Sáng 16/8, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang đã tham gia Lễ Khai mạc Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7, Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27. Ảnh Báo Công Thương

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1.    Các siêu thị Mỹ cạnh tranh giành thực khách với nhà hàng
Người tiêu dùng Mỹ có xu hướng mua các mặt hàng rẻ hơn và mua ít sản phẩm hơn tại các siêu thị. Họ cũng ít đi ăn ở nhà hàng hơn hoặc mua mang về ít hơn. Trong năm qua, doanh số bán đồ ăn chế biến sẵn tính theo đô la ở các siêu thị của Mỹ tăng 8,3%, và tổng doanh số đơn vị đồ ăn chế biến sẵn của họ cũng tăng đều đặn, theo Công ty nghiên cứu Circana Group. Các chuỗi siêu thị ở Mỹ đang cải tiến các bữa ăn chế biến sẵn bày bán trong các gian hàng thịt nguội và bữa ăn tự chọn của họ bằng cách mở rộng thực đơn và giảm giá nhiều hơn. Nỗ lực này nhằm lôi kéo thực khách khỏi các nhà hàng.
Các lãnh đạo trong ngành bán lẻ thực phẩm cho biết, người tiêu dùng Mỹ đã trở nên tính toán hơn cho các bữa ăn bên ngoài nhà. Họ xem đây là cơ hội tuyệt vời để các siêu thị cung cấp các bữa ăn thay thế rẻ hơn, nhanh hơn. Kroger, nhà điều hành chuỗi siêu thị thực phẩm lớn nhất Mỹ, đã mở rộng các dịch vụ bữa ăn, bao gồm các bữa ăn món gà chế biến sẵn cùng với các món ăn kèm, đồ uống và bánh cuộn. Kroger cũng bán các suất bánh pizza, gà và bánh taco nhân bò bít tết sơ chế. Hồi tháng 5, chuỗi siêu thị Giant Eagle bắt đầu chương trình khuyến mại cho các bữa ăn chế biến sẵn. Nhờ vậy, doanh số bán hàng ở mảng này tăng cao hơn nhiều so với các mảng kinh doanh khác.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/my-sieu-thi-canh-tranh-gianh-thuc-khach-voi-nha-hang/
2.    Hãng bánh kẹo Hàn Quốc bắt tay ‘kỳ lân’ Thái Lan bán sữa tại Việt Nam
Orion vừa có thông báo về việc kết hợp với Dutch Milk (Thái Lan) trình làng 2 thương hiệu sữa Choco IQ và ProYo! đến thị trường Việt Nam. Các sản phẩm sẽ được bày bán tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc trong tháng 8 này. Dù không tiết lộ giá trị hợp đồng nhưng theo Orion, đây là thương vụ triệu USD.
Nguồn: https://thitruong.nld.com.vn//thi-truong/hang-banh-keo-han-quoc-bat-tay-ky-lan-thai-lan-ban-sua-tai-viet-nam-20230811081658522.htm
3.    Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ gạo rơi vào thế khó
Đứt nguồn cung nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ, trong khi gạo trong nước tăng giá từng ngày khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh bún, phở, bột… như “ngồi trên lửa”. Ngày 9/8, khảo sát tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM cho thấy, các mặt hàng bún, phở, hủ tiếu, bánh hỏi… đã tăng giá thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cách đây một tuần.
Gạo tăng giá làm không ít doanh nghiệp sản xuất bún, phở “đứng ngồi không yên”. Bà Nguyễn Thị Bính – Giám đốc Công ty CP SX-TM-DV Nguyễn Bính (TP Thủ Đức) cho biết, ngay khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, tuy tạo cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo nhưng khiến nguồn gạo chế biến dành cho DN sản xuất bị thâm hụt. Theo bà Bính, gạo chế biến là gạo khô, còn gạo ăn là loại dẻo, mềm. Nếu dùng gạo ăn để chế biến bún, mì sẽ làm sản phẩm dính bệt, không thể sản xuất. Từ mức giá 9.800 – 10.000 đồng/kg, hiện giá gạo loại này đã tăng lên 15.500 – 16.000 đồng/kg, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của DN nói riêng và của ngành sản xuất thực phẩm bún, phở… nói chung.
