Hyundai và LG chi thêm 2 tỷ USD vào nhà máy xe điện ở Mỹ

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. ‘Kỳ lân’ Luckin Coffee vượt mặt Starbuck trở thành chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc
Chuỗi cửa hàng cà phê Luckin Coffee đã chính thức đạt 10.000 chi nhánh tại Trung Quốc vào tháng 6/2023, qua đó vượt Starbucks để trở thành thương hiệu cà phê lớn nhất thị trường quốc gia châu Á này. Hãng tin CNBC (Mỹ) ngày 11/9 cho hay dù mới chỉ thành lập từ năm 2017 nhưng nhờ chiến lược giá rẻ và tập trung vào kinh doanh trực tuyến, giao hàng nhanh, Luckin Coffee đã nhanh chóng chiếm lĩnh Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 của Starbucks sau Mỹ. Do có chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cùng độ phủ sóng các chi nhánh rộng rãi khiến Luckin trở thành lựa chọn hợp lý hơn với giới trẻ, so với Starbucks đắt đỏ.
Theo báo cáo kết thúc quý 2 của Luckin Coffee, công ty này đã mở 1.485 cửa hàng mới. Như vậy, trung bình mỗi ngày có trung bình 16,5 cửa hàng Luckin Coffee mới. Trong số 10.829 cửa hàng ở Trung Quốc, có 7.181 cửa hàng tự vận hành và 3.648 cửa hàng nhượng quyền. Theo công ty, số lượng khách hàng bình quân đến quán cà phê của họ là 43,07 triệu người mỗi tháng, một con số cực kỳ tiềm năng trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều thách thức hiện nay.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/ky-lan-luckin-coffee-vuot-mat-starbuck-tro-thanh-chuoi-ca-phe-lon-nhat-trung-quoc-20230912145352931.htm
2. Giá đường cao kỷ lục, doanh nghiệp Việt chịu ‘cú đấm bồi’ giữa cao điểm cuối năm
Cùng với nhiều nguyên liệu đắt đỏ, việc giá đường thế giới tăng sốc đã thêm phần tác động đến doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát. Đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ, từ đầu năm đến nay, giá cả đầu vào nhiều mặt hàng tăng cao, gần đây việc giá đường lại đắt nhất 10 năm đã như cú giáng bồi khiến họ càng thêm khó khăn, nhất là thời điểm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục vụ bánh kẹo mùa Trung thu và dịp cuối năm.
Đại diện Công ty bánh kẹo Bibica cho biết, sản xuất bánh kẹo phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như bột mì (nhập khẩu gần như toàn bộ), đường (nhập khẩu một phần). Chính vì vậy, sự biến động về giá của các nguyên vật liệu đường, bột mỳ trên thị trường thế giới và sự biến động của tỷ giá VND/USD đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. Vị này cũng lo lắng, yếu tố mùa vụ rất quan trọng với ngành bánh kẹo, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành tập trung chủ yếu ở một số thời kỳ nhất định như Tết Nguyên đán hay Tết Trung Thu. Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn rất phức tạp khiến các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả, tỷ giá, nguồn cung, cước vận chuyển…biến động khó lường.
Nguồn: https://vtc.vn/gia-duong-cao-ky-luc-doanh-nghiep-viet-chiu-cu-dam-boi-giua-cao-diem-cuoi-nam-ar818486.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Cơ hội lớn của ngành khách sạn Ấn Độ tại thượng đỉnh G-20
Lĩnh vực khách sạn ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang chuẩn bị cho một thời điểm quan trọng khi nước này đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia tới tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 vào cuối tuần. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự thượng đỉnh G-20 năm nay như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Cùng đi với họ sẽ có hàng trăm đại biểu, cùng với lãnh đạo của các tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới.
Nhằm thể hiện được nét đặc sắc riêng, các đầu bếp Ấn Độ sẽ chiêu đãi đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 những món ăn kết hợp từ nhiều nền ẩm thực, đặc biệt là sẽ có nhiều món làm từ hạt kê. Hạt kê là loại ngũ cốc có giá trị dinh dưỡng cao. Ấn Độ, nước đang giữ vai trò chủ tịch G-20 năm nay, gần đây đã thực hiện một nỗ lực lớn để thúc đẩy và xuất khẩu loại ngũ cốc cứng và chịu hạn này. Kê là một loại lương thực địa phương của Ấn Độ và nước này đang kêu gọi đây là một loại thực phẩm của tương lai.
Nguồn: https://toquoc.vn/co-hoi-lon-cua-nganh-khach-san-an-do-tai-thuong-dinh-g-20-20230908092052336.htm
2. Malaysia muốn đón hơn 300.000 khách du lịch Việt Nam
Bà Nor Hayati Zainuddin, Giám đốc Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại TP.HCM cho biết, với các hoạt động quảng bá du lịch tại nhiều quốc gia, năm 2023, Malaysia đặt mục tiêu thu hút 16,1 triệu lượt khách quốc tế, thu về 11,1 tỷ USD từ ngành công nghiệp không khói. Riêng đối với thị trường Việt Nam, mạng lưới đường bay giữa hai quốc gia hiện rất tốt. Thống kê, có tổng cộng 156 chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Malaysia mỗi tuần. Năm 2022 có gần 174.000 lượt khách Việt tới Malaysia. Nhưng chỉ nửa đầu năm nay, con số ước tính đạt khoảng 162.000 lượt (bằng hơn 90% tổng lượng khách cả năm ngoái). Trong năm 2023, quốc gia này mong muốn đón hơn 300.000 du khách từ nước ta. Ngành du lịch bạn đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường khách quan trọng.
