TikTok đầu tư 1,5 tỉ đô la vào nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. TikTok đầu tư 1,5 tỉ đô la vào nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia
Hôm 11/12, Tiktok và GoTo Group (công ty mẹ của Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia) thông báo Tiktok sẽ kết hợp hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến TikTok Shop ở Indonesia với Tokopedia thông qua một liên doanh mới. Theo thông báo, Tokopedia sẽ thâu tóm TikTok Shop ở Indonesia với giá 340 triệu đô la Mỹ. Sau đó, TikTok sẽ rót 1,5 tỷ đô la ngược lại vào Tokopedia để nắm 75,01% cổ phần.
Thỏa thuận cho phép ByteDance khởi động lại hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Indonesia sau khi hồi tháng 9, Indonesia ban hành quy định cấm giao dịch mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi của các tiểu thương buôn bán tại các cửa hàng trực tiếp cũng như bảo vệ dữ liệu người dùng. Sau các hạn chế của Indonesia, Malaysia cho biết đang nghiên cứu khả năng quản lý TikTok và các hoạt động thương mại điện tử của nền tảng này.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tiktok-dau-tu-15-ti-do-la-vao-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-tokopedia-cua-indonesia/
2. Người tiêu dùng Italy ‘mặn mà’ trở lại với chợ Giáng sinh truyền thống
Sau giai đoạn nở rộ của hình thức mua hàng trực tuyến trong đại dịch COVID-19, mùa Giáng sinh 2023 đang chứng kiến xu hướng trở lại mạnh mẽ của người tiêu dùng ở các khu chợ truyền thống tại Italy. Các gian hàng ở các khu chợ Giáng sinh truyền thống mang đến cho người tiêu dùng nhiều loại thực phẩm hữu cơ tươi ngon, trong đó có món kẹo Torronte (kẹo dẻo với mật ong và hạnh nhân), các loại bánh truyền thống, phomai… và những món đồ thủ công mỹ nghệ đẹp mắt. Sự hiện diện trực tiếp của nhà sản xuất tại điểm bán hàng chính là sự đảm bảo tin cậy nhất cho các sản phẩm. Thông qua đó, người tiêu dùng được cung cấp thông tin cụ thể về địa điểm và các phương pháp sản xuất.
Kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội nông dân quốc gia Italy (Coldiretti) cho thấy các chợ truyền thống năm nay thu hút khoảng 28 triệu người tiêu dùng Italy trực tiếp đến tham quan, mua sắm cho kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm. Khoảng 49% số người Italy đến chợ cho biết sẽ ưu tiên chi cho thực phẩm và rượu vang, tiếp đến là đồ trang trí Giáng sinh, đồ gia dụng, sản phẩm thủ công, bánh kẹo và quần áo.
Hiện nay, mạng lưới hơn 1.200 chợ nông sản tại Italy, thu hút khoảng 15.000 hộ nông dân nước này tham gia, đang giúp giảm bớt các khâu trung gian và khoảng cách vận chuyển, đảm bảo việc cung cấp các nguồn sản phẩm tươi ngon hơn đến tay người tiêu dùng. Việc người dân Italy lựa chọn mua sắm tại chợ nông sản còn góp phần quan trọng để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện việc làm của nước này trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-tieu-dung-italy-man-ma-tro-lai-voi-cho-giang-sinh-truyen-thong-20231212081145461.htm
3. Chợ truyền thống nỗ lực thay đổi
Mặc dù chỉ còn vài tuần nữa kết thúc năm 2023, nhưng qua ghi nhận cho thấy, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu khiến sức mua giảm sút. Đứng trước thách thức này, tiểu thương một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã nỗ lực thay đổi, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nhằm thu hút khách. Hiện tại, tiểu thương tại các chợ An Đông (Quận 5),  Bình Tây (quận 6), Tân Bình (quận Tân Bình), Bến Thành (Quận 1)… đang tập bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc quảng bá, bán hàng là xu thế tất yếu. Tuy vậy, song hành cùng với đó là việc rà soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, nhằm mang đến cho người mua những sản phẩm tương xứng với giá tiền bỏ ra. Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng, các sản phẩm, dịch vụ ngày càng được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng thương mại lớn, góp phần tạo tiền đề đẩy mạnh kinh tế số. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng cũng được xem như cuộc trình diễn, tính tương tác cao và nhà nước phải đi trước giúp các nhà sáng tạo biết giới hạn, tuân thủ quy định pháp luật.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cho-truyen-thong-no-luc-thay-doi-post717939.html
4. Doanh nghiệp tham gia sự kiện khuyến mại hàng hiệu tăng gấp 3 lần
Chiều 12-12, Sở Công Thương TPHCM và UBND Quận 1 phối hợp công bố tổ chức “Sự kiện khuyến mãi hàng hiệu – Flash Sale holiday đợt 2”. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày cuối tuần này, từ ngày 15 đến 17-12 tạiTrung tâm thương mại Union Square (171 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM). Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TPHCM, sự kiện lần thứ hai này có sự góp mặt của gần 60 doanh nghiệp với hơn 400 nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế; mức khuyến mại tối đa lên đến 90%.
