Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1.    Cuộc chiến giá giữa các thương hiệu tiêu dùng trở thành xu hướng chủ đạo tại Trung Quốc  trong năm 2024
Cuộc chiến giảm giá của các nhãn hàng Trung Quốc đang thu hút các thương hiệu toàn cầu, và chiến lược này dự kiến sẽ là xu hướng chủ đạo cho năm 2024. Việc chuyển sang chương trình giảm giá đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược thúc đẩy doanh số bán hàng trong thực tế kinh tế mới của Trung Quốc và đang đè nặng lên triển vọng của họ. Các công ty không áp dụng chiến lược giảm giá, như Starbucks Corp., đang mất dần thị phần cho các đối thủ có giá cả thấp hơn. Việc các doanh nghiệp đua nhau giảm giá sẽ làm xói mòn tỷ suất lợi nhuận cho đến khi cuộc chiến giá cả – hiện đang tăng nhiệt – bớt nóng.
Giá tiêu dùng của Trung Quốc hiện đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm, làm dấy lên lo ngại nước này sẽ rơi vào vòng xoáy giảm phát. Trong khi các ngân hàng trung ương ở nhiều nơi trên thế giới đang tập trung vào việc kiềm chế lạm phát thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lại tuyên bố sẽ sử dụng chính sách tiền tệ để đẩy giá cả lên cao hơn. “Chiến lược giá thấp đã được các thương hiệu tiêu dùng sử dụng rộng rãi vào năm ngoái khi nền kinh tế đang chịu áp lực và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm”, Jason Yu, giám đốc điều hành của Kantar Worldpanel Greater China, một công ty phân tích đang theo dõi hành vi chi tiêu của 62.000 gia đình trên khắp Trung Quốc, cho biết. “Xu hướng giảm phát sẽ tiếp tục vào năm 2024”.
Nguồn: https://viettimes.vn/trung-quoc-cuoc-chien-gia-giua-cac-thuong-hieu-tieu-dung-tro-thanh-xu-huong-chu-dao-trong-nam-2024-post172612.html
2.    Carrefour dừng bán sản phẩm của PepsiCo do ‘tăng giá quá cao’
Ngày 4/1, Carrefour – một trong các chuỗi siêu thị lớn nhất Pháp – cho biết các kệ bày sản phẩm của PepsiCo tại Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ sẽ được họ dán nhãn không nhập thêm hàng “do giá tăng ở mức khó chấp nhận”, người phát ngôn của Carrefour cho biết. Động thái của Carrefour sẽ tác động đến hơn 9.000 cửa hàng tại 4 quốc gia này, tương đương hai phần ba số siêu thị toàn cầu của hãng, theo báo cáo năm 2022. Reuters cho biết tại một siêu thị của Carrefour ở Pháp hôm qua, một số sản phẩm của PepsiCo, như nước ngọt có gas và snack, đã không còn trên kệ.
Carrefour là chuỗi bán lẻ tích cực nhất trong việc đấu tranh về giá với các hãng thực phẩm và hàng tiêu dùng lớn. Năm ngoái, họ dán cảnh báo lên 26 sản phẩm không tăng giá nhưng lại bị nhà sản xuất giảm kích thước.
Nguồn: https://vnexpress.net/ga-khong-lo-ban-le-phap-dung-ban-san-pham-tang-gia-qua-cao-4697324.html
3.    Hộp quà Tết bình dân hút khách
Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên hộp quà Tết bình dân có giá 50.000-200.000 đồng được ưa chuộng, chiếm đa số trên kệ siêu thị, tạp hóa. Ở các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, AEON, Lotte Mart, Go!, Winmart… mẫu hộp quà Tết bình dân cũng chiếm đa số, trong đó tập trung nhiều ở ngành hàng bánh kẹo với mức giá 99.000-249.000 đồng.