Không chỉ có Malaysia quan tâm tới khách Việt, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cũng đánh giá cao tiềm năng thị trường du lịch Việt Nam. Cơ quan này cho hay, lượng khách du lịch Việt đến Singapore tăng trưởng đều hàng năm. Hiện, Việt Nam nằm trong top 11 thị trường có du khách đến Singapore nhiều nhất và là thị trường khách trọng điểm đối với nước bạn. Dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cũng cho thấy, nửa đầu năm, lượng khách Việt đến quốc gia này đạt hơn 440.000 lượt. Phía TAT đánh giá cao về tốc độ phục hồi của du khách Việt.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/malaysia-muon-don-hon-300-000-khach-du-lich-viet-nam-2188410.html
3. Thái Lan miễn thị thực nhập cảnh cho du khách Trung Quốc
Từ cuối tháng Chín này, du khách Trung Quốc sẽ được miễn thị thực nhập cảnh vào Thái Lan theo chương trình tạm thời được Chính phủ nước này công bố ngày 13/9. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết chương trình mới sẽ có hiệu lực từ ngày 25/9 đến 29/2/2024. Sau đó, chính phủ sẽ đánh giá liệu chính sách này có tác động đến nền kinh tế Thái Lan hay không.
Theo quy định hiện hành, du khách Trung Quốc có thể nộp đơn xin thị thực tại cửa khẩu nhưng phải chứng minh có bảo hiểm du lịch, đã đặt phòng khách sạn và có khoản tiền hơn 280 USD khi nhập cảnh trong thời gian lưu trú tối đa 15 ngày. Giới chức Thái Lan ước tính kế hoạch này có thể thu hút tổng cộng 30 triệu du khách trong năm nay, tăng so với mức 11 triệu người trong năm ngoái.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thai-lan-mien-thi-thuc-nhap-canh-cho-du-khach-trung-quoc/894189.vnp
4. Đẩy mạnh phát triển du lịch trị liệu tại Việt Nam
Theo báo cáo của Grand View Research, du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Các quốc gia đi đầu về mô hình này là Nhật Bản với hình thức tắm onsen, tạo nên thương hiệu; hay tắm đá muối tại Hàn Quốc; các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ. Tại Việt Nam, ông Kiên Lê, Tổng Giám đốc Panhou Resort và Whale Island Resort cho biết, các sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam hiện nay nghèo nàn và chưa hấp dẫn, thu hút khách trở lại. Vì vậy,  cần đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm nay để nắm bắt xu hướng phát triển du lịch trị liệu trên thế giới.
“Sắp tới, chúng ta cần tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ra quốc tế thông qua đẩy mạnh quảng cáo và truyền thông cũng như qua nhiều hình thức ngoại giao – văn hóa – thể thao – kinh tế. Các đơn vị, doanh nghiêp lữ hành cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch trị liệu đặc trưng riêng dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có và văn hóa địa phương giàu có của Việt Nam hiện nay để có thể bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển ngành du lịch bền vững”, ông Kiên Lê cho biết.
Nguồn: https://baotintuc.vn/du-lich/day-manh-phat-trien-du-lich-tri-lieu-tai-viet-nam-20230908154134655.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Khi Walmart, Carrefour và Aeon tăng cường tìm nguồn hàng từ Việt Nam
Ngày 13-9, đại diện các nhà bán lẻ lớn toàn cầu đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển… như Walmart, Amazon, Carrefour, Decathlon, Aeon, IKEA, LuLu, Central Group… đã cùng có mặt tại TPHCM để tham dự sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Vietnam International Sourcing 2023) với mục tiêu tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam vào hệ thống bán lẻ trên thế giới của các tập đoàn. Những nhóm sản phẩm mà các tập đoàn tập trung tìm kiếm bao gồm thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất,…
Đánh giá về khả năng cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, đại diện các tập đoàn cho biết, sau đại dịch do Covid-19 và những bất ổn địa chính trị, kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Tuy nhiên, điều các nhà bán lẻ quan tâm hiện nay không chỉ sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh mà còn phải “xanh”, thân thiện môi trường, sản xuất phải giảm thiểu tác động đến môi trường…
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/khi-walmart-carrefour-va-aeon-tang-cuong-tim-nguon-hang-tu-viet-nam/
2. Cuộc chiến bán lẻ từ sản phẩm nhãn riêng
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát cao, hàng nhãn riêng, dòng sản phẩm do chính nhà phân phối tổ chức sản xuất với thương hiệu riêng, đang ngày càng thu hút người tiêu dùng nhờ lợi thế giá rẻ… Hàng nhãn riêng mở ra cơ hội cho người tiêu dùng chọn lựa những sản phẩm chất lượng bảo đảm, với tâm lý không phải chi trả cho những giá trị mà họ không thực sự tiêu dùng, trong đó có thương hiệu sản phẩm. Các chuyên gia bán lẻ dự đoán, chỉ trong vòng ba năm tới, cứ bốn sản phẩm bán ở siêu thị sẽ có một sản phẩm là nhãn hàng riêng.
Theo Financial Times, một số nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với doanh số bán hàng sụt giảm trong thời gian tới khi người mua sắm chuyển sang các thương hiệu riêng của siêu thị có giá bán rẻ hơn để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ bão giá. Tại Mỹ, sau khi đạt mức tăng trưởng hai con số vào năm 2022, thị trường sản phẩm nhãn riêng bắt đầu tăng sau khi chững lại trong quý đầu tiên của năm 2023, với doanh số tăng hai con số và thị phần cũng lớn hơn.