Nguồn: https://tienphong.vn/nhap-nhom-theo-gia-gao-post1558985.tpo
4.    Hệ thống Golden Gate mở thương hiệu trà sữa mới
Mới đây, thị trường F&B lại chào đón thêm một thương hiệu trà sữa mới tại Hà Nội, có tên Universal Tea. Cửa hàng đầu tiên đặt tại chân một tòa nhà văn phòng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), với diện tích mặt bằng lớn, thiết kế nhã nhặn, nhiều chỗ ngồi. Theo giới thiệu, Universal Tea sử dụng 3 dòng trà chính, sau khi đã trực tiếp tìm đến rất nhiều vùng trồng trà trứ danh trên thế giới: Từ Hà Giang đến Lâm Đồng, từ Đài Loan, Phúc Kiến – Trung Quốc, hay tới tận Kenya xa xôi. Ngoài các món trà, Universal Tea bán thêm một vài loại đồ uống cà phê truyền thống. Đáng chú ý, Universal Tea nằm trong danh sách các thương hiệu được công bố trên website chính thức của Golden Gate – “ông trùm” F&B tại Việt Nam.
Nguồn: https://markettimes.vn/tra-sua-van-chua-thoai-trao-ong-trum-golden-gate-mo-thuong-hieu-moi-canh-tranh-cung-phan-khuc-voi-phe-la-cheese-coffee-36875.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Doanh nghiệp du lịch hợp tác cung cấp vé, thẻ tàu hỏa châu Âu tại Việt Nam
Công ty Rail Europe (Rail Europe, trụ sở chính tại Paris – Cộng Hòa Pháp) vừa ký Thỏa thuận chỉ định đại diện kinh doanh của Rail Europe tại Việt Nam. Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ảnh Việt Hop on – Hop off Việt Nam trở thành đối tác chính thức của Rail Europe tại Việt Nam. Đây là thông tin được các bên tham gia công bố chiều 11/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Rail Europe cung cấp vé, thẻ tàu đi 33 nước thành viên và vùng lãnh thổ tại châu Âu. Thông qua thỏa thuận, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ảnh Việt Hop on – Hop off Việt Nam sẽ hỗ trợ du khách đặt, giữ chỗ và tư vấn hành trình đi lại trong nội địa châu Âu một cách nhanh chóng và thuận lợi. Vé, thẻ tàu được xuất với hình thức điện tử và du khách dễ dàng sử dụng QR code để check in trên các chuyến tàu đi lại trong châu Âu. Đặc biệt, toàn bộ thao tác đặt, giữ chỗ và thanh toán của khách hàng có thể thực hiện trực tuyến (online).
Nguồn: https://bnews.vn/doanh-nghiep-du-lich-hop-tac-cung-cap-ve-the-tau-hoa-chau-au-tai-viet-nam/302716.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1.    Xanh SM Bike của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức vận hành
Từ 14h ngày 14/8/2023, dịch vụ vận chuyển Xanh SM Bike chính thức đi vào hoạt động tại địa bàn đầu tiên là Hà Nội. Đây là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện VinFast của Công ty GSM, ra mắt chỉ sau 4 tháng triển khai Xanh SM Taxi. Giai đoạn đầu, dịch vụ sẽ sử dụng đồng bộ dòng xe máy điện VinFast Feliz S sơn màu xanh Cyan đặc trưng của Xanh SM. Trong giai đoạn tiếp theo, Xanh SM dự kiến bổ sung thêm mẫu xe máy điện VinFast Evo200.
Nguồn: https://markettimes.vn/xanh-sm-bike-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-chinh-thuc-van-hanh-gia-cuoc-tu-4-800-dong-km-36782.html

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart sẽ rút khỏi thị trường Thái Lan
Chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Nhật Bản sẽ rút khỏi Thái Lan sau khi thỏa thuận nhượng quyền với tập đoàn bán lẻ của Thái Lan là Central Group kết thúc hồi cuối tháng 5/2023, mở đường để công ty đối thủ là 7-Eleven tăng cường kiểm soát thị trường này. Gần 200 cửa hàng của FamilyMart tại Thái Lan sẽ chuyển đổi sang thương hiệu Tops Daily, chuỗi siêu thị nhỏ thuộc sở hữu của Central Group trong năm nay.
