Từ 1-11, Nhật Bản cấp e-visa cho du khách đoàn Việt Nam

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Hiện tượng ‘tiêu dùng ẩn dật’ ở các nước giàu
Di sản lớn nhất của COVID-19 là khiến hiện tượng ‘tiêu dùng ẩn dật’ xuất hiện, thôi thúc người dân chi tiêu cho hàng hóa tại nhà nhiều hơn dịch vụ. Đặc biệt, mọi người bớt ưu tiên chi tiêu cho các hoạt động bên ngoài gia đình, bao gồm lĩnh vực lưu trú và giải trí. Tiền tiết kiệm đang được chi cho hàng hóa, từ đồ dùng lâu bền như ghế và tủ lạnh, đến quần áo, thực phẩm và rượu vang.
Tại sao hành vi tiêu dùng ẩn dật lại tồn tại? Lý do đầu tiên có thể là tâm lý một số người vẫn sợ bị nhiễm bệnh dù là do COVID-19 hay thứ gì khác. Trên khắp các nước giàu, người dân đang chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng đông đúc để lấy sự riêng tư bằng phương tiện cá nhân. Lý do thứ hai liên quan đến mô hình công việc làm việc tại nhà, làm giảm nhu cầu về các dịch vụ được mua khi ở văn phòng, bao gồm cả bữa trưa và làm tăng nhu cầu về hàng hóa tự làm. Lý do thứ ba liên quan đến giá trị. Đại dịch có thể đã khiến con người thực sự muốn sống ẩn dật hơn. Họ cũng chi ít hơn cho các câu lạc bộ và các hoạt động xã hội khác, đồng thời chi nhiều hơn cho các hoạt động đơn độc, chẳng hạn làm vườn, mua tạp chí và nuôi thú cưng.
Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/hien-tuong-tieu-dung-an-dat-o-cac-nuoc-giau-d43486.html
2. Central Retail – quán quân Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2023
Ngày 26/10/2023 tại Lễ công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm – Đồ uống – Bán lẻ – Bao bì năm 2023 tổ chức tại Hà Nội, tập đoàn Central Retail tại Việt Nam vinh dự được Ban tổ chức vinh danh xếp vị trí quán quân Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Central Retail Việt Nam – Tập đoàn sở hữu Thương hiệu bán lẻ GO!, Big C; Tops Market… đoạt vị trí quán quân tại Bảng xếp uy tín này.
Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định vị trí dẫn đầu của Central Retail chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất. Theo công bố của Central Retail Corporation (Thái Lan), vào năm 2022, Central Retail Việt Nam đạt doanh số bán hàng đóng góp 24% tổng doanh thu của Central Retail, trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần mảng Đại siêu thị.
Nguồn: https://bnews.vn/central-retail-quan-quan-top-10-cong-ty-uy-tin-nganh-ban-le-nam-2023/313095.html
3. Hàng Việt trầy trật vào siêu thị, vào rồi lại… muốn ra
Không chỉ khó đưa hàng vào siêu thị, nhiều trường hợp vào được nhưng chỉ thời gian ngắn lại muốn ra do “khó sống”. Khó khăn này khiến nhiều nhà cung cấp lo hàng Việt mất vị thế so với hàng ngoại. Nhiều doanh nghiệp cho biết việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị là cần thiết, ngoài gia tăng doanh số còn có thể giúp nâng cao và quảng bá thương hiệu tốt hơn, tuy nhiên gắn bó lâu dài hay không phụ thuộc nhiều yếu tố. Đại diện Công ty Hoàng Phú (Bình Phước) cho biết hoạt động nhiều năm với nhiều sản phẩm chế biến từ hạt điều, nhưng đơn vị quyết định không vào kênh siêu thị do không chịu được mức chiết khấu cao (thường 15 – 25%) và nhiều thủ tục pháp lý. Do đó, đơn vị chọn các cửa hàng nhỏ, điểm bán đặc sản, nông sản sạch…
Trong khi đó, các siêu thị cho rằng luôn tạo mọi điều kiện cho nhà cung cấp, đặc biệt hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và hàng Việt. Một hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho biết không phân biệt đối xử với bất cứ thương hiệu nào nhưng sẽ ưu tiên chọn những doanh nghiệp có thương hiệu, xây dựng tốt giá trị nội tại sản phẩm như về bao bì, chất lượng… Hoặc chí ít phải có “câu chuyện” riêng, sự khác biệt. Trong khi đó, với hàng trăm điểm bán trên cả nước, đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam cho biết nếu đạt doanh số đề ra của đơn vị, thương hiệu sẽ được ở lại trên kệ, còn không trong ba tháng phải đưa hàng rời kệ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-viet-tray-trat-vao-sieu-thi-vao-roi-lai-muon-ra-20231029233228486.htm
4. Cạnh tranh khốc liệt bán hàng trên sàn TMĐT
Đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử ngày càng được các nhà sản xuất và kinh doanh chọn lựa và xem đây là một kênh bán hàng hiệu quả và nhanh chóng có thể phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá bán hàng hóa trên kênh này đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết. Các nhà sản xuất và bán hàng Việt Nam vừa cạnh tranh với nhau, vừa cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc làm gia tăng áp lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Đây là một trong những khó khăn khi bán hàng online mà các nhà kinh doanh phải tính toán để có phương án đối phó phù hợp.