Dữ liệu toàn quốc do Circana cung cấp riêng cho Hiệp hội các nhà sản xuất nhãn hiệu tư nhân (PLMA) cho thấy trên tất cả các kênh tạp hóa của Hoa Kỳ, tổng giá trị của hàng nhãn riêng đã tăng 10,3%, gần gấp đôi mức tăng của các thương hiệu quốc gia (5,6%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 17 ngành hàng thực phẩm và phi thực phẩm mà Circana theo dõi, có tới 15 ngành hàng sản phẩm nhãn riêng đạt mức doanh số tăng hai chữ số, bao gồm: đồ uống (17,1%), bánh mì (16,8%), thực phẩm nói chung (16%), đồ nguội chế biến sẵn (12,4%), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (10%)…
Nguồn: https://vneconomy.vn/cuoc-chien-ban-le-tu-san-pham-nhan-rieng.htm
3. Thị trường bán lẻ cuối năm: kênh truyền thống vẫn chiếm ưu thế
Theo các chuyên gia, ngành bán lẻ Việt Nam đang có sự giao thoa giữa kênh cửa hàng vật lý và bán hàng trực tuyến (online). Dẫu vậy, qua phân tích thị trường, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam nhìn nhận, mặc dù kinh doanh online đang phát triển mạnh mẽ nhưng hiện nay, các nhà bán lẻ đều khẳng định phương thức này chỉ chiếm phần nhỏ trong kết quả phân phối sản phẩm của họ, nhưng lại là kênh quảng bá, kích cầu mua sắm hiệu quả. Bà Nhất Phương, Giám đốc điều hành của Kantar cũng nhấn mạnh, ngày nay người mua sắm đang có quá nhiều lựa chọn từ thương hiệu đến sản phẩm. Chính vì thế, để thúc đẩy doanh số bán hàng và đạt được tỉ lệ chuyển đổi cao, doanh nghiệp phải chinh phục được người mua hàng trong phân khúc bán lẻ trực tiếp và trực tuyến. Dẫu vậy, TMĐT nên được xem là một kênh bổ sung chứ không phải là kênh thay thế cho các kênh bán lẻ truyền thống.
Một thống kê gần đây của Statista cũng cho thấy, tỉ lệ phân phối của các nhà bán lẻ giữa kênh bán lẻ vật lý và trực tuyến tại Việt Nam đang có sự chênh lệch rõ rệt, khi kênh bán lẻ vật lý vẫn chiếm hơn 90% trong phương thức kinh doanh. Dẫu vậy, xét về sự tăng trưởng hàng năm, từ 2017- 2023, bán lẻ vật lý lại có chiều hướng giảm sút từ 97,3% xuống còn 93%. Trong khi đó, kinh doanh trực tuyến lại có sự tăng trưởng rõ rệt với tỉ lệ từ 2,7% đến 7,1%. Trong giai đoạn từ 2023- 2027, Statista dự đoán bán lẻ vật lý tiếp tục chiếm đa số và vẫn giảm dù mức giảm rút ngắn từ 93% xuống còn 91,3%; bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục tăng nhưng mức tăng lại thu hẹp từ 7,1% – 8,7%.
Nguồn: https://plo.vn/cuoi-nam-ban-hang-online-lieu-co-chien-thang-kenh-truyen-thong-post750903.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Foot Locker sắp khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam
Sau Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan, thương hiệu gần 50 tuổi nổi tiếng ở Mỹ về lĩnh vực bán lẻ giày, đồ thể thao Foot Locker sẽ khai trương cửa hàng tiếp theo tại Lotte Mall Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam với diện tích hơn 600m2 vào ngày 15/9 tới đây. Foot Locker với hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới, sẽ tiếp tục chinh phục thị trường Việt đầy tiềm năng cùng chiến lược kiến tạo tiêu chuẩn dịch vụ vượt trội trong ngành bán lẻ với phương châm “lấy khách hàng làm trọng tâm.”
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/foot-locker-sap-khai-truong-cua-hang-dau-tien-tai-viet-nam/893211.vnp

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Be thúc đẩy giao thông xanh với sự hỗ trợ của Cake và VinFast
Khi nhu cầu di chuyển bằng xe công nghệ ngày càng tăng cao, đối tượng tài xế là người thường xuyên sử dụng xe xăng truyền thống cũng tăng theo. Chưa kể đến giờ hoạt động trên mỗi tài xế tăng cao cũng là một yếu tố quan trọng. Do đó, đây là đối tượng tiềm năng trong việc phổ cập thói quen sử dụng xe máy điện. Theo xu hướng đó, Be Group vừa bắt tay với VinFast, cung cấp ưu đãi mua xe điện dành cho tài xế Be. Cụ thể, tài xế Be được mua xe máy điện VinFast Feliz S với mức ưu đãi giảm 4% giá trị niêm yết. Bên cạnh đó, Be Group còn phối hợp với Ngân hàng số Cake cung cấp các chính sách vay ưu đãi cho tài xế của Be Group để mua xe máy điện VinFast với mức lãi suất khởi điểm chỉ từ 0%.