Nguồn: https://bnews.vn/chuoi-cua-hang-tien-loi-familymart-se-rut-khoi-thi-truong-thai-lan/302781.html
2.    ‘Cuộc chiến’ miễn phí giao hàng trong ngành thương mại điện tử
Kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của lạm phát nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng có xu hướng chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn, bên cạnh tìm kiếm các ưu đãi giảm giá đơn thuần. Vì vậy, gần đây, cuộc cạnh tranh miễn giảm phí ship, trải nghiệm giao hàng giữa các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở nên nóng bỏng.
Theo một khảo sát gần đây của TGM Research (công ty nghiên cứu thị trường dựa trên nền tảng công nghệ) về TMĐT, người tiêu dùng tại Việt Nam đặt “chi phí thấp” và “miễn phí vận chuyển” là những yếu tố hàng đầu khi mua hàng trực tuyến, với tỷ lệ 46%. Giá là yếu tố thứ hai, chiếm 43%. Do đó, các sàn TMĐT liên tục cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mại để hút khách. Trong đó, “cuộc chiến” phí vận chuyển liên tục diễn ra trong thời gian qua. Theo giới phân tích, năm nay, một số sàn cũng tiếp tục đổ hàng chục triệu USD để đầu tư mới cho logistics, tự động hóa quy trình, từ đó giảm được chi phí vận đơn, đẩy nhanh tiến độ giao hàng.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/apos-cuoc-chien-apos-mien-phi-giao-hang-trong-nganh-thuong-mai-dien-tu-1094630.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Foxconn tiếp tục đầu tư 600 triệu USD vào Ấn Độ dù còn gặp nhiều thách thức
Mới đây, theo truyền thông nước ngoài đưa tin, Foxconn hiện có kế hoạch đầu tư xây dựng 2 nhà máy lên tới 600 triệu USD tại Karnataka, Ấn Độ. Trong đó có 350 triệu USD được sử dụng để xây nhà máy sản xuất các linh kiện của Apple. Việc làm lần này của Foxconn đã gây bất ngờ không nhỏ, bởi hãng mới rút khỏi nhà máy sản xuất chất bán dẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Mặc dù có sự đồng thuận trong ngành rằng môi trường kinh doanh ở Ấn Độ không tốt nhưng Foxconn và một số công ty khác vẫn phải quay lại đây để phục vụ nhu cầu của Apple.
Ngoài Foxconn, các hãng điện thoại nổi tiếng của Trung Quốc như Xiaomi, OPPO, vivo, realme cũng đang tiếp tục thâm nhập thị trường Ấn Độ. Để ngăn việc Ấn Độ trở thành “bãi rác” của hàng tiêu dùng Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm và buộc Foxconn và Xiaomi phải thành lập nhà máy tại Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ gần như đã trở thành người chơi thống trị với sự hấp dẫn của không gian tiêu dùng khổng lồ và lợi tức nhân khẩu học, đồng thời khiến các công ty Trung Quốc bị động trước thuế quan. Các doanh nghiệp chắc chắn nhận thức được những rủi ro liên quan, nhưng trước sự cám dỗ, Foxconn và Xiaomi đã chọn chấp nhận rủi ro.
Nguồn: https://vneconomy.vn/foxconn-tiep-tuc-dau-tu-600-trieu-usd-vao-an-do-du-con-gap-nhieu-thach-thuc.htm
2.    Căng thẳng Mỹ – Trung vẽ lại bản đồ công nghiệp bán dẫn châu Á – Thái Bình Dương
Cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc tạo cơ hội cho những quốc gia nhỏ hơn tìm kiếm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Tháng 6/2023, nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ thông báo xây dựng nhà máy sản xuất ở bang Gujarat của Ấn Độ, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024. Trong khi đó, công ty Hon Hai Precision Industry của Đài Loan, hay Foxconn, được cho là đang hợp tác với nhà sản xuất thiết bị chip của Mỹ Applied Materials để sản xuất máy móc bán dẫn ở bang Karnataka. Tại Thái Lan, Narit Therdsteerasukdi, người phụ trách chính sách đầu tư nước ngoài với tư cách là Tổng Thư ký của Ủy ban Đầu tư, đã gọi chất bán dẫn là một trong những hàng hóa quan trọng nhất hiện nay. Thái Lan đang tập trung sâu vào việc thu hút các công ty tham gia vào các quy trình đầu cuối, chẳng hạn như thiết kế chất bán dẫn và tấm bán dẫn khắc. Các quy trình này được coi là tiên tiến hơn về mặt kỹ thuật so với các quy trình phụ trợ như cắt chip và đóng gói. Bên cạnh đó, nước này cũng đang phát triển ngành công nghiệp địa phương, tập hợp các nhà máy lắp ráp xe điện và các nhà cung ứng linh kiện.
Singapore và Malaysia đang dẫn đầu trong việc thu hút các cơ sở chế tạo. Tại Singapore, nơi đã phát triển ngành công nghiệp bán dẫn từ những năm 1960, sẽ khai trương xưởng đúc trị giá 4 tỷ USD của nhà sản xuất bán dẫn Mỹ GlobalFoundries vào tháng 9 tới đây. Nhìn sang Malaysia, gã khổng lồ Infineon Technologies của Đức thông báo kế hoạch chi 5 tỷ Euro (5,45 tỷ USD) để mở rộng các cơ sở hiện có. Khoản đầu tư này hướng tới việc sản xuất chất bán dẫn điện cacbua silic thế hệ tiếp theo. Intel, tập đoàn công nghệ hàng đầu, cam kết đầu tư 6,49 tỷ USD trong vòng 10 năm đến năm 2031 cho quy trình back-end tại nước này. Trong khi đó, Việt Nam có các cơ sở sản xuất và nghiên cứu cho những công ty hàng đầu như Samsung Electronics và Intel.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cuoc-dua-ve-lai-ban-do-cong-nghiep-ban-dan-tai-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-2178090.html
3.    Nhà mạng Hàn Quốc đầu tư 100 triệu USD vào startup trí tuệ nhân tạo
SK Telecom, nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc, cho biết sẽ đầu tư 100 triệu USD vào công ty trí tuệ nhân tạo Anthropic của Mỹ nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực AI. Anthropic là startup nghiên cứu và an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) với các sản phẩm như trợ lý AI Claude. Công ty được thành lập năm 2021 bởi các cựu thành viên của OpenAI, hãng đứng sau chatbot ChatGPT. Theo SK Telecom, nhà mạng đã lên kế hoạch hợp tác với Anthropic để phát triển một nền tảng AI cũng như mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Nhật. Nhà khoa học trưởng kiêm đồng sáng lập Anthropic, Jared Kaplan, sẽ phụ trách phát triển LLM mới.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nha-mang-han-quoc-dau-tu-100-trieu-usd-vao-startup-tri-tue-nhan-tao-2177471.html
4.    Nhiều công ty xe điện Trung Quốc đổ bộ Đông Nam Á
Bắt đầu từ cuối tháng 7/2023, doanh nghiệp startup xe điện Trung Quốc Hozon đã công bố hợp tác với PT Handal Indonesia Motor, hướng tới mục tiêu lắp ráp ô tô nguyên chiếc từ quý 2/2024. Trước mắt, Hozon đang trưng bày 3 mẫu xe Neta của mình tại Triển lãm ô tô quốc tế Gaikindo Indonesia từ ngày 10 – 20/8. Ngoài Indonesia, Hozon cũng đang có những động thái khám phá thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan thông qua việc mở bán một số mẫu xe. Đặc biệt tại Thái Lan, Hozon cũng là thương hiệu xe điện bán chạy nhất vào tháng 6/2023 khi chiếm 28,9% thị phần.
Cùng đồng thời nhắm tới xứ sở chùa vàng, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc và SAIC đã bắt đầu xây dựng một khu công nghiệp năng lượng mới vào đầu tháng 5 vừa qua nhằm tập trung vào nội địa hóa việc sản xuất các linh kiện cho các phương tiện năng lượng mới của công ty. Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại thị trường Đông Nam Á. Công ty đang có kế hoạch sẽ sản xuất xe ở Thái Lan từ năm 2024 trong khi bán sản phẩm không chỉ tại thị trường địa phương mà còn các thị trường khác trong khu vực với công suất hàng năm tối đa 150.000 xe.
Ngoài các nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất pin lithium Trung Quốc EVE Energy vào ngày 9/8 cũng vừa khởi công xây dựng cơ sở sản xuất tại Malaysia với khoản đầu tư ban đầu 422 triệu USD. Nhà máy này sẽ tập trung vào sản xuất pin lithium-ion hình trụ để hỗ trợ các công cụ điện và xe hai bánh chạy bằng điện được sản xuất trong nước và trên khắp Đông Nam Á.
Nguồn: https://mekongasean.vn/nhieu-cong-ty-xe-dien-trung-quoc-do-bo-dong-nam-a-post25592.html
5.    Tesla lại giảm giá xe tại Trung Quốc
Tesla thông báo tiếp tục giảm giá xe ở Trung Quốc đại lục, trong bối cảnh cạnh tranh tại thị trường tỷ dân khiến cổ phiếu của công ty bị giảm giá trị. Tesla đã công bố thông tin về quyết định giảm giá xe trong một bài đăng trên Weibo vào tối Chủ nhật. Theo đó, hai phiên bản Trung Quốc của chiếc crossover Model Y, có giá 299.000 và 349.000 Nhân dân tệ, sẽ được giảm giá 14.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 2.000 USD.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến khốc liệt về giá giữa Tesla và các nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc như BYD, Nio và Xpeng đã ăn mòn biên lợi nhuận của Tesla trong quý 2 năm 2023. Nhà sản xuất xe điện của Mỹ đã thua các đối thủ cạnh tranh trong nước, ngay cả khi họ tăng cường sản xuất tại nhà máy Gigafactory ở Thượng Hải. Tesla đã giảm giá nhiều lần trong suốt các mẫu xe điện của mình trong 2 năm 2022 và 2023, với nỗ lực giải phóng hàng tồn kho và tăng số lượng giao hàng.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/tesla-lai-giam-gia-xe-tai-trung-quoc-20230815113129469.htm
6.    Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới
Cập nhật tình hình xuất khẩu ô tô, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dẫn dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu 2,341 triệu xe ô tô, tăng 76,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo số liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản công bố, số xe ô tô xuất khẩu của nước này trong cùng thời kỳ là 2,02 triệu chiếc, tăng 17% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên số xe ô tô xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, đứng đầu thế giới. Trước đó, trong quý I/2023, Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản về xuất khẩu ô tô theo quý, trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất toàn cầu.
Dữ liệu còn cho thấy, có hai nguyên nhân chính khiến xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay, đó là doanh số bán xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống tăng đáng kể tại thị trường Nga. Cùng với đó, xe năng lượng mới xuất khẩu ngày càng nhiều sang thị trường châu Âu và Đông Nam Á. 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 800.000 chiếc xe năng lượng mới, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 34% tổng lượng xe xuất khẩu.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/trung-quoc-vuot-nhat-ban-tro-thanh-nuoc-xuat-khau-o-to-lon-nhat-the-gioi-post1039042.vov
7.    VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ từ 15/8
Tại New York, ngày 14/8/2023 (tức ngày 15/8/2023 theo giờ Việt Nam), cổ phiếu và chứng quyền của công ty VinFast Auto Ltd chính thức bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (Nasdaq), với các mã niêm yết lần lượt là “VFS” và “VFSWW”. Thông báo về việc hoàn thành hợp nhất kinh doanh được đưa ra sau khi các cổ đông của Black Spade bỏ phiếu chấp thuận giao dịch vào ngày 10/8/2023. Sau hợp nhất, Black Spade trở thành công ty con thuộc sở hữu của VinFast Auto Ltd và được dự kiến sẽ rút niêm yết khỏi sàn giao dịch NYSE American LLC.
Nguồn: https://mekongasean.vn/vinfast-chinh-thuc-niem-yet-tren-san-chung-khoan-my-tu-158-post25622.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.    Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh
Trên thị trường châu Âu, giá khí đốt đã bất ngờ bật tăng mạnh do những lo ngại về nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Australia. Chỉ trong một phiên, giá khí đốt tương lai TTF tại sàn Hà Lan – chỉ số chuẩn về khí đốt tại châu Âu, đã bật tăng hơn 40% lên mức 43 Euro/megawatt giờ, cao nhất kể từ tháng 6. Diễn biến này xảy ra sau các thông tin về khả năng công nhân tại các nhà máy LNG Australia đang có kế hoạch đình công. Giới phân tích cho biết, thị trường vẫn cảnh giác với bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung tiềm năng nào, mặc dù giá vẫn đang thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh của mùa hè năm ngoái khi việc cắt giảm nguồn cung đường ống của Nga đã đẩy khí đốt lên mức cao kỷ lục trên 340 Euro/MWh.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-khi-dot-o-chau-au-tang-manh-20230811121741793.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.    Sắp diễn ra ngày hội đổi mới sáng tạo và nền kinh tế xanh
Ngày hội InnoEx 2023 với chủ đề “Innovation & Green Economy – Đổi mới sáng tạo và nền kinh tế xanh” sẽ diễn ra vào hai ngày 24 và 25-8. Đây là sự kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới và tăng trưởng dành cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam và khu vực ASEAN, giải quyết nhu cầu chưa đáp ứng của cộng đồng DN Việt Nam. Sự kiện sẽ quy tụ hơn 50 quỹ đầu tư, khoảng 200 DN ở nhiều ngành nghề, các công ty công nghệ, startup từ 33 quốc gia.
Nguồn:https://plo.vn/sap-dien-ra-ngay-hoi-doi-moi-sang-tao-va-nen-kinh-te-xanh-post746752.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp Châu Âu
Theo Euronews, các hiện tượng cực đoan như hình thái thời tiết El Nino đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và những sự kiện cực đoan tương tự sẽ xảy ra thường xuyên, cực đoan hơn. Đầu năm nay, người tiêu dùng Anh phải đối mặt với các kệ rau quả trống không và giá cả tăng cao do điều kiện thời tiết bất thường làm gián đoạn vụ thu hoạch ở Tây Ban Nha và Ma rốc.  Hồi tháng 7, gần một nửa Liên minh châu Âu trải qua đợt hạn hán ở mức độ cảnh báo, tăng thêm lo ngại về sản xuất và giá cả lương thực. Trái cây và rau củ – đặc biệt là cà chua và các sản phẩm liên quan như pizza và nước sốt cà chua – bị ảnh hưởng nặng nề ở châu Âu.  Các loại ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt, hạn hán và nắng nóng, dẫn đến gián đoạn nguồn thức ăn chăn nuôi và trồng trọt.
Nguồn: https://toquoc.vn/cu-10-qua-le-trong-vuon-thi-mat-6-qua-chuyen-gi-da-xay-ra-o-chau-au-20230810142549563.htm
2.    Giá gạo tăng từng ngày, Bộ Công Thương có động thái mới
Trước tình trạng giá gạo trong nước liên tục tăng mỗi ngày, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 15/8 ban hành Chỉ thị số 07 yêu cầu loạt đơn vị trong ngành thực hiện các giải pháp về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-gao-tang-tung-ngay-bo-cong-thuong-co-dong-thai-moi-post1560465.tpo
3.    Tăng 50.000 ha trồng lúa để chớp thời cơ xuất khẩu gạo
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kế hoạch tăng 50.000 ha diện tích trồng lúa đông (vụ 3) ở ĐBSCL là nhằm chớp thời cơ giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ tăng. Theo tính toán, với năng suất trung bình 5,7 tấn/ha vụ ở vụ thu đông, nếu tăng thêm 50.000 ha, sẽ có thêm khoảng 325.000 tấn lúa, tương đương 200.000 tấn gạo để tăng cường xuất khẩu. Với giá xuất khẩu gạo như hiện nay, việc tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông có thể đem về hơn 100 triệu USD.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo tăng dự trữ nguồn gạo quốc gia và năm nay nguồn cung vụ đông – xuân 2023 – 2024 đến sớm do nhuận 1 tháng nên Việt Nam hoàn toàn yên tâm về việc đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, lãnh đạo Cục Trồng trọt ủng hộ việc doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu gạo. Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này tổng diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2023 vẫn đảm bảo đạt 7,1 triệu ha, sản lượng 43 – 43,5 triệu tấn lúa (tương đương với 27 – 28 triệu tấn gạo) tăng trên 452.000 tấn lúa so với năm 2022. Sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: https://vtc.vn/tang-50-000-ha-trong-lua-la-phan-ung-linh-hoat-de-chop-thoi-co-xuat-khau-gao-ar812811.html
4.    Lúa mới được 1 tháng tuổi ‘cò’ đã đặt cọc
Giá lúa tốt nên nông dân sớm nhận tiền cọc, “cò lúa” tích cực săn hàng, doanh nghiệp cũng chấp nhận mua giá cao để có nguồn hàng cung ứng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Nhiều người dân chia sẻ, chưa bao giờ những cánh đồng lúa xanh ở miền Tây lại “hút” hàng như hiện nay. Theo GS Võ Tòng Xuân, đây cũng là cơ hội để DN và nông dân tăng cường liên kết, giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn xuất khẩu, chất lượng cao, giá tốt. Đó cũng là điều kiện nông dân và DN tăng thu nhập, hài hòa quyền lợi từ mặt hàng lúa gạo. Để làm được điều này, DN với nông dân nên “chơi bài lật ngửa”. DN bán gạo ra thế giới giá nào, thu mua của nông dân giá nào, cần phải minh bạch. DN Việt Nam cũng nên tìm cách gắn kết với DN nước ngoài bằng các hợp đồng ngắn hạn và dài hạn. Việc thiết lập quan hệ lâu dài với đối tác cũng góp phần tạo ra hợp đồng bao tiêu cho nông dân , sản xuất theo chuẩn thị trường, sản xuất bền vững.
Nguồn: https://tienphong.vn/chua-tung-co-lua-moi-duoc-1-thang-tuoi-co-da-dat-coc-post1560684.tpo
5.    Giá gạo tăng, giá phân bón ‘nhảy múa’ theo
Cùng với đà tăng của giá gạo, từ cuối tháng 7 đến nay giá phân bón trên thế giới và trong nước đã có dấu hiệu tăng trở lại. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp phân bón, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá Urê trên thế giới liên tục tăng từ khoảng 24-50%, tương đương thời điểm đầu năm. Đặc biệt, từ đầu tháng 8, giá mặt hàng này tiếp tục tăng 18-48 USD/tấn so với cuối tháng trước. Trong đó, giá Urê ở khu vực Trung Đông hạt đục tăng 37-48 USD/tấn. Giá Urê tại Trung Quốc tăng từ 35-55 USD/tấn. Trước tình hình giá Urê thế giới “nhảy múa”, các doanh nghiệp phân bón trong nước liên tục thông báo tăng giá bán.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-gao-tang-gia-phan-bon-nhay-mua-theo-post1559753.tpo
6.    Sắp có sàn giao dịch riêng cho thịt heo tại ‘thủ phủ’ thịt heo lớn nhất Việt Nam
Ngày 14/08/2023, tại TP.HCM đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo Thành phố Hồ Chí Minh giữa ba bên: MXV, Sở Công Thương TP.HCM và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP.HCM. Ba bên đồng ý hợp tác trong việc nghiên cứu xây dựng và vận hành Sàn Giao dịch thịt heo tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức Hợp đồng giao dịch giao ngay và Hợp đồng giao dịch kỳ hạn đối với sản phẩm thịt heo. Từ đó thành lập và phát triển Sàn Giao dịch thịt heo trên cơ sở hạ tầng của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn: Hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán, trung tâm thanh toán bù trừ, trung tâm giao nhận hàng hóa, cung cấp thông tin thị trường, giao dịch các loại hợp đồng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn: https://markettimes.vn/sap-co-san-giao-dich-rieng-cho-thit-heo-tai-thu-phu-thit-heo-lon-nhat-viet-nam-36975.html
7.    Giá dừa tăng gấp 3 sau thông tin được xuất khẩu Mỹ
Thông tin Mỹ đã chính thức mở cửa với trái dừa của Việt Nam đang khiến thị trường dừa trong nước có nhiều tín hiệu tích cực. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch xuất khẩu mặt hàng này. Ngay sau khi có thông tin trái dừa sọ Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, giá dừa tươi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại sau thời gian trầm lắng. Nếu đầu năm 2023, giá dừa tươi chỉ ở mức 15.000 – 20.000 đồng/chục, thì hiện nay đã tăng lên 60.000 – 65.000 đồng.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dua-tang-gap-3-sau-thong-tin-duoc-xuat-khau-my-20230816090701128.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Mỹ chính thức nhập khẩu dừa Việt Nam
Theo Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS), cơ quan này đã tiến hành song song việc lên kế hoạch cho những bước tiếp theo trong tiến trình tiếp cận thị trường và phân tích nội bộ để đánh giá mặt hàng dừa. Kết quả cho thấy, quả dừa Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể.