Cũng vì cạnh tranh về giá bán mà kinh doanh TMĐT cũng đang chứng kiến cuộc chạy đua về cạnh tranh giá của các nhà cung cấp dịch vụ logistics cho ngành ngày càng cao. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, phí vận chuyển hàng hóa liên tỉnh ở trong nước vẫn còn khá cao khiến hàng hóa khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hạ tầng logistics còn hạn chế, chi phí vận chuyển lớn cùng với sự thiếu liên kết, chia sẻ nguồn lực giữa các doanh nghiệp… làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành logistics lẫn TMĐT Việt Nam.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/canh-tranh-khoc-liet-ban-hang-bang-luot-nhap-chuot/
5. Thương mại điện tử Việt Nam – thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Hàn Quốc
Shopee Korea cho biết quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, tương đương mức tăng khoảng 3 lần trong 5 năm qua. Shopee Korea nêu rõ sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc là danh mục bán chạy nhất trên Shopee Việt Nam. Tính riêng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2023, số lượng đơn hàng tích lũy của các sản phẩm làm đẹp đã tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ các thương hiệu lâu đời mà ngay cả thương hiệu mới ra mắt cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đơn cử như thương hiệu mỹ phẩm nội địa vừa gia nhập thị trường là ‘Torriden’ và “d’Alba” đã ghi nhận số lượng đơn đặt hàng trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng gấp lần lượt 28 và 20 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đứng ngay sau sản phẩm làm đẹp là các sản phẩm liên quan đến K-pop, theo đó, tính đến hết tháng 8/2023, số đơn đặt hàng tích lũy và doanh số của mặt hàng này tăng lần lượt là 109% và 278% so với năm ngoái.
Shopee Korea dự đoán nhu cầu các sản phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam, trong đó có cả sản phẩm làm đẹp, sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Hàn Quốc cao nhất. Đối tượng khách hàng chính thường là nữ giới, có độ tuổi từ 20-30, chịu ảnh hưởng lớn từ Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu).
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-thi-truong-tiem-nang-cua-doanh-nghiep-han-quoc-20231027113132808.htm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Sự hợp tác thành công giữa Luckin Coffee và Kweichow Moutai
Mới đây, Luckin Coffee đã có sự kết hợp đầy táo bạo với nhà sản xuất rượu Mao Đài nổi tiếng thế giới khi cho ra đời thức uống với tên gọi Moutai Latte. Theo thông cáo trực tuyến chính thức của Luckin Coffee, Moutai Latte là sự kết hợp giữa cà phê sữa được pha thêm rượu Mao Đài và nồng độ cồn trong loại đồ uống này thấp hơn 0,50%, để đảm bảo những người trẻ tuổi lần đầu tiên nếm thử vẫn không cảm thấy khó chịu. Sự hợp tác này đã thành công ngay lập tức với hàng dài người xếp hàng bên ngoài các quán cà phê của Luckin Coffee trên khắp Trung Quốc. Luckin cho biết đã bán được 5,42 triệu cốc cà phê latte có pha rượu Mao Đài trong ngày ra mắt đầu tiên. Và một số từ khóa có liên quan đã đứng đầu “danh sách tìm kiếm nhiều” trên nền tảng xã hội Weibo, mỗi hashtag có hơn 100 triệu lượt xem.
Ông Shawn Yang, Giám đốc điều hành của viện nghiên cứu Blue Lotus Research Institute, nhận định đây là một động thái khôn ngoan của Luckin, khi công ty này “đưa ra sản phẩm cao cấp để bù lại cảm giác rẻ tiền từ mức giá 9,9 NDT mỗi cốc cà phê”. Luckin đã mở rộng đối tượng khách hàng bằng cách sử dụng đòn bẩy là ảnh hưởng của các thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc như Mao Đài và Coconut Palm. Các sản phẩm địa phương hóa gây tiếng vang khác của Luckin ở thị trường Trung Quốc bao gồm latte trân châu đường đen, latte bơ và latte dừa.
