Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. CPI năm 2023 tăng 3,25%
Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng CPI các tháng đầu năm có xu hướng giảm dần, từ giữa năm mới có xu hướng tăng trở lại. Trong năm 2023, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2% và 3,58% tháng 12.
Các yếu tố làm tăng CPI trong năm 2023 chủ yếu đến từ chỉ số giá nhóm giáo dục (tăng 7,44%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 6,58%), nhóm lương thực (tăng 6,85%), nhóm điện sinh hoạt (tăng 4,86%). Về lạm phát cơ bản, lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%).
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/cpi-nam-2023-tang-325-post110860.html
2. Thị trường điện thoại di động hy vọng vào mùa Tết
Nếu như trong khoảng đầu tháng 10/2023, hệ thống các chuỗi cửa hàng bán lẻ công nghệ trong nước có doanh thu tăng mạnh ở lĩnh vực điện thoại di động nhờ sự có mặt của iPhone 15 series, thì ngay sau đó trong khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 12/2023, sức mua đã sụt giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến doanh thu. Trải qua một tháng 12/2023 đầy khó khăn, các hệ thống bán lẻ công nghệ hy vọng thị trường điện thoại di động sẽ có sự bật lên trong mùa Tết.
Theo đại diện Thế Giới Di Động, niềm hy vọng của thị trường sẽ đặt vào tháng 1 và tháng 2/2024. Đây là thời điểm cận Tết, sẽ có nhiều chương trình kích cầu như giảm giá, bên cạnh đó, xu hướng người dùng đổi điện thoại mới cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, mặc dù khẳng định chắc chắn doanh thu sẽ tăng trưởng và tốt hơn tháng 12, vị đại diện này cũng không định lượng được so với các năm trước sẽ như thế nào.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thi-truong-dien-thoai-di-dong-hi-vong-vao-mua-tet-2233554.html
3. Dịp Tết dương lịch, người dân TP HCM tìm đến các trung tâm thương mại
Nhiều người dân sống tại TP HCM và một số tỉnh lân cận thay vì đi chơi xa, họ tìm đến các trung tâm thương mại để giải trí, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp ngày Tết dương lịch năm 2024. Tại Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP HCM), dù chỉ vừa mở cửa chưa đầy 1 tiếng đồng hồ nhưng gần như các hàng quán như Phúc Long, ToCoToCo, Highlands Coffee gần như đã kín bàn. Các cửa hàng thời trang, hàng tiêu dùng tấp nập khách đến mua sắm, khu vui chơi trẻ em cũng rất nhộn nhịp.
Ghi nhận tại một số trung tâm thương mại khác như Vincom Đồng Khởi (quận 1), Emart (Gò Vấp), Giga Mall (TP Thủ Đức), Aeon Mall Tân Phú (quận Tân Phú)… cũng rất đông người dân đến tham quan mua sắm, đông nhất ở các khu vui chơi dành cho trẻ em, ngành hàng tiêu dùng, thời trang hàng hiệu giảm giá.
Nguồn: https://nld.com.vn/khong-di-du-lich-xa-nguoi-dan-tp-hcm-lam-gi-ngay-dau-nam-2024-196240101131247092.htm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Các chuỗi cà phê cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc
Nhu cầu cà phê ở Trung Quốc ngày càng tăng, mở ra một thương trường khốc liệt, nơi các đối thủ trong nước đang gia tăng sức ép lên các thương hiệu tiếng tăm của nước ngoài. Alegra Group ước tính, chuỗi cà phê Luckin Coffee của Trung Quốc đã bổ sung thêm 5.059 cửa hàng trong 12 tháng qua, trong khi một chuỗi khác của Trung Quốc, Cotti Coffee, cũng mở thêm 6.004 cửa hàng trong cùng kỳ. Hồi tháng 6, số lượng cửa hàng cà phê cùa Luckin Coffee ở Trung Quốc vượt 10.000 và doanh thu quí 2 của chuỗi này cao hơn Starbuck. Starbucks đã mở 700 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm ngoái và cho biết, đến năm 2025, chuỗi này sẽ có tổng cộng 9.000 cửa hàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Tim Hortons của Canada có kế hoạch khai trương 3.000 cửa hàng tại Trung Quốc trong bốn năm tới.