Dù số lượng nhà kinh doanh tham dự đã tăng gấp 3 lần sự kiện đợt đầu tiên, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác muốn tham gia chương trình. Tuy nhiên, do khu vực trưng bày khoảng 3.000 mét vuông không còn gian hàng trống nên ban tổ chức đã phải từ chối các doanh nghiệp đăng ký sau. Đây là sự kiện mua sắm hàng hiệu lớn nhất trong năm do thành phố tổ chức, với sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa khoảng 40%. Sự kiện được kỳ vọng thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ của thành phố.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-tham-gia-su-kien-khuyen-mai-hang-hieu-tang-gap-3-lan/

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Trà sữa Trung Quốc chú ý các thông tin sức khỏe, truy xuất nguồn gốc
Các chuỗi trà sữa và thức uống đang gây bão với giới trẻ Trung Quốc có xu hướng cung cấp thông tin về thành phần, lượng calories cho khách hàng khi người tiêu dùng càng chú trọng hơn đến sức khỏe của họ. “Chúng tôi chuẩn bị tiết lộ thành phần, thành phần dinh dưỡng và thông tin nguồn gốc nguyên liệu”, chuỗi trà Heytea hàng đầu của Trung Quốc thông báo trên trang web vào cuối tháng 10 vừa rồi. Sau đó, các báo cáo về thành phần nguyên liệu được Heytea công bố trên website và bảng hiệu điện tử ở các cửa hàng. Và khách hàng cho thấy họ rất ủng hộ sáng kiến của các chuỗi trà sữa như Heytea.
Giới trẻ ở Trung Quốc bắt đầu bị các loại trà lạnh mới mê hoặc từ năm 2015. Khoảng 515.000 tiệm cung cấp các thức uống như vậy tính đến cuối tháng 8-2023, tăng 36% so với cuối năm 2020. Người tiêu dùng TQ đang chú ý hơn đến thành phần của các loại thức uống họ mua. Một cuộc khảo sát cho thấy 49,4% người được khảo sát đã mua ít các loại trà này hơn. Bởi khách hàng nghĩ rằng các loại đồ uống này có hại cho sức khỏe, nhiều trong số đó chứa các loại đường trái cây và các chế phẩm từ sữa như kem và kem bọt phô mai. Khoảng 68% người mua trà nghĩ đến chất lượng và độ an toàn của đồ uống trước khi mua. Ngoài ra, nhiều người còn theo dõi lượng calories, chất béo và đường trong các món đồ uống của họ. Chính những yếu tố trên đã thúc đẩy các chuỗi đồ uống tiết lộ thông tin và tìm cách giải quyết những lo ngại này.
Nguồn: https://bsamedia.vn/tra-sua-trung-quoc-chu-y-cac-thong-tin-suc-khoe-truy-xuat-nguon-goc/
2. Tỷ phú Thái kiếm gần 9.300 tỷ cổ tức từ khi thâu tóm Sabeco
Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm nay. Hiện Công ty TNHH Vietnam Berverage thuộc Tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, đang sở hữu gần 53,6% vốn Sabeco. Như vậy, cổ đông lớn này sẽ nhận về hơn 1.030 tỷ đồng cổ tức trước thềm Tết Nguyên đán. Theo kế hoạch, Sabeco cần chia cổ tức với tỷ lệ 35% trong năm nay. Nếu thực hiện đủ, số tiền mà tỷ phú Thái Lan nhận về sẽ là 2.630 tỷ đồng.
Đây là lần thứ bảy liên tiếp cổ đông người Thái nhận cổ tức nghìn tỷ đồng từ Sabeco. Cuối năm 2017, Tập đoàn Thai Beverage mua lại 53,6% cổ phần Sabeco. Kể từ đó, cổ đông xứ chùa vàng hưởng hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm, lũy kế đến nay nhận được hơn 9.280 tỷ đồng.
