1. Nhân viên Amazon đình công, biểu tình khắp châu Âu đòi tăng lương dịp Black Friday
Ngày hội mua sắm Black Friday đã trở thành ‘Thứ Sáu đen’ thực sự đối với Amazon, khi nhân viên đình công và biểu tình tại nhiều địa điểm trên khắp châu Âu để yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc. Chiến dịch “Make Amazon Pay” (Đòi Amazon trả tiền) do Liên minh Công đoàn toàn cầu UNI Global Union tổ chức sẽ diễn ra tại hơn 30 quốc gia, kể từ ngày 24/11 (ngày Black Friday) cho đến đầu tuần tới – dịp kinh doanh bận rộn nhất trong năm của tập đoàn này.
2. ‘Cơn đau đầu’ của các thương hiệu hàng tiêu dùng đình đám tại phương Tây
Những cái tên đình đám như Nestlé (có giá trị 296 tỷ USD), Kraft Heinz (41 tỷ USD), Unilever (118 tỷ USD) và Danone (42 tỷ USD) đang chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm. Khi giá cả trên toàn thế giới tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng tập trung vào các sản phẩm thông thường mang thương hiệu của các chuỗi siêu thị/cửa hàng tạp hóa, vốn đang ngày càng tốt hơn, thay vì các sản phẩm mang thương hiệu lớn. Lần đầu tiên trong thế kỷ này, doanh số bán hàng của các nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn sụt giảm. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2023, Kraft Heinz cho biết số lượng mặt hàng bán ra của họ giảm gần 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Unilever cho biết hồi tháng 10 rằng số lượng kem họ bán ra được ít hơn 7% trong cùng kỳ.
Trong khi đó, theo công ty phân tích Circana, doanh số bán các sản phẩm thông thường hoặc sản phẩm mang thương hiệu của các chuỗi siêu thị/cửa hàng đã tăng hơn 8% trong nửa đầu năm 2023. Quan trọng hơn, những thương hiệu này hiện chiếm 38% thị trường hàng tiêu dùng ở châu Âu. Công ty nghiên cứu Circana cho biết các sản phẩm thông thường được gắn nhãn hiệu đang ở điểm bùng phát.
3. Mảng màu tương phản trong bức tranh bán lẻ hàng tiêu dùng
Trong khi sức mua giảm sút kéo dài, nhiều cửa hàng khắp các nẻo đường ở các thành phố lớn phải đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm thì tại một số trung tâm thương mại (TTTM) trọn gói “One-Stop Shopping” vẫn nhộn nhịp khách tham quan, mua sắm và mang lại lợi nhuận cao . Đáng chú ý, các gian hàng tại các trung tâm mua sắm này luôn được phủ kín bởi các nhãn hàng lớn, thương hiệu có tiếng…
Năm nay, Vạn Hạnh Mall dự kiến đạt doanh thu 450 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỉ đồng; tương ứng biên lợi nhuận lên đến 33,3% trên doanh thu. Còn Hùng Vương Plaza ước doanh thu 250 tỉ đồng ngay năm đầu hoạt động. Tương tự, tại Aeon Mall Tân Phú Celadon luôn nhộn nhịp lượng khách tham quan, mua sắm. Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ hội thì nơi đây với diện tích thương mại và dịch vụ rộng hơn 116.000 m2 dường như bị chật chội bởi lượng khách đến đông nghẹt. Đáng chú ý, tổng diện tích cho thuê với khoảng 84.000 m2 tại đây lấp đầy bởi các thương hiệu.
4. Thế Giới Di Động giảm nhân sự, tính đóng tới 200 cửa hàng ngay quý này
Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động vừa cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, với nhiều dữ liệu đáng chú ý. “Ông lớn” trong ngành điện máy cho biết riêng tháng vừa qua ghi nhận tổng doanh thu 11.190 tỉ đồng, đánh dấu tháng đầu tiên trong năm nay tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đóng góp hơn 7.800 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng khoảng 8% so với tháng liền trước, chủ yếu đến từ sản phẩm iPhone, do hiệu ứng của đợt ra mắt iPhone 15 mới. Chuỗi Bách Hóa Xanh góp vào 3.000 tỉ đồng doanh thu, tăng lần lượt 29% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân vượt 1,7 tỉ đồng/cửa hàng.
Với diễn biến của thị trường chung, phía doanh nghiệp cho biết sẽ tích cực triển khai tái cấu trúc trong quý 4 này để tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và chủ động thích ứng trước bối cảnh kinh doanh mới với nhiều thách thức và biến động. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận, ngay trong quý này.
