Theo cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 5/2019, Nhật Bản trở lại vị trí nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất, trị giá đạt 142,07 triệu USD, tăng 35,7% so với tháng 4.2019 và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung năm tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật đạt 553,2 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018, là thị trường lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam, xếp trên Mỹ, gần 510 triệu USD (tăng 3,8%), Trung Quốc gần 382 triệu USD (giảm 3,9%) và EU gần 499 triệu USD (giảm 11,8%).
Ông Nguyễn Văn Kịch, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Cafatex (Cần Thơ), nhận định tác động từ hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là nguyên nhân chính của sự tăng trưởng trên. “Thuế suất hầu hết các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật Bản đều bằng 0%, nhiều mặt hàng GTGT trước phải đóng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước, nay cũng về 0%. Nhật Bản từng là thị trường dẫn đầu của thuỷ sản Việt Nam, doanh nghiệp (DN) hai bên đã có mối quan hệ làm ăn từ trước, nên chớp nhanh cơ hội miễn thuế; trong khi các thị trường khác trong khối như Canada, Mexico, Peru, Chile… sẽ chậm hơn. Riêng mặt hàng cá tra, nhiều năm trước bị trở ngại, bởi người tiêu dùng Nhật thích ăn cá biển, nhưng gần đây nguồn cá biển cạn kiệt, các nhà nhập khẩu Nhật đã vào cuộc nghiên cứu cách chế biến để dùng cá tra thay thế. Lợi thế của cá tra là sạch, không mùi và rẻ, nên đang từng bước thay thế một số loại thuỷ sản như: cá minh thái, lươn biển… và đang dần được thị trường chấp nhận. Theo tôi, thị trường Nhật Bản vẫn còn nhiều dư địa đểtiếp tục tăng trưởng”, ông Kịch dự báo.
Theo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), với hai FTA trước là Việt Nam – Nhật Bản, ASEAN – Nhật Bản, một số mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đã được xoá bỏ rào cản thuế quan. Với CPTPP, nhiều mặt hàng thuỷ sản trước chưa được cam kết xoá bỏ thuế trong hai FTA này, cũng sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong đó, một số mặt hàng thuỷ sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, bao gồm sản phẩm cá tra được miễn thuế ngay lập tức, từ mức 3,5 – 10,5% trước đó. Như vậy, với thuận lợi từ ba FTA với Nhật Bản, DN xuất khẩu cá tra Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để gia tăng hơn nữa hoạt động cá tra sang thị trường Nhật Bản.
Theo ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký VASEP, vị trí số một của thị trường Nhật Bản tổng hoà nhiều yếu tố, như sự chững lại của thị trường Mỹ, giảm sút của thị trường Trung Quốc, EU. Ngoài yếu tố thuế quan, việc Nhật Bản giảm nhập khẩu thuỷ sản từ Trung Quốc, do ảnh hưởng thương chiến Mỹ – Trung, cũng khiến các DN Nhật tăng mua từ Việt Nam. Một lý do không kém phần quan trọng là các vấn đề về an toàn thực phẩm, kháng sinh, vốn là trở ngại khi xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật Bản, đã được hai bên kiên trì khắc phục. Nên đã có sự chuyển biến tốt, giúp xuất khẩu thuận lợi.
Đối với ngành hàng rau quả, Nhật Bản là thị trường thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc) trong năm tháng đầu năm 2019 với giá trị kim ngạch đạt gần 50 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần của thị trường Nhật Bản trong cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng tăng, từ 2,3% lên 2,8%.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy – giám đốc công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), DN xuất khẩu thanh long và xoài tươi sang Nhật Bản thì từ đầu năm đến nay tăng trưởng của DN ước đạt từ 10 – 15%. Theo ông Huy, Nhật Bản là thị trường đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), mẫu mã và chuộng vị ngọt). Đây là thị trường tăng trưởng chậm nhưng chắc, do nhà nhập khẩu đồng hành cùng DN trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường Nhật. “Đối tác Nhật làm ăn rất uy tín và gắn bó bền chặt với DN, nên DN rất yên tâm”, ông Huy nhận xét. Ông Huy nói thêm, hiện thanh long xuất khẩu khá tốt sang Nhật, do DN đã tăng được độ ngọt theo mong muốn của thị trường, nhưng với quả xoài còn nhiều khó khăn cần phải tiếp tục cải thiện.
Còn ông Võ Quan Huy, giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (Long An), cho biết nhu cầu nhập khẩu chuối tươi của đối tác Nhật tăng 30% trong năm 2019, nhưng công ty chỉ đáp ứng được mức tăng 10%, do tình trạng thiếu nhân công, chưa thể tăng công suất.
Mạnh Trần (theo TGHN)