Nguồn: https://bnews.vn/luckin-coffee-dung-day-sau-vap-nga/313248.html
2. Thương hiệu Dobry vượt Coca-Cola về thị phần bán hàng ở Nga
Số liệu của Công ty nghiên cứu NielsenIQ về doanh số bán hàng tiêu dùng hằng ngày (FMCG) cho thấy nước giải khát thương hiệu Dobry đã vượt Coca-Cola về thị phần bán hàng ở Liên bang Nga. Dobry là thương hiệu kế thừa Coca-Cola tại Nga. Thị phần của thương hiệu này đã chiếm 1,2% tổng doanh số bán hàng trên thị trường Nga.
Thông cáo cho biết: “Dựa trên kết quả từ tháng 1-8/2023, thương hiệu Dobry đã đứng thứ hai trong danh sách 50 thương hiệu lớn nhất về doanh số bán hàng tiêu dùng, chiếm thị phần 1,2% tổng doanh số bán hàng trên thị trường FMCG của Nga về giá trị.”
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thuong-hieu-dobry-vuot-cocacola-ve-thi-phan-ban-hang-o-nga/904490.vnp
3. “Nghịch lý” thị trường xuất khẩu sản phẩm Halal
Hiện có hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%), nhất là trong khối ASEAN. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Dù thị trường đang “khát” tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường Halal. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia 10,18 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2023.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/nghich-ly-thi-truong-xuat-khau-san-pham-halal-253487.html#

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Trung Quốc ồ ạt gom mua hạt điều của Việt Nam
Tháng 9, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của hạt điều Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 73,2 triệu USD, tăng 107,6% so với tháng 9 năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 42,3%, nhưng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường này lên tới 433,8 triệu USD, chỉ xếp sau thị trường Mỹ. Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam cho biết: Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn thứ 3 của Việt Nam. Việc tăng nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc đối với Việt Nam là việc hết sức bình thường, bởi nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Trung Quốc rất lớn.
Cũng theo ông Hậu, thị trường Trung Quốc nhiều năm trước nổi tiếng là thị trường dễ tính nên có một số doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam chế biến hạt điều chất lượng không đạt như mong muốn của đối tác. Do đó họ thường tìm cách xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Thời gian qua Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như xử lý nghiêm việc nhập lậu hàng hoá thực phẩm, nông sản. Do vậy họ đã bắt, tịch thu số lượng lớn hạt điều nhập lậu, thực ra là nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Do đó, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch hạt điều của Việt Nam sang Trung Quốc đã không còn phù hợp.
Nguồn: https://vtc.vn/trung-quoc-o-at-gom-mua-hat-dieu-cua-viet-nam-hiep-hoi-dieu-khuyen-cao-gi-ar830398.html
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Thái Lan bất ngờ kiểm soát xuất khẩu đường
Nguồn tin từ Bloomberg cho biết Thái Lan – nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sẽ bắt đầu điều tiết giá chất tạo ngọt trong nước và giám sát xuất khẩu nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát và duy trì an ninh lương thực. Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Napintorn Srisunpang, nội các của Thủ tướng Srettha Thavisin vào ngày 31/10  đã phê duyệt việc phân loại đường là mặt hàng được kiểm soát, có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi giá nào hoặc xuất khẩu từ một tấn trở lên trước tiên phải được một hội đồng quản lý thông qua.
Lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong mùa vụ 2022 – 2023 sẽ giảm 13% so với mùa vụ trước. Thời gian gần đây, sản lượng đường ở các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đều sụt giảm. Điều này đã tác động mạnh đến giá đường thế giới.
