Lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam thường “đánh bắt xa bờ” mà quên rằng, còn một thị trường nội địa rất rộng lớn ngay trên “sân nhà” của mình.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã đánh giá như vậy vào ngày 8/11/2018 tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế TP.HCM năm 2018 với chủ đề: “Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”.
Sân nhà mà ông Khanh nói đến ở đây là 90 triệu dân, một thị trường rất rộng lớn, thế nhưng, thị trường này lại bị bỏ ngỏ một thời gian dài.
“Đi tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, họ nhận xét, Việt Nam đang ngồi trên đống vàng với dân số hơn 90 triệu dân”, ông Khanh nói.
Trong khi đó, khi ra nước ngoài hiện nay, hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên rất nhiều, thuế quan thì cắt giảm theo các hiệp định thương mại tự do.
“Các hàng rào kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều nước sử dụng rất tài tình, khéo léo, và đã tham gia cuộc chơi là phải chấp nhận”.
Còn với các FTA hiện nay mà Việt Nam có sẽ giúp vấn đề quản lý tốt hơn, dễ đoán hơn và người tiêu dùng thì ngày càng thu nhập tốt hơn. Đó là một thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp muốn chinh phục thị trường trong nước.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, với việc dựng lên hàng rào kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, cần có kinh nghiệm, cách làm, theo tiêu chuẩn, có hướng dẫn… vì nó liên quan đến sự sống còn với doanh nghiệp.
“Vừa qua, doanh nghiệp lương thực thực phẩm chúng tôi nhận được công văn về việc ngừng nhập khẩu lúa mỳ do có cỏ lạ. Vụ việc sau đó đã được giải quyết nhưng vẫn có hệ quả”, bà Chi nói.
FTA thúc đẩy quá trình cải cách thể chế
Năm 1995 khi Việt Nam tham gia FTA đầu tiên (gia nhập ASEAN), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 5,4 tỷ USD, đến năm 2018 khi đã tham gia ký kết và thực thi 10 FTA thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước tính sẽ đạt gần 214 tỷ USD. Nhưng lợi ích của việc tham gia các FTA còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính….
Các cam kết trong hội nhập chính là sức ép khiến Chính phủ và các cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách và quản lý doanh nghiệp theo hướng minh bạch hơn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban chính sách kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dương, hiện xếp hạng thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam thuộc nhóm giữa trên toàn cầu. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn cách xa Thái Lan, Malaysia và Singapore ở nhiều chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, cần tiếp tục giải quyết các vấn đề kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân…
“Phải xóa bỏ căn bản sự chồng chéo, một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều cơ quan”.
Khi ký kết các FTA, lợi ích của một số ngành có thế mạnh xuất khẩu, chẳng hạn như dệt may, ngày càng phát huy thế mạnh về thuế quan.
Trong đó, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA). Dòng thuế cắt giảm lên tới 100% với CPTPP và EVFTA là 99%.
Cũng tại diễn đàn, bà Hoàng Hồng Điệp, chuyên gia tư vấn từ ngân hàng thế giới, giới thiệu về “Cổng thông tin thương mại Việt Nam”, nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thông tin về các quy định về xuất nhập khẩu, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội mà hội nhập kinh tế mang lại.
Trần Quỳnh – BSA