5. Chợ truyền thống ế ẩm, TP.HCM tính phương án chuyển đổi công năng
Tại họp báo chiều 23-11, bà Trần Như Quỳnh – phó phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM – đã thông tin về tình hình hoạt động của các chợ truyền thống. Theo bà Quỳnh, hiện nay nhu cầu tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, xu hướng kinh doanh online phát triển và tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ đã ảnh hưởng lớn đến mãi lực tại các chợ truyền thống.
Thời gian qua, Sở Công Thương TP đã phối hợp với các địa phương đề ra các giải pháp nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống. Tuy nhiên với những khó khăn hiện nay, cần phải đánh giá lại hoạt động của chợ truyền thống. Chợ truyền thống vẫn tồn tại nhưng phải có mô hình mới phù hợp. TP đang nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn. Trước mắt, Sở Công Thương đang phối hợp với các địa phương đánh giá lại tính hiệu quả của chợ truyền thống để có phương án sắp xếp, bố trí lại thương nhân.
Dịp “Black Friday” năm nay, các thương hiệu hàng tiêu dùng quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng… đã đồng loạt đưa ra mức giảm giá sâu nhằm kích cầu và tăng tiêu thụ. Dù thị trường liên tục có những mức ưu đãi lớn nhưng dường như dịp lễ khuyến mãi cuối năm này đã không còn tạo được quá nhiều nhiệt tiêu dùng, khi về phía khách hàng, dường như họ không còn quan tâm nhiều đến mức giá được giảm mà ưu tiên hơn đến chất lượng sản phẩm. Xu hướng này của người tiêu dùng được cho là bắt nguồn từ việc tình hình kinh tế năm nay vẫn là tương đối khó khăn, nhiều người phải lựa chọn việc chỉ mua sắm những thứ thật sự quan trọng, thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng ít quan trọng hơn như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng,… bị người mua hạn chế.
Xu hướng chú trọng hơn tới chất lượng và cân nhắc hơn khi mua sắm của người tiêu dùng đã khiến doanh thu của các cửa hàng dịp Black Friday năm nay sụt giảm. Tình hình này đã khiến nhiều thương hiệu, cửa hàng quyết định kéo dài khuyến mãi hơn so với thông thường, đến hết tháng 11 để hy vọng “cứu vớt” lại doanh số. Ngoài ra, nhiều nhãn hiệu cũng có xu hướng tập trung hơn đến bán hàng trên các kênh trực tuyến, online trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử để tiếp cận và thu hút nhiều hơn tới khách hàng.
7. 84% người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam vẫn lo lắng về chất lượng sản phẩm
Báo cáo nghiên cứu thị trường về hành vi tiêu dùng thông minh của NielsenIQ Việt Nam (NIQ) và GfK thực hiện mới đây cho thấy, nền kinh tế kỹ thuật số đang được coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam khi 60,7% người tiêu dùng thực hiện mua sắm online hằng tuần. Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GDP quốc gia dự kiến năm 2025 ở mức bình thường sẽ là 10,4%, mức nhanh sẽ lên tới 19.9% và đột phá con số lên tới 26,2%.
Xu hướng của người tiêu dùng đang có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế số hiện nay. Cụ thể, báo cáo cho biết, 64% người dân Việt Nam nghĩ đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế, 55% cảm thấy căng thẳng, lo âu nhiều so với trước đây, chính vì thế tiết kiệm là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng phấn đấu vượt qua thời điểm khó khăn này. Để tiết kiệm chi phí, mua sắm online trở thành một trong những yếu tố giúp người tiêu dùng cắt giảm và thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người mua hàng trực tuyến, khi 84% người mua sắm online lo lắng về vấn đề này.
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi động vật đến môi trường và sức khỏe con người, từ lâu nhiều nhà đầu tư cũng như các start-up đã dành sự quan tâm đến việc sản xuất “thịt chay”. Tuy nhiên, hàng loạt đối thủ cạnh tranh cũng nhảy vào thị trường mới phát triển này, rồi tiếp đó là đại dịch Covid-19 xảy ra, hậu quả là ngành “thịt chay” tụt dốc không phanh. Cổ phiếu của Beyond Meat đã giảm mạnh tới 94% kể từ năm 2019. Gần đây, công ty cũng công bố khoản lỗ khoảng 59 triệu USD trong quý 1/2023, trong khi doanh thu giảm 16% xuống còn 92 triệu USD. Đối thủ của Beyond Meat, Impossible Foods, được cho là cũng đang lên kế hoạch cắt giảm việc làm, mặc dù đạt doanh thu kỷ lục vào năm 2022.
Ở Mỹ và châu Âu, theo Hiệp hội Thực phẩm từ Thực vật, tổng doanh thu được tạo ra từ việc bán “thịt chay” hầu như không biến động trong hai năm qua. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đã giảm 8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thịt có nguồn gốc thực vật đang đối mặt với một số thách thức trong việc thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận nó như một sản phẩm chính trong chế độ ăn uống của họ. Thịt thực vật đắt hơn thịt thật, do đó kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngay cả những người ăn chay cũng đang lựa chọn các loại protein có nguồn gốc thực vật đơn giản hơn như đậu phụ hoặc hạt diêm mạch vì chúng rẻ hơn so với thịt chay.
2. Vinacafé mang cà phê Việt tới triển lãm cà phê lớn nhất thế giới Seoul Cafe Show
Thương hiệu cà phê Việt – Vinacafé đã ghi dấu ấn tượng tại Seoul International Cafe Show 20203, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong hành trình tiến ra thế giới. Seoul International Cafe Show 2023 là sự kiện quan trọng để Vinacafé thực hiện hóa chiến lược mang cà phê Việt vươn tầm thế giới. Đại diện thương hiệu cho biết, trong suốt 55 năm xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê, Vinacafé đã và đang không ngừng nỗ lực phát triển, góp phần nâng tầm cao vị thế cà phê Việt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, trong đó có Hàn Quốc.
Seoul International Cafe Show được đánh giá là triển lãm cà phê lớn nhất châu Á, tổ chức thường niên tại Hàn Quốc. Sự kiện là nơi hội tụ của các doanh nghiệp cà phê hàng đầu thế giới, nhằm giới thiệu các sản phẩm, công nghệ và xu hướng mới nhất của ngành cà phê. Theo đại diện của triển lãm cho biết, sự kiện đã thu hút đông đảo khách tham quan, cộng đồng người yêu cà phê tại Hàn Quốc và quốc tế.
Về tương lai của thị trường giao đồ ăn nhanh ở Việt Nam, ông Hoàng Tùng – Giám đốc điều hành Pizza Home và FoodEdu, cho rằng trước mắt GrabFood và ShopeeFood sẽ hưởng lợi và thị trường trở thành cuộc đua song mã. “Tuy nhiên, nhìn về tương lai có thể có những tay chơi mới. Trong đó, có thể kể đến Meituan (số 1 Trung Quốc) và Ele.me (công ty con của Alibaba) đã thăm dò thị trường Việt Nam. Hay như nền tảng TikTok đang có rất đông người dùng có thể mở thêm tính năng giao thực phẩm như họ đã làm tại Trung Quốc với tên gọi Douyin Food. Khi đó, thị trường Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn” – ông Tùng nhận định.
Ông Phạm Chinh, chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ, cho rằng đặt thức ăn qua app đã qua thời kỳ phát triển nóng. Trong khi đó, người tiêu dùng lại không trung thành với một app nào, chỗ nào có khuyến mãi nhiều thì chọn nên các hãng phải tham gia cuộc đua “đốt tiền” rất khủng khiếp. Hiện tại, bài toán lớn nhất mà các food app ở Việt Nam chưa giải được đó là thu chiết khấu quá cao với người bán và khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm chặt chẽ để có trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng.
1. Trở lại sau biến cố, tỷ phú Jack Ma tìm về với nghề nông
Theo nhà cung cấp dữ liệu doanh nghiệp Trung Quốc Tianyancha, Công ty TNHH Văn hóa và Nghệ thuật Hàng Châu Dajingtou 212 (gọi tắt là Dajingtou), do ông Jack Ma sở hữu 99,9% cổ phần, đã thành lập một công ty con là Công ty TNHH Thực phẩm Nhà bếp Hàng Châu Majia (gọi tắt là Majia Kitchen) vào ngày 22/11, với số tiền đầu tư là 10 triệu NDT (1,3 triệu USD). Phạm vi kinh doanh của Majia Kitchen bao gồm bán thực phẩm (chỉ bán thực phẩm đóng gói sẵn), bán thực phẩm qua Internet, sơ chế nông sản, bán buôn và bán lẻ nông sản.
Chế biến thực phẩm là một trong những hướng đi hot nhất năm 2023, trong đó việc nâng cao tiêu chuẩn hóa an toàn thực phẩm và phát triển ngành thực phẩm chế biến sẵn còn được ghi vào Văn kiện Trung ương số 1 năm 2023 của Trung Quốc. Việc nhà sáng lập Alibaba triển khai hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm không phải là điều đáng ngạc nhiên. Những năm gần đây, thông tin di chuyển của Jack Ma cho thấy ông tỏ ra rất quan tâm đến nông sản, thủy sản, thực phẩm.
2. Hàng chục tấn chanh Trung Quốc theo “trend” trà chanh giã tay đổ về TP HCM mỗi ngày
Khoảng 10 ngày gần đây, một số chợ truyền thống tại TP HCM xuất hiện mặt hàng mới là chanh Quảng Đông. Đây là chanh nhập khẩu từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), có kích cỡ lớn, vỏ xù xì, từng quả được bọc trong túi ni lông riêng chuyên dùng để làm món trà chanh giã tay du nhập từ thị trường Trung Quốc. Trước đó, chanh thơm Quảng Đông chỉ được được bán trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử với giá từ 75.000 – 100.000 đồng/kg thì nay được bán tại chợ truyền thống với giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Cơn sốt trà chanh giã tay tại TP HCM khiến nguyên liệu chính là chanh Quảng Đông (Trung Quốc) đổ bộ về thẳng chợ đầu mối chứ không đi nhỏ lẻ như trước. Hiếm có loại rau quả, trái cây Trung Quốc nào lại được thị trường Việt Nam ưa chuộng và được tiểu thương bày bán và công khai giới thiệu xuất xứ như chanh thơm Quảng Đông do đang ăn theo xu hướng này.
3. Chính thức phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre). Trong đó, giai đoạn 2024-2025, tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Giai đoạn 2026-2030, xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha.
4. Nên trồng mỗi vùng một giống lúa để giữ chất lượng gạo đồng đều
Chiều 24-11, tại hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, PGS.TS Võ Công Thành – nguyên trưởng bộ môn di truyền và chọn giống Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) – đề xuất các địa phương chỉ nên quy hoạch trồng một giống lúa ở một vùng, sử dụng phân bón hữu cơ để giữ gạo mùi thơm lâu, chất lượng cơm ngon hơn, nhằm tăng chất lượng gạo Việt. Theo ông, hiện nay miền Tây đang có nhiều giống lúa gạo thơm như ST25, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, OM18… Các doanh nghiệp nên tìm thêm vùng trồng lúa thơm thích hợp. Ví dụ, ST25 trồng ở Tây Nguyên bằng hình thức một cánh đồng một giống lúa, bón phân hữu cơ và kết quả chất lượng gạo ngon, mùi thơm lâu hơn sau khi nấu.
PGS.TS Võ Công Thành cũng chia sẻ về hướng phát triển nông nghiệp sạch trong tương lai. Trong đó có bao gồm cả vấn đề truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sinh thái và tín chỉ carbon. Để giải quyết trồng lúa lâu dài và xuất đi được, dù trồng giống, có chất lượng cũng phải tránh gạo giả mạo trên thị trường trong và ngoài nước. Đến năm 2028, các nước khi xuất khẩu gạo phải có chứng chỉ giảm khí phát thải. Trước mắt, ngành nông nghiệp phải xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý tín chỉ carbon. Trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ sở để tạo ra hàng hóa cho thị trường, thúc đẩy thị trường.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng vừa ký ban hành Quyết định số 959/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ ngành có liên quan đến lĩnh vực Hiệp hội hoạt động theo quy định pháp luật. Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động theo quy định.
Việc thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên mối liên kết thành chuỗi ngành hàng, hạn chế tình trạng cắt khúc như hiện nay để giúp nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi lâu dài, giúp nhau cùng tiến.
6. Dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh tại Tiền Giang
Ngày 28-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức họp triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi khi dịch bệnh này đang diễn biến ngày càng phức tạp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 76 hộ chăn nuôi heo tại 12 xã thuộc 8 huyện (trừ huyện Tân Phú Đông, huyện Cai Lậy và thị xã Gò Công) bị dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo bệnh là 1.125 con/tổng đàn 3.069 con, đã tiêu hủy 1.752 con với khối lượng hơn 80 tấn. Đặc biệt từ ngày 21-10 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi tái bùng phát mạnh tại 69 hộ chăn nuôi ở 5 huyện, thị, thành của tỉnh Tiền Giang.
Trước diễn biến của bệnh dịch tả heo châu Phi ngày càng phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tập trung thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 300.000 con heo. Trước bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi cần cộng đồng trách nhiệm, chủ động các biện pháp phòng chống hiệu quả để bảo vệ thành quả của người chăn nuôi, và cung cấp lượng thịt cho nhu cầu của người dân, nhất là cao điểm dịp Tết cổ truyền sắp tới.
1. Tàu hàng đến các cảng châu Âu sắp phải trả phí phát thải carbon
Theo quy định của EU, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, các tàu hàng lớn ra vào các cảng của EU phải trả phí cho lượng phát thải carbon của chúng để tuân thủ Hệ thống Thương mại phát thải (ETS). Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển mọi thứ, từ hàng thành phẩm đóng trong container đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến và đi từ các cảng của EU. Hãng tư vấn Drewry Shipping Consultants ước tính, tổng chi phí của ngành vận tải biển để tuân thủ ETS của EU trong năm sau khoảng 3,6 tỉ đô la.
Trong năm đầu tiên, chi phí tuân thủ ETS, áp dụng cho các cảng ở Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) cũng như EU, có thể tương đối nhỏ đối với một ngành lớn như vận tải biển. Nhưng chi phí này gần như chắc chắn sẽ tốn kém hơn trong những năm sau đó. Theo quy định, các chủ hàng vận tải bằng đường biển đến các cảng của EU chỉ phải trả phí cho 40% lượng khí thải carbon trong năm 2024 nhưng tỷ lệ khí thải bị tính phí sẽ tăng lên 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2026. Và trong năm 2026, các chủ hàng cũng phải đóng phí phát thải khí methane (CH4) và khí nitrous oxide (N2O). Theo hãng tư vấn Drewry, dựa trên lượng khí thải thực tế của các hãng tàu trong 2022 và mức giá tín chỉ phát thải là 100 euro mỗi tấn CO2, chi phí để ngành vận tải biển tuân thủ ETS của EU trong 2026 sẽ tăng lên con số 9 tỉ đô la.
Nga sẽ cấm tạm thời xuất khẩu lúa mì cứng (loại lúa mì để sản xuất bánh mì và mì ống) trong 6 tháng, từ tháng 12 năm nay đến hết tháng 5 năm sau. Biện pháp này được đưa ra để đảm bảo an ninh lương thực và kiềm chế giá tiêu dùng đối với các sản phẩm chế biến ngũ cốc trên thị trường nội địa. Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, vụ thu hoạch lúa mì cứng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, đẩy mạnh nhu cầu ở thị trường nước ngoài.
Liên minh ngũ cốc Nga thông báo, trong 4 tháng vừa qua, từ 1/7 đến 10/11, xuất khẩu loại lúa mì này từ Nga đã tăng 13 lần. Xuất khẩu tăng mạnh có nguy cơ tạo ra thâm hụt ở chính Nga, dẫn đến giá lúa mì cứng trong nước tăng, buộc các nhà chức trách phải đưa ra biện pháp cấm xuất khẩu tạm thời loại lúa mì này trong 6 tháng tới. Theo dự đoán của Bộ Nông nghiệp Nga, vụ thu hoạch ngũ cốc của nước này năm 2023 ở mức 135 triệu tấn, trong đó có 90 triệu tấn lúa mì. Lệnh cấm xuất khẩu tạm thời lúa mì cứng và hệ thống hạn ngạch mới được xem là cần thiết để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất trong nước.
3. Xuất khẩu thực phẩm của Hàn Quốc ghi nhận những kỷ lục mới
Rong biển khô là mặt hàng xuất khẩu số 1 trong số các sản phẩm thủy hải sản của Hàn Quốc. Theo các ước tính, rong biển khô của nước này chiếm khoảng 70% thị trường toàn cầu. Theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu rong biển khô của nước này đã đạt mức cao kỷ lục 670 triệu USD trong 10 tháng của năm nay, tăng 20,4% so với cùng kỳ một năm trước đó. Về khối lượng, xuất khẩu rong biển khô tăng 17,3% so với cùng kỳ lên 30.000 tấn. Trong cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gạo nấu chín (bao gồm gạo ăn liền và cơm cuộn Hàn Quốc) cũng tăng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục 79 triệu USD. Về khối lượng, xuất khẩu tăng 28,4% lên 25.000 tấn trong giai đoạn báo cáo.
Tính theo số thị trường, rong biển khô và gạo qua chế biến của Hàn Quốc đã được bán tại lần lượt 120 và 87 quốc gia trên thế giới. Cả hai đều là những con số lớn nhất từ trước đến nay. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết mức tăng trưởng ấn tượng trên là do sự phổ biến của nội dung văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc. Đồng thời, các công ty Hàn Quốc đã tung ra nhiều sản phẩm mới khác nhau nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng.
1. Kiểm kê khí nhà kính, còn hiếm doanh nghiệp Việt làm được
Theo TS Lê Xuân Nghĩa – viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) – tại tọa đàm: “Kinh tế tuần hoàn – trung hòa carbon: Con đường tất yếu” (27/11), câu chuyện xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp. Nếu trước kia doanh nghiệp chỉ cần sản xuất được sản phẩm rẻ, chất lượng và khéo chào mời thì sẽ bán được hàng, thì nay nếu không xanh hóa sẽ bị đào thải. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có con đường “xanh hóa” sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp chuyển đổi xanh đã khó, phải “xanh hóa” trong bối cảnh chật vật để tồn tại trên thị trường lại là vấn đề càng khó gấp bội lần với họ.
Đồng tình, các chuyên gia tại tọa đàm cũng cho rằng doanh nghiệp Việt dù hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh nhưng còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xanh hóa. Đơn cử như việc kiểm kê khí nhà kính, đây được cho là hoạt động cơ bản nhất để bắt đầu hành trình xanh hóa, nhưng hiện số lượng doanh nghiệp làm được ít đến đáng báo động. Bà Trần Anh Đào – phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành HOSE – dẫn số liệu trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê ở phạm vi 1 (phát thải khí nhà kính trực tiếp từ các nguồn do tổ chức đó sở hữu), và phạm vi 2 (phát thải khí nhà kính gián tiếp từ nguồn mua của tổ chức khác). Đặc biệt chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phạm vi 1, 2 và 3 (phát thải khí nhà kính gián tiếp trong chuỗi giá trị của mình).
1. H&M cam kết bù đắp cho mức tăng lương tối thiểu của công nhân may tại Bangladesh
Hennes & Mautitz AB đã cam kết bù đắp mức lương công nhân tăng cao hơn ở Bangladesh bằng cách tăng phần chi phí trả cho các nhà cung cấp sản xuất quần áo trong nước, theo Bloomberg. Công ty có trụ sở tại Stockholm nói với các nhà cung cấp hàng may mặc ở Bangladesh rằng họ sẽ “bù đắp phần tăng trong giá sản phẩm”, sau khi chính phủ đồng ý tăng mức lương tối thiểu hàng tháng thêm 56% lên 12.500 taka (113 USD) từ tháng 12.
Động thái này được đưa ra sau hàng loạt các vụ biểu tình với hàng nghìn công nhân may mặc xuống đường yêu cầu tăng lương. Các nhà sản xuất trong nước lo ngại việc tăng lương sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của họ khi các hãng thời trang quốc tế vẫn tiếp tục trả mức giá tương tự cho các đơn hàng.
2. ‘Ông lớn’ thời trang Shein nộp đơn xin IPO tại Mỹ
Đài CNBC dẫn nguồn thạo tin hôm 27/11 cho biết Shein – hãng bán lẻ thời trang được thành lập tại Nam Kinh, Trung Quốc – được định giá 66 tỷ USD trong lần gần đây nhất và có thể sẵn sàng giao dịch trên thị trường đại chúng ngay năm 2024. Giới thạo tin hiện chưa xác định được mức định giá của Shein, nhưng việc định giá đang là tâm điểm tranh luận giữa Shein và các cố vấn mà công ty đang phối hợp thực hiện thương vụ. Trong vài tháng tới, Shein có thể sẽ điều chỉnh thủ tục giấy tờ của mình và phải trả lời nhiều câu hỏi của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ. Được biết, Shein đã chọn Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley là những nhà bảo lãnh chính cho thương vụ IPO tại Mỹ.
3. Inflow – doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng thời trang vừa gọi vốn thành công 2 triệu USD
Inflow – nền tảng kết nối xưởng may mặc với các thương hiệu thời trang – là mô hình đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay, vừa gọi vốn thành công 2 triệu USD trong vòng seed. Ngành dệt may đóng góp tới 16% tổng GDP của Việt Nam, nhưng các thương hiệu may mặc nhỏ chưa tận dụng được lợi thế này của ngành. Start-up Inflow đã ra đời để san lấp khoảng trống đó, thông qua việc cung cấp một nền tảng giúp cho các các xưởng may có thể kết nối với các hãng thời trang lớn ở trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng từ thiết kế đến sản xuất, ngược lại cũng giúp các hãng thời trang nhỏ tìm được xưởng may sẵn sàng thực hiện các hợp đồng may mặc số lượng ít.
Hôm 28/11, Inflow công bố đã huy động được 2 triệu USD tài trợ vòng seed. Các nhà đầu tư là AppWorks, 500 Global, January Capital, Spiral Ventures và Saison Capital. Inflow cho biết trong năm qua, doanh thu của công ty đã tăng hơn 15 lần và hiện được hơn 80 thương hiệu thời trang trên khắp Đông Nam Á sử dụng nền tảng của mình.
Ngày 24/11, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển sản phẩm du lịch y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2023 và phương hướng thực hiện năm 2024 – 2030. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ năm 2017, Sở Du lịch và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp phát triển sản phẩm du lịch y tế và sản phẩm này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch và ngành y tế đang đặt mục tiêu quyết tâm đưa du lịch y tế TP Hồ Chí Minh trở thành thương hiệu mang tầm khu vực vào năm 2030. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có ưu điểm phát triển ứng dụng công nghệ cao, chuyên sâu trong khám và điều trị bệnh; chưa kể trình độ, tay nghề của đội ngũ y bác sĩ cũng khá cao nên thuận lợi cho việc xây dựng các chương trình tour kết hợp thăm khám sức khỏe, chữa bệnh chuyên sâu với tham quan thành phố. Vì vậy, ngành du lịch kỳ vọng các đơn vị du lịch và y tế cùng nhau bắt tay triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch y tế trong các năm tiếp theo đạt hiệu quả, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch y tế TP Hồ Chí Minh ngày càng chất lượng.
2. Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đi tàu biển cập bến ở Hạ Long
Ngày 28-11, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết tàu biển Zhao Shang Yi Dun chở theo 721 khách Trung Quốc đã cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, để tham quan vịnh Hạ Long và các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh. Đây cũng là chuyến tàu khách đầu tiên đưa khách ở thị trường Trung Quốc đến với Hạ Long trong mùa tàu biển năm 2023.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đánh giá chuyến tàu biển đầu tiên từ Xà Khẩu trở lại Hạ Long có ý nghĩa rất lớn đối với du lịch địa phương, cho thấy tín hiệu trở lại tích cực của thị trường khách du lịch Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 và sau các hạn chế trong chính sách xuất, nhập cảnh thời gian trước. Tần suất tàu Zhao Shang Yi Dun cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long dự kiến khá đều đặn. Từ nay đến hết năm 2023, dự kiến sẽ có năm chuyến tàu Zhao Shang Yi Dun đưa hơn 4.000 khách từ Trung Quốc tới thăm vịnh di sản. Đến hết mùa tàu biển năm nay (tới tháng 3-2024), con tàu mang quốc tịch Trung Quốc này sẽ quay trở lại Hạ Long 14 lần, ước tính đưa hơn 12.000 lượt khách tới Quảng Ninh.
1. Ứng dụng Baemin ngưng hoạt động tại Việt Nam từ 8-12
Ngày 24-11, Woowa Brothers Việt Nam – đơn vị vận hành ứng dụng giao hàng, giao đồ ăn Beamin – thông báo ứng dụng này sẽ chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam từ 0 giờ ngày 8-12 sau 4 năm có mặt. “Baemin quyết định rời Việt Nam là do tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước” – thông báo của công ty cho hay.
Ưu tiên hàng đầu của ứng dụng này trong vài tuần tới là hỗ trợ cũng như hoàn tất nghĩa vụ và trách nhiệm với nhân viên, đối tác tài xế và đối tác nhà hàng.
2. Thị trường smartphone toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc sau 2 năm “ngủ đông”
Theo báo cáo Counterpoint Research, doanh số bán lẻ của thị trường smartphone đã tăng 5% so với cùng kỳ trong tháng 10 năm ngoái. “Sự tăng trưởng được dẫn dắt bởi các thị trường mới nổi với sự phục hồi liên tục ở Trung Đông và châu Phi. Bên cạnh đó là sự trở lại của Huawei tại Trung Quốc và mùa lễ hội ở Ấn Độ”, báo cáo cho hay.