Bước đi này còn tháo gỡ được nút thắt khi xét về phương diện người tiêu dùng. Theo một khảo sát từ Vero, đối tượng Gen Z và Millennials ít có xu hướng sở hữu một chiếc xe điện của riêng mình. Họ nhận xét xe điện thân thiện môi trường, muốn sử dụng nhưng lại chưa có nhu cầu mua hoặc mua thêm xe máy nên việc lựa chọn gọi xe công nghệ có sử dụng xe điện là tối ưu lúc này. Vì vậy, chiến lược của Be không chỉ phổ cập thói quen sử dụng xe điện cho tài xế mà còn cung cấp thêm một lựa chọn di chuyển “xanh” chủ động và tiện lợi hơn cho người Việt.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/be-thuc-day-giao-thong-xanh-voi-su-ho-tro-cua-cake-va-vinfast-20230910140519177.htm
2. Khai mạc Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh TP.HCM
Chiều tối 13/9, Chương trình Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh và các hoạt động bên lề trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 – Chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”, chính thức khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan chức năng trong và ngoài nước. Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh có 100 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, trong đó có những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam và TP.HCM tham gia.
Triển lãm chia thành 9 nhóm sản phẩm, dịch vụ, như: tăng trưởng xanh tiêu biểu từ năng lượng xanh; nông nghiệp xanh, hữu cơ; sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đến giao thông xanh; đô thị xanh, thông minh; môi trường xanh cho đến tiêu dùng xanh; tài chính xanh; du lịch xanh. Đây là hoạt động thiết thực để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh của Việt Nam và các nước. Không gian triển lãm mở cửa đón khách đến hết ngày 17/9/2023 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/khai-mac-khong-gian-trien-lam-san-pham-dich-vu-tang-truong-xanh-tphcm-post1045710.vov

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. FPT Software mở văn phòng tại Mexico
Văn phòng của FPT Software đặt tại Guadalajara – nơi được mệnh danh là Silicon Valley của Mexico. Dự kiến, văn phòng sẽ đạt 500 nhân sự vào năm 2025 và là trung tâm phát triển phần mềm đầu tiên tại châu Mỹ Latinh của công ty. Cùng với Mexico, văn phòng tại Costa Rica và Colombia sẽ tạo thế kiềng ba chân, vững chắc cho FPT Software tại Mỹ Latinh. Các văn phòng tại đây sẽ cùng thu hút nhân tài tại hơn 30 nước trong khu vực tới làm việc.
Chiến lược này nhằm tận dụng lợi thế múi giờ, nguồn lực công nghệ giỏi tiếng Anh để nhằm nâng cao khả năng chinh phục thị trường Mỹ giàu tiềm năng. FPT Mexico cùng với với các trung tâm phát triển phần mềm khác tại Ấn Độ, Philippines, Costa Rica và Colombia sẽ đảm bảo vững chắc khả năng cung cấp dịch vụ 24/7 cho khách hàng tại Mỹ. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, FPT Software đã mở 4 văn phòng trên toàn cầu.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/fpt-software-mo-van-phong-tai-mexico-nham-toi-doanh-thu-1-ty-usd-2187351.html
2. Lucid có kế hoạch kinh doanh xe điện ở Trung Quốc
Nhà sản xuất ô tô Mỹ Lucid đang có kế hoạch kinh doanh xe điện tại Trung Quốc nhưng hiện chưa có mốc thời gian tiến vào thị trường ô tô lớn nhất thế giới này. Theo CNBC, một giám đốc điều hành hàng đầu của Lucid đã đưa ra phát biểu này này sau khi hãng sản xuất xe điện Mỹ ký hợp đồng thuê Zhu Jiang, cựu giám đốc của công ty khởi nghiệp xe điện Nio Trung Quốc. Cuộc thảo luận về chiến lược mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm khó khăn đối với Lucid. Tháng 3, Lucid buộc phải cắt giảm 18% lực lượng lao động của doanh nghiệp do tình trạng nhu cầu suy giảm trên thị trường Mỹ.
Hiện nay, Lucid tự định vị doanh nghiệp là một thương hiệu xa xỉ đắt tiền. Để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, công ty hiện đang cân nhắc mở rộng sản phẩm doanh nghiệp sang các loại xe có giá bán thấp hơn. Kỹ sư trưởng Eric Bach xác nhận, năm 2026, công ty có kế hoạch ra mắt một xe điện hạng trung. Lucid sẽ đẩy mạnh kinh doanh sản xuất ở phân khúc thị trường đại chúng với những xe điện có giá khởi điểm khoảng 20.000 USD.
Nguồn: https://viettimes.vn/lucid-co-ke-hoach-kinh-doanh-xe-dien-o-trung-quoc-canh-tranh-voi-byd-nio-tesla-post169832.html
3. Hyundai và LG chi thêm 2 tỷ USD vào nhà máy xe điện ở Mỹ
Hãng sản xuất ô tô Hyundai và nhà sản xuất pin lithium-ion LG Energy Solution sẽ chi thêm 2 tỷ USD và thuê thêm 400 công nhân để sản xuất pin cho nhà máy xe điện đang được xây dựng ở bang Georgia, Mỹ. Thông báo của các công ty có trụ sở tại Hàn Quốc nhằm mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác được ký kết ba tháng trước đó để sản xuất pin tại cùng địa điểm phía tây Savannah, nơi Hyundai có kế hoạch bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2025.
Động thái trên sẽ nâng tổng mức đầu tư của các công ty này vào nhà máy ở bang Georgia lên hơn 7,5 tỷ USD và tổng lực lượng lao động theo kế hoạch của nhà máy lên tới 8.500 người.