Nguồn” https://vnexpress.net/ty-phu-thai-kiem-gan-9-300-ty-co-tuc-tu-khi-thau-tom-sabeco-4685844.html
3. Nestlé Việt Nam ra mắt phẩm mới – NESCAFÉ Nước Cốt Cà Phê
Nhãn hàng NESCAFÉ thuộc công ty Nestlé Việt Nam mới đây cho ra mắt sản phẩm NESCAFÉ Nước Cốt Cà Phê, đáp ứng nhu cầu uống cà phê mạnh (cà phê pha phin đậm vị truyền thống) của người Việt.
NESCAFÉ Nước Cốt Cà Phê mang đến giải pháp cà phê tiện lợi vì giờ đây người tiêu dùng chỉ cần thêm đá và thưởng thức cà phê, tiết kiệm thời gian để phù hợp với lịch trình bận rộn. Sản phẩm được thiết kế bao bì gói nước (75ml) độc đáo và duy nhất sản xuất bởi Nestlé Việt Nam, với hai hương vị chuẩn pha phin phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Việt gồm nước cốt cà phê đen và nước cốt cà phê sữa đá.
Nguồn: https://bnews.vn/nestle-viet-nam-ra-mat-pham-moi-nescafe-nuo-c-co-t-ca-phe/317764.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Nguồn cung cà phê tại châu Âu từ năm 2025 có thể bị thiếu hụt vì quy định chống phá rừng
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cảnh báo hôm 6/12 rằng Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ thiếu cà phê từ năm 2025, đồng thời chỉ ra sự mơ hồ trong các quy định mới của châu Âu về nạn phá rừng. Mùa Xuân vừa qua, EU đã thông qua một quy định nhằm ngăn chặn nạn phá rừng để sản xuất hàng hóa cho thị trường châu Âu. Các công ty nhập khẩu một số sản phẩm nhất định, chẳng hạn như cà phê, sẽ phải áp dụng hệ thống giám sát cây trồng và sẽ bị phạt tiền nếu vi phạm. Quy định có hiệu lực vào tháng 6/2023 và cho phép các doanh nghiệp thời gian đến cuối năm sau để thích ứng.
Nhưng theo Giám đốc điều hành của ICO Vanúsia Nogueira, các quy định mới vẫn gây ra nhiều bất ổn. Bà Nogueira cảnh báo tại một hội nghị: “Nếu các công ty không đưa ra phản hồi để tuân thủ các quy định mới này, EU có thể không nhận đủ cà phê từ năm 2025. Những quy định mới này sẽ là thách thức lớn nhất của chúng tôi trong năm tới. Chúng tôi lo ngại rằng những trang trại nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng những yêu cầu mới này”.
Nguồn: https://bnews.vn/kha-nang-thieu-nguon-cung-ca-phe-tai-chau-au-tu-nam-2025/317350.html
2. Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Sáng 12/12 tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động triển khai đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đề án gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu hình thành được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bà Carolyn Turk – giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – cho biết đã đồng hành với Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Theo bà Carolyn, WB cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ đề án này thông qua các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện, từ đó tạo được một nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế trong tương lai.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngan-hang-the-gioi-cam-ket-ho-tro-thuc-hien-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-20231212104427692.htm
3. Thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Ngày 11/12, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (viết tắt là VIETRISA – Vietnam Rice Sector Association) nhiệm kỳ 2023-2028. Ngoài ra, đại hội cũng bầu 6 Phó Chủ tịch hiệp hội, gồm: ông Lê Quốc Doanh, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn; bà Trần Thị Liên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinaseed; ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời và ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt.
VIETRISA là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cá nhân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và các phụ phẩm, sản phẩm chế biến từ lúa gạo; sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ số, dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ phát triển ngành hàng lúa gạo.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thanh-lap-hiep-hoi-nganh-hang-lua-gao-viet-nam-post717951.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Hai kênh đào gián đoạn, các nước tìm cách chuyển hướng vận chuyển
Kênh đào Panama đang bị hạn hán nghiêm trọng, trong khi kênh đào Suez chứng kiến một loạt vụ tấn công tàu chở hàng gần khu vực. Theo báo Financial Times, gián đoạn cùng lúc tại kênh đào Panama và kênh đào Suez – hai hành lang vận chuyển hàng hóa quan trọng của thế giới – đang đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu trước mùa cao điểm lễ hội và dịp lễ Giáng sinh cận kề. Đã có dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn tại hai kênh đào huyết mạch đang làm tăng chi phí hàng hóa, khi nhiều chủ tàu áp dụng phụ phí hàng trăm USD cho mỗi container được vận chuyển qua kênh đào Panama. Trong thời gian ngắn, chi phí cho mỗi tàu khi đi qua kênh đào này đã tăng lên hàng triệu USD. Tuần trước, Tập đoàn Hapag-Lloyd cho biết sắp tới sẽ áp dụng “phụ phí rủi ro chiến tranh” lên đến 80 USD cho tất cả các chuyến hàng đến và đi từ Israel.
