Việt Nam đang muốn trở thành công xưởng thế hệ mới, điều quan trọng là kéo ý tưởng, công nghệ và nhân lực của thế giới vào Việt Nam.
Việt Nam đã thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và các thiết bị di động lớn của thế giới, trong đó có điện thoại di động, với số lượng điện thoại di động thông minh sản xuất tại Việt Nam đứng thứ 2 thế giới.
Khi đã thành một trung tâm như vậy thì cả chuỗi cung ứng, sản xuất điện thoại di động đã và đang hình thành tại Việt Nam.
Nhà sản xuất đóng tại Việt Nam thì việc sản xuất các linh kiện tại Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Samsung vào Việt Nam cũng kéo theo mấy trăm nhà cung ứng vào để sản xuất linh kiện.
Để hưởng lợi nhiều hơn trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, người Việt phải tham gia nhiều hơn vào công tác thiết kế các thiết bị quan trọng cho điện thoại di động, hoặc các thiết bị điện tử.
Muốn vậy, yếu tố quan trọng không chỉ là hạ tầng đường sá, nhà xưởng, mà cái chính phải có nguồn lực về con người, năng lực của kỹ sư trong một số lĩnh vực đặc biệt của di động rất quan trọng.
Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần đầu tư mạnh cho nguồn lực về con người để có thể tham gia những khâu có giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là khâu thiết kế những linh kiện, thiết bị quan trọng.
Hơn nữa, Việt Nam phải làm chủ công nghệ, phải đầu tư vào đổi mới sáng tạo, vào năng lực con người. Trong lĩnh vực công nghệ, năng lực con người quan trọng nhất.
Việt nam hay nói về cách mạng 4.0 với những công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), iCloud (điện toán đám mây), tự động hóa…, vấn đề là phải có đầu tư chiều sâu.
Muốn đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Cần tạo ra một đội ngũ kỹ sư không chỉ biết lắp ráp mà còn biết xây dựng, thiết kế những sản phẩm có công nghệ hàng đầu.
Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, vì muốn nâng cao năng lực R&D phải đầu tư lâu dài. Về nguồn lực con người, các trường đại học Việt Nam hiện chưa cung cấp đủ kỹ sư cho các công ty công nghệ đang mở ra quá nhanh.
Đó là chưa nói đến trình độ đào tạo chiều sâu, vì vậy các trường đại học cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Việc chuẩn bị đội ngũ nguồn lực này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự phối hợp của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Đầu tư vào công nghệ rất mạo hiểm, đôi khi đầu tư vào 3-4 công nghệ nhưng chỉ một công nghệ thành công, nên để khuyến khích các công ty đầu tư vào lĩnh vực rủi ro cao thì cần chính sách hỗ trợ đặc biệt về thuế, tài chính.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh smartphone, mảng thị trường đang phát triển nhanh hơn là IoT (Internet vạn vật), chủng loại sản phẩm rất đa dạng, tất cả mọi sản phẩm bây giờ đều có thể biến thành sản phẩm thông minh.
Từ camera giao thông đến tivi, máy giặt, tủ lạnh, ôtô… đều có thể biến thành thông minh. Cơ hội để Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất các thiết bị này rất lớn, nhưng cần có sự chuẩn bị để nắm bắt cơ hội.
Lúc đó, Việt Nam mới có thể tính toán việc thành công với mô hình công xưởng thế hệ mới.