Nguồn: https://bnews.vn/hyundai-va-lg-chi-them-2-ty-usd-vao-nha-may-xe-dien-o-my/305679.html
4. VinFast lên kế hoạch mở nhà máy xe điện tại Indonesia năm 2026
Theo hãng tin Reuters, trong một hồ sơ mới đây gửi Sở giao dịch Chứng khoán Mỹ và Cơ quan quản lý tài chính Indonesia, VinFast đặt mục tiêu đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong đó, 200 triệu USD sẽ được dùng để xây dựng nhà máy tại đất nước này với sản lượng khoảng 30.000 – 50.000 xe mỗi năm. Nhà máy ở Indonesia sẽ là nhà máy thứ ba của VinFast bên cạnh nhà máy chính ở TP Hải Phòng, Việt Nam và một nhà máy mới ở Bắc Carolina, Mỹ dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.
Cũng theo Reuters, VinFast cũng có kế hoạch mở rộng cơ sở tại Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ – Latin, Châu Âu… nhằm thành lập các đơn vị phân phối và mở thêm các phòng trưng bày. Đồng thời mở rộng sự hiện diện ở châu Âu khi xác định được từ 40 đến 50 thị trường tiềm năng.
Nguồn: https://mekongasean.vn/vinfast-len-ke-hoach-mo-nha-may-xe-dien-tai-indonesia-nam-2026-post26823.html
5. Tập đoàn Ant của Trung Quốc ra mắt mô hình Trí tuệ nhân tạo tài chính
Ngày 8/9, Tập đoàn Tài chính Ant (Ant Group) của Trung Quốc đã công bố mô hình Trí tuệ nhân tạo (AI) dành riêng cho tài chính, đồng thời bắt đầu thử nghiệm các ứng dụng dành cho người tiêu dùng và giới chuyên gia sử dụng sản phẩm này. Ant Group cho biết mô hình mới của hãng đã bước vào quá trình thử nghiệm kín đối với 2 ứng dụng chạy trên nền tảng bảo hiểm và quản lý tài sản của công ty.
Ant Group cho biết ứng dụng Zhixiaobao 2.0, được thiết kế để đưa ra lời khuyên về tài chính cho người tiêu dùng, có thể tương đương với các chuyên gia tài chính về khả năng phân tích thị trường. Zhixiaobao 2.0 sẽ đi vào hoạt động chính thức khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Trong khi đó, Zhixiaozhu 1.0 có thể tiến hành phân tích đầu tư và khai thác thông tin, cùng với các nhiệm vụ kinh doanh khác, dành cho các chuyên gia tài chính.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tap-doan-ant-cua-trung-quoc-ra-mat-mo-hinh-tri-tue-nhan-tao-tai-chinh/893240.vnp
6. Mỹ mở cửa nhà máy sản xuất chip 4 tỉ đô la ở Singapore
Hôm 12-9, GlobalFoundries (Mỹ), nhà sản xuất gia công chip lớn thứ 3 thế giới, khai trương nhà máy chip bán dẫn mới, trị giá 4 tỉ đô la Mỹ ở Singapore. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng sản xuất trên toàn cầu của GlobalFoundries nhằm tận dụng nhu cầu tăng trưởng trong các sản phẩm chip bán dẫn thiết yếu. Theo thông cáo báo chí của GlobalFoundries, nhà máy chip rộng 23.000 mét vuông ở Singapore sẽ tăng cường năng lực sản xuất và phục vụ khách hàng trên khắp các địa điểm sản xuất của công ty ở ba châu lục. Thông báo nói rằng, nhà máy sẽ tạo ra 1.000 việc làm “có giá trị cao” ở Singapore, trong đó 95% là kỹ thuật viên thiết bị, kỹ thuật viên xử lý và kỹ sư.
Singapore hiện đang cung cấp 11% chip chất bán dẫn của thế giới, theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Singapore. Đảo quốc sư tử này có các chính sách ưu đãi riêng cho công nghiệp nhằm thu hút sản xuất công nghệ cao, đổi mới công nghệ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/my-mo-cua-nha-may-san-xuat-chip-4-ti-do-la-o-singapore/
7. Người dùng iPhone chi tiền vào ứng dụng nhiều hơn 7 lần so với người dùng Android
Theo nghiên cứu mới nhất của nhà phân tích Horace Dediu, người chuyên nghiên cứu thị trường điện thoại di động, mức chi tiêu cho các ứng dụng trả phí của người dùng iPhone cao hơn gấp 7 lần người dùng Android. Do đó, số tiền các nhà phát triển ứng dụng nhận được cũng nhiều hơn so với trên Android. Doanh thu của Apple cũng cao hơn rất nhiều so với Google dù lượng người dùng iPhone thấp hơn rất nhiều so với các thiết bị chạy hệ điều hành Android.
Apple tuyên bố có 650 triệu người dùng App Store đang hoạt động, trong khi Google tuyên bố có 2,5 tỷ người dùng đang hoạt động. Những con số này cho thấy tỷ lệ người dùng Android trên toàn cầu lớn hơn gần 4 lần so với người dùng iPhone. Tuy nhiên tỷ lệ giữa doanh thu của Apple và Google vẫn rất ổn định với 29:15 (1,86 lần) vào năm 2016 và 81:42 (1,93 lần) vào năm 2022.