Theo ông Marco Forgione – tổng giám đốc Viện Xuất khẩu và thương mại quốc tế (Anh), sự gián đoạn này làm dấy lên lo ngại cho khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu, đồng thời đề xuất việc xem xét đến biện pháp thay thế các nguồn sản xuất và phương pháp vận chuyển – như đường hàng không. “Chính phủ và doanh nghiệp cần xem xét về một chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi… Gần như không thể làm gì để cải thiện tình trạng này trong dịp Giáng sinh. Nhưng nếu không có hành động, tôi nghĩ sẽ có nguy cơ thiếu hụt trong suốt năm tới”, ông Forgione nhận xét.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hai-kenh-dao-gian-doan-cac-nuoc-tim-cach-chuyen-huong-van-chuyen-20231211090214414.htm?gidzl=WlqFTnqLSbo3wmvo7mbtNeRl2tC41oDRdU88SLC59Wx7u0bnMW1rNfUrMN88NI9OahuE93ciq4qP71zmLW
2. Indonesia trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan
Thứ trưởng Thương mại Thái Lan Naphinthorn Srisanpang ngày 5/12 cho biết hạn hán đã ảnh hưởng đến các vùng trồng lúa của Indonesia, đặc biệt là ở Java và một phần Nam Sumatra. Nông dân ở vùng cao tại các khu vực này đã buộc phải trồng các loại cây tiêu thụ ít nước như ngô. Theo ông Naphinthorn, Indonesia đứng thứ 20 trong danh sách các nước nhập khẩu gạo của Thái Lan năm ngoái với khối lượng đặt hàng 91.714 tấn gạo trị giá 42,24 triệu USD. Tuy vậy, trong 10 tháng tính từ đầu năm nay, khối lượng đó đã tăng đáng kể lên 1,05 triệu tấn gạo trị giá 523,45 triệu USD, đưa Indonesia trở thành thị trường gạo số 1 của Thái Lan với phần lớn lượng nhập khẩu là gạo trắng.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan từ tháng 1-10/2023 đạt tổng cộng 6,92 triệu tấn, trị giá 3,96 tỷ USD, tăng 11,4% về khối lượng và 24,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nhà nhập khẩu hàng đầu là Indonesia, Mỹ, Nam Phi, Iraq và Trung Quốc.
Nguồn: https://bnews.vn/indonesia-tro-thanh-nuoc-nhap-khau-gao-lon-nhat-cua-thai-lan/317352.html
3. Thái Lan vận hành mạng lưới vận tải đường sắt đưa nông sản đi ra thế giới
Thái Lan đã bắt đầu đưa vào vận hành mạng lưới vận tải đường sắt để xuất khẩu nông sản của nước này sang Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Chuyến hàng nông sản đầu tiên này chở gạo và cao su, bắt đầu khởi hành vào ngày 10/12 từ ga Map Ta Phut, tỉnh Rayong, dự kiến sẽ đến Thành Đô, Trung Quốc vào ngày 15/12, sau đó sẽ tiếp tục di chuyển đến Nga và Ba Lan. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Thammanat Prompao, chuyến đi trên tuyến đường mới sẽ chỉ mất khoảng 5 ngày, nhanh hơn so với đường biển.
Mạng lưới đường sắt này thông qua sự hỗ trợ của hệ thống đường sắt Thái Lan – Lào – Trung Quốc, do Kho vận đa phương thức toàn cầu (GML), Tổ chức thị trường cho nông dân (MOF) và Công ty Tơ lụa Pan-Asia (PAS) hợp tác khai thác, được kỳ vọng sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thái Lan bằng cách tận dụng vận tải đường sắt để xuất khẩu các mặt hàng như gạo, sầu riêng và cao su.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thai-lan-van-hanh-mang-luoi-van-tai-duong-sat-dua-nong-san-di-ra-the-gioi-post717828.html
4. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch 11 tháng hơn 155 tỉ USD
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam suốt nhiều năm gần đây, với kim ngạch chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cụ thể, tính đến hết tháng 11, trị giá xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 155,7 tỉ USD. Đây là năm thứ sáu liên tiếp (2018-2023) quy mô kim ngạch song phương giữa hai nước đạt trên 100 tỉ USD.
