Riêng gạo xuất sang Singapore được giá nhất, trung bình 523 USD/tấn.
Dự báo giá gạo trên thị trường tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022, do tác động từ chiến tranh Nga – Ukraine. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng lúa trong nước sẽ giảm do giá phân bón và vật tư nông nghiệp gia tăng. Gạo Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh của gạo Ấn Độ, bởi hai yếu tố: giá gạo Việt mắc hơn gạo Ấn 30% và chi phí vận chuyển từ Việt Nam đi châu Phi đắt hơn.
Nhìn chung, tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam được hậu thuẫn phần lớn bởi các tác động liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine khi cuộc xung đột này đang thúc đẩy nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng lên nhằm đối phó với các bất ổn địa chính trị đang xảy ra. Đồng thời, cuộc xung đột cũng khiến việc xuất khẩu bột mì của Nga và Ukraine bị ngưng trệ.
Đối với thị trường xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2022, gạo Việt Nam tiếp tục được xuất đi các thị trường chính, bao gồm Philippines, Singapore, Trung Quốc, Ghana và Hồng Kông. Giá gạo trung bình xuất khẩu đến Philippines rơi vào khoảng 460 USD/tấn, chủ yếu là các loại gạo trắng 5%, 10% và 25% tấm, trong khi đó, gạo đến Singapore có giá trung bình là 523 USD/tấn.
Trong tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu gạo này đạt 314 triệu USD, tăng đến 46% so với tháng cùng kỳ năm ngoái và tăng 56% so với tháng 5 trước đó. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất từ đầu năm nay.
Tổng hợp từ dữ liệu BSA theo dõi, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh. Trong đó, các đơn hàng gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu trong tháng 6 có giá trung bình vào khoảng 502 USD/tấn, tăng khoảng 3,5% so với giá trung bình tháng liền kề trước đó và tăng hơn 8% so với giá trung bình vào đầu năm nay.
Giá loại gạo nếp 10% tấm xuất khẩu trong tháng 6 có giá trung bình vào khoảng 503,6 USD/tấn, tăng 2,8% so với tháng 5 và tăng hơn 8% kể từ đầu năm nay. Dự kiến giá gạo vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng này trong nửa cuối năm 2022.
Philippines là thị trường lớn nhất
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2022 tiếp tục được tác động tích cực bởi nhu cầu của Philippines. Vào tháng 5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp nước này đã chính thức cấp lại giấy phép kiểm dịch thực vật SPS-IC cho các công ty nhập khẩu gạo khiến việc xuất khẩu gạo vào thị trường này có diễn biến khả quan. Theo ước tính của BSA, thị trường Philippines chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, vào đầu tháng 6 năm nay, chính phủ Philippines đã ra quyết định kéo dài việc giảm thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng gạo từ các nước bên ngoài khu vực Đông Nam Á đến hết năm 2022.
Mức thuế suất nhập khẩu hiện tại với các nước này là 35%, giảm từ mức 40%-50%, và tương đồng với mức thuế suất nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á vào Philippines. Động thái này của Philippines nhằm kiềm chế lạm phát, đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, đồng thời, được đưa trong bối cảnh có thông tin, dù chưa được xác thực, hai nước Thái Lan và Việt Nam sẽ cùng “bắt tay” nhau lên kế hoạch tăng giá gạo.
Quyết định kéo dài việc giảm thuế suất nhập khẩu gạo của các nước bên ngoài Đông Nam Á của Philippines sẽ khiến gạo Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường này. Bên cạnh đó, theo thông tin Bộ nông Nghiệp Mỹ (USDA), Trong năm nay, Philippines sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Ước tính, Philippines sẽ nhập khoảng 2.8 triệu tấn niên vụ 2022 -2023, giảm nhẹ 200.000 tấn so với niên vụ 2021-2022.
Cạnh tranh với gạo Ấn Độ
Trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, Philippines cũng đang chú ý đến mặt hàng gạo Ấn Độ vì nguồn cung dồi dào và giá bán cạnh tranh.
