Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có lẽ chưa khi nào mà cứ mỗi sáu tháng chúng ta lại có thể ngồi bàn về những chuyển động rất mới về công nghệ đang tác động đến ngành phân phối và bán lẻ.

hàng đầu, người thường xuyên có những tư vấn cho TGHN. Vậy xu hướng nào sẽ nổi lên trong những tháng cuối năm và năm 2020? Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chia sẻ tập trung về kênh truyền thống.

1. Chia sẻ nhà kho – chuyện không còn lạ (share warehouse)

Một thống kê khá thú vị là tỷ lệ diện tích trống bình quân của hệ thống kho bãi tại các thành phố lớn còn rất cao, khoảng từ 20 – 40%, điều này kéo theo hiệu quả thấp nhất so với nhiều nước. Đã xuất hiện nhiều nền tảng công nghệ cho phép kết nối các nhà cung cấp và phân phối, để chia sẻ diện tích kho bãi và hạ tầng vận hành nhằm tiết kiệm chi phí. Một chuyên gia trong ngành đánh giá: nếu ba năm qua nở rộ các mô hình chia sẻ phương tiện vận tải (để không có chiếc xe nào chạy không tải), thì 2019 – 2020 sẽ là năm của chia sẻ nhà kho. Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngồi lại và hợp tác.

2. Công nghệ giúp… cắt giảm đội ngũ bán hàng

Cắt giảm đội ngũ bán hàng có lẽ là cụm từ trong quản trị kênh phân phối không ai muốn nhắc đến. Vì đây thường là lực lượng sau cùng bị cắt giảm, nếu doanh nghiệp bắt buộc phải làm.Vậy tại sao có chuyện này?

Là do hàng loạt doanh nghiệp đang triển khai các ứng dụng cài đặt tại cửa hàng bán lẻ, và cho phép chủ cửa hàng có thể đặt hàng trực tuyến, với sự hỗ trợ của công nghệ, các đơn hàng đề nghị tự động thậm chí còn chính xác và hiệu quả hơn nhiều, so với cách chào hàng truyền thống của các nhân viên bán hàng. Lúc này, nhân viên bán hàng đóng vai trò là người thiết lập mối quan hệ khách hàng lần đầu. Chính vì vậy, doanh nghiệp không cần quá nhiều nhân viên bán hàng viếng thăm khách hàng theo tần số mỗi tuần như hiện nay nữa. Những loại hình cửa hàng nào có tần suất mua hàng ổn định, sản phẩm ít có sự thay đổi, thì ứng dụng đặt hàng trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm 30 – 50% chi phí nhân sự trong phân phối.Đây không còn là vấn đề xa lạ, đã có ít nhất năm doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang triển khai mô hình này.

3. Chia sẻ đội ngũ trưng bày, dịch vụcửa hàng

Một số ứng dụng công nghệ có thể giúp đội ngũ quản lý ngồi tại nhà có thể đánh giá được chất lượng công việc của họ. Loại hình công việc này được thuê ngoài nhiều hơn (outsource). Khi nhân viên của các công ty dịch vụ này ghé thăm một cửa hàng, họ có thể cùng lúc làm dịch vụ cho nhiều công ty khác nhau. Mỗi công ty sẽ được báo cáo theo một kênh riêng, với chất lượng dịch vụ giám sát từ xa bởi một số ít nhân viên từ công ty đặt hàng. Trong tương lai không xa, những loại hình công việc làm dịch vụ cho cửa hàng bán lẻ, đi theo quy trình, có tính lặp lại, sẽ là mảnh đất cho các dịch vụ chia sẻ, với sự ưu việt về chi phí và hiệu quả mang lại.

4. Nở rộ các ứng dụng kết nối cửa hàng bán lẻ và khách hàng

Có một cuộc đua ngầm đang diễn ra nhưng hứa hẹn hết sức quyết liệt, đó là: các doanh nghiệp đang phát triển và cung cấp cho cửa hàng bán lẻ các ứng dụng miễn phí, để giúp họ quản lý cửa hàng và kết nối với người mua hàng (thường là khu dân cư xung quanh). Thậm chí là không tiếc tiền để trang bị cả phần cứng, huấn luyện và các hỗ trợ dịch vụ IT.Các doanh nghiệp sẽ được lợi gì?

Câu trả lời là: rất nhiều, ngoài việc kết nối thường xuyên với người bán lẻ, tạo nền tảng cho việc đặt hàng, giao hàng thông qua công nghệ; doanh nghiệp còn có cơ hội lớn được sở hữu cơ sở dữ liệu người mua hàng khổng lồ, nếu có thể triển khai hơn 2.000 cửa hàng trở lên trên toàn quốc. Đây thật sự là mỏ vàng cho các hoạt động marketing định hướng người mua hàng (shopper marketing), vốn đang làm đau đầu các marketer trong kỷ nguyên digital, khi mà càng ngày càng khó biết shopper của mình đang ở đâu làm gì, có thể tương tác hiệu quả với họ qua kênh nào.

5. Hấp dẫn các dịch vụ chiêu thị điện tử (digital promotion)

Với các nền tảng công nghệ kết nối ba bên: nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người mua hàng, các hình thức chiêu thị điện tử sẽ nở rộ, các doanh nghiệp có cơ hội làm các hoạt động khuyến mãi, truyền thông, tương tác… đến đúng các đối tượng mình cần theo cách nhanh nhất và sáng tạo nhất. Qua đó, sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ từ các nhãn hàng dành cho khách hàng mục tiêu. Lấy một ví dụ đơn giản: nếu theo mô hình cũ, để an toàn thì đa số doanh nghiệp phải áp dụng 90% khuyến mãi là hàng tặng hàng hoặc chiết khấu và không kiểm soát được hàng hoá, giá cả đến tay người mua. Với digital promotion, vấn đề này sẽ được giải quyết bằng những giải pháp rất phong phú.

6. Công nghệ bán hàng và quản trị bán hàng theo thời gian thực

Trong vòng 1 – 2 năm tới, độ sâu của quản trị bán hàng theo thời gian thực sẽ tiếp cận đến từng điểm bán (nghĩa là có thể đọc được dữ liệu của bất kỳ điểm nào tại mỗi thời điểm), xa hơn nữa có thể đo được mức độ tiêu dùng và “phản ứng” của người mua hàng, người tiêu dùng tại từng hộ gia đình. Miễn là họ chấp nhận tương tác thông qua các ứng dụng một cách tự nguyện và các bên cùng có lợi.

Trên đây là những xu hướng chính, TGHN sẽ tiếp tục chia sẻ sâu, rộng hơn mỗi chủ đề, đồng thời cập nhật các chuyển động mới nhất trên từng xu hướng.

Phan Tường – Ninh Trần (theo TGHN)