Nguồn: https://markettimes.vn/noi-got-an-do-mot-cuong-quoc-nong-san-khac-bat-ngo-kiem-soat-xuat-khau-duong-la-nha-cung-cap-lon-thu-2-the-gioi-46361.html
2. Đặc sản mật hoa dừa tươi của Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ
Mật hoa dừa tươi Organic Soksanl – Đặc sản Trà Vinh chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ. Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Trà Vinh Farm – doanh nghiệp tiên phong sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường. Gần 20.000 chai mật hoa dừa tươi Organic Soksanl ngày 25/10 đã được chuyển đến cảng Houston, Mỹ, đánh dấu cột mốc mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị ngành nghề thu mật hoa dừa tại Trà Vinh, Việt Nam. Là tiền đề để kết nối và giới thiệu các sản phẩm từ mật hoa dừa hữu cơ đến thị trường này.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/dac-san-mat-hoa-dua-tuoi-cua-tra-vinh-lan-dau-tien-xuat-khau-chinh-ngach-sang-my-post1055260.vov
3. Gạo Việt Nam tiếp tục thiết lập kỷ lục mới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo qua 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua. Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu bình quân luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn. Đáng chú ý là mặc dù giá trị xuất khẩu qua 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tuy nhiên khối lượng gạo xuất khẩu mới chỉ đạt 6,6 triệu tấn. Trong khi vào năm 2011 để đạt được kim ngạch xuất khẩu 3,65 tỷ USD phải cần 7,1 triệu tấn gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường như hiện nay thu nhập của cả chuỗi ngành hàng đã có sự cải thiện nhiều so với các năm trước. Hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi Philippines đang có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/gao-viet-nam-tiep-tuc-thiet-lap-ky-luc-moi-post1055545.vov

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Ngày càng nhiều chuyên gia trẻ ở Ấn Độ nghiên cứu dịch vụ và công nghệ cho người già
Dân số già ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, tạo ra nhu cầu về dịch vụ và sản phẩm công nghệ phục vụ cuộc sống của người cao tuổi. Do đó, các chuyên gia ngày càng tập trung nghiên cứu lĩnh vực này vì tác động tích cực của nó đối với cộng đồng và tiềm năng phát triển nghề nghiệp của họ. Theo Báo cáo Lão hóa Ấn Độ năm 2023 do UNFPA Ấn Độ công bố, dân số cao tuổi của nước này sẽ tăng gấp đôi lên 347 triệu vào năm 2050, tương đương 20,8% tổng dân số. Nền “kinh tế bạc” có mục tiêu tạo ra việc làm và tạo ra những con đường sự nghiệp mới trong các lĩnh vực cuộc sống của người cao tuổi như sản phẩm công nghệ tập trung vào nhu cầu đặc biệt cho người cao tuổi và dịch vụ chăm sóc người già.
Bên cạnh việc chăm sóc người cao tuổi, các chuyên gia cho biết, cơ hội việc làm sẽ tăng lên trong lĩnh vực công nghệ dành cho người ở độ tuổi này. Bởi những người già cần thời gian để thích ứng với những sản phẩm công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/ngay-cang-nhieu-chuyen-gia-tre-o-an-do-nghien-cuu-dich-vu-va-cong-nghe-cho-nguoi-gia-20231024133139701.htm
2. J&T Express niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông
Ngày 27 tháng 10 năm 2023 — J&T Express (Global), công ty cung cấp dịch vụ hậu cần toàn cầu, chính thức được niêm yết trên bảng chính của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) với mã chứng khoán “1519”. Giá chào bán công khai là 12 đô la Hồng Kông cho mỗi cổ phiếu ưu đãi, với số tiền thu được từ đợt chào bán toàn cầu lên tới 3,528 tỷ đô la Hồng Kông (tùy chọn phân bổ vượt mức chưa được thực hiện). Việc niêm yết này đánh dấu một bước tiến đáng kể trong hành trình trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu về hậu cần của J&T Express.
J&T Express có kế hoạch sử dụng số tiền huy động được từ đợt IPO để mở rộng mạng lưới hậu cần, cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có và tăng cường năng lực phân loại và kho bãi của công ty tại Đông Nam Á và các thị trường khác. J&T Express cũng sẽ sử dụng nguồn vốn này để mở rộng sang các thị trường mới và đa dạng hóa việc cung cấp dịch vụ cũng như cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ, nhằm tìm cách cung cấp các dịch vụ hậu cần nhanh hơn và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng trên toàn cầu.
Nguồn: https://congthuong.vn/jt-express-niem-yet-tren-so-giao-dich-chung-khoan-hong-kong-281593.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Công ty mẹ của Zara đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu dệt may tái chế
Trong bối cảnh các nhà bán lẻ thời trang nhanh đang đối mặt với áp lực phải giảm chất thải và sử dụng nguyên liệu tái chế, Inditex – nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới có trụ sở ở Tây Ban Nha, đã đạt được một thỏa thuận mua polyester tái chế của Ambercycle – một công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Inditex – chủ sở hữu một loạt thương hiệu thời trang nhanh như Zara, Bershka, Massimo Dutti, Stradivarius, Pull&Bear… đặt mục tiêu đến năm 2030 thì 25% sợi fiber của hãng thuộc nguyên liệu thế hệ mới.
Thông tin chi tiết liên quan đến thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng theo một tài liệu mà hãng tin Reuters tiếp cận được, Inditex sẽ đầu tư 70 triệu euro (74,19 triệu USD) để hỗ trợ Ambercycle vận hành nhà máy tái chế dệt may quy mô thương mại đầu tiên của công ty non trẻ này. Dự kiến việc sản xuất polyester tái chế dưới nhãn hàng cycora tại nhà máy sẽ bắt đầu khoảng năm 2025 và vật liệu này sẽ được sử dụng trong các sản phẩm của Inditex trong 3 năm tiếp theo.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cong-ty-me-cua-zara-da-dang-hoa-nguon-cung-nguyen-lieu-det-may-tai-che/904169.vnp
2. Shein “khoác áo mới” ở Anh
Mới đây, gã khổng lồ thời trang nhanh Trung Quốc vừa mua lại một thương hiệu thời trang của Anh để xâm nhập vào thị trường Anh. Thứ hai vừa qua, Shein đã mua lại thương hiệu thời trang Missguided của Anh quốc. Missguided là một thương hiệu chuyên bán trực tuyến thuộc sở hữu của tập đoàn thời trang Frasers. Trong thương vụ này, Shein sẽ mua lại các sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu của Missguided, còn nhân viên và các tài sản vật thể khác như nhà, xưởng v.v. thì vẫn thuộc về chủ cũ Frasers.