Hồi tháng 5, chính phủ nước này quyết định ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì khiến số lượng các đơn hàng gạo tăng đột biến vì lo ngại một lệnh cấm tương tự sẽ áp dụng lên mặt hàng này. Tuy Ấn Độ đã lên tiếng cho biết chính phủ nước này không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo vì giá gạo nội địa vẫn ổn định đồng thời lượng dự trữ gạo trong nước rất dồi dào, số lượng đơn hàng gạo Ấn Độ được đặt vẫn tiếp tục gia tăng. Một số nhà mua hàng đã đặt trước cho 3-4 tháng tới để đảm bảo nguồn cung gạo của mình.
Hầu hết các đơn hàng gạo mới được thanh toán bằng tín dụng thư (LC), khác với thông lệ trước đây của các đơn hàng gạo tại Ấn Độ. Điều này được rút ra từ lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vừa rồi của Ấn Độ, khi một lượng lớn hàng lương thực bị mắc kẹt tại các cảng và chỉ có các đơn hàng được đảm bảo thanh toán qua LC mới được phép thông quan. Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, chiếm hơn 40% thị phần gạo toàn cầu. Trong năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu được 21,5 triệu tấn gạo, hơn tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Mỹ cộng lại. Tính đến đầu tháng 6 năm nay, Ấn Độ ước tính đã xuất khẩu 9,6 triệu tấn gạo, bao gồm các đơn hàng giao trong tương lai.
Số lượng đơn hàng gạo Ấn Độ tăng cao có khả năng tác động lên nhu cầu đối với gạo Việt Nam, dù nhìn chung tập khách hàng mua gạo của hai bên vẫn có nhiều khác biệt. Hiện nay giá gạo Ấn Độ tương đối rẻ so với gạo Việt Nam, ước tính giá FOB gạo 5% tấm của Ấn Độ rơi vào mức 330 – 340 USD/tấn, trong khi của Việt Nam trung bình là 420 – 425 USD/tấn, tương đương mức chênh lệch 30%.
Thông tin thêm từ Hiệp hội các nhà sản xuất gạo Thái Lan (TREA), giá gạo 5% tấm Thái Lan xuất khẩu vào khoảng 450 đến 463 USD/tấn tại thời điểm đầu tháng 6 năm nay và đang tiếp tục giảm 3-5% mỗi tuần. Giá gạo loại 5% tấm này của Thái Lan hiện nay đang được chào báo ở mức 420 USD/tấn. Giảm giá của đồng baht được cho là tác động chính lên giá gạo xuất khẩu của nước này. Vào thời điểm cuối tháng 6, đồng baht được giao dịch ở mức 35,27 baht cho một 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 2017. Ngoài ra, giá gạo nội địa Thái Lan cũng đang có xu hướng giảm, theo thông tin tổng hợp của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA).
Nhận định
Các quốc gia châu Phi có mức phụ thuộc cao vào nguồn nhập khẩu các mặt hàng lương thực vào Nga và Ukraine. Theo ước tính từ Ngân hàng thế giới (WB), có hơn 25 quốc gia châu Phi đang nhập khẩu 1/3 tổng lượng bột mì của họ từ Nga và Ukraine, và có 15 quốc gia trong số này đang phụ thuộc đến 1/2 tổng lượng bột mì của họ từ Nga và Ukraine. Nguồn cung lương thực nội địa của các quốc gia này cũng đã gặp phải sự sụt giảm nghiêm trọng từ các yếu tố hạn hán và dịch Covid19, cùng các hạn chế từ hạ tầng giao thông và kho bãi. Hiện các quốc gia này đang ráo riết tìm kiếm các nguồn lương thực nhập khẩu giá rẻ từ bên ngoài, và đây có thể là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đến khu vực này.
Tuy vậy, giá gạo được dự báo sẽ tiếp tục tăng do tác động của giá nguyên liệu, phân bón và vật tư nông nghiệp, điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận thu về của doanh nghiệp. Theo dữ liệu hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB), mặt hàng phân bón đang có đà tăng mạnh mẽ nhất, có thời điểm tăng hơn gấp 2 lần kể từ năm 2021.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ BSAi: bsa-i@bsa.org.vn
Tải bản gốc báo cáo

(*) Ban Nghiên cứu thị trường BSA