Trung Quốc nhập khẩu cà phê chủ yếu từ châu Phi và Nam Mỹ. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) ước tính, xuất khẩu cà phê của Brazil sang Trung Quốc tăng gần gấp ba vào năm 2023 để lần đầu tiên vượt qua một triệu bao. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Trung Quốc sẽ sử dụng 5 triệu bao cà phê trong niên vụ mới 2023-2024, đưa nước này trở thành nước tiêu thụ cà phê lớn thứ bảy trên thế giới.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-chuoi-ca-phe-canh-tranh-khoc-liet-o-trung-quoc/
2. Giá gạo tăng cao tiếp tục gây sức ép lạm phát ở châu Á
Theo tờ Nikkei Asia, giá cả nhiều mặt hàng tại các nước châu Á, đặc biệt là giá gạo và các mặt hàng lương thực-thực phẩm khác, hiện vẫn giữ đà tăng. Điều này làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực vào cuối những năm 2000, đồng thời tiếp tục gây sức ép lạm phát đối với cuộc sống người dân và quá trình hoạch định chính sách của các nước. Một trong những nguyên nhân khiến giá gạo “nhảy múa” là do sản lượng thu hoạch giảm liên quan tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan. Ngoài ra, giá gạo trên thị trường quốc tế có xu hướng biến động mạnh do chỉ khoảng 10% sản lượng gạo toàn cầu được xuất khẩu.
Tại một số nước châu Á, lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc, song riêng giá gạo và một số mặt hàng lương thực – thực phẩm vẫn tăng. Với tình hình như vậy, đời sống của một bộ phận người dân vẫn chịu ảnh hưởng. Ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á, chi tiêu cho gạo nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung chiếm từ 30% – 50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với mức từ khoảng 10% – 20% ở các nước phát triển.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/gia-gao-tang-cao-tiep-tuc-gay-suc-ep-lam-phat-o-chau-a-20231231130848078.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Phê duyệt dự án lấy nước ngọt vùng sông Hậu về tỉnh Bạc Liêu
Ngày 2-1, thông tin từ UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam quốc lộ 1 thuộc tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, mục tiêu của dự án là điều tiết, bổ sung nước ngọt cho một số vùng nuôi trồng thủy sản phía nam quốc lộ 1 của tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng (giảm ngập do triều cường, sụt lún đất và nước biển dâng) cho một số khu vực phía nam tỉnh Bạc Liêu.
Cụ thể, sẽ điều tiết nước ngọt từ vùng Bắc quốc lộ 1 về vùng Nam quốc lộ 1 phục vụ nuôi trồng thủy sản vào mùa khô cho khoảng 13.000ha thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình; phục vụ sản xuất cho vùng chuyển đổi mô hình lúa tôm ven kênh Cà Mau – Bạc Liêu với diện tích khoảng 5.000ha. Ngoài ra, tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt cho 43.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản vùng Nam quốc lộ 1; giảm ngập úng do triều cường nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng cho các đô thị dọc quốc lộ 1 như thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình). Tổng chi phí cho dự án nêu trên là hơn 1.450 tỉ đồng, được thực hiện theo hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Nguồn: https://tuoitre.vn/phe-duyet-du-an-lay-nuoc-ngot-vung-song-hau-ve-tinh-bac-lieu-20240102151437529.htm
2. Ổn định đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 1748/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, Việt Nam giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa, (trồng 2 hoặc 3 vụ mỗi năm) làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Theo Tổng cục thống kê, diện tích lúa cả năm 2023 ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10.100 ha, năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2022. Sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 8,3 triệu tấn, trị giá hơn 4,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với 2022.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/on-dinh-dat-lua-de-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-va-xuat-khau-gao/
3. Nhiều nhà vườn ở Trà Vinh lo thất thu sản lượng trái cây Tết
Theo nhiều nhà vườn ở vùng trồng trái cây lớn nhất của huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, tỉnh Trà Vinh, vụ trái cây như: xoài, bưởi, quýt đường phục vụ cho nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán 2024 sẽ thất thu. Nguyên nhân, do thời tiết năm nay bất lợi, khâu xử lý cho cây ra hoa để kết trái rất khó khăn, sản lượng ước sụt giảm từ 10 – 15 % so năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Liền, nhà vườn ở xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè cho biết, kinh nghiệm của các nhà vườn thì hàng năm, để chuẩn bị cho vụ trái cây bán vào dịp Tết Nguyên đán, nhà vườn đều phải tăng cường chăm sóc; trong đó khâu quan trọng nhất là bón phân, xử lý cho cây ra hoa đúng giai đoạn, đúng thời gian. Tuy nhiên, mùa vụ trái cây Tết năm nay, thời tiết rất bất lợi, mưa nhiều, sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất lớn nên việc xử lý cho cây ra hoa rất khó khăn, sự kết trái kéo dài, tỷ lệ đậu trái rất ít so với những năm trước.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-nha-vuon-o-tra-vinh-lo-that-thu-san-luong-trai-cay-tet-20240103113929966.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Khuyến cáo doanh nghiệp về tình trạng bất ổn khu vực Biển Đỏ