Nguồn: https://vtv.vn/cong-nghe/nguoi-dung-iphone-chi-tien-vao-ung-dung-nhieu-hon-7-lan-so-voi-nguoi-dung-android-20230908152059165.htm
8. Huawei tung ra dòng điện thoại sử dụng công nghệ 5G
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay Apple đang gặp thách thức lớn tại Trung Quốc khi Huawei tung ra dòng điện thoại mới có khả năng truyền tải dữ liệu siêu tốc với tốc độ tải 500-800 Megabit/giây, cao hơn nhiều so với chỉ 300 Megabit/giây của công nghệ 4G hiện nay. Thậm chí, sản phẩm mới nhà Huawei còn dùng công nghệ liên lạc vệ tinh, qua đó sử dụng được cả ở những vùng xa xôi mà không cần trạm thu phát sóng.
Tờ WSJ cho hay iPhone đã thống trị thị trường smartphone cao cấp Trung Quốc kể từ khi Huawei bị cấm vận công nghệ, qua đó phải bỏ dở kế hoạch phát triển dòng điện thoại 5G của mình. Thế nhưng giờ đây Huawei đang phản pháo lại mạnh mẽ với dòng Mate 60 Pro dùng công nghệ 5G, được bán hết chỉ sau 1 tiếng mở bán và tạo nên cơn sốt lớn trên mạng xã hội, quá đó làm dấy lên khả năng đòi lại thị phần từ tay Apple. Theo ước tính của Yang, hãng Apple có thể mất 10 triệu doanh số iPhone vào tay Huawei tính đến năm 2024. Con số này tương đương 4,5% so với tổng doanh số 224,7 triệu chiếc iPhone được bán năm 2022 của Apple.
Nguồn: https://markettimes.vn/co-may-in-tien-cua-apple-gap-rac-roi-lon-huawei-tung-ra-sat-thu-co-kha-nang-bien-iphone-thanh-do-co-o-trung-quoc-39766.html
9. Pháp ra lệnh ngừng bán iPhone 12 vì bức xạ quá cao
Hôm 12.9, Pháp yêu cầu Apple ngừng bán iPhone 12 ở nước này vì dòng điện thoại được cho phát ra bức xạ điện từ cao quá mức cho phép, đồng thời buộc Apple phải sửa những thiết bị đã bán tại nước này. ANFR, cơ quan quản lý các tần số vô tuyến của Pháp, cho biết kết quả thử nghiệm phát hiện dòng iPhone 12 phát ra lượng bức xạ điện từ vượt mức khả năng cho phép ở người. Vì thế, ANFR ra lệnh Apple phải loại bỏ ngay iPhone 12 khỏi thị trường Pháp từ ngày 12.9 với lý do dòng điện thoại này phát ra lượng bức xạ vượt ngưỡng cơ thể người có thể tiếp nhận, theo AFP hôm 13.9. Tuy nhiên, Apple phản hồi trong một tuyên bố rằng hãng tuân thủ các giới hạn về bức xạ của thiết bị và sẽ tiếp tục làm việc với ANFR để chứng minh điều đó.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phap-ra-lenh-ngung-ban-iphone-12-vi-buc-xa-qua-cao-185230913081238172.htm
10. Số lượng điện thoại xuất xưởng ở mức thấp nhất trong 10 năm qua
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường của TrendForce, lượng điện thoại thông minh xuất xưởng trên toàn cầu đã liên tục sụt giảm trong nhiều quý liên tiếp. Báo cáo chỉ ra rằng, sản lượng điện thoại thông minh trên toàn cầu trong quý I đã giảm gần 20% so với quý trước. Sang đến quý II, lượng máy tiếp tục giảm 6,6%, xuống mức 272 triệu chiếc. Đây cũng là mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Trong nửa đầu năm 2023, ngành công nghiệp này chỉ đạt 522 triệu thiết bị, tương đương với mức giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự kiến, các hãng điện thoại thông minh sẽ hoạt động bình thường trở lại sau khi giải quyết hết lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến người dùng phải cắt giảm chi tiêu, dẫn đến sản lượng điện thoại thông minh sụt giảm mạnh hơn dự kiến. TrendForce nhận định rằng, ngành điện thoại thông minh có thể sẽ tiếp tục sụt giảm nhiều hơn nữa trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Nguyên nhân là do các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ chưa có dấu hiệu phục hồi đáng kể.
Nguồn: https://vtv.vn/cong-nghe/so-luong-dien-thoai-xuat-xuong-o-muc-thap-nhat-trong-10-nam-qua-20230906155415666.htm
11. Cuộc chạy đua giữa các app công nghệ tại Việt Nam
Decision Lab – đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (MMA) vừa công bố báo cáo “Người tiêu dùng số – The Connected Consumer” quý 2/2023, cho thấy nhu cầu đặt đồ ăn trực tuyến tăng vọt và các nền tảng giao hàng đang cạnh tranh gay gắt để chiếm lĩnh thị trường. Theo báo cáo, GrabFood vẫn là ứng dụng giao đồ ăn được dùng nhiều nhất với tỷ lệ 49%. ShopeeFood bứt phá mạnh mẽ sau đợt giảm vào quý trước, theo sát đối thủ với tỷ lệ 45%.
Trên thị trường gọi xe công nghệ, nền tảng Grab tiếp tục chứng minh sự vượt trội trước các đối thủ với tỷ lệ sử dụng lên tới 71% trong quý 2/2023, tăng nhẹ 1% so với quý trước. Đứng thứ 2 vẫn là ứng dụng Mai Linh Taxi với tỷ lệ sử dụng 27%, giảm 2% so với quý 1/2023. Nhờ tỷ lệ tăng 2% so với quý trước, Be trở thành ứng dụng gọi xe được yêu thích thứ 3 trong quý 2/2023, thế chỗ GoJek, với tỷ lệ lần lượt là 26% và 23%.
