Máy rang cà phê Hot Air Rio được đặt tại cơ sở Đại học Nguyễn Tất Thành, quận 12, TP.HCM.

(Cafe news)- Việc đầu tư dạy và học bằng các thiết bị hiện đại như máy rang cà phê là tín hiệu đáng mừng trong giáo dục thực nghiệm bậc đại học, cũng như ngành công nghiệp cà phê Việt Nam.

Đầu tư thiết bị máy móc hiện đại là việc làm cần thiết để nâng cao trải nghiệm thực tế cho sinh viên.

Đầu tư cơ sở vật chất cho quá trình dạy và học

Một số trường đại học hiện nay có xu hướng dạy thực nghiệm cho sinh viên nhiều hơn, tạo điều kiện để các em tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế sau khi ra trường.

Những ngành được các trường quan tâm đầu tư nhiều về cơ sở vật chất thường liên quan đến thực phẩm đồ uống – F&B (food and beverage), cụ thể hơn là sản xuất cà phê rang xay.Trung tuần tháng 11 vừa qua, Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) đã đầu tư máy rang cà phê Hot Air để dạy thực nghiệm cho sinh viên, cùng với đó là chuyển giao kỹ nghệ rang xay từ nhà sản xuất máy rang cà phê Rio.

Đây là loại máy rang cà phê thế hệ mới, cà phê được rang chín bằng không khí nóng (hot air) với lồng rang bằng inox 304 đột lỗ. Đại diện nhà trường cho biết:

“Theo đúng triết lý đào tạo ‘thực học – thực hành – thực danh – thực nghiệp’, Đại học Nguyễn Tất Thành đã đầu tư máy rang cà phê để dạy thực nghiệm cho các sinh viên khoa môi trường – thực phẩm – hóa. Qua đó, giúp sinh viên tiếp cận với máy móc hiện đại, nắm bắt kỹ nghệ rang xay thực tế. Các sản phẩm từ cà phê này sau đó sẽ được bán trong canteen và coffee shop cho cộng đồng sinh viên và giảng viên của trường”.

Máy rang cà phê trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Tp.HCM đầu tư năm 2016.

Nhiều trường đại học khác cũng đang đầu tư máy rang cà phê để phục vụ giảng dạy trong những năm gần đây. Việc đầu tư dạy và học bằng các thiết bị hiện đại là tín hiệu đáng mừng trong giáo dục thực nghiệm bậc đại học, đồng thời cho thấy ngành công nghiệp cà phê Việt Nam đang có bước phát triển sâu hơn về chất lượng, cũng như nhận được sự quan tâm từ nhiều phía.

Tín hiệu đáng mừng cho chất lượng cà phê Việt

Tuy là quốc gia có sản lượng xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới với trung bình khoảng 1,7 triệu tấn các niên vụ, nhưng cà phê bẩn, giả xuất hiện tràn lan ở Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người tiêu dùng, cũng như làm giảm giá trị của ngành công nghiệp cà phê nước ta.

Dau tu may rang ca phe de day thuc nghiem tai truong dai hoc hinh anh 3

Sản lượng cà phê Việt Nam theo niên vụ tháng 10 – tháng 9.

Khoảng 5 năm gần đây, cà phê sạch được nhiều người quan tâm, các quán cà phê rang xay nguyên chất mọc lên khắp nơi, có quán đầu tư cả máy rang cà phê để tự sản xuất. Văn hoá cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi: gu khách hàng chuyển từ loại cà phê sánh kẹo, đen đặc, đắng ngắt, thơm mùi hương liệu sang loại cà phê nguyên chất với mùi thơm nhẹ nhàng, màu nước nâu nhạt (cánh gián), vị đắng dịu, chua thanh, chát nhẹ.

Trong niên vụ cà phê 2017-2018, nông dân ở một số nông trại cà phê ở Daklak, Lâm Đồng đã chuyển từ kiểu sơ chế tự nhiên (natural process) sang chế biến bán ướt (semi washed process).

Với phương pháp chế biến ướt, cà phê sau khi thu hái được cho qua máy bóp vỏ để phân loại trái chín và trái sống. Cà phê thóc có thời gian phơi ngắn ngày hơn, dễ bảo quản và giữ hương vị lâu hơn.

Cà phê được chế theo phương pháp này có tỷ lệ trái chín đỏ/già 100% và hạn chế tối đa lỗi đen, nâu, sâu, vỡ. Đây là giải pháp sơ chế giúp nâng cao chất lượng cà phê nhân, cũng như giúp cà phê rang xay có hương vị tốt hơn nhờ chất lượng đồng đều trong mỗi mẻ rang.

Những tín hiệu đáng mừng trên đang giúp ngành công nghiệp cà phê Việt Nam phát triển đồng bộ trong toàn bộ chuỗi giá trị: canh tác, trồng trọt sơ chế chất lượng, máy móc công nghệ phụ trợ phát triển, chất lượng cà phê nhân, rang xay tốt, người tiêu dùng trong nước an tâm và tin dùng sản phẩm.

Đồng thời, chất lượng cà phê xuất khẩu có thể được đánh giá cao hơn từ thị trường nước ngoài.

 Mộc Trà (Zing.vn)