Hiện, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp để phê duyệt việc nhập khẩu dừa Việt Nam, đã tách ít nhất 75% phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài. Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sang Mỹ ngay lập tức. Đáng chú ý, yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ. Hiện, APHIS đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của quốc gia này.
Nguồn: https://tienphong.vn/my-chinh-thuc-nhap-khau-dua-viet-nam-post1559129.tpo
2.    Giá gạo Thái Lan, Việt Nam tiếp tục tăng mạnh
Giá gạo xuất khẩu tại các “vựa lúa” châu Á tiếp tục nới rộng đà tăng mạnh trong tuần này trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng lương thực thiết yếu này trên toàn cầu. Giá gạo của Việt Nam và Thái Lan hiện đã tăng gần 20% giá trị kể từ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong tháng 7/2023. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 650-655 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, so với mức 627 – 630 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 620 – 630 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, và tăng so với mức 590-600 USD/tấn trong tuần trước đó.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-gao-thai-lan-viet-nam-tiep-tuc-tang-manh-20230812183848994.htm
3.    Giá gạo toàn cầu có thể tăng cao vì lũ lụt ở Trung Quốc
Thị trường gạo toàn cầu có thể căng thẳng hơn nữa, khi Trung Quốc – nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới vật lộn với mưa lớn và lũ lụt. Cụ thể, cảnh báo lũ lụt đã được nâng lên đối với 3 tỉnh chiếm 23% sản lượng gạo của cả Trung Quốc gồm Nội Mông, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Nhiều khu vực sản xuất ngũ cốc quan trọng ở 3 tỉnh này đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và hậu quả cơn bão Doksuri.
Fitch Ratings cho rằng, mưa lớn ở khu vực Đông Bắc, Trung Quốc sẽ làm giảm sản lượng và có khả năng gây áp lực tăng giá gạo toàn cầu vốn đã ở mức cao. Các chuyên gia cho rằng có khả năng giá ngũ cốc nội địa ở Trung Quốc sẽ tăng và nước này cần nhập khẩu nhiều hơn trong nửa cuối 2023 để bù đắp thiệt hại trong sản xuất. Trong đó, nếu thu hoạch gạo bị thiếu hụt, nước này có thể cần tăng nhập khẩu làm giá gạo toàn cầu lên cao hơn nữa.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-gao-toan-cau-co-the-tang-cao-vi-lu-lut-o-trung-quoc-20230816054644462.htm
4.    150 gian hàng Việt Nam góp mặt tại hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh
Theo đại diện Bộ Công Thương, sáng 16/8, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Điền Trì, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội chợ Trung Quốc-Nam Á lần thứ7 và Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27. Với chủ đề “Đoàn kết hợp tác, cùng phát triển,” Hội chợ năm nay có quy mô 15 khu trưng bày trên diện tích 150.000m2 với khoảng 8.000 gian hàng tiêu chuẩn, thu hút sự tham gia của trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng doanh nghiệp của trên 20 tỉnh/thành phố của Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ với quy mô 150 gian hàng của gần 80 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố, như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Đà Nẵng, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh… trưng bày sản phẩm tại Khu gian hàng thương mại Việt Nam (Nhà triển lãm số 6). Các ngành hàng của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại Hội chợ, gồm: nông sản, thực phẩm chế biến, hạt điều, hạt tiêu, càphê, thanh long, sắn lát, sản phẩm được chế biến từ dừa Bến Tre, giày dép, nước hoa, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ…
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/150-gian-hang-viet-nam-gop-mat-tai-hoi-cho-xuat-nhap-khau-con-minh/889395.vnp
BSA Media