Nguồn: https://markettimes.vn/cuoc-chay-dua-giua-cac-app-cong-nghe-be-the-cho-gojek-trong-top-3-ung-dung-goi-xe-duoc-yeu-thich-shopeefood-duoi-sat-nut-grabfood-trong-mang-giao-do-an-39807.html
12.  Ứng dụng học tiếng Anh ELSA của Việt Nam huy động được 20 triệu USD
Ứng dụng học tiếng Anh ELSA của Việt Nam đã hoàn thành vòng gọi vốn mới trị giá 20 triệu USD, được dẫn dắt bởi UOB Venture Management, công ty con với 100% vốn của ngân hàng UOB của Singapore. Khoản tài trợ mới nhất này là một phần của vòng cấp vốn mới, diễn ra hai năm sau khi ELSA đã huy động thành công 15 triệu USD trong vòng Series B do Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VI Group) và nhà đầu tư quốc tế SIG dẫn đầu. Trong vòng trước đó, ELSA đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, bao gồm gradient Ventures (một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào AI do Google thành lập), SOSVvà Monk’s Hill Ventures cũng như các nhà đầu tư mới Endeavour Catalyst và Globant Ventures cũng đã tham gia vòng trước.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/he-sinh-thai/ung-dung-hoc-tieng-anh-elsa-cua-viet-nam-huy-dong-duoc-20-trieu-usd-1095285.html
13. Việt Nam lần đầu có giải thưởng Sáng tạo nội dung số
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam – VCA năm 2023 được Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) công bố và phát động ngày 12/9. Theo Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam, thường trực Ban tổ chức giải thưởng VCA 2023, những năm gần đây, với sự phát triển bùng nổ của Internet và các nền tảng công nghệ xuyên biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực sáng tạo nội dung số phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng nội dung. Sáng tạo nội dung đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, số liệu năm 2022 cho thấy, có ít nhất 20.000 nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, với mức doanh thu lên tới 800 triệu USD. Phim, hoạt hình, âm nhạc trực tuyến, game online, sách nói, truyện tranh, ảnh, thiết kế nội dung, giáo dục trực tuyến… đang là những lĩnh vực đầy hứa hẹn của ngành công nghiệp nội dung. Giải thưởng VCA ra đời nhằm khuyến khích cộng đồng sáng tạo nội dung số tạo ra những sản phẩm nội dung có chất lượng cao, có giá trị văn hóa, giáo dục sâu sắc, mang lại giá trị tốt đẹp cho người dùng trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số, ngành công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa của Việt Nam phát triển, góp phần phát triển kinh tế số của đất nước.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/viet-nam-lan-dau-co-giai-thuong-sang-tao-noi-dung-so-2188575.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. 8 dự án đầu tiên vào chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh 2023
Chiều ngày 10/9, tại TP. Bến Tre, Ban tổ chức đã công bố danh sách 8 dự án đầu tiên lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh – Lần 9/ 2023. Theo đó, 8 dự án này đến từ các địa phương là An Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh. Trong đó có 2 dự án đến từ tỉnh Đồng Tháp, 2 dự án đến từ tỉnh Trà Vinh. Các tỉnh còn lại mỗi tỉnh một dự án được chọn.
Theo đánh giá chung của Ban giám khảo, các dự án đã có sự chuẩn bị chu đáo, khi đem theo nhiều vật dụng, nguyên liệu dùng sản xuất ra sản phẩm. Từ những gói muối Tây Ninh, nguyên liệu làm nhang sạch, sầu riêng ở Đồng Nai, các sản phẩm chế biến sâu từ dừa ở Bến Tre, Trà Vinh, từ trái Thanh Long, từ xoài ở Vĩnh Long, hạt gạo ở An Giang, hay giá trị gia tăng từ sữa bí đỏ ở Cần Thơ…
Nguồn: https://vneconomy.vn/8-du-an-dau-tien-vao-chung-ket-cuoc-thi-du-an-khoi-nghiep-xanh-2023.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Thu hồi, tạm dừng xuất khẩu mã số sầu riêng, chuối… vi phạm kiểm dịch
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vừa có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và các chi cục kiểm dịch thực vật vùng tăng cường kiểm soát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cho biết vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về việc phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (nhiễm các loài sâu bệnh như rệp sáp) trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, chỉ tính 7 tháng đầu năm 2023, lực lượng kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu Việt Nam đã phát hiện được 370 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít vi phạm kiểm dịch. Tất cả các lô hàng này liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của 13 tỉnh khu vực phía Nam. Trong các lô hàng nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, chuối chiếm 77%, sau đó là thanh long chiếm 11%. Số lượng các lô hàng sầu riêng phát hiện các đối tượng kiểm dịch thực vật ngày càng gia tăng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-hoi-tam-dung-xuat-khau-ma-so-sau-rieng-chuoi-vi-pham-kiem-dich-20230910203014591.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Trung Quốc cấm xuất khẩu phân bón
Theo Reuters, khoảng nửa triệu tấn ure đã bị giữ lại tại các cảng Trung Quốc sau khi nước này hạn chế xuất khẩu loại phân bón quan trọng sau khi giá trong nước tăng vọt. Là nhà sản xuất ure lớn nhất thế giới, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 nguồn cung phân bón gốc nitơ trên toàn cầu, đây là loại phân bón rất quan trọng cho việc trồng trọt. Do đó, bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu đều có nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá toàn cầu tăng cao. Một số thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của quốc gia này là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar và Australia.