Về nhập khẩu của Việt Nam, tính đến cuối tháng 11, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí số một với trị giá lên tới 100,3 tỉ USD. Còn về trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, Trung Quốc đứng thứ hai, với 55,4 tỉ USD, sau Mỹ. Như vậy, trong quan hệ thương mại giữa hai nước, tính trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn bị thâm hụt lớn từ thị trường Trung Quốc với nhập siêu gần 44,9 tỉ USD.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-quoc-la-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-viet-nam-kim-ngach-11-thang-hon-155-ti-usd-20231210225422164.htm
5. Ký kết nghị định thư xuất khẩu dưa hấu Việt Nam sang Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Việc ký kết Nghị định thư này được thực hiện trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12 đến 13-12.
Nghị định thư xác định rõ các yêu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc nhằm đảm bảo quả dưa hấu tươi của Việt Nam tuân thủ các Luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật, từ đó tạo cơ sở cho việc tuân thủ của các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, đến nay, Việt Nam có các loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư sang Trung Quốc gồm măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang, dưa hấu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ky-ket-nghi-dinh-thu-xuat-khau-dua-hau-viet-nam-sang-trung-quoc-nong-dan-can-luu-y-gi-20231213140914183.htm
6. Việt Nam chi 1,15 tỷ USD nhập khẩu thịt trong 10 tháng
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 5% về lượng, nhưng giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ lợn đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt trong 10 tháng năm nay tăng 20,3% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, nhưng chỉ đạt 88,95 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt trâu, bò tươi đông lạnh… Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu thịt, sản phẩm từ thịt với giá trị nhập khẩu cao gấp 12,7 lần so với xuất khẩu.
Nguồn: https://thanhnien.vn/viet-nam-chi-115-ti-usd-nhap-khau-thit-trong-10-thang-gap-127-lan-xuat-khau-185231208141319851.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Mỹ sẽ trợ cấp lớn cho sản xuất hydro
Cố vấn năng lượng Mỹ John Podesta ngày 6/12 cho biết sau Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), Mỹ sẽ sớm công bố hướng dẫn giúp các nhà sản xuất hydro nhận được hàng tỷ USD tiền trợ cấp năm nay trong khuôn khổ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).
Hydro là nhiên liệu sạch mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá là quan trọng trong việc giảm bớt khí thải trong những lĩnh vực khó giảm carbon như sản xuất nhôm và xi măng. Hydro được tạo ra bằng cách điện phân nước và có thể được coi là xanh nếu quá trình sản xuất sử dụng các nguồn năng lượng không phát thải như năng lượng Mặt Trời, gió, hạt nhân hay thủy điện. Hiện nay hầu như không có hydro xanh nào được sản xuất do chi phí cao và những hạn chế khác. Do đó, với khoản trợ cấp 3 USD/kg theo IRA, Chính phủ Mỹ đang hy vọng có thể khởi động lại ngành này.
Nguồn: https://bnews.vn/my-se-tro-cap-lon-cho-san-xuat-hydro/317408.html
2. Hàng xuất khẩu vào EU có nguy cơ bị áp ‘thuế môi trường’
Từ năm 2024, các nước châu Âu bắt đầu áp dụng “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – CBAM”. Cơ chế này được xem như một loại “thuế môi trường” và dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng hóa xuất khẩu của các nước trong đó có Việt Nam vào thị trường EU. Bà Nga Phạm, chuyên gia nghiên cứu cao cấp (Trung tâm nghiên cứu Tài chính, ĐH Monash, Úc) cho biết: CBAM hiểu một cách đơn giản là một loại thuế về môi trường được áp dụng với các nhà sản xuất không thực hiện phát triển bền vững, giảm phát thải xuất khẩu vào khối này. Mức “thuế” môi trường dự kiến có thể lên đến 100 USD/tấn CO2. Đây là mức khá cao, làm cho hàng hóa vào EU đắt đỏ hơn trước rất nhiều, từ đó giảm sức cạnh tranh.
Không chỉ các DN xuất khẩu, ngay cả các doanh nghiệp ở EU cũng phải đáp ứng khoảng 1.000 yêu cầu về CBAM từ phía các nhà quản lý. EU là một trong những thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện chiến lược “xanh hóa” các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, việc thực hiện báo cáo ESG – Environmental Social and Goverance (phát triển bền vững) là vô cùng quan trọng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hang-xuat-khau-vao-eu-co-nguy-co-bi-ap-thue-moi-truong-185231208134814866.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Nhà bán lẻ thời trang châu Âu gia nhập mảng kinh doanh quần áo second-hand
Đầu tuần trước, thương hiệu Zara của Inditex (Tây Ban Nha) mở rộng dịch vụ Pre-Owned ra 14 nước ở châu Âu bao gồm thị trường quê nhà. Dịch vụ này cho phép người tiêu dùng bán lại hoặc sửa chữa cũng như hiến tặng quần áo của thương hiệu Zara. Thương hiệu H&M của Thụy Điển đã xây dựng nền tảng Rewear nhằm bán và mua quần áo đã qua sử dụng từ bất kỳ thương hiệu nào. Trong khi đó, nhà bán lẻ thời trang trực tuyến lớn nhất châu Âu Zalando (Đức) khai trương mảng kinh doanh áo quần second-hand vào tháng 9-2020 và đã nhanh chóng mở rộng mảng này.
