Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã gây ra nhiều biến động cho nền kinh tế toàn cầu và sẽ tiếp tục tạo ra những “người thắng kẻ thua” khi các doanh nghiệp đứng trước một bức tranh lờ mờ khó đoán định.
Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong nhận định các diễn biến căng thẳng trong thương chiến Mỹ – Trung có thể là tin tốt lành cho Việt Nam, Brazil và Mexico.
Cụ thể, giới phân tích cho biết Việt Nam, Brazil và Mexico nằm trong số những quốc gia có thể sẽ hưởng lợi ở các lĩnh vực như sản xuất và nông nghiệp nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.
Hiện tại, mức leo thang đáng chú ý nhất là Mỹ chính thức tăng thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% thành 25%. Trong khi đó, vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa 2 nước chưa đưa tới một thỏa thuận nào.
“Cho đến lúc này, mức thuế mới của Mỹ chủ yếu tác động tới các sản phẩm cấp thấp và những khu vực cần nhiều lao động. Các nền kinh tế có chỗ đứng tốt ngoài lề (thương chiến) như Việt Nam và Brazil sẽ có cơ hội nhảy vào và cung cấp những hàng hóa giúp tránh mức thuế đang tăng” – ông Rob Koepp, giám đốc mạng lưới của Economist Corporate Network ở Hong Kong, giải thích.
Theo SCMP, số liệu hằng tháng chính thức mới nhất của Việt Nam cho thấy trong tháng 4, giá trị hàng hóa xuất sang Mỹ đã tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, phần góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 215%, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất chế tạo.
Trước nỗi lo chuyện làm ăn ở Trung Quốc sẽ bị tác động tiêu cực do thương chiến Mỹ – Trung, đối với các nhà đầu tư, Việt Nam đã trở thành một địa điểm ưa thích do giá nhân công tăng cao ở đất nước tỉ dân cũng như mối đe dọa về thuế quan.
“Chiến tranh thương mại đang đẩy nhanh xu hướng chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc vì chi phí ngày càng đắt đỏ. Khó mà biết được sẽ có bao nhiêu nhà máy mới sẽ chuyển đến Việt Nam nếu không có chiến tranh thương mại” – chuyên gia kinh tế Adam McCarty của Tổ chức Kinh tế Mekong (Mekong Economics) có trụ sở tại Hà Nội nhận định.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Công ty Economist Intelligence Unit (Anh) cuối năm ngoái cho thấy nhiều quốc gia ở châu Á có thể hưởng lợi nhờ việc lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc bỏ lại ở các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.
SCMP dự đoán Việt Nam và Malaysia sẽ là “những người chiến thắng” lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ. Trong khi đó, đối với việc xuất khẩu hàng may mặc, Bangladesh, Ấn Độ và cả Việt Nam sẽ hưởng lợi vô cùng lớn.
Trong khi đó, Brazil đã cung cấp số lượng đậu nành kỷ lục cho Trung Quốc vào năm ngoái, cùng với các sản phẩm nông nghiệp khác. Còn Mexico, nước láng giềng của Mỹ, có thể nhảy vào “lỗ trống” đồ chơi, vải, các trang thiết bị… khi Mỹ không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức như một số khu vực có giá nhân công tăng, ùn tắc giao thông… SCMP dẫn lời ông Maxfield Brown, chuyên viên cấp cao của Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates ở TP.HCM, nhận định: mạng lưới hạ tầng, nhân công và các nguồn cung cấp địa phương ở Việt Nam sẽ “bị đẩy tới giới hạn” khi các nhà đầu tư đổ vào các trung tâm sản xuất truyền thống quanh TP.HCM và Hà Nội.