Với thương vụ mua Missguided, nhà phân tích Eleonora Dani của Shore Capital cho rằng: “Đây là một động thái đáng chú ý của Shein. Bởi vì nó đánh dấu lần đầu tiên gã khổng lồ thời trang nhanh này mua lại một thương hiệu của Anh. Nó cũng cho thấy Shein đang coi Vương quốc Anh là một trong những thị trường phát triển tiềm năng nhanh nhất”.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/shein-khoac-ao-moi-o-anh-253462.html
3. Hãng trang sức Pandora chuẩn bị mở nhà máy thứ ba tại Việt Nam
Nhận thấy tiềm năng thị trường to lớn tại Việt Nam, tập đoàn Pandora hiện đang bắt tay vào dự án có vốn đầu tư đáng kể với ước tính khoảng 100 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để thành lập một cơ sở sản xuất đồ trang sức hiện đại tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) III ở Bình Dương. Cơ sở này sẽ đánh dấu liên doanh đầu tiên của Pandora bên ngoài Thái Lan và đóng vai trò là nhà máy chính cung cấp sản phẩm cho các thị trường trên khắp thế giới. Uớc tính dự án sẽ tạo việc làm cho hơn 6.000 thợ thủ công lành nghề và có công suất khoảng 60 triệu sản phẩm trang sức hàng năm.
Động thái này không chỉ thể hiện sự tin tưởng của Pandora đối với ngành trang sức Việt Nam mà còn thể hiện sự nổi bật ngày càng tăng của quốc gia Đông Nam Á như một điểm đến sản xuất trang sức toàn cầu.
Nguồn: https://toquoc.vn/bao-quoc-te-danh-gia-tiem-nang-thi-truong-trang-suc-tai-viet-nam-20231031103232735.htm
4. Khó khăn vẫn bủa vây ngành dệt may
Xuất khẩu các mặt hàng dệt may 9 tháng đầu năm nay mới đạt 29,1 tỉ USD, còn cách rất xa kế hoạch xuất khẩu 45 – 48 tỉ USD trong năm 2023 đưa ra từ đầu năm. Đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, công nhân giảm giờ làm, nhà máy giảm công suất, thậm chí đóng cửa là chuyện đang diễn ra với ngành dệt may Việt Nam. Theo các doanh nghiệp, tình hình khó khăn vẫn còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Một gam màu xám lấn át bức tranh kinh doanh ngành dệt may Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả “đi lùi” so với cùng kỳ năm ngoái. Danh sách tăng trưởng âm gọi tên những tên tuổi tiếng tăm trong lĩnh vực dệt may như Garmex Sài Gòn, Hòa Thọ, May Hưng Yên, TCM, Sợi Thế Kỷ, Dệt may Huế, May Nhà Bè…
Nguồn: https://tuoitre.vn/kho-khan-van-bua-vay-nganh-det-may-20231028234604366.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi
Từ ngày 1-3/11, Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới) lần thứ 23 sẽ được tổ chức ở thủ đô Kigali của Rwanda với chủ đề “Xây cầu nối tới tương lai bền vững”, nơi các nhà lãnh đạo và chuyên gia đánh giá, xem xét lại các dự báo hoạt động và phân tích những thách thức của ngành du lịch.
Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới được tổ chức tại một nước châu Phi, ghi nhận sự tăng trưởng phi thường mà ngành du lịch và lữ hành trên khắp “lục địa Đen” đã chứng kiến trong những năm gần đây. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, hứa hẹn định hình lại ngành du lịch và lữ hành toàn cầu trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh các nước đã quay trở lại guồng quay phát triển du lịch và lữ hành sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-cua-wttc-lan-dau-tien-duoc-to-chuc-tai-chau-phi/905194.vnp
2. Chuỗi khách sạn Shangri-La hưởng lợi lớn từ hồi phục kinh tế mạnh mẽ của Trung Đông
Đầu năm nay, các nhà phân tích của tập đoàn tài chính đa quốc gia của Anh HSBC nhận định ngành du lịch Trung Đông đã ghi nhận sự phục hồi mạnh nhất sau đại dịch Covid-19. Shangri-La Asia, Tổ hợp Khách sạn & Khu nghỉ dưỡng tập trung vào thị trường châu Á đã mở rộng sự hiện diện ở khu vực Trung Đông trong hai thập kỷ qua, hiện đang chuẩn bị gặt hái những thành quả lớn trong chiến lược kinh doanh thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng thời khám phá các cơ hội kinh doanh mới.