Theo tin từ Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian vừa qua, tại khu vực Vịnh Aden và Biển Đỏ xuất hiện tình trạng tàu biển chuyên chở hàng hóa bị tấn công, dẫn đến việc một số hãng vận tải biển đã ra thông báo dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ, thay đổi lịch trình, chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi. Tình trạng trên phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế, làm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa châu Á với châu Âu và bờ Đông Bắc Mỹ phải mất nhiều thời gian hơn. Cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho hàng hóa trao đổi giữa các khu vực này tăng thêm. Hiện tượng thiếu container rỗng có thể xảy ra cục bộ.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/khuyen-cao-doanh-nghiep-ve-tinh-trang-bat-on-khu-vuc-bien-do-post110834.html
2. Các sản phẩm sữa của New Zealand được miễn thuế vào Trung Quốc
New Zealand thông báo tất cả các sản phẩm sữa của nước này từ nay sẽ được miễn thuế vào Trung Quốc vì quy định áp thuế tự vệ đối với sữa bột đã kết thúc vào ngày 31/12/2023, đánh dấu việc loại bỏ tất cả các mức thuế bảo lưu đã thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước. New Zealand là nước phát triển đầu tiên ký FTA với Trung Quốc vào năm 2008, tuy nhiên việc nhập khẩu sữa bột phải trải qua thời gian bảo lưu lâu nhất. Đến năm 2022, Thủ tướng New Zealand khi đó, bà Jacinda Ardern đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký thỏa thuận mở rộng quan hệ thương mại.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều vượt 37 tỷ NZD (23,40 tỷ USD). Theo số liệu chính thức, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đạt trung bình 1,4 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 8 tỷ NZD/năm trong 3 năm qua, trong đó một nửa là sữa bột.
Nguồn: https://bnews.vn/tat-ca-cac-san-pham-sua-cua-new-zealand-duoc-mien-thue-vao-trung-quoc/319936.html
3. Nga gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo
Chính phủ Nga hôm 30/12 đã thông báo gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo và lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến hết tháng 6/2024. Chính phủ Nga cho biết, quyết định được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định ở thị trường nội địa. Lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu (Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), hai khu vực Nam Ossetia và Abkhazia. Ngoài ra, gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Nga.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Nga nhằm bảo vệ thị trường nội địa sau khi tổ hợp thủy điện Fedorovsky ở vùng Krasnodar gặp sự cố vào tháng 4/2022. Chính sự cố này đã khiến sản lượng gạo của Nga năm 2022 giảm xuống còn 797,6 nghìn tấn so với mức 1.076 triệu tấn được ghi nhận của năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Nga ghi nhận sản lượng gạo dưới 1 triệu tấn trong những năm gần đây.
Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/nga-gia-han-lenh-cam-xuat-khau-gao-20231231042839884.htm
4. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Thị trường gạo toàn cầu năm 2023 gặp nhiều biến động, nguồn cung hạn chế do thời tiết và chính sách hạn chế xuất khẩu của nhiều quốc gia. Giá gạo đã liên tục phi mã trong một số thời điểm từ nửa cuối tháng 7 và kéo dài cho tới thời điểm này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Trong khi Ấn Độ, nhà xuất khẩu 40% tổng lượng gạo thế giới, có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024. Do đó nhiều khả năng, giá gạo toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao 640 – 650 USD/tấn trong những tháng đầu năm.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-gao-dat-ky-luc-gan-48-ty-usd-20231231212514064.htm
5. Xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn nhiều thách thức
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: thuỷ sản Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trước đây. Đó là, vấn đề truy xuất nguồn gốc với hải sản khai thác, chống khai thác bất hợp pháp và phải khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, bên cạnh đó là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm được đặt ra trên tàu cá và cảng cá về đến nhà máy.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh cho đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, thuỷ sản còn đối diện với nhiều rào cản khác như phúc lợi động vật và chứng chỉ carbon đảm bảo an toàn môi trường sản xuất khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ,… Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu vẫn tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam. Do vậy, trong năm 2024 nhiệm vụ phát triển thuỷ sản sẽ trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2024 so với năm 2023 là 9,5 tỷ USD với tổng sản lượng 9,22 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 1,3 triệu ha.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-van-con-nhieu-thach-thuc-20240102081056321.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
Việt Nam vừa chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về gần 1.250 tỷ đồng. Đây là thông tin mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Thủ tướng. Theo đó, số tín chỉ carbon thu được từ rừng thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Trong giai đoạn một, nhà chức trách đã ký các văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 cho WB, trị giá 51,5 triệu USD (tương đương đơn giá 5 USD một tấn). Đầu tháng 8, WB đã thanh toán tiền ERPA đợt một cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD tương đương 249 tỷ đồng sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.
Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-thu-nghin-ty-dong-tu-ban-tin-chi-carbon-4694358.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Xanh SM ra mắt dịch vụ cho thuê xe
Hãng taxi điện Xanh SM vừa thông báo phát triển dịch vụ thuê xe tự lái Xanh SM Rentals và cho ra mắt các gói thuê xe điện như theo ngày, theo tháng, theo năm và thuê xe trong dịp Tết Nguyên Đán 2024. Các mẫu ô tô cho thuê bao gồm dòng xe 5 chỗ VinFast VF 8 (với phiên bản Eco hoặc Plus), VF e34, VF 5 Plus, dòng xe 7 chỗ VinFast VF 9 (với phiên bản Eco hoặc Plus). Trong đó, VF 5 là mẫu xe có giá thuê rẻ nhất còn VF 9 Plus là mẫu xe có giá thuê cao nhất.
Dịch vụ cho thuê xe điện tự lái ngắn ngày của Xanh SM Rentals hiện có mặt tại 26 tỉnh thành đã triển khai dịch vụ của Xanh SM. Xanh SM cho biết, giá thuê ô tô điện đã bao gồm thuế GTGT, các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định, phí bảo trì đường bộ lần đầu, chi phí giao xe tới điểm giao hoặc nhận do hãng chỉ định.
Nguồn: https://markettimes.vn/xanh-sm-tung-dich-vu-cho-thue-xe-ngay-tet-cao-nhat-34-4-trieu-dong-cho-10-ngay-49773.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Thị trường thời trang second-hand vẫn còn hạn chế tại Nhật Bản
Lần đầu tiên ‘ông lớn’ trong ngành thời trang thường ngày của Nhật Bản Uniqlo mở một cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ tạm thời) bán áo quần đã qua sử dụng tại Tokyo. Tại gian hàng này, quần áo đã qua sử dụng được bán với mức giá chỉ bằng 1/3 giá gốc, và nhiều mặt hàng còn được nhuộm lại để mang màu sắc cổ điển (vintage) hơn. Đây là một dấu hiệu cho thấy thói quen tránh mặc đồ cũ của người dân Nhật Bản đang dần mai một.
Tuy nhiên, Hàng thời trang đã qua sử dụng vẫn còn một chặng đường dài để chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản. Tại “đất nước Mặt Trời mọc”, 34% lượng quần áo bỏ đi được tái chế hoặc tái sử dụng, theo Bộ Môi trường nước này. Nhưng con số trên đã bao gồm cả lượng hàng được xuất khẩu sang các nước đang phát triển, nơi lượng hàng thải này thường được xử lý bằng cách chôn hoặc đốt bỏ. JapanConsuming ước tính phân khúc áo quần đã qua sử dụng chiếm chưa đến 6% thị trường thời trang trị giá 75 tỷ USD của nước này, dù ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/thoi-trang-doc-la-tu-nhung-mon-do-cu-20240103065413415.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Dự báo dân Trung Quốc vẫn hạn chế du lịch nước ngoài
Thị trường hàng không Trung Quốc đang dần cải thiện khi các tổn thương trong đại dịch Covid-19 lùi xa, quan hệ với các nước cải thiện và các tuyến bay quốc tế mở rộng. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo người dân Trung Quốc vẫn hạn chế bay du lịch nước ngoài trong năm 2024 do nhiều nguyên nhân như kinh tế trong nước trì trệ, đồng nhân dân tệ suy yếu và giá vé máy bay cao.
