Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt bị xáo trộn và gặp khó khi dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát. Sau các biện pháp bảo vệ sức khoẻ của người lao động, các doanh nghiệp ứng phó thế nào để duy trì nguồn sống khi mà chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, thị trường tiêu thụ bị cắt giảm?
Thế Giới Hội Nhập ghi nhận các câu chuyện từ các chuyến thăm và trò chuyện với họ trong tháng 2 vừa qua.
Bảo vệ… tài sản lớn
Nhà máy của Thiên Long Group (TLG) tại TP.HCM và Bình Dương bắt đầu làm việc trở lại từ hôm 1/2. Tuy nhiên, kế hoạch ứng phó cho từng phòng ban đã được chuẩn bị nhiều ngày trước đó. “Hàng xóm” của Thiên Long ở khu công nghiệp Tân Tạo tại Bình Tân, là nhà máy giày Pou Yuen với gần 150.000 người, trong đó có nhiều người từ Trung Quốc và Đài Loan. Thiên Long đánh giá họ có thể gặp rủi ro cao nên rất cẩn thận phòng tránh.
“Thiên Long có đến 5.000 công nhân viên. Chúng tôi thực hiện các biện pháp an toàn, những điều chỉnh nhỏ thôi để bảo vệ lợi ích lớn – đó là sức khoẻ và an toàn của nhân viên”, chủ tịch HĐQT TLG Cô Gia Thọ mở đầu câu chuyện của mình. Ông Thọ kể, một nhân viên bị sốt và một người đi du lịch Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái cũng được khuyến khích đến khám bệnh ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có đến 7.000 nhân viên, công ty Nhựa Duy Tân có 4.000 công nhân, hay công ty bóng đèn Điện Quang có hơn 1.000 nhân viên, đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp đề phòng lây lan của dịch bệnh, khi khách đến thăm và làm việc tại công ty hay tại phân xưởng sản xuất. Ngoài việc đo thân nhiệt, phát khẩu trang, khuyến khích rửa tay bằng nước sát khuẩn, các doanh nghiệp còn tăng cường dinh dưỡng bữa ăn để gián tiếp tăng sức đề kháng cho công nhân.
Ứng biến
Dịch đến đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các biện pháp tiếp thị kỹ thuật số và bán hàng qua mạng, thay cho kênh truyền thống.
Bộ phận bán hàng của Thiên Long chuyển động đầu tiên khi có các khuyến cáo hạn chế đi lại và tụ tập nơi đông người trong mùa dịch Covid-19. Học sinh được nghỉ học, phụ huynh phải ở nhà chăm sóc và chơi cùng bé, không đến siêu thị hay trung tâm thương mại. Thế là họ thiết kế ra bộ tập sách tô màu, tập viết chữ, đất sét nặn… được bộ phận bán hàng đẩy mạnh qua kênh bán hàng trên Facebook hay qua mạng. Câu hỏi “Ở nhà làm gì vui?” được trả lời bằng các câu thoại thật vui, bắt nhịp với diễn biến của dịch bệnh và được đưa vào slogan trên các post Facebook. Chẳng hạn “Tránh Cona, ở nhà chơi Colokit”, “Bé vừa học vừa chơi, mẹ càng thêm thảnh thơi”, “Bé chơi bột nặn, mẹ hết lo lắng”…
“Chúng tôi vẫn bán được hàng, nhưng đồng thời vẫn duy trì được kênh liên lạc và tiếp xúc với khách hàng của mình”, ông Thọ phát biểu.
Mùa dịch, ai cũng ở nhà. Và khó tin rằng tiếp thị và bán hàng qua mạng lại là phương pháp PNJ dùng để “thoát hiểm” khi mọi người đều ngại đến cửa hàng.
Ngày vía Thần tài, hãng vàng bạc nữ trang này tung nhiều quảng cáo trên kênh tiếp thị số và mạng xã hội. Dịp Valentine’s cũng vậy. PNJ còn cho nhân viên giao hàng hoá trang thành Thần tình yêu Cupid, đi giao nữ trang hay quà cưới cho khách hàng. “Sự tìm tòi và sáng tạo của các bạn trẻ đã giúp công ty giữ được doanh số tốt trong bối cảnh mà ngành bán lẻ âu sầu”, CEO Cao Thị Ngọc Dung cho biết.
Ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp dịch vụ như du lịch hay lữ hành thì tận dụng thời gian “rảnh rỗi” của nhân viên làm các chương trình team building, đào tạo kỹ năng mới.
Trong khi các hãng hàng không và du lịch đều đã cho một phần hay thậm chí toàn bộ nhân viên nghỉ việc lúc vắng khách, thì nhân viên của TransViet “vẫn cơm ăn ba bữa, áo dài mặc cả ngày để đi làm”. Tổng giám đốc TransViet Hoàng Đức Huy mô tả rất dí dỏm về “kỳ nghỉ tết lần hai” của công ty: “Không làm việc này thì làm việc khác, không làm việc lớn thì làm việc nhỏ. Dịp này tưởng xui nhưng lại may. Có thời gian làm những việc mà ngày thường cứ kêu bận quá không làm được. Thế thì cứ lôi nhau ra đào tạo, học hành. Nhưng mà cũng phải học, phải thi nghiêm túc như ngày xưa đến lớp”.
Cơ hội
Các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc bị gián đoạn, khiến các nhà sản xuất Việt Nam chạy đôn đáo tìm nguyên liệu. Tìm nguồn cung ứng thay thế, tăng tỷ lệ nội địa hoá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, là chuyện sống còn của doanh nghiệp trong nước.
