Ảnh minh họa. Nguồn internet

Thái Lan bị bỏ lại đàng sau khi các doanh nghiệp của xứ này biết được câu chuyện thành công ở phía đông đất nước.

Việt Nam đã thu hút một số lượng ngày càng tăng các tập đoàn kinh tế Thái vào thị trường 96 triệu dân, một xu hướng mới đang được các nhà hoạch định kinh tế Thái theo dõi chặt chẽ. GDP của Việt Nam chỉ bằng một nửa của Thái Lan – 223 tỷ USD so với 455 tỷ vào năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhiều năm liền khá nhanh, bình quân 6 – 7% mỗi năm.

Với các cơ hội kinh tế và kinh doanh mới bên kia biên giới, các tập đoàn lớn của Thái như CP, ThaiBev, Central, Boon Rawd, PTT và SCG đã đầu tư hàng trăm tỷ baht vào Việt Nam.

Chẳng hạn như ThaiBev, mới đây công bố kế hoạch đầu tư một khoản hơn 6 tỷ USD vào các lĩnh vực khác nhau, từ bia và các loại thức uống khác, đến bán lẻ và sản xuất. Đầu tư lớn nhất của tập đoàn này là 4,8 tỷ USD vào Bia Sài Gòn, trong đó ThaiBev mua lại 56% cổ phần. Tiếp theo là khoản đầu tư 868 triệu USD vào chuỗi bán lẻ lớn Cash-and-Carry. Berli Jucker, một đơn vị của ThaiBev trong khi đó đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy sản xuất chai thuỷ tinh trị giá hàng triệu USD và các liên doanh khác tại Việt Nam.

CP Group mở rộng kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp ở Việt Nam, với kế hoạch đầu tư 250 triệu USD nuôi gà và chế biến. Central, tập đoàn bán lẻ, đã chọn Việt Nam như thị trường “nội địa thứ hai” sau khi đầu tư một khoản tổng hợp 1,5 tỷ USD trong mấy năm qua.

Các kế hoạch đầu tư mới nhất, từ 2018 – 2022 và tập trung vào bán lẻ và các lĩnh vực khác, trị giá 511 triệu USD. PTT và SCG đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp nặng, năng lượng và hoá dầu, trong khi Boon Rawd đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào ngành thức uống Việt Nam.

Những nhà đầu tư nặng cân khác của Thái như Amata group đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp; Gulf đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, và Wha group vào các khu công nghiệp và B Grimm vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mặt khác, Thái Lan đang đối mặt với một xã hội lão hoá nhanh và một cuộc khủng hoảng nhân công xuất phát từ nhiều thập kỷ, do kế hoạch hoá gia đình và tỷ lệ sinh thấp. Các yếu tố đó dẫn đến hậu quả của một sự suy thoái mạnh về nhân lực và sự phụ thuộc vào lao động nhập cư.

Việt Nam nhiều thập kỷ qua ổn định về chính trị, trong khi Thái Lan ngược lại. Chính quyền địa phương có nhiều quyền hơn để cấp đặc quyền cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện tập trung nhiều hơn vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, và là thành viên của nhiều nhóm thương mại tự do.

Mối quan tâm ngày càng nhiều đến Việt Nam của doanh nhân Thái, chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của họ trong việc tìm kiếm các cơ hội và lợi nhuận mới từ thị trường ngoài nước mà điển hình là Việt Nam.

Trần Bích