Trong năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch nước ngoài, chẳng hạn nối lại các chuyến du lịch theo tour đoàn. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch quốc tế của người dân Trung Quốc không cải thiện đáng kể. Nền kinh tế trì trệ, đồng nhân dân tệ yếu và giá vé cao là một trong những yếu tố ghìm chân người dân Trung Quốc trong năm qua và dự kiến tiếp tục là lực cản trong năm 2024. Ngân hàng Morgan Stanley lưu ý, đà phục hồi du lịch quốc tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến do nhu cầu yếu. Chẳng hạn, trong tuần tính đến ngày 26/12, công suất chỗ ngồi trên các chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ ở mức 22% so với mức năm 2019.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/du-bao-dan-trung-quoc-van-han-che-du-lich-nuoc-ngoai/
2. Điểm đến du lịch y tế mới của châu Á
Osaka là một trong nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản đang nỗ lực thu hút những du khách muốn kết hợp các phương pháp điều trị y tế tiên tiến với một kỳ nghỉ phục hồi sức khỏe. Giờ đây, Osaka là một trong số nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản đang hợp tác với các ngành liên quan cũng như các công ty y tế và du lịch tư nhân để thu hút những du khách muốn kết hợp các phương pháp điều trị y tế tiên tiến trong kỳ nghỉ tăng cường phục hồi sức khỏe. Các điểm đến khác cũng được thiết kế để thu hút du khách nước ngoài là Sapporo ở Hokkaido; Okinawa; thành phố Minokamo, tỉnh Gifu; và thành phố Sendai, thuộc tỉnh Miyagi.
Hãng du lịch JTB và công ty bất động sản Mitsui Fudosan nằm trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách thu hút khách du lịch nước ngoài giàu có bằng các dịch vụ y tế chuyên biệt, ẩm thực sang trọng hoặc cơ hội trải nghiệm thiên nhiên. Số lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ du lịch y tế thông qua JTB đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 9/2023. Số lượng du khách đến Nhật Bản chữa bệnh đã phục hồi gần 80% so với mức của năm 2019 (trước đại dịch Covid-19). Takanori Matsushima, người đứng đầu bộ phận kinh doanh y tế và chăm sóc sức khỏe của JTB cho rằng so với các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc, các sáng kiến du lịch y tế của Nhật Bản chỉ mới bắt đầu nhưng Nhật Bản tự tin có thể sớm sánh ngang với các quốc gia khác trong lĩnh vực này.
Nguồn: https://znews.vn/diem-den-du-lich-y-te-moi-cua-chau-a-post1450954.html
3. Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế năm 2024
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong tháng 12/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đặt ra ban đầu, đạt mục tiêu điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt khách). Dẫn đầu thị trường khách đến Việt Nam vẫn là Hàn Quốc với xấp xỉ 3,6 triệu lượt người (chiếm 28% tổng lượng khách); tiếp theo là Trung Quốc với trên 1,74 triệu lượt người. Tổng 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đã chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát tăng, xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Nguồn: https://znews.vn/nganh-du-lich-dat-muc-tieu-don-17-18-trieu-khach-quoc-te-nam-2024-post1452579.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Ấn Độ khuyến cáo kiểm soát thông tin sai lệch từ AI
Theo Times of India, Chính phủ Ấn Độ gửi khuyến cáo tới tất cả nền tảng truyền thông xã hội, yêu cầu tuân thủ các quy tắc về công nghệ thông tin, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về tình trạng trí tuệ nhân tạo (AI) bị lạm dụng để tạo ra những nội dung giả mạo và phát tán thông tin sai lệch. Theo đó, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin liên bang Ấn Độ ban hành khuyến cáo nhấn mạnh trách nhiệm của các nền tảng truyền thông xã hội phải thông báo tới người dùng các điều khoản sử dụng dịch vụ, trong đó quy định rõ những nội dung bị cấm, chiếu theo Quy tắc Công nghệ thông tin của nước này.
Cụ thể, các nền tảng trực tuyến phải thông báo điều khoản sử dụng cho người dùng trong lần đầu đăng ký và duy trì nhắc nhở thường xuyên mỗi khi đăng nhập tài khoản, đăng tải hay chia sẻ nội dung lên mạng xã hội. Điều khoản dịch vụ cũng quy định các nền tảng trực tuyến có trách nhiệm báo cáo các cơ quan thực thi pháp luật những trường hợp vi phạm.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/an-do-khuyen-cao-kiem-soat-thong-tin-sai-lech-tu-ai-post720268.html
2. Ấn Độ dẫn đầu cuộc đua áp dụng tiền điện tử toàn cầu
Trong khi mô hình trên toàn thế giới cho thấy sự sụt giảm của việc áp dụng tiền điện tử ở cơ sở, các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMI) lại có một ngoại lệ đáng chú ý. Theo trang ORF, việc Ấn Độ đón nhận tiền điện tử, đặc biệt là trong giới trẻ, là điều đáng chú ý, đặc biệt khi nước này được coi là nơi có dân số trẻ lớn nhất thế giới. Mặc dù thiếu sự rõ ràng về quy định và những rào cản đối với các khoản đầu tư vào hệ sinh thái tiền điện tử, Ấn Độ, với hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh và mức độ thâm nhập của điện thoại thông minh và Internet ngày càng tăng, có tiềm năng trở thành một trung tâm tiền điện tử trong tương lai.
