Liên quan tới các cam kết đặc thù của CPTPP (khác biệt so với các quy định chung áp dụng cho mọi trường hợp cũng như các quy định riêng áp dụng cho các FTA cụ thể), dự thảo hiện đang tập trung tất cả các cam kết này vào 1 điều khoản (Điều 7a). Cách quy định tập trung này cho phép thể hiện đầy đủ và nguyên trạng nội dung cam kết CPTPP, do đó khá thuận tiện cho việc soạn thảo.
Mặc dù vậy, VCCI cho rằng từ góc độ thực thi, cách thức này dường như là không hợp lý, bởi về logic, cách quy định này không thống nhất với cách quy định đang áp dụng tại Thông tư 38 cho các trường hợp FTA khác (hiện là theo hướng: với mỗi vấn đề, thông tư quy định nguyên tắc áp dụng chung, sau đó quy định luôn về các đặc thù theo một/một số FTA, nếu có).
Về thực tiễn, cách thức này khiến việc áp dụng của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xuất nhập khẩu khó khăn, có thể dẫn tới bất cập, vướng mắc trong thực thi (bởi với cách này, ở mỗi vấn đề, doanh nghiệp sẽ không thể nhận diện ngay liệu mình phải áp dụng các nguyên tắc chung hay có nguyên tắc riêng cho CPTPP – họ sẽ bắt buộc phải so sánh các nguyên tắc chung trong tất cả các điều khoản của thông tư với các nguyên tắc riêng của CPTPP tại Điều 7a để biết được vấn đề nào thì theo nguyên tắc chung, vấn đề nào thì theo nguyên tắc riêng CPTPP).
Vì vậy, để bảo đảm tính nhất quán trong quy định cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh bố cục của dự thảo Thông tư theo hướng bóc tách toàn bộ nội dung điều 7a hiện tại của dự thảo thành các nội dung cụ thể đưa vào các điều khoản khác tương ứng, bỏ đi các nội dung không cần thiết (không còn điều 7a hiện tại nữa).
Cũng theo VCCI, Điều 4 Thông tư 38 là quy định về các loại chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với từng diện hàng hóa nhập khẩu và cách thức xử lý trong trường hợp không có chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, các quy định hiện tại của điều này đang được sắp xếp chưa thật khoa học/chặt chẽ, nội dung quy định thiếu rõ ràng, có chỗ bất hợp lý.
VCCI lấy ví dụ về quy định về loại hàng hóa thuộc từng nhóm quy định tại điểm b,c,d khoản 1 lại được nêu ở khoản d – đồng thời cũng không nêu rõ đó là “loại hàng hóa”.
Quy định về nhóm hàng hóa tại khoản 2 dẫn chiếu tới Điều 24 Luật hải quan trong khi Điều 24 Luật hải quan không có nội dung gì về “hàng hóa bắt buộc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ”.
Quy định tại khoản 3 đề cập tới C/O bản giấy “theo quy định của Điều này” trong khi bản thân các quy định tại Điều này (khoản 1 và 2) hoàn toàn không đề cập tới C/O dạng giấy.
Quy định tại khoản 4 thực chất là các cách thức xử lý (về thuế và thông quan) trong các trường hợp không có chứng từ chứng nhận xuất xứ phù hợp – đây là nội dung riêng, đặc thù, cần được quy định thành một Điều riêng (ví dụ Điều 4a) thay vì để chung với Điều 4 hiện tại (vốn là chỉ về các loại chứng từ chứng nhận xuất xứ).
Đối với quy định mới bổ sung trong dự thảo cho điểm b khoản 4 Điều 4 hiện hành đối với trường hợp hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để xin hưởng thuế ưu đãi đặc biệt, được vận chuyển trực tiếp nhưng chứng từ không phù hợp về thể thức.
Theo diễn giải tại quy định thì trường hợp này chỉ sai về thể thức, vì vậy nên được xem xét cho phép hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt (cần chú ý là khoản 6 Điều 15 Thông tư đã chấp nhận những sai sót về thể thức nhỏ) – và nếu như vậy thì quy định này là không cần thiết, vì có thể áp dụng quy định hiện có tại khoản 6 Điều 15 Thông tư
Về quy định liên quan tới vận chuyển trực tiếp: Quy định riêng về vận chuyển trực tiếp trong trường hợp này là không cần thiết bởi (i) vận chuyển trực tiếp là quy định bắt buộc để hưởng thuế ưu đãi đặc biệt trong các Nghị định liên quan, áp dụng chung cho mọi trường hợp xin hưởng thuế ưu đãi đặc biệt chứ không chỉ trường hợp này; (ii) việc kiểm tra, đối chiếu xác minh về hàng hóa vận chuyển trực tiếp đã được quy định tại các Điều khoản khác (đặc biệt là Điều 18) của Thông tư này.
Ngoài ra, cách thức diễn đạt trong quy định mới bổ sung khoản 4 Điều 4 Dự thảo cũng cần được điều chỉnh lại do khá dài dòng, ít tính quy phạm.
Từ các lý do nêu trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại và điều chỉnh nội dung các quy định tại Điều 4 Thông tư 38 theo hướng:
Bỏ việc dẫn chiếu tới các Điều 26 Nghị định 31/2018/NĐ-CP hay Điều 24 Luật hải quan (bởi việc viện dẫn này không có bất kỳ ý nghĩa nào, không cho thông tin bổ sung nào cho các quy định tại Điều khoản này).
Bỏ quy định tại đoạn 2 khoản 2 “Định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố quyết định điều chỉnh Danh mục này”: Danh mục là một phần không tách rời của Thông tư 38, vì vậy nếu điều chỉnh Danh mục tức là phải sửa Thông tư 38, theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thông tư không thể quy định quy trình riêng cho việc sửa đổi nội dung thông tư.
Theo MTG