Theo dữ liệu từ Statista, thị trường quần áo cũ toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 351 tỉ đô la vào năm 2027, gần gấp đôi so với mức 177 tỉ đô la vào năm ngoái. Con số này không hề nhỏ so doanh thu ước tính trên thị trường may mặc trên toàn thế giới là 1,74 nghìn tỉ đô la trong năm nay. Các nhà bán lẻ thời trang nhìn thấy cơ hội lớn trên thị trường quần áo cũ nhờ sự kết hợp giữa nhu cầu của người tiêu dùng và mối quan tâm về tính bền vững. Dù thị trường quần áo second-hand dự kiến tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới, các nhà phân tích lưu ý khả năng sinh lời của mảng kinh doanh này vào thời điểm hiện nay chỉ ở mức hạn chế.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nha-ban-le-thoi-trang-chau-au-gia-nhap-mang-kinh-doanh-quan-ao-second-hand/

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Hàn Quốc miễn phí visa theo đoàn cho khách Việt Nam
Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã công bố kế hoạch nhằm thu hút 20 triệu khách du lịch nước ngoài, hướng tới đạt mức doanh thu 24,5 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc sẽ miễn thị thực theo đoàn cho khách du lịch và giới thiệu 2 loại thị thực mới bao gồm thị thực văn hóa Hàn Quốc và thị thực “workcation” (vừa làm việc, vừa đi nghỉ). Nhóm khách được miễn thị thực trong chiến lược mới sẽ bao gồm khách du lịch từ Việt Nam, Indonesia và Philippines. Thời gian nộp đơn xin thị thực sẽ được kéo dài đến năm sau.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm và du lịch của người nước ngoài. Hệ thống thanh toán di động nước ngoài dự kiến được giới thiệu tại các cửa hàng, cho phép du khách sử dụng phương thức thanh toán từ nước họ. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ phát triển một ứng dụng di chuyển dành riêng cho du khách nước ngoài để đặt chỗ tàu, xe buýt và taxi, đồng thời phát triển phiên bản tiếng Anh của dịch vụ định vị hiện có.
Nguồn: https://vtc.vn/han-quoc-mien-phi-visa-theo-doan-cho-khach-viet-nam-ar839850.html
2. Điểm đến Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm tăng 300%
Báo cáo dữ liệu tìm kiếm năm 2023 vừa được nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda công bố ngày 7/12 cho thấy sự gia tăng đáng kể trong các tìm kiếm du lịch liên quan đến Việt Nam. Dữ liệu này cho thấy được xu hướng du lịch của du khách quốc tế đến Việt Nam và cả du khách Việt Nam muốn khám phá các điểm đến toàn cầu. Theo đó, đã có sự tăng trưởng đáng kể lên đến 298% so với cùng kỳ năm trước trong việc tìm kiếm điểm đến tại Việt Nam. Trong năm qua, top 5 quốc gia có lượt tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm có: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Trong khi đó, du khách Việt Nam cũng đang tìm kiếm các điểm đến xa hơn để thỏa mãn đam mê xê dịch của mình, với lượt tìm kiếm điểm đến quốc tế tăng vọt lên tới 45%.
Đối chiếu thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam 11 tháng đầu năm 2023, những quốc gia được ghi nhận có lượt tìm kiếm cao đều nằm trong nhóm thị trường khách lớn. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với 3,2 triệu lượt (chiếm 28,5%). Tiếp đó là khách Trung Quốc đạt 1,5 triệu lượt, Đài Loan (Trung Quốc) với 758.000 lượt, khách Mỹ đạt 658.000 lượt và khách Nhật Bản với khoảng 527.000 lượt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-den-viet-nam-duoc-khach-quoc-te-tim-kiem-tang-300-20231207192104467.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Việt Nam sẽ là nơi đặt nhà máy sản xuất máy tính bảng iPad tiếp theo của Apple
Nguồn tin của Nikkei Asia nói rằng Apple đang hợp tác với BYD của Trung Quốc, một nhà lắp ráp iPad quan trọng, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm mới (NPI) sang Việt Nam.“Đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam cho một thiết bị cốt lõi như iPad” – Nikkei Asia nhấn mạnh. Các nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng quá trình xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2/2024. BYD cũng là nhà cung cấp đầu tiên của Apple chuyển dây chuyền lắp ráp iPad lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 2022. Sự thay đổi nguồn lực kỹ thuật NPI này tập trung vào các mẫu máy cấp thấp hơn thay vì các dòng iPad Pro cao cấp.