Triển vọng này đặt ra một số câu hỏi thích hợp: Sự tăng trưởng này sẽ phù hợp như thế nào với đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Ấn Độ (CBDC)? Chính sách thuế tiền điện tử của Ấn Độ có thể có những tác động lâu dài nào đối với hệ sinh thái? Có hợp lý không khi hình dung một cộng đồng người gốc tiền điện tử dựa trên quy mô và việc áp dụng sớm các công nghệ này? Việc xem xét các yếu tố này sẽ mang lại sự hiểu biết sâu sắc về vai trò năng động của Ấn Độ trong bối cảnh tiền điện tử toàn cầu. Lợi thế nhân khẩu học của Ấn Độ đóng vai trò then chốt không chỉ trong việc định hình khát vọng trong nước và toàn cầu của quốc gia mà còn ảnh hưởng đến bối cảnh không ngừng phát triển của tiền điện tử.
Nguồn: https://bnews.vn/hanh-trinh-tien-dien-tu-cua-an-do-dan-dau-cuoc-dua-ap-dung-toan-cau/319680.html
3. Tập đoàn công nghệ Baidu gặp khó sau khi thương vụ bạc tỷ sụp đổ
Nỗ lực nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh phát trực tiếp (live streaming) tại Trung Quốc và đa dạng hóa nguồn doanh thu của Baidu đã chịu một đòn giáng mạnh với sự sụp đổ của thương vụ mua lại trị giá 3,6 tỷ USD theo kế hoạch. Một trong những công ty liên kết của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đã chấm dứt thỏa thuận đạt được hồi năm 2020 với Joyy – chủ sở hữu của nền tảng phát trực tiếp nổi tiếng YY Live tại Trung Quốc và đã được niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ.
Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) hôm 1/1, Baidu cho biết thỏa thuận trên đã thất bại vì hai bên không đáp ứng được một số điều kiện nhất định trước thời hạn cuối cùng là ngày 31/12/2023. Một trong số đó bao gồm việc không được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thương vụ theo quy định.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-tap-doan-cong-nghe-baidu-gap-kho-sau-khi-thuong-vu-bac-ty-sup-do-post918821.vnp
4. VinBigdata giới thiệu ChatGPT phiên bản Việt
Chỉ sau 9 tháng ChatGPT ra mắt, VinBigdata (Vingroup) đã làm chủ hoàn toàn mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và giới thiệu ViGPT – ChatGPT phiên bản Việt đầu tiên cho người dùng cuối vào tháng 12/2023. Theo kết quả đánh giá từ Bộ Tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt (VMLU) ViGPT đạt điểm trung bình là 42.24%, đứng thứ hai chỉ sau ChatGPT (48.54%). Kết quả này cho phép ViGPT tìm kiếm thông tin, giải đáp câu hỏi về các chủ đề đặc trưng, đặc thù của Việt Nam một cách nhanh chóng.
ViGPT là “ChatGPT phiên bản Việt” đầu tiên dành cho người dùng cuối được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt (LLM) do VinBigdata phát triển. ViGPT sở hữu những tính năng vượt trội và thiết kế phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của người Việt như sáng tạo nội dung, tìm kiếm thông tin, giải đáp các câu hỏi thường thức mang đặc trưng của Việt Nam. Đăng ký và trải nghiệm ViGPT tại: vigpt.vinbigdata.com
Nguồn: https://bnews.vn/chatgpt-phien-ban-viet-va-cau-chuyen-cua-nguoi-tien-phong/319493.html
5. Thị trường bán dẫn kỳ vọng tăng trưởng kỷ lục trong năm 2024
Theo tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), một tổ chức được nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn thành lập, thị trường chất bán dẫn trên toàn thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỉ USD. Cũng theo WSTS, thị trường chất bán dẫn toàn cầu có sự sụt giảm trong năm nay, nhưng sẽ tăng trưởng vào năm tới do nhu cầu cho chip dùng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gia tăng.