Theo bà Kuok Hui Kwong – Chủ tịch hệ thống khách sạn Shangri-La Asia, nhu cầu mạnh mẽ về khách sạn chất lượng cao ở Trung Đông, cùng với động lực kinh doanh tích cực, đang thúc đẩy tập đoàn quan tâm đến việc mở rộng hơn nữa. Trong báo cáo thu nhập được công bố mới nhất, tập đoàn đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận nửa năm, cả hai đều vượt quá mong đợi của thị trường.
Nguồn: https://toquoc.vn/chuoi-khach-san-shangri-la-huong-loi-lon-tu-hoi-phuc-kinh-te-manh-me-cua-trung-dong-20231030114858778.htm
3. Từ 1-11, Nhật Bản cấp e-visa cho du khách đoàn Việt Nam
Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM sẽ cấp thị thực điện tử (e-visa) cho đoàn du khách Việt Nam từ ngày 1-11. Song song đó, việc cấp thị thực truyền thống (dán vào hộ chiếu) vẫn được các cơ quan đại diện của Nhật Bản tiến hành bình thường và có hiệu lực sử dụng.
Theo chính sách mới, công dân Việt Nam tham gia các đoàn du lịch trọn gói thông qua các công ty du lịch (hoặc đại lý ủy thác khác) được chỉ định sẽ được cấp visa thị thực điện tử. Thông báo trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết loại thị thực được cấp theo hình thức điện tử là lưu trú ngắn hạn, nhập cảnh một lần với mục đích du lịch trong vòng 15 ngày và chỉ cấp cho người mang hộ chiếu Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tu-1-11-nhat-ban-cap-e-visa-cho-du-khach-doan-viet-nam-20231029183956078.htm
4. 9 xu hướng của du khách nội địa sau đại dịch Covid-19
Nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chỉ ra 9 xu hướng nổi trội của du khách nội địa sau đại dịch Covid-19:
Du lịch trong nước là lựa chọn hàng đầu
Các điểm nghỉ dưỡng biển được yêu thích
Du lịch theo nhóm nhỏ
Du lịch bền vững dần hình thành
Tránh những điểm đến đông người
Sự lên ngôi của tour thiết kế
Đi ngắn ngày hơn và chi tiêu ít hơn
Du lịch gần nhà, tham quan tại địa phương
Thanh toán điện tử và sử dụng công nghệ trong chuyến đi
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/tu-van/9-xu-huong-cua-du-khach-noi-dia-sau-dai-dich-covid-19-post1054277.vov

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Một startup đang trên đà trở thành OpenAI thứ hai, được loạt đại gia Google, Amazon, Zoom rót vốn
Google đã đồng ý đầu tư tới 2 tỷ USD vào Anthropic, công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo được thành lập bởi các cựu giám đốc điều hành OpenAI. Theo hãng tin CNBC, người phát ngôn của Anthropic cho biết cam kết này bao gồm khoản tiền mặt trả trước 500 triệu USD và thêm 1,5 tỷ USD sẽ được đầu tư theo thời gian. Hiện tại Google chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Anthropic là nhà phát triển của Claude 2, một chatbot đối thủ với ChatGPT của OpenAI được các công ty bao gồm Slack, Notion và Quora sử dụng. Công ty được thành lập vào năm 2021 và ngoài Google, còn nhận được tài trợ từ Salesforce và Zoom và được định giá vào đầu năm nay là 4,1 tỷ USD. Amazon.com cũng cho biết họ sẽ đầu tư tới 4 tỷ USD vào Anthropic để cạnh tranh với các đối thủ đám mây đang phát triển về AI.
Nguồn: https://vneconomy.vn/mot-startup-dang-tren-da-tro-thanh-openai-thu-hai-duoc-loat-dai-gia-google-amazon-zoom-rot-von.htm
2. Robot – giải pháp cho bài toán thiếu lao động tại Đức
Nước Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt rất ít người chấp nhận làm các công việc chân tay nguy hiểm nhưng đòi hỏi trình độ cao. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho thấy hơn 50% số doanh nghiệp tại nước này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân lành nghề để lấp đầy các vị trí cần tuyển dụng. Điều này gây thiệt hại cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này là gần 100 tỷ euro (109 tỷ USD) mỗi năm. Trong bối cảnh đó, robot được coi là giải pháp tối ưu khi mà nhóm người lao động thuộc thế hệ Baby Boomer (những người sinh trong khoảng thời gian 1946 – 1964) bắt đầu về hưu, để lại khoảng trống trên thị trường việc làm Đức.
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, khoảng 26.000 thiết bị robot đã được lắp đặt ở Đức trong năm ngoái. Giám đốc điều hành công ty robot FANUC Germany, ông Ralf Winkelmann cho biết hãng đã bán khoảng 50% robot do Nhật Bản sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này cho thấy công nghệ này giúp các công ty tồn tại khi gặp rủi ro trong tương lai do thiếu nhân viên. Ngay cả người lao động và các nghiệp đoàn đã dần có cái nhìn tích cực hơn về việc robot xuất hiện trong quy trình sản xuất. Một cuộc khảo sát công bố vào tháng 6 cho thấy gần 50% số nhân viên tại Đức được hỏi coi robot có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/robot-giai-phap-cho-bai-toan-thieu-lao-dong-tai-duc-20231027223340170.htm
3. Stellantis đầu tư 1,58 tỷ USD vào công ty sản xuất xe điện của Trung Quốc
Tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis đã ký hợp tác chiến lược với công ty sản xuất ô tô điện Leapmotor của Trung Quốc, với khoản đầu tư 1,5 tỷ euro (1,58 tỷ USD) để mua khoảng 20% cổ phần. Tuyên bố và ký kết thỏa thuận hợp tác ký ngày 26/10 cho biết, với việc mua lại cổ phần này, tập đoàn Stellantis, do Giám đốc điều hành Carlos Tavares đứng đầu, sẽ trở thành một “cổ đông quan trọng” của Leapmotor, một trong những công ty chuyên doanh của Trung Quốc, dẫn đầu về công nghệ xe năng lượng mới (NEV) phát triển nhanh nhất.
Tập đoàn Stellantis sẽ đầu tư hơn 50 tỷ euro trong thập kỷ tới vào điện khí hóa để thực hiện các mục tiêu Dare Forward 2030 là đạt được 100% doanh số bán xe con điện thuần chạy pin (BEV) ở châu Âu và 50% doanh số bán xe khách và xe tải hạng nhẹ BEV tại Mỹ vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu bán hàng này, Stellantis đang đảm bảo việc sản xuất công suất pin khoảng 400 GWh, bao gồm cả sự hỗ trợ từ 6 nhà máy sản xuất pin ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Nguồn: https://bnews.vn/stellantis-dau-tu-1-58-ty-usd-vao-cong-ty-san-xuat-xe-dien-cua-trung-quoc/313154.html
4. Các nhà điều hành trạm sạc xe điện của Trung Quốc chật vật tìm kiếm lợi nhuận
Theo Liên minh Xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc xe điện Trung Quốc (EVCIPA), tính đến cuối tháng 9, số lượng điểm sạc đạt 7,6 triệu, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thực tế, hơn 70% điểm sạc công cộng hiện tại của Trung Quốc được đặt tại 10 tỉnh và thành phố phát triển kinh tế nhất, bao gồm Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải và Bắc Kinh, theo EVCIPA. Sự phân bố không đồng đều của các điểm sạc không lạ vì điều đó phản ánh mô hình phân bổ quyền sở hữu xe điện. Tuy nhiên, mật độ điểm sạc cao ở khu vực thành thị dẫn đến việc sử dụng dưới công suất thiết kế.
Hồi tháng 4, mạng lưới sạc xe điện lớn nhất Trung Quốc của TELD, có hơn 466.000 điểm sạc trên toàn quốc, báo cáo lỗ ròng 26 triệu nhân dân tệ (3,6 triệu đô la Mỹ) trong năm 2022. Đây là khoản lỗ ròng hàng năm thứ tư liên tiếp của công ty. TGOOD, công ty mẹ của TELD, giải thích khoản lỗ này là do chi tiêu tốn kém cho hạ tầng và tỷ suất lợi nhuận của hoạt động kinh doanh sạc xe điện thường thấp. Sự phân bố không đồng đều các trạm sạc trên khắp đất nước rộng lớn, cũng như sự không chắc chắn về triển vọng lợi nhuận của các trạm sạc thương mại đặt ra nghi ngờ về việc Trung Quốc có thể cung cấp đủ năng lượng để tiếp tục thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện hay không.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-nha-dieu-hanh-tram-sac-xe-dien-cua-trung-quoc-chat-vat-tim-kiem-loi-nhuan/

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Tổ hợp hóa dầu miền Nam hơn 5 tỷ USD chuẩn bị vận hành
Sáng 30/10, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết sẽ vận hành thử toàn bộ Tổ hợp hóa dầu miền Nam và cam kết về an toàn, quản lý môi trường và trách nhiệm xã hội. Khi tổ hợp đi vào hoạt động ổn định, LSP sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin. Đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Việc nâng cao công suất sản xuất này sẽ giúp giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nhựa trong nước.