Apple hiện là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, với thị phần 36,6% trong 3 quý đầu năm 2023. Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Counterpoint Research (trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc), có 10% tổng số iPad được lắp ráp tại Việt Nam trong năm nay. Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc.
Nguồn: https://nld.com.vn/apple-sap-mo-them-nha-may-san-xuat-ipad-tai-viet-nam-196231208145144554.htm
2. Nvidia muốn lập cứ điểm tại Việt Nam để phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI
Chiều 10-12, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia khẳng định Nvidia mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới. Chủ tịch Huang của Nvidia cho rằng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Mỹ tạo điều kiện, nền tảng rất thuận lợi cho các hoạt động hợp tác và lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Ông Huang đánh giá cao tiềm năng, cơ hội lớn và chiến lược, tầm nhìn, cách tiếp cận rất rõ ràng, trọng tâm đầu tư hạ tầng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, và đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này – đây là nguồn tài nguyên lớn. Cũng theo ông Huang, Nvidia đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng. Với quan điểm coi Việt Nam là ngôi nhà của mình, ông khẳng định Nvidia mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai… góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nvidia-muon-lap-cu-diem-tai-viet-nam-de-phat-trien-he-sinh-thai-ban-dan-va-ai-20231210224014896.htm
3. Fujifilm đặt mục tiêu tăng doanh thu từ kinh doanh máy ảnh lên hơn 1 tỷ USD
Fujifilm Holdings đặt mục tiêu tăng doanh thu từ mảng kinh doanh máy ảnh lấy ngay Instax lên 150 tỷ yen (1,01 tỷ USD) trong tài khóa tới (bắt đầu từ 1/4/2024), cao hơn gấp ba lần so với mức tương ứng của 10 năm trước, bằng cách xây dựng cơ sở người dùng hâm mộ Gen Z (thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012). Trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2025, Fujifilm Holdings đặt mục tiêu doanh số bán Instax sẽ tăng khoảng 15% so với tài khóa 2022-2023. Đây sẽ là tài khóa thứ tư liên tiếp sản phẩm này đạt doanh thu kỷ lục.
Fujifilm nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng từ thế hệ trẻ, vốn bị thu hút bởi sự mới lạ nhưng vẫn mang nét cổ điển khi chụp những bức ảnh chụp lấy ngay có một không hai mà họ đang sản xuất. Công ty mong muốn tăng doanh số bán hàng bằng cách tung ra các mẫu Instax mới và máy in ảnh không dây cho điện thoại thông minh. Với 30% tổng lợi nhuận toàn bộ công ty, phân khúc ảnh đang trở thành phân khúc có thu nhập lớn nhất của Fujifilm sau mảng kinh doanh chăm sóc sức khỏe. Châu Âu và châu Mỹ là những thị trường lớn nhất của Instax, tiếp theo là châu Á.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/fujifilm-dat-muc-tieu-tang-doanh-thu-tu-kinh-doanh-may-anh-len-hon-1-ty-usd-post914870.vnp

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Nhập khẩu khoảng 26 triệu tấn than cho sản xuất điện 2024
Bộ Công Thương vừa ban hành phê duyệt về biểu đồ cấp than cho sản xuất điện 2024. Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải thu xếp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện năm 2024. Trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26 triệu tấn. Các loại than cấp cho từng nhà máy thực hiện theo hợp đồng mua bán than năm 2024. Theo đó, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than cần đảm bảo cung cấp ổn định than cho sản xuất điện năm 2024 và các năm tiếp theo; thường xuyên cập nhật kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia sao cho kịp thời điều chỉnh kế hoạch chuẩn bị nguồn than; không được để đứt gãy nguồn cung ứng than và thiếu than cho sản xuất điện.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị cung cấp than khác chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nhập khẩu, chế biến, pha trộn than; xây dựng, ban hành phương án pha trộn than bảo đảm phù hợp với từng loại than đưa vào pha trộn và yêu cầu chất lượng than sử dụng của từng nhà máy nhiệt điện than; chuẩn bị đủ nguồn than, góp phần đảm bảo cung lâu dài than cho các nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng đã ký.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nhap-khau-khoang-26-trieu-tan-than-cho-san-xuat-dien-2024/
2. Điện mặt trời mái nhà phát điện lên lưới quốc gia sẽ có giá 0 đồng
Bộ Công Thương vừa có đề nghị góp ý về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Về chính sách phát triển, dự thảo quy định về điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia. Theo đó, tổ chức cá nhân khi đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, không đầu tư kinh doanh điện, hoạt động kinh doanh mua bán điện.