Gavin Ju, nhà phân tích phân bón chính tại CRU Group cho biết, hai nhà sản xuất ure thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc sẽ ưu tiên cung cấp nội địa, trong khi việc kiểm tra cảng đối với một số lô hàng hóa chất này đã bị đình chỉ.
Nguồn: https://markettimes.vn/trung-quoc-cam-xuat-khau-phan-bon-nganh-nong-nghiep-cua-quoc-gia-nuoc-lang-gieng-lai-them-chao-dao-du-nam-giu-san-luong-lon-thu-3-the-gioi-39846.html
2. Indonesia tăng nhập khẩu gạo
Tổng thống Joko Widodo cho biết, Indonesia hiện có 2 triệu tấn gạo trong kho dự trữ, trong đó 1,6 triệu tấn đang có và 400.000 tấn nhập khẩu từ Campuchia đang trên đường vận chuyển. Do đó, nguồn lương thực về cơ bản đáp ứng nhu cầu nội địa trong năm 2023. Tuy nhiên, chính phủ cần chủ động nguồn lương thực cho năm 2024 do những thay đổi về thời tiết El Nino ảnh hưởng tới mùa màng, cũng như những rủi ro về khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết, nước này sẽ mua 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Trước động thái từ Indonesia, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng thị trường gạo thế giới sẽ tăng nhiệt trở lại.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/indonesia-tang-nhap-khau-gao-20230913093811233.htm
3. Tiềm năng cho hàng thủ công mỹ nghệ tiếp cận thị trường châu Âu
Tại Triển lãm Nội thất và Thủ công mỹ nghệ ở Paris (Maison & Objet 2023) từ ngày 7 đến 11/9, các nhà phân phối quốc tế và khách hàng tại Pháp nhận định rằng hàng thủ công Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tiếp cận thị trường Pháp và châu Âu vì có nhiều đổi mới, độc đáo, đáp ứng các yêu cầu cao về thiết kế và chất lượng cũng như tính ứng dụng. Thị trường châu Âu nói chung và thị trường Pháp là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam trong công tác xúc tiến thương mại đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Năm qua, châu Âu đã nhập khẩu hơn 1,1 tỷ USD hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/tiem-nang-cho-hang-thu-cong-my-nghe-tiep-can-thi-truong-chau-au-post771553.html
4. Việt Nam dự hội chợ thực phẩm cao cấp hàng đầu Vương quốc Anh
Theo phóng viên TTXVN tại London, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống đặc sản tại Hội chợ thực phẩm đặc sản cao cấp Specialty and Fine Food Fair 2023, diễn ra trong 2 ngày 11-12/9 tại Trung tâm triển lãm Olympia ở London. Là hội chợ thực phẩm và đồ uống thường niên hàng đầu ở Anh, Specialty and Fine Food Fair giới thiệu các thực phẩm và đồ uống sản xuất thủ công cao cấp đến từ khắp nước Anh và thế giới, quy tụ các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, cung cấp dịch vụ và các chuyên gia hoạt động trong ngành thực phẩm, khách sạn và dịch vụ ăn uống.
Gian hàng Việt Nam tại hội chợ trưng bày các đặc sản 3 miền như chè xanh đặc sản Phú Thọ, trà san tuyết cổ thụ, quế, hồi, chanh đào mật ong, tinh bột nghệ, nấm hương, nấm đông cô khô, gạo séng cù, gạo Ông Cua ST25, gạo Hương sen, trái cây sấy, cơm dừa sấy-nướng, dầu dừa tinh chất chiết xuất lạnh và dầu dừa tinh luyện; các loại thực phẩm khô như bún, phở, mì, miến đao, bột các loại; các loại nước chấm, nước sốt, tương ớt, nước tương, mắm tôm, cà muối; hải sản đông lạnh; và các sản phẩm đồ uống.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-du-hoi-cho-thuc-pham-cao-cap-hang-dau-vuong-quoc-anh-20230912062637851.htm
5. Cá tra Việt Nam nhận tin vui ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
Ngày 12-9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ (Federal Register) vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phi-lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ từ ngày 1-8-2021 đến 31-7-2022. Theo đó, hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn (thường được gọi là “nữ hoàng cá tra”) và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) có mức thuế lần lượt 0 USD và 0,14 USD/kg. Các bị đơn tự nguyện khác là Công ty CP Đầu tư – Phát triển đa quốc gia I.D.I, Công ty CP Thủy sản Cafatex, Công ty CP Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty CP Hùng Vương cùng mức thuế 0,14 USD/kg. Theo VASEP, mức thuế sơ bộ POR19 giảm so với kết quả cuối cùng của kỳ rà soát trước đó.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/ca-tra-viet-nam-nhan-tin-vui-ngay-sau-chuyen-tham-cua-tong-thong-my-20230912153128559.htm
6. Việt Nam sẽ xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện Cục Bảo vệ thực vật đang hoàn tất thủ tục để mở cửa xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ. Theo bà Hương, sầu riêng tươi Việt Nam hiện xuất khẩu sang 24 thị trường. Sầu riêng đông lạnh cũng đang xuất khẩu sang 23 thị trường. Trong 8 tháng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn, chủ yếu sang Trung Quốc. Sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi ngày càng có sự đầu tư các vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe khác.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-se-xuat-khau-sau-rieng-sang-an-do-20230911152828645.htm
BSAi