Vào tháng 10-2023, Intel cho biết hãng có thể báo cáo tăng trưởng doanh thu lần đầu tiên sau hai năm, cho giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12-2023. Tập đoàn sản xuất chip TSMC của Đài Loan và ông lớn thiết bị di động Samsung cũng dự đoán có kết quả doanh thu tốt hơn trong cùng kỳ. Theo đó, chip nhớ được dự đoán sẽ là sản phẩm dẫn đầu tăng trưởng của ngành bán dẫn toàn cầu vào năm 2024, với doanh số dự kiến tăng 44,8% so với năm 2023. Thị trường cho chip logic được dự đoán tăng trưởng 9,6% và thị trường cho chip cảm biến hình ảnh dự kiến sẽ tăng 1,7%.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-truong-ban-dan-ky-vong-tang-truong-ky-luc-trong-nam-2024-20231231142439864.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Doanh nghiệp năng lượng nhà nước Trung Quốc hướng sang công nghệ sạch
Khi các doanh nghiệp nhà nước (SOE) khổng lồ chuyển hướng chi tiêu vốn sang công nghệ sạch, Trung Quốc đã tăng tỷ trọng công suất sản xuất điện tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, lên khoảng 50% tổng sản lượng điện vào năm 2023. Con số này tăng từ 38% vào năm 2019 và 29% vào năm 2013, theo hãng tư vấn Rystad Energy. Theo một phân tích gần đây của nhà phân tích Xuyang Dong của Climate Energy Finance (CEF), một tổ chức tư vấn của Úc, Trung Quốc đang trên đà vượt mục tiêu tăng 50% công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trong kế hoạch hoạch 5 năm lần thứ 4, từ 2021 đến 2025.
Động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo của các SOE của Trung Quốc được thúc đẩy bởi các cam kết về khí hậu vào năm 2020 của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải toàn cầu, nhưng Bắc Kinh cam kết đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng carbon về zero vào vào năm 2060. Với những cam kết về khí hậu của Chủ tịch Tập Cận Bình, các SOE có rất ít lựa chọn ngoài việc tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh.
Khu vực SOE của Trung Quốc vốn nổi tiếng là bảo thủ, nhưng họ đang đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới, chưa được chứng minh, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp. Điều này đang thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của khu vực tư nhân vào thời điểm thị trường vốn suy yếu, đồng thời, có nghĩa là Trung Quốc có đủ điều kiện để nới rộng vị trí dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ sạch quan trọng.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nang-luong-nha-nuoc-trung-quoc-huong-sang-cong-nghe-sach/
2. EVN lỗ năm thứ 2 liên tiếp
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra sáng 2/1, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, doanh thu bán điện của toàn EVN năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022; nộp ngân sách ước đạt 21.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng tài sản của EVN năm 2023 lại giảm 6,3%. EVN và các đơn vị nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí và tiếp tục thực hiện các giải pháp để cố gắng cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% vào ngày 4-5 và tăng 4,5% vào ngày 9/11). “Tuy nhiên các lần tăng này vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin. Lãnh đạo EVN cho rằng, nguyên nhân thực trạng này là do chi phí khâu sản xuất điện vẫn tăng cao (chiếm tới 80% giá thành). Đặc biệt, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng. Điều này dẫn đến tình trạng tổng chi phí bình quân cho các khâu: phát điện, truyền tải và phân phối trong năm 2023 lên tới 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán điện bình quân chỉ 1.950,32 đồng/kWh.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/evn-lo-nam-thu-2-lien-tiep-post720947.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Ngân hàng Nhật Bản tấp nập rót vốn cho startup, kỳ vọng tạo ‘kỳ lân’
Mỹ chiếm khoảng 700 trong tổng số 1.200 kỳ lân trên thế giới tính đến tháng 10-2023. Trung Quốc có hơn 170 kỳ lân, Ấn Độ hơn 70, trong khi Nhật Bản khá ít hỏi với 7 kỳ lân.  Việc nuôi dưỡng startup đòi hỏi phải có đủ vốn ở giai đoạn cuối trước IPO, nhưng nguồn tài trợ giai đoạn này thường thiếu hụt ở Nhật Bản. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, các công ty ở giai đoạn trưởng thành thường nhận khoảng 70-90% vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ và Trung Quốc, nhưng tỷ lệ ở xứ sở mặt trời dưới 40%.
