Với hợp đồng làm nhà cung ứng chuối cho công ty đa quốc gia Dole, Union Trading đang cho thấy rõ định hướng phát triển rộng mở của mình.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp vẫn còn e dè, thậm chí băn khoăn trước cơ hội trở thành nhà cung ứng chuối tiềm năng cho các công ty đa quốc gia như Dole. Vì sao?
Union Trading gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Để trở thành công ty sản xuất nông sản tươi lớn nhất thế giới, Dole đã hợp nhất với Total Produce có trụ sở tại Ailen vào năm 2021. Hiện nay, Dole vận hành 11 tàu, trong đó có 2 tàu được mua lại cũng vào năm ngoái. “Có đội tàu riêng mang lại sự chắc chắn hơn trong việc phân phối, nâng cao tính minh bạch và kiểm soát chuỗi cung ứng”, CEO Rory Byrne của Dole nói trên một trang báo nước ngoài.
Với hợp đồng làm nhà cung ứng chuối ký kết với Dole, từ tháng 3/2022 đến tháng 6/2022, đã có hơn 540 tấn chuối già Nam Mỹ được trồng, thu hoạch, phân loại, đóng gói từ nông trại của Union Trading tại Hớn Quản (Bình Phước) được xuất đi Hàn Quốc, Malaysia… Dự kiến vào khoảng tháng 10 sắp tới, Union Trading sẽ tiếp tục đóng chuối cho Dole xuất đi các thị trường quốc tế.
tro thanh nha cung ung chuoi cho cong ty da quoc gia de hay kho
Các chuyên gia của Dole luôn có mặt tại nông trại của Union Trading để giám sát và hướng dẫn tận tình.
Cũng trong năm 2022, nông trại và cơ sở đóng gói chuối già Nam Mỹ nói trên của Union Trading đã đạt chứng nhận GlobalGAP uy tín quốc tế.
Trả lời câu hỏi vì sao Dole “kết nạp” Union Trading vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu của mình, ông Lê Dưỡng – Chủ tịch HĐTV Union Trading cho biết: “Qua một thời gian làm việc chặt chẽ với nhau, Union Trading và Dole nhận thấy điểm đầu tiên mà đôi bên gặp nhau chính là cam kết thực hiện của lãnh đạo, năng lực doanh nghiệp, chất lượng đội ngũ quản lý và nhân viên.
Nghĩa là lãnh đạo doanh nghiệp có tâm huyết không? Quản lý thế nào? Có chịu đầu tư không? Có tuân thủ tuyệt đối các quy trình sản xuất và chịu sự giám sát chặt chẽ của Dole? Có thực hiện đúng cam kết hay là nói một đằng làm một nẻo… Dole quan tâm chính là những điều này”.
Và “Không có gì khó khăn với Union Trading, dù là yêu cầu nghiêm ngặt và khắt khe về kích cỡ, màu sắc; sản phẩm không có dư lượng thuốc BVTV, vi khuẩn, nấm hay hóa chất bất lợi cho đất đai và cây trồng …”, ông Lê Dưỡng nói thêm.
Đồng thời, ông cho biết công ty cũng đã đầu tư hệ thống giám sát vùng trồng, ròng rọc để sản phẩm không bị va chạm, trầy xước trong lúc di chuyển tại nông trại; nhà sơ chế đóng gói bài bản, nước tưới – tiêu được đem đi kiểm định để bảo đảm các tiêu chí sản xuất an toàn.
tro thanh nha cung ung chuoi cho cong ty da quoc gia de hay kho
Hệ thống ròng rọc vận chuyển chuối tránh va đập tại nông trại chuối già Nam Mỹ của Union Trading
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
“Làm việc với Dole mới biết thế nào là làm nông nghiệp công nghệ cao”, ông Lê Dưỡng tâm đắc và nói: “Union Trading hiểu rằng làm nông nghiệp công nghệ cao không phải là lấy quy trình của các công ty đa quốc gia áp vô là xong. Nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi đội ngũ chăm sóc nông trại có tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ về chuyên môn mà cả ý thức vì cộng đồng nữa”.
Để chuẩn bị tốt cho các khâu từ trồng trọt, chăm sóc đến xử lý, đóng gói và bảo quản, Dole đã cử các chuyên gia đào tạo về Hệ thống An toàn Thực phẩm (FSS) và Quy chuẩn Thực hành Nông nghiệp tốt (GMP) cho người lao động tại nông trại của Union Trading.
Cũng theo ông Dưỡng, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn đòi hỏi sự hiểu biết về đất, nước, thời tiết vùng trồng, đặc tính của cây… Chẳng hạn phải hiểu trong đất nơi đang trồng cây có gì; cây ở độ tuổi nào, giai đoạn nào, mùa nào thì cần chất gì để bón; vì sao trái ngọt vì sao không? Quy trình và quy chế sử dụng và không được sử dụng, liều lượng phân thuốc, dư lượng thuốc BVTV của Việt Nam và các nước các nước như thế nào?…
Từ đó, người làm nông nghiệp công nghệ cao mới đưa ra được các biện pháp canh tác, phòng ngừa và bảo vệ cây trồng để trái đạt chất lượng quốc tế. “Không phải cứ đầu tư máy móc hiện đại là làm được nông nghiệp công nghệ cao”, ông Lê Dưỡng nhấn mạnh.
Theo quy trình của Dole, cây chuối từ lúc trồng, chăm sóc đến lúc trổ bông ra buồng quả mới chỉ đạt 30% và 40% còn lại là từ lúc thu hoạch tới đóng gói, qua đó mới lên được chất lượng sản phẩm. 
“Bởi kinh doanh trái cây tươi là bán vỏ chứ không chỉ bán ruột. Trái có vỏ đẹp hơn thì mình bán được giá hơn. Chỉ có cái khó ở chỗ là làm sao quy trình công nghệ sản xuất đảm bảo được dư lượng thuốc tiêu chuẩn BVTV ở sản phẩm đầu ra. Đó chính là những yếu tố quan trọng mà Dole cần. Còn giá cả và số lượng mua thì doanh nghiệp có thể yên tâm một khi đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ”, ông Lê Dưỡng kết luận.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam