Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1.    Giá nông sản toàn cầu dự báo tăng mạnh
Việc Nga tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau ngày 17/7 đang được dự báo sẽ tác động lớn tới giá nhiều mặt hàng trên thị trường hàng hoá. Chỉ trong vòng vài ngày qua, giá lúa mỳ trên các sở giao dịch thế giới đã tăng vọt hơn 15%, giá các loại dầu thực vật cũng tăng từ 4 – 7%. Dự báo trong ngắn hạn, nếu dòng chảy ngũ cốc từ Biển Đen bị gián đoạn, khoảng 45 quốc gia tại 3 châu lục sẽ bị ảnh hưởng khi 32,9 triệu tấn ngũ cốc không thể xuất khẩu. Còn trong trung và dài hạn, từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn thu hoạch mùa vụ ngũ cốc ở Nga và Ukraine, nên khi hoạt động xuất khẩu của Kiev bị ngừng sẽ tạo ra áp lực rất lớn về vấn đề kho bãi, dự trữ. Không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một siêu chu kỳ tăng giá mới đối với giá ngũ cốc và dầu thực vật.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-nong-san-toan-cau-du-bao-tang-manh-20230724142945777.htm
2.    ‘Pizza rẻ nhất thế giới’ ra mắt người tiêu dùng tại Ấn Độ
Chiếc pizza rẻ nhất thế giới là chiến lược mà thương hiệu pizza Domino’s sử dụng để ứng phó với tình trạng lạm phát cao tại Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất hành tinh. Với giá 49 rupee (0,6 USD), chiếc pizza phô mai của Domino’s có đường kính 7 inch (17,78 cm) được rắc thêm rau húng quế và ngò tây. Đây là sản phẩm chủ lực của Domino’s trong cuộc chiến với tình trạng lạm phát cao, vốn đang bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp và giảm sức mua của người tiêu dùng tại Ấn Độ, thị trường lớn nhất bên ngoài nước Mỹ của Domino’s. Để so sánh, tại Thượng Hải (Trung Quốc), chiếc pizza rẻ nhất của Domino’s có giá khoảng 3,8 USD, và tại San Francisco (Mỹ) là khoảng 12 USD.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/pizza-re-nhat-the-gioi-ra-mat-nguoi-tieu-dung-tai-an-do/876271.vnp
3.    Trung Nguyên Legend đẩy mạnh chinh phục thị trường Trung Quốc
Ngày 25.7.2023, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tiếp tục mở cửa không gian thứ 2 tại trung tâm thương mại One East, số 788, đường Zhong Shan Nan Yi, Thượng Hải. Sự kiện này khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Trung Nguyên Legend tại thị trường tỷ đô Trung Quốc, cũng như tiếp tục hiện thực hóa khát vọng chinh phục thế giới của thương hiệu này. Với không gian 300m2 được thiết kế, bày trí khác biệt, đặc biệt mang đặc trưng thương hiệu Trung Nguyên Legend, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tạo ấn tượng nổi bật tại trung tâm thương mại One East, một địa điểm mua sắm sầm uất với các sự kiện văn hóa, giải trí đa dạng tại Thượng Hải. Theo đó, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tiếp tục mang đến cho người yêu cà phê tại Trung Quốc một không gian đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam với những phong cách thưởng lãm cà phê đặc biệt, thú vị theo 3 văn minh cà phê Ottoman – Roman – Thiền.
Sau không gian thứ 2 vừa được khai trương, Trung Nguyên Legend sẽ triển khai kế hoạch phát triển 1.000 Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại khắp các tỉnh thành Trung Quốc thông qua hình thức hợp tác đầu tư.
Nguồn: https://baomoi.com/trung-nguyen-legend-day-manh-chinh-phuc-thi-truong-trung-quoc/r/46458538.epi

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Những điểm đến được du khách Việt lựa chọn nhiều nhất
Mới đây, The Outbox Company đã công bố Most Loved Ranking (dữ liệu dựa trên sự lựa chọn của người tiêu dùng, không dựa trên số lượt khách) quý II-2023 với top các điểm đến trong nước, điểm đến quốc tế, đại lý du lịch trực tuyến (OTAs), khách sạn quốc tế được biết đến nhiều nhất… Đối với điểm đến trong nước, với tỷ lệ bình chọn không chỉ cao nhất gần 17%, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh thành đạt mức độ thay đổi cao nhất về tỷ lệ bình chọn của du khách Việt. Đà Nẵng và Hà Nội vẫn đứng vị trí thứ hai và thứ ba. TP.HCM đứng vị trí thứ tư và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trở thành vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng.
Về điểm đến quốc tế, nếu trong quý I người Việt rất yêu thích và lựa chọn Hàn Quốc và Nhật Bản là hai điểm đến hàng đầu thì trong quý II các chuyến đi du lịch Thái Lan từ hạng 4 bất ngờ dành vị trí dẫn đầu, tăng 15,1% so với quý I. Hàn Quốc rớt xuống vị trí thứ hai trong khi Nhật Bản và Singapore đồng giữ vị trí thứ ba, giảm 8,3% và 7,1% so với tỷ lệ bình chọn trong quý I. Cũng đồng hạng ba, Trung Quốc vượt qua Vương Quốc Anh nằm trong top năm điểm đến quốc tế được du khách Việt lựa chọn đến thăm nhiều nhất.
Nguồn: https://plo.vn/nhung-diem-den-duoc-du-khach-viet-lua-chon-nhieu-nhat-post743345.html

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Mặt bằng bán lẻ dần phục hồi sau dịch bệnh
Các chuyên gia của Công ty Savills nhận định, mặc dù thương mại điện tử đã phát triển bùng nổ kể từ thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng sẽ phải rất lâu nữa hình thức này mới có thể lấn át hoạt động bán lẻ truyền thống. Theo Công ty Savills, sau dịch, người tiêu dùng có nhu cầu tìm lại sự kết nối với cộng đồng và cảm nhận không gian công cộng. Đồng thời, sự thuận tiện của thương mại điện tử đã mang tới tư duy mua sắm “ngay lập tức” cho khách hàng. Vì vậy, các không gian bán lẻ thỏa mãn được cả yếu tố thực tế và trực tuyến được xem là hướng phát triển mới của nhiều thương hiệu trong tương lai
 Trên thực tế, nghiên cứu của Savills Impacts cũng cho thấy đã có những tín hiệu cho thấy ngành bán lẻ truyền thống đang trên đà trở lại. Xu hướng này chưa xuất hiện trên toàn cầu nhưng đã được ghi nhận tại một số thị trường. Nhiều thương hiệu tiếp tục lựa chọn mở cửa hàng tại những điểm bán lẻ quan trọng và tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống đang giảm dần. Một số thương hiệu cao cấp thậm chí còn đẩy mạnh mở thêm cửa hàng tại những địa điểm mới
Nguồn: https://bnews.vn/mat-bang-ban-le-dan-phuc-hoi-sau-dich-benh/300176.html
2.    Các thương hiệu đua giảm giá để thích ứng nhu cầu tiệt kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc
Người tiêu dùng Trung Quốc đang tính toán hơn khi mua các vật dụng hàng ngày từ bàn chải đánh răng đến dầu gội đầu, một xu hướng đáng lo ngại khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng thoát khỏi tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19. Đà phục hồi doanh số bán lẻ rộng lớn hơn ở Trung Quốc trong năm nay đã che khuất phần nào tình trạng dè sẻn chi tiêu của người tiêu dùng. Các nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân là do người tiêu dùng bi quan về triển vọng kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc gần đây đã chậm lại khi xung lực phục hồi kinh tế suy yếu.
Kể từ khi Bắc Kinh dỡ bỏ chiến lược ‘zero Covid’ hồi đầu năm, người dân Trung Quốc đã nối lại các hoạt động du lịch, giải trí và ăn uống ở nhà hàng. Nhưng đối với các khoản chi tiêu cho nhu yếu phẩm hàng ngày, người dân tiếp tục thói quen thắt lưng buộc bụng hình thành trong thời kỳ đại dịch. Xu hướng “hạ cấp tiêu dùng” của Trung Quốc hiện là chủ đề phổ biến trên các nền tảng truyền thông xã hội của nước này, với việc người dùng chia sẻ mẹo mua sắm và lối sống tiết kiệm hơn. Người mua sắm ở Trung Quốc đang ngày càng chuộng hàng giá rẻ bán trên nền tảng thương mại điện tử của PDD, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba Trung Quốc. Nền tảng này nổi tiếng với các ‘deal’ giá hời và phiên bản rẻ hơn của các mặt hàng được bán trên các nền tảng của hai đối thủ JD.com và Alibaba.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-thuong-hieu-dua-giam-gia-de-thich-ung-nhu-cau-tiet-kiem-cua-nguoi-tieu-dung-trung-quoc/
3.    Streamer ảo len lỏi vào thị trường livestream thương mại điện tử Trung Quốc
Trung Quốc nổi tiếng với lĩnh vực livestream thương mại điện tử (TMĐT). Trong những sự kiện lớn như Ngày độc thân, mỗi phiên livestream có thể thu về hàng tỷ USD. Nếu như các thành phố lớn như Thâm Quyến, Hàng Châu đang trong cuộc đua thiết lập trung tâm livestream TMĐT toàn cầu, một số doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc lại muốn thúc đẩy công nghệ AI tạo sinh để tạo ra streamer ảo, đủ khả năng livestream suốt ngày đêm. Streamer ảo do AI tạo ra sẽ ảnh hưởng đến hơn 400.000 người đang hành nghề streamer trên khắp Trung Quốc.
Theo Hugo Huang, nhà sáng lập dịch vụ cung cấp streamer ảo Sansongshuzi, chi phí sử dụng streamer ảo cho chiến dịch tiếp thị trực tuyến của các doanh nghiệp, thương hiệu nhỏ thấp hơn nhiều so với streamer con người. Công ty của Huang cung cấp streamer ảo với giá 500 NDT (hơn 1,6 triệu đồng) mỗi tháng. Ngược lại, chi phí thuê streamer con người và studio rơi vào khoảng 50.000 NDT mỗi tháng. Gao Zilong, Giám đốc vận hành WH Zones – startup chuyên phát triển và điều hành người có sức ảnh hưởng (KOL) ảo – cho biết một vài thương hiệu lớn trên thị trường livestream TMĐT Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến streamer ảo. Ông Gao tiết lộ, một “gã khổng lồ” điện tử trong nước và một tập đoàn mỹ phẩm quốc tế đang làm việc với WH Zones để chạy chiến dịch vào tháng 8 với sự tham gia của streamer ảo, dựa trên hình mẫu của vài người nổi tiếng; kết hợp giữa công nghệ và con người sẽ thúc đẩy doanh số cho thương hiệu.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/streamer-ao-len-loi-thi-truong-livestream-thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-2168956.html
4.    Alibaba rót thêm 845 triệu USD vào Lazada
Theo Bloomberg, Alibaba Group (Alibaba) đã rót thêm 845 triệu USD vào nền tảng bán lẻ trực tuyến Lazada. Hoạt động rót vốn được tiết lộ trong một hồ sơ nộp tại Singapore hôm 19/7. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã rót nhiều tỉ USD vào Lazada kể từ khi thâu tóm doanh nghiệp này vào năm 2016. Khoản đầu tư mới nhất của Alibaba vào Lazada diễn ra trong bối cảnh mảng kinh doanh bán lẻ của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ Shopee của Sea Limited và Amazon.com ở Đông Nam Á.
Nguồn: https://viettimes.vn/alibaba-rot-them-845-trieu-usd-vao-lazada-post168530.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
5.    Hơn 76.000 nhà bán hàng chia tay sàn thương mại điện tử Việt
Thống kê của nền tảng số liệu thị trường Metric cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, số lượng nhà bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) liên tục sụt giảm mạnh, khi mức giảm đạt 18%, tương đương 76.030 nhà bán dừng hoạt động trên sàn. Đại diện Metric nhìn nhận, có khá nhiều tác động đến việc các nhà bán rút khỏi nền tảng TMĐT như sự biến động của thị trường, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp sẽ dần rút khỏi thị trường và lợi nhuận sẽ đổ về các nhà bán thực sự chuyên nghiệp, có đầu tư cho việc kinh doanh trên nền tảng TMĐT.
Ở chiều ngược lại, dù số lượng người bán sụt giảm nhưng tổng doanh thu trên 4 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo tăng 22,5% so với cùng kỳ 2022 (nửa năm đầu 2022, TikTok Shop chưa ra mắt). Tuy nhiên, nếu tính cả doanh thu TikTok Shop, con số tăng trưởng này đạt mức 46% với tổng doanh thu là 92.745 tỉ đồng và hơn 907 triệu sản phẩm được bán ra. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế toàn cầu vẫn nhiều biến động.
Nguồn: https://plo.vn/vi-sao-hon-76000-nha-ban-hang-chia-tay-san-thuong-mai-dien-tu-post743283.html
6.    Công ty văn phòng phẩm Thiên Long bắt tay với Galaxy Education
Thành công rực rỡ của năm 2022 là động lực để Thiên Long tự tin bước vào năm 2023 với tầm nhìn mới, đó là truyền cảm hứng và cung cấp các giải pháp hiệu quả, toàn diện để “học hỏi hạnh phúc trọn đời” (happy learning life) cho người Việt Nam. Theo đó, Thiên Long và Galaxy Education sẽ chính thức bắt tay nhau trên mọi mặt trận từ truyền thông, thương mại, cho đến các sự kiện thiện nguyện, sự kiện cộng đồng có ý nghĩa. Hai bên cam kết sẽ cùng nhau đưa ra những gói sản phẩm đặc biệt có giá trị cao về mặt chất lượng, đồng thời dành cho khách hàng của hai bên các chính sách ưu đãi tốt nhất, mang lại những trải nghiệm tốt nhất. Bên cạnh đó, Hai bên thống nhất sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa lẫn nhau trong các chương trình, hoạt động xã hội có ý nghĩa về mặt giáo dục, giúp lan tỏa các giá trị nhân văn mà cả hai đơn vị đang hướng tới.
Ngay sau hợp tác này, Thiên Long và Galaxy Education sẽ triển khai và công bố một số dự án giáo dục như “Tập tô màu 4.0” dành cho các bé 6-12 tuổi và cuộc thi “Khám phá hành tinh toán” dành cho học sinh cấp 3. Đây sẽ là sự khởi đầu thú vị hứa hẹn một năm hợp tác gặt hái thành công của hai đơn vị.
Nguồn: https://vneconomy.vn/khi-ong-lon-van-phong-pham-thien-long-bat-tay-voi-galaxy-education.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

  1. Hai đối thủ thời trang Temu và Shein của Trung Quốc kiện nhau ở Mỹ
Financial Times đưa tin, tuần trước, Temu phát động vụ kiện chống độc quyền chống lại Shein ở một tòa án liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) vì cho rằng đối thủ ép buộc các nhà máy ở Trung Quốc dừng sản xuất cho Temu nhằm duy trì sự thống trị thị trường thời trang nhanh ở Mỹ. Các luật sư của Temu cáo buộc Shein lạm dụng vị thế nắm giữ 75% thị trường thời trang nhanh của Mỹ để buộc các nhà cung cấp ở Trung Quốc sản xuất độc quyền cho Shein. Đơn kiện cho rằng chiến thuật này đã ngăn cản người tiêu dùng Mỹ “tiếp cận với sự cạnh tranh trực tiếp về giá” và khiến doanh số bán hàng thời trang nhanh của Temu giảm 300-400%.
Khi sự giám sát đối với các công ty Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Âu do mối quan hệ xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh, cả Temu và Shein đều cố gắng tách biệt hình ảnh thương hiệu của họ với Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn các sản phẩm của họ. Shein đã thành lập doanh nghiệp tại Singapore hồi năm ngoái, trong khi Temu tuyên bố công ty này được thành lập tại Boston, bang Massachusetts vào năm 2022. Nhưng đơn kiện trên cho thấy rõ chuỗi cung ứng của cả công ty này liên kết chặt chẽ với Trung Quốc như thế nào.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/hai-doi-thu-thoi-trang-temu-va-shein-cua-trung-quoc-kien-nhau-o-my/

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    TSMC bị khó khăn ‘bủa vây’
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cho biết họ sẽ lùi thời gian bắt đầu sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở Arizona đến năm 2025 do thiếu công nhân lành nghề và kỹ thuật viên cần thiết để lắp đặt thiết bị chuyên dụng. “Chúng tôi đang gặp phải một số thách thức nhất định do không đủ số lượng công nhân lành nghề với chuyên môn chuyên sâu cần thiết để lắp đặt thiết bị trong một cơ sở cấp chất bán dẫn”, Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết. Hiện TSMC đang phải điều động kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm từ Đài Loan sang để xử lý vấn đề này. Trước đó, công ty dự kiến bắt đầu vận hành nhà máy vào cuối năm sau.
Đồng thời, trong tuần này, nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan một lần nữa giảm triển vọng tăng trưởng cả năm do thị trường Trung Quốc phục hồi chậm và bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài. Hiện tại, công ty dự kiến doanh thu sẽ giảm 10% so với năm 2022. Vào tháng 4, công ty đã cắt giảm mục tiêu doanh thu hàng năm từ mức tăng trưởng nhẹ xuống mức giảm “trung bình một chữ số”. Kết quả kinh doanh quý mới nhất, nhà đúc chip hợp đồng lần đầu tiên báo cáo lợi nhuận giảm kể từ năm 2019 khi thị trường điện tử tiêu dùng suy giảm. Cụ thể, trong quý II/2023, TSMC ghi nhận doanh thu 15,68 tỷ USD, thấp nhất trong 5 quý trở lại đây và thấp hơn 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng cũng giảm 23,3% so với một năm trước đó.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tsmc-bi-kho-khan-bua-vay-do-kinh-te-vi-mo-suy-thoai-va-thieu-nhan-cong-tai-my-2168005.html
2.    Nhà SX pin CALT thành lập thương hiệu máy bay năng lượng mới
Nhà sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc – Tập đoàn Công nghệ Amperex đương đại (CATL) vốn được biết đến ở Việt Nam với tư cách một đối tác pin hàng đầu của VinFast đã thành lập một đơn vị hàng không trong tuần này, đánh dấu sự xuất hiện của máy bay điện có thể sẽ gần hơn dự kiến. Theo một báo cáo từ Yicai Global, CATL và nhà sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) đang nghiên cứu và triển khai máy bay điện. CATL và COMAC đã thành lập một liên doanh về hàng không trong tuần này với nhóm Phát triển Doanh nghiệp của Đại học Jiao Tong Thượng Hải với tên gọi COMAC Times Aviation. COMAC đã phát triển máy bay năng lượng mới từ năm 2019, với máy bay hydro Lingque-H đã thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm trong thời gian vừa qua.
Mặc dù CATL vẫn chưa đưa ra bình luận về tin tức này, nhưng nhà sản xuất xe điện dự kiến sẽ sử dụng loại pin cô đặc mới của mình để cung cấp năng lượng cho máy bay điện. CATL đã công bố loại pin cô đặc mới có tên Qilin tại Triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng 4 vừa qua, với mật độ năng lượng lên tới 500 Wh/kg. Để so sánh, pin Qilin cực kỳ hiệu quả hứa hẹn mật độ năng lượng lên tới 255 Wh/kg với phạm vi hoạt động hơn 1.000 km. Công ty này cho biết loại pin mới có thể đạt được mật độ năng lượng cao và mức độ an toàn vượt trội, mở ra một kịch bản điện khí hóa hoàn toàn mới cho máy bay chở khách.
Nguồn: https://markettimes.vn/tuong-lai-may-bay-dien-dang-can-ke-doi-tac-pin-dinh-dam-cua-vinfast-thanh-lap-thuong-hieu-may-bay-nang-luong-moi-du-kien-van-hanh-voi-pin-tren-1-000km-34841.html
3.    Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng chính của xe điện Mercedes-Benz
Nhà sản xuất ôtô Mercedes-Benz của Đức đang kỳ vọng biến Trung Quốc, thị trường ôtô hàng đầu thế giới, trở thành trung tâm trong chiến dịch xe điện (EV) tiếp theo bắt đầu từ năm 2025. Giám đốc Điều hành Mercedes-Benz, ông Ola Kaellenius, chia sẻ với Tạp chí Automobilwoche (Đức) rằng để đạt được mục tiêu này, hãng cần làm chủ động cơ điện và số hóa một cách hoàn hảo. Từ năm 2025, tất cả các cơ sở sản xuất xe mới của Mercedes-Benz sẽ chỉ sản xuất xe điện theo chiến lược mà nhà sản xuất ôtô hạng sang của Đức này đã vạch ra vào năm 2021.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-se-la-dong-luc-tang-truong-chinh-cua-xe-dien-mercedesbenz/878853.vnp
4.    Ông trùm xe điện BYD bị từ chối đầu tư tại Ấn Độ
Đầu tháng này, có thông tin cho rằng BYD đã đệ trình đề xuất đầu tư trị giá 1 tỷ USD để chế tạo ô tô điện và pin ở Ấn Độ với sự hợp tác của một công ty địa phương. Cụ thể, BYD và công ty tư nhân Megha Engineering and Infrastructures đã đệ trình một đề xuất lên các cơ quan quản lý Ấn Độ để thành lập một liên doanh xe điện. Nguồn tin giấu tên cho biết kế hoạch dài hạn là sản xuất đầy đủ các dòng xe điện thương hiệu BYD ở Ấn Độ, từ xe hatchback đến các mẫu xe hạng sang.
Tuy nhiên, đề xuất đầu tư của họ đã bị Ấn Độ từ chối. Lý do là vì đề xuất được đưa ra vào thời điểm Ấn Độ đang tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc. Thời báo Kinh tế của Ấn Độ dẫn lời một quan chức cho biết rằng những lo ngại về an ninh đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã được đề cập trong các cuộc thảo luận.
Nguồn: https://markettimes.vn/hua-rot-1-ty-usd-cung-nhieu-ke-hoach-khung-nhung-gi-ong-trum-xe-dien-byd-nhan-lai-tu-quoc-gia-chau-a-nay-chi-la-mot-cai-lac-dau-34965.html
5.    Hàng tỷ USD rót vào startup AI: nguy cơ về bong bóng dot.ai
Công ty khởi nghiệp Mistral AI của Pháp không hề có sản phẩm thực sự nào khi huy động được 105 triệu euro (118 triệu USD) tại một trong những vòng hạt giống lớn nhất từ trước đến nay của châu Âu vào tháng trước. Từ đó, một số nhà đầu tư và những người trong ngành đang lo lắng cơn sốt tài trợ vào AI tạo sinh sẽ biến thành bong bóng, tiền đổ vào các công ty không có thu nhập, sản phẩm sáng tạo cũng như chuyên môn phù hợp. Emad Mostaque, người sáng lập và giám đốc điều hành của Stability AI, một công ty AI tạo sinh cũng được Lightspeed rót vốn, dự đoán làn sóng đầu tư hiện tại vào các công ty AI sẽ tạo ra “bong bóng lớn nhất mọi thời đại”.
Khoản đầu tư vào Mistral AI chỉ là một trong số rất nhiều khoản đầu tư trong năm nay bởi các nhà đầu tư mạo hiểm đang tranh giành một chỗ đứng trên con tàu AI. Trong sáu tháng đầu năm 2023, họ đã đầu tư 15,2 tỷ USD vào các công ty AI có năng suất cao trên toàn cầu, theo dữ liệu của Pitchbook. Phần lớn số tiền này đến từ khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft, được công bố vào tháng 1, vào OpenAI, nhà phát triển chatbot AI tổng hợp phổ biến ChatGPT. Nhưng ngay cả khi loại trừ thỏa thuận lớn của Microsoft, giá trị của các khoản đầu tư VC vào AI tổng hợp đã tăng gần 58% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ các nhà đầu tư tư nhân nhiều tiền mới hy vọng kiếm được tiền từ sự bùng nổ của AI: Dòng tiền chảy vào 5 quỹ giao dịch trao đổi tập trung vào AI hàng đầu thế giới đã tăng trung bình 35% kể từ đầu năm.
Nguồn: https://vneconomy.vn/hang-ty-usd-rot-vao-startup-ai-tao-sinh-chuyen-gia-lo-so-nguy-co-bong-bong-dot-ai.htm
6.    GIMO, startup ‘nhận lương linh hoạt’ huy động được hơn 17 triệu USD
Ngày 24/7, GIMO, startup lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam chính thức hoàn tất vòng gọi vốn Series A với tổng số vốn huy động lên tới 17,1 triệu USD. Vòng gọi vốn lần này bao gồm vốn cổ phần và vốn vay được hoàn thành chỉ sau 5 tháng kể từ khi startup GIMO công bố nhận 5,1 triệu USD vào tháng 2 vừa qua. Thương vụ được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura với sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại của startup này như Integra Partners, Resolution Ventures, Blauwpark Partners, ThinkZone Ventures và Y Combinator. Ngoài ra, vòng gọi vốn còn có sự đóng góp của các nhà đầu tư mới như Genting Ventures, TKG Taekwang, George Kent và AlteriQ Global.
Khoản đầu tư tại vòng Series A sẽ giúp startup thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô thị trường. Với khoản đầu tư mới lần này, GIMO dự kiến tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, qua đó ra mắt nhiều sản phẩm hướng và sáng kiến hướng tới cộng đồng, giúp người lao động phổ thông tránh được rủi ro bẫy nợ và tín dụng đen, góp phần nâng cao an toàn tài chính và an sinh. Nguồn vốn này cũng được GIMO sử dụng để đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác từ đó khởi động các chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ người lao động yếu thế.
Nguồn: https://mekongasean.vn/gimo-startup-nhan-luong-linh-hoat-huy-dong-duoc-hon-17-trieu-usd-post24625.html
 7.    VinBigdata ra mắt bộ giải pháp phân tích hình ảnh thông minh
Ngày 24/7, Công ty cổ phần VinBigdata công bố bộ giải pháp phân tích hình ảnh thông minh Vizone thế hệ mới nhất – phiên bản toàn cầu. Công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành, tiết kiệm kinh phí mà còn góp phần thúc đẩy tự động hóa, nâng cao chất lượng an ninh toàn diện. Các sản phẩm mới bao gồm Vizone Secure – giải pháp giám sát an ninh, an toàn dựa trên phân tích video thông minh; Vizone Access – giải pháp kiểm soát ra vào bằng khuôn mặt và Vizone Lens – giải pháp định danh khách hàng điện tử và nhận dạng tài liệu.
Vizone được phát triển dựa trên những công nghệ về phân tích hình ảnh như nhận diện khuôn mặt, phân tích hành vi, nhận diện vật thể, nhận dạng ký tự quang học dựa trên hàng triệu dữ liệu hình ảnh người, vật thể, phương tiện và hệ cơ sở kiến thức đa lĩnh vực lên tới 3.500 terabyte (đơn vị dùng để đo dung lượng lưu trữ trên máy tính). Với phiên bản toàn cầu, Vizone được cập nhật và cải tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và bảo mật dữ liệu. Với việc ra mắt sản phẩm phù hợp với đa dạng mục đích và nhu cầu sử dụng, đặc biệt khả năng triển khai tại những khu vực có quy mô rộng lớn, không giới hạn, Vizone đang là đối tác của nhiều nhà cung cấp tên tuổi như Advantech, Panava, MK Vision…
Nguồn: https://vnexpress.net/vinbigdata-ra-mat-bo-giai-phap-phan-tich-hinh-anh-thong-minh-4633281.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.    Hàn Quốc ký thỏa thuận với Indonesia thăm dò các mỏ khí đốt ngoài khơi
Ngày 25/7 Công ty POSCO International thuộc tập đoàn thép POSCO Holdings (Hàn Quốc) ký hợp đồng phân phối sản phẩm với các tổ chức chính phủ và công ty dầu mỏ nhà nước Pertamina Hulu Energi Indonesia. Công ty dầu mỏ nhà nước Pertamina Hulu Energi (PHE) là công ty con của PT Pertamina Hulu Indonesia, công ty sản xuất dầu khí quốc doanh của Indonesia. Theo hợp đồng này, POSCO International của Hàn Quốc sẽ được chia khí đốt, dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên còn lại từ mỏ Bunga với các đối tác phía Indonesia. Ngoài ra, POSCO International có thể thăm dò, tìm kiếm mỏ trên đảo Jana của Indonesia trong 6 năm, sau đó là giai đoạn phát triển và sản xuất trong 30 năm.
Nguồn: https://bnews.vn/han-quoc-ky-thoa-thuan-voi-indonesia-tham-do-cac-mo-khi-dot-ngoai-khoi/300704.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Lần đầu tiên, TPHCM có điểm kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP
Ngày 21/7, Trung tâm dịch vụ thương mại nông nghiệp phía Nam chính thức khai trương “Điểm kết nối, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” tại địa chỉ 135A Pasteur, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng, Trưởng Đại diện khu vực phía Nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc ra mắt điểm kết nối, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… theo mô hình chuỗi liên kết giá trị. Tại cửa hàng trưng bày và kinh doanh gần 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao cùng nhiều sản phẩm đặc sản và sản phẩm OCOP tiềm năng của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từng sản phẩm đều được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng và niêm yết giá công khai.
Nguồn: https://bnews.vn/quang-ba-dua-san-pham-ocop-den-gan-hon-voi-nguoi-tieu-dung/300205.html
2.    Giá lợn hơi thất thường: Lo lợn nhập lậu gây mất kiểm soát
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, việc giá lợn hơi trong nước đang cao hơn so với các nước xung quanh khiến việc tuồn lậu lợn sống vào Việt Nam có thể xảy ra. Đại diện một doanh nghiệp (DN) chăn nuôi cho biết, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng hàng tiêu thụ có xu hướng tăng khi nhu cầu của người dân có dấu hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, điều lạ là giá lợn trong nước đang chững lại và có dấu hiệu “xì hơi”. Qua việc nắm bắt thị trường, DN nhận thấy nguồn hàng từ các nước đổ về đang làm tăng mạnh nguồn cung trên thị trường. Tại miền Bắc, nguồn lợn tiểu ngạch từ Trung Quốc về với giá khoảng 60.000-62.000 đồng/kg và từ Thái Lan về qua cửa khẩu Quảng Bình, Quảng Trị với giá 59.000 – 61.000 đồng/kg, đang tạo nên sự khó kiểm soát. Ở khu vực phía Nam, lợn Thái Lan có dấu hiệu tuồn qua cửa khẩu Long An thay thế cho nguồn lợn Campuchia với giá khoảng 61.000 đồng/kg, số lượng lên tới cả nghìn con mỗi ngày.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-lon-hoi-that-thuong-lo-lon-nhap-lau-gay-mat-kiem-soat-post1552863.tpo
3.    Việt Nam xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, xuất khẩu thịt gà chế biến
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030”. Theo Quyết định, mục tiêu chung là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Cụ thể, tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người. Đến năm 2025, có 6 vùng của tỉnh Bình Phước, 1 vùng của Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH). Năm 2030, các vùng đã đạt ATDB tiếp tục được duy trì; các huyện còn lại của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM và các tỉnh khác thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng ATDB theo quy định của Việt Nam; có 8 vùng khác của Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/viet-nam-xay-dung-cac-vung-an-toan-dich-benh-xuat-khau-thit-ga-che-bien-2169673.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường
Bộ Công Thương cho biết, ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Bô Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngày với các đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương ở các khu vực để được hướng dẫn.
Lệnh dừng xuất khẩu gạo được Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh giá gạo tại nước này đã tăng hơn 11,5% trong vòng 1 năm qua và 3% chỉ trong tháng vừa qua. Các diễn biến thời tiết không thuận trong vụ lúa xuân hè càng thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ đi tới quyết định này. Lượng mưa sụt giảm tại các bang nông nghiệp quan trọng như Bibar, Odisha, Jharkhand. Lệnh dừng xuất khẩu được cho là nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực trong nước và giúp kiểm soát lạm phát.
Nguồn: https://vtc.vn/an-do-cam-xuat-khau-gao-te-thuong-bo-cong-thuong-khuyen-cao-doanh-nghiep-viet-ar807504.html
2.    Trung Quốc cảnh báo sầu riêng, xoài, nhãn Việt vi phạm kiểm dịch thực vật
Bộ NN&PTNT cho biết, đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Theo Bộ NN&PTNT, việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Bộ NN&PTNT.
Nguồn:   https://tienphong.vn/trung-quoc-canh-bao-sau-rieng-xoai-nhan-viet-vi-pham-kiem-dich-thuc-vat-post1553663.tpo
3.    Chanh dây tươi, dừa Việt sắp xuất khẩu chính ngạch sang Úc, Trung Quốc
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, vừa nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc (DAFF) về dự thảo yêu cầu nhập khẩu đối với quả chanh dây tươi của Việt Nam. Theo đó, đơn vị này đã hoàn tất dự thảo báo cáo đánh giá đề xuất của Việt Nam về việc tiếp cận thị trường Úc đối với quả chanh dây tươi phục vụ mục đích tiêu dùng. Cụ thể, DAFF cho biết chanh dây tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Úc. Tuy nhiên, sản phẩm phải tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học, trong đó có 11 loài dịch hại bao gồm ruồi đục quả, rệp, nhện và bọ trĩ, chanh dây Việt Nam cần phải đáp ứng.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngoài thị trường Úc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa thông báo sẽ tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang nước này để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi và làm căn cứ cho việc ký nghị định thư. Theo đó, thời gian kiểm tra của GACC sẽ diễn ra vào giữa tháng 8 theo hình thức kiểm tra trực tuyến kết hợp với thực địa và tài liệu.
Nguồn: https://tienphong.vn/chanh-day-tuoi-dua-viet-sap-xuat-khau-chinh-ngach-sang-uc-trung-quoc-post1553698.tpo
4.    Tập đoàn Sunwah đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc
Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang kết hợp với Tập đoàn Sunwah (Sunwah Gelafood) mở Gian hàng nông sản Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc. Bà Qi Ping, Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Sunwah Gelafood cho biết, Gian hàng nông sản Việt Nam sẽ được vận hành thông qua các video ngắn và livestream bán hàng. Theo bà Qi Ping, các video ngắn là nguồn thông tin hàng ngày được gần 1 tỷ người Trung Quốc ưa chuộng. Đối với gian hàng nông sản Việt Nam, uy tín của hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc cùng uy tín của tập đoàn sẽ giải quyết vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại diện Sunwah Gelafood cho biết, tập đoàn sẽ có các hình thức hỗ trợ đào tạo các nhà cung ứng về khâu hậu cần, đóng gói bao bì đến cách thức livestream hiệu quả. Một hỗ trợ khác của Sunwah là tỷ lệ đặt cọc không quá 20%, đây là tỷ lệ đặt cọc thấp ở sàn thương mại điện tử thay vì mức 50% thông thường.
Nguồn: https://mekongasean.vn/tap-doan-sunwah-dua-nong-san-viet-len-san-thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-post24678.html

BSA Media