Tuy nhiên, dự thảo quy định việc cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. Trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng. Có nghĩa là lượng điện phát lên lưới không được thanh toán, đổi lại Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dien-mat-troi-mai-nha-phat-dien-len-luoi-quoc-gia-se-co-gia-0-dong-20231207085718083.htm 

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Thành viên gia đình giàu nhất Thái Lan đầu tư vào bất động sản Đông Nam Á
Theo truyền thông Thái Lan ngày 11/12, một thành viên của gia đình giàu nhất Thái Lan đang hợp tác với một nhà quản lý tài sản có trụ sở tại Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) để đầu tư vào bất động sản hạng sang ở Đông Nam Á. Ông Chatchaval Jiaravanon, thành viên của gia đình tỷ phú sở hữu Tập đoàn Charoen Pokphand Group (Tập đoàn CP), đang dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư vào CMAG Funds – Quỹ đầu tư mới do Wonder Capital Group quản lý.
Theo bà Gigi Chan, Người sáng lập và Giám đốc Điều hành của Wonder Capital, cùng với Công ty Bất động sản Thái Lan IFCG, nhóm nhà đầu tư này đang nhắm đến các bất động sản cao cấp trong khu vực với kế hoạch huy động tới 100 triệu USD. Khoản đầu tư đầu tiên của CMAG, với tư cách cổ đông lớn, sẽ là tòa tháp phức hợp 71 tầng có tên Mesong, tòa nhà cao nhất Campuchia. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thanh-vien-gia-dinh-giau-nhat-thai-lan-dau-tu-vao-bat-dong-san-dong-nam-a-post915011.vnp
2. Từ kỳ lân đến ‘thây ma’: Startup công nghệ Mỹ cạn kiệt thời gian và tiền bạc
Theo tờ The New York Times, trong 6 tuần qua, hàng loạt công ty khởi nghiệp của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản hoặc đóng cửa. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, sự sụp đổ gần đây của nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ mới chỉ là khởi đầu. Nhiều công ty công nghệ từng đầy hứa hẹn giờ đây đang trên bờ vực sau khi cố gắng ngăn chặn kết quả tồi tệ nhất bằng cách cắt giảm chi phí chẳng hạn như sa thải hàng loạt. Theo dữ liệu do công ty theo dõi khởi nghiệp PitchBook tổng hợp, khoảng 3.200 công ty Mỹ được hỗ trợ bởi liên doanh tư nhân đã phá sản trong năm nay. Những công ty này đã huy động được tổng 27,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm…
Giờ đây, một số công ty đang chọn cách đóng cửa trước khi hết tiền và trả lại số tiền còn lại cho nhà đầu tư. Những công ty khác đang bị mắc kẹt trong chế độ “thây ma” – còn sống nhưng không thể phát triển. Các nhà đầu tư cho biết họ có thể tồn tại trong nhiều năm nhưng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm tiền.
Nguồn: https://vneconomy.vn/tu-ky-lan-den-thay-ma-startup-cong-nghe-my-can-kiet-thoi-gian-va-tien-bac.htm
Midea và Synnex FPT ký kết hợp tác chiến lược
Ngày 11.12 sắp tới, Công ty Midea Việt Nam và Công ty TNHH phân phối Synnex FPT chính thức ký kết đối tác chiến lược, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình hợp tác của hai đối tác với mục tiêu mang đến những sản phẩm điện gia dụng thông minh cho thị trường Việt Nam.
Lễ ký kết hợp tác giữa Midea và Synnex FPT hứa hẹn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thiết bị nhà bếp tiện ích, thông minh và an toàn, tạo nên một cuộc sống hiện đại và đầy tiện nghi. Sự hợp tác này chắc chắn sẽ giúp người tiêu dùng Việt có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm thiết bị gia đình chất lượng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống hiện đại.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/midea-va-synnex-fpt-ky-ket-hop-tac-chien-luoc-anh-dau-buoc-ngoat-cho-thi-truong-gia-dung-vn-a640023.html

BSAi