Giai đoạn chạy thử toàn bộ tổ hợp của LSP được lên kế hoạch tiến hành vào tháng 11/2023. Cơ sở vật chất hiện đại được trang bị các biện pháp và thiết bị kỹ thuật an toàn tiên tiến, đặc biệt chú trọng đến an toàn, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. LSP đã tích hợp liền mạch các công nghệ tiên tiến, máy tính hóa và số hóa vào hoạt động của tổ hợp để giảm thiểu tác động đến môi trường và cộng đồng xung quanh. Việc này giúp đảm bảo khí thải và nước thải sạch đạt tiêu chuẩn, cũng như giảm thiểu tiếng ồn và mùi không mong muốn.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/to-hop-hoa-dau-mien-nam-hon-5-ty-usd-chuan-bi-van-hanh-20231030165915306.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. IPO công nghệ của Trung Quốc giảm sâu khi các startup đối mặt tiêu chuẩn cao
Sàn Star Market, hoạt động theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý do Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đứng đầu, đã đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho việc đăng ký niêm yết trong năm nay. Các công ty giờ đây không chỉ phải có lợi nhuận mà còn phải giải thích trong hàng trăm trang về việc công nghệ của họ ngang bằng, nếu không muốn nói là tốt hơn các công ty dẫn đầu ngành như thế nào. Đồng thời, họ phải chỉ ra liệu mô hình kinh doanh của họ có bền vững hay không trước khi được bật đèn xanh IPO. Điều đó khiến việc niêm yết trên Star Market nằm ngoài tầm với của nhiều startup, mặc dù sàn này ban đầu được thành lập với mục đích cung cấp khả năng tiếp cận thị trường vốn cho các công ty có hồ sơ rủi ro cao.
Trong khi giới chức trách kỳ vọng sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý sẽ giúp phân bổ nguồn lực cho những công ty có chất lượng tốt nhất, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực này có thể làm suy yếu sự đổi mới bằng cách chặn đứng cơ hội tài trợ cho các startup có tiềm năng cao. Theo dữ liệu, gần 2/3 số đơn đăng ký IPO không được chấp thuận trong 9 tháng đầu năm nay, so với chưa đến 1/4 vào năm 2022. Dữ liệu công khai cho thấy 126 công ty đã hủy hoặc đình chỉ đơn đăng ký IPO trên Star Market tính trong năm 2023, nhiều hơn cả 4 năm trước đó cộng lại.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/ipo-cong-nghe-cua-trung-quoc-giam-sau-khi-cac-startup-doi-mat-tieu-chuan-cao/
2. ‘Mr Mướp’ giành giải nhất cuộc thi ‘Dự án khởi nghiệp xanh 2023’
Sau hai ngày thi đấu căng thẳng, nhóm bạn trẻ Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân và Lê Na đến từ Đồng Tháp với mô hình khởi nghiệp từ xơ mướp đã xuất sắc vượt qua 36 dự án khởi nghiệp khác để giành giải nhất “Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – năm 2023”.
Hiện tại, dự án đang có những hướng phát triển tích cực và hiệu quả, các sản phẩm đa dạng hơn, các đơn hàng từ các đối tác trong và ngoài nước đã tăng lên theo từng năm. Sản phẩm của dự án cũng đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, thị trường xuất khẩu ổn định từ các đối tác Nhật và Hàn Quốc với các mặt hàng chủ lực hiện tại được làm từ xơ mướp là bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, các sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm. Sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Đặc biệt, dự án cũng tăng cường mở rộng sản xuất giúp giải quyết việc làm cho bà con lao động tại địa phương và tăng năng lực cung ứng cho thị trường trong giai đoạn sắp tới, khi mà các sản phẩm thân thiện môi trường đang là một xu hướng.
Nguồn: https://bsamedia.vn/mr-muop-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-du-an-khoi-nghiep-xanh-2023/

Nhóm tin về tài chính

1. Đề xuất giảm 2% thuế VAT cho tất cả hàng hoá
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi góp ý về việc giảm thuế VAT 6 tháng đầu năm 2024. VCCI nhận định, nửa đầu năm tới nền kinh tế và người dân sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn. Việc nới lỏng chính sách tài khoá, thông qua giảm thuế VAT cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động.
Theo ghi nhận của VCCI, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%. Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện. Thực tế, việc phân loại hàng hoá, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn lúng túng. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp tra cứu Phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định, hàng hoá, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Từ những lý do trên, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-giam-2-thue-vat-cho-tat-ca-hang-hoa-post1581704.tpo
BSAi