Công ty nghiên cứu công nghệ Canalys tháng trước cũng cho biết sự sụt giảm doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu đang chậm lại với số lượng smartphone xuất xưởng trong quý III chỉ giảm 1% so với mức giảm 10% của quý trước. Sanyam Chaurasia, nhà phân tích cấp cao của Canalys, cho biết: “Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm mới ở các thị trường mới nổi khi mùa lễ hội đến gần đã thúc đẩy thị trường điện thoại thông minh sau một thời gian dài trầm lắng”.
3. Toyota xây dựng nhà máy thứ 3 ở Ấn Độ, dự kiến sản xuất 100.000 xe mỗi năm
Toyota đã cam kết xây dựng một nhà máy mới ở Ấn Độ thông qua khoản đầu tư 400 triệu USD nhân dịp kỷ niệm 25 năm hoạt động tại nước này. Nhà máy mới này sẽ được thành lập thông qua liên doanh địa phương Toyota Kirloskar Motor (TKM) của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và được đặt gần hai nhà máy hiện có ở bang Karnataka phía nam. Toyota cho biết, nhà máy sẽ có khả năng sản xuất hơn 100.000 xe mỗi năm và tạo ra 2.000 việc làm mới. Nó sẽ nâng công suất tổng thể của thương hiệu lên 410.000 chiếc.
4. Kỳ vọng chiếm lĩnh thị phần, hãng xe điện Nio (Trung Quốc) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Nhà sản xuất ô tô điện cao cấp Trung Quốc Nio mới công bố kế hoạch cắt giảm tới 30% công nhân lao động vào năm 2027, tập trung vào việc thay thế lao động bằng robot và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Quyết định này là một phần trong chiến lược của công ty nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh khốc liệt trên thị trường ô tô điện toàn cầu. Đáng chú ý, đầu tháng 11/2023, Nio đã sa thải 10% nhân sự lao động của mình.
Theo tuyên bố của người phát ngôn công ty, Nio khẳng định quyết tâm theo đuổi chiến lược giảm tối đa sự phụ thuộc vào con người trong quá trình sản xuất. Dự kiến, đến năm 2025, 80% quyết định sản xuất của Nio sẽ do AI đảm nhận, giúp cắt giảm tới 50% nhân sự lãnh đạo. Để đạt được mục tiêu đề ra, Nio sẽ tích cực ứng dụng các hệ thống robot công nghiệp, tiến tới giảm 30% số lượng công nhân trên mỗi dây chuyền sản xuất trong giai đoạn từ năm 2025-2027.
5. Khảo sát về xu hướng sử dụng Trí tuệ Nhân tạo tại các công ty Đức
Theo kết quả cuộc khảo sát do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 27/11, khoảng 1/8, tương đương 12% số công ty của Đức đang sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI), đặc biệt là trong các lĩnh vực như kế toán, kiểm soát và quản lý tài chính. Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả khảo sát hàng năm với khoảng 20.000 doanh nghiệp, cho biết mặc dù việc sử dụng AI ở các công ty vừa và nhỏ (SME) vẫn còn tương đối hiếm, nhưng có tới hơn 1/3 công ty lớn đã sử dụng AI.
Mặc dù vậy, hiện nhiều công ty Đức vẫn do dự trong việc sử dụng AI. Theo Destatis, chỉ có 10% số công ty chưa sử dụng AI đang cân nhắc việc này. Nhưng có tới 72% viện lý do thiếu kiến thức là lý do chính dẫn đến sự miễn cưỡng sử dụng AI. Theo một cuộc khảo sát gần đây do hiệp hội kỹ thuật số Bitkom của Đức thực hiện, mặc dù hầu hết các công ty Đức coi AI là công nghệ quan trọng nhất trong tương lai, nhưng gần 1/3 vẫn cho rằng đó là một “sự cường điệu quá mức.”
1. Thu hút vốn FDI 11 tháng tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2022
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 đạt gần 28,85 tỷ USD. Với 2.865 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,41 tỷ USD, vốn đăng ký cấp mới 11 tháng đã tăng 58,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 42,4% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 14,26 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 858,4 triệu USD, chiếm 5,2%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 7,9%.
Trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3,31 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 3,15 tỷ USD, chiếm 19,2%; Trung Quốc 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7%; Đài Loan 2,05 tỷ USD, chiếm 12,5%; Hàn Quốc 1,7 tỷ USD, chiếm 10,4%; Nhật Bản 757,8 triệu USD, chiếm 4,6%.