Bà Cao Thị Ngọc Dung nhận định: “Đây là cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam!”. Bà nói chú trọng vào thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước thì “quá thiếu sót”. PNJ đã khởi sự trở lại việc tiến ra thị trường phía Bắc, bằng việc mở cửa hàng PNJ Next với thiết kế cách tân và trẻ trung, nhân viên bán hàng không đứng yên sau tủ kiếng, mà chủ động “giao thoa” với khách hàng, các mặt hàng nữ trang phong phú hơn và có cả đồng hồ.
Thị trường phía Bắc bảo thủ hơn, nhưng bà Dung cho rằng trong năm năm tới, các nhãn hàng của PNJ sẽ đáp ứng thị hiếu của nhóm người tiêu dùng trẻ, hiện đại và nhóm khách hàng trưởng thành.
Hay như Thiên Long, dịch viêm phổi Vũ Hán vừa bùng phát, họ ngay lập tức liên lạc với nhà cung ứng nguyên liệu ở Trung Quốc để nắm tình hình, bởi sự quay trở lại sản xuất của họ đồng nhịp với các hoạt động của hai nhà máy Thiên Long. Tuy nhiên, ông Cô Gia Thọ nói tập đoàn nhanh chóng kết nối và tăng nguồn hàng mua từ các nhà cung ứng ở Hàn Quốc và các nước khác, để tránh phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng, thị trường Trung Quốc.
“Sự thiếu hụt nguồn hàng từ Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các sản phẩm Thiên Long tại các thị trường mà trước đây chúng tôi khó xâm nhập”, ông Thọ nói. Năm 2008, Thiên Long bắt đầu thâm nhập thị trường thế giới với nhãn hàng văn phòng phẩm FlexOffice và dụng cụ mỹ thuật Colokit. Năm 2019, xuất khẩu đat 500 tỷ đồng chiếm hơn 15% doanh số của tập đoàn. Thị trường châu Á chiếm đến 49% doanh số xuất khẩu, trong đó Campuchia, Myanmar và Philippines là ba thị trường chủ lực của hãng. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.
Đầu tư và đổi mới
Tỷ lệ tự động hóa ở Thiên Long là 77% và hiện công ty đã chế tạo được 95% khuôn mẫu, khuôn đúc cho sản xuất. Tỷ lệ tự động hóa của Duy Tân ở một số công đoạn lên đến 80 – 90%. Tuy nhiên, bước tiến lớn nhất trong năm 2020 của Duy Tân là hình thành nhà máy mới rộng 18 ha tại khu công nghiệp Tân Đô ở huyện Đức Hòa, Long An. Tổng giám đốc Trần Duy Hy nói hiện quá trình xây dựng nhà máy mới được 60 – 70%. Phần lớn hoạt động sản xuất của Duy Tân sẽ dời về nhà máy ở Long An.
Bên cạnh nhà máy 18 ha, Duy Tân cũng đầu tư 20 triệu USD để xây dựng nhà máy tái chế nhựa rộng 6,5 ha ở khu Tân Đô mà ông Hy tự hào rằng “là nhà máy tái chế nhựa thứ hai ở châu Á”. Ông tin rằng nhà máy mới sẽ tận dụng được nguồn rác thải nhựa hầu như chưa ai khai thác tại Việt Nam. “Coi như chúng tôi góp phần giảm bớt tiếng xấu cho ngành”, ông Hy cười khi nhắc đến chuyện bị mọi người xem là “tội đồ” khi nguồn rác thải nhựa ngày càng tăng làm ô nhiễm môi trường.
Đầu tư vào công nghệ là giải pháp căn cơ mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn để chinh phục người tiêu dùng trong nước khó tính hơn, chuộng công nghệ và giải pháp tiện lợi. Hai năm qua, Điện Quang đã không chỉ sản xuất bóng đèn mà trở thành công ty cung cấp công nghệ và giải pháp chiếu sáng. Nhà máy mới của Điện Quang được xây dựng ở quận 9 và công ty cũng đầu tư cho showroom đầy ấn tượng. Tổng giám đốc Hồ Quỳnh Hưng nói rằng công ty đã hợp tác với những gã công nghệ lớn của thế giới để đưa công nghệ giọng nói Google Voice và điện toán đám mây Amazon Alexa tích hợp vào các sản phẩm công nghệ mới của Điện Quang.
Điện Quang Smart cung cấp các giải pháp chiếu sáng và tiết kiệm điện cho nhà thông minh, khách sạn thông minh, cửa hàng thông minh, sân thể thao thông minh… cho nhiều khách hàng trong nước. Sản phẩm Điện Quang Apollo của công ty cho các giải pháp chọn màu ánh sáng thay đổi theo thời gian, điều tiết mắt và sở thích cá nhân.
Việc ứng dụng công nghệ mới trong bán hàng của PNJ lặng lẽ, ít ai biết. Các cửa hàng PNJNext được trang bị smart camera. Tất cả thông tin về luồng di chuyển của khách hàng được phân tích trên dữ liệu lớn (Big Data). Từ đó, PNJ nghiên cứu để tối ưu không gian trải nghiệm cho khách, xác định những vị trí, góc không gian khách ít lui tới để làm lại layout cửa hàng. Mô hình bán hàng giả lập (sales stimulator) sẽ dùng trí thông minh nhân tạo (AI) phân tích hành vi và thói quen của người mua hàng, rồi từ đó đề ra phương thức tiếp thị thích hợp. App bán hàng cũng được xây dựng.
“Tất cả giải pháp công nghệ giúp PNJ đạt được các mục tiêu doanh số trong ngày Thần tài và Valentine’s, khi mà mọi người ngại chỗ đông người trong mùa dịch corona”, tổng giám đốc Lê Trí Thông nói.
Theo Thế Giới Hội Nhập