Hiện ngân hàng và tổ chức tài chính Nhật Bản đang chuyển hướng, rót thêm vốn cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn trưởng thành trên 10 năm trước khi những startup lên sàn (IPO). Theo các nhà phân tích, động thái này sẽ giải quyết tình trạng khát vốn giai đoạn cuối, vốn được xem là một cản trở khiến các startup tăng trưởng lên quy mô lớn hơn trước khi trở thành kỳ lân khởi nghiệp. Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết nâng số vốn đầu tư hàng năm cho các startup Nhật Bản lên 10.000 tỉ yên Nhật (70 tỉ đô la) vào năm 2027, tăng gấp 10 lần mức đầu tư hiện nay. Chính phủ cũng nới lỏng nhiều quy định về vốn, visa… nhằm thu hút nhân tài nước ngoài đến lập nghiệp tại Nhật Bản. Các tổ chức tài chính ngân hàng Nhật Bản cũng tấp nập mở quỹ, nhưng quy mô các quỹ này vẫn khá khiêm tốn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/ngan-hang-nhat-ban-tap-nap-rot-von-cho-startup-ky-vong-tao-ky-lan/
2. Bầu Đức rao bán CTCP Bapi
Sau bệnh viện và khách sạn, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bán toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, tương đương 44,5% vốn tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất giao dịch, Bapi sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL.
Lãnh đạo HAGL thẳng thắn thừa nhận năm 2022 hệ thống phân phối Bapi của HAGL không đủ sức cạnh tranh, trong khi thực tế rất khốc liệt. Về việc phân phối, năm ngoái Bapi đã mở gần 200 cửa hàng nhưng hệ thống này không đạt yêu cầu, ghi nhận lỗ. Vì vậy, HAGL đã giảm số lượng cửa hàng xuống chỉ còn 52 cửa hàng, siêu thị (trong đó 46 cửa hàng đặt tại TP.HCM) tính đến tháng 8/2023.
Nguồn: https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/tung-khang-dinh-khong-ban-dut-bau-duc-lai-rao-ban-het-von-bapi-197747.html

Nhóm tin về tài chính

1. Hàn Quốc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%
Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 31/12 cho biết, Hàn Quốc quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hàng năm từ 750 triệu euro (800 triệu USD) trở lên. Quy định này phù hợp với Trụ cột 2 về Khuôn khổ hợp tác ngăn chặn những hành động làm xói mòn hệ thống thuế nội địa và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) đã được 143 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) thông qua.
Dự kiến, có khoảng 200 công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận toàn cầu này. Trước đó vào năm 2021, cộng đồng quốc tế đã nhất trí về một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về “Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số và toàn cầu hóa nền kinh tế”.
Nguồn: https://bnews.vn/han-quoc-ap-dung-thue-doanh-nghiep-toi-thieu-toan-cau-15/319868.html
2. Indonesia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điện tử
Indonesia ngày 1/1/2024 chính thức áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điện tử, hay còn gọi là vape, nhằm kiểm soát số lượng tiêu thụ trên thị trường. Cục trưởng Cục Dịch vụ thông tin và Truyền thông của Bộ Tài chính, ông Deni Surjantoro cho biết, chính sách thuế đối với mặt hàng thuốc lá điện tử được áp dụng từ năm 2018, đây là giai đoạn chuyển tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và là công cụ kiểm soát, điều tiết thị trường.
Ông Deni Surjantoro cho biết, doanh thu từ thuế thuốc lá điện tử vào năm 2023 lên tới 1.750 tỷ Rp (113,7 triệu USD), tương đương khoảng 1% tổng doanh thu từ thuốc lá đặc biệt hàng năm. Hơn 50% doanh thu từ thuế thuốc lá sẽ được hướng tới các dịch vụ y tế công cộng và thực thi pháp luật, hỗ trợ các dịch vụ công tốt hơn.
Nguồn: https://bnews.vn/indonesia-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-thuoc-la-dien-tu/319905.html
3. Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/1/2024
Đó là nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị quyết số 42/2023 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nói trên được áp dụng từ ngày 1/1 – 31/12/2024.
Như vậy, chính sách giảm thuế thực hiện hết năm 2024. Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ theo Nghị quyết số 579/2018 của UBTVQH, trở về mức trần, từ 1.000 – 4.000 đồng/lít.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giam-50-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau-tu-112024-185231229134055862.htm
BSAi