Đánh giá về sức mua hiện tại, các hệ thống siêu thị cho biết mãi lực tiêu dùng chậm hơn dù đã khuyến mãi giảm giá mạnh từ đầu tháng 12/2023 đến nay. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam, cho biết hệ thống đang chạy kích cầu tiêu dùng nên nhiều nhóm hàng giảm giá sâu từ 20-49% áp dụng với hàng nghìn sản phẩm bánh kẹo, mứt, hộp quà Tết và các sản phẩm thiết yếu khác.
Nguồn: https://vnexpress.net/hop-qua-tet-binh-dan-hut-khach-4696119.html
4.    ‘Cuộc đua’ siêu thị khuyến mại mùa Tết 2024
Hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, thời điểm hiện nay các nhà bán lẻ đã bắt đầu hé lộ những thông tin khuyến mãi để lôi kéo người dân mua sắm, trong đó tập trung sản phẩm đặc trưng ngày tết: bánh kẹo, mứt, thực phẩm, bia – nước giải khát, đồ trang trí…, đồng thời hé mở những chương trình tiếp theo trong vài ngày cận tết. Có lẽ, chưa năm nào chương trình khuyến mãi được thực hiện dồn dập và có sự đua tranh giữa các hệ thống quyết liệt như năm nay.
Càng cận tết, chương trình giảm giá khuyến mãi càng được nhà bán lẻ đẩy mạnh nhằm cạnh tranh. Mức giá giảm cao nhất ghi nhận đến thời điểm này lên đến 80% và mua 1 tặng 1 nhiều mặt hàng. Giám đốc một siêu thị cho biết diễn biến thị trường trong những ngày cao điểm tết thường rất nhanh, chỉ 3-4 tiếng là thị trường đã dịch chuyển sang một hướng khác, nên nhà bán lẻ phải luôn căng mắt đọc số liệu để nhận biết sự thay đổi, ứng phó kịp thời. Tình trạng khuyến mãi chồng khuyến mãi, chia thành các đợt hiện nay đang làm thị trường những ngày cận tết ngày càng nóng…
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/cuoc-dua-sieu-thi-khuyen-mai-mua-tet-2024-nhieu-mat-hang-duoc-giam-gia-toi-80-1097720.html
5.    Thị trường điện máy, công nghệ im ắng dịp cuối năm
Thị trường điện máy, điện tử trong năm qua được đánh giá là đã chạm đáy, thậm chí thủng đáy, bởi sức mua quá yếu trong khi hàng hóa dồi dào, giá giảm. Chỉ còn khoảng một tháng nữa đã đến Tết Nguyên đán song thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Ông Huỳnh Ngọc Lam, phụ trách kinh doanh một siêu thị điện máy ở TP HCM, cho biết 2 tháng cuối năm thường là thời gian cao điểm bán hàng Tết nên các hệ thống bán lẻ phải nhập hàng số lượng lớn, chỉ trừ mặt hàng nào còn tồn kho quá nhiều. Do đó, nhà bán lẻ không ngại ngần nhập hàng từ sớm để tránh đợt tăng giá theo thông báo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, ngược với dự báo ban đầu, sức mua trên thị trường cuối năm rất yếu, các nhà sản xuất không dám tăng giá bán như dự định. Điều này khiến nhiều nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ bị “hố”. Nguồn hàng tồn kho vốn đã nhiều nay lại tăng thêm đáng kể.
Hàng điện máy tồn kho ở nhà máy chỉ được phép giữ trong khoảng 12 tuần bán hàng, nay đã tăng lên hơn 20 tuần. Còn nhà bán lẻ chỉ được phép tồn kho 6 tuần bán hàng, nay tăng đến 20 – 25 tuần. Theo thống kê sơ bộ, tồn kho mặt hàng tivi hiện lên đến 1 triệu chiếc, tủ lạnh 800.000 chiếc, máy giặt 600.000 chiếc; cao hơn cùng kỳ các năm trước khoảng 30% – 50%. Các hệ thống bán lẻ hàng điện máy, điện tử, công nghệ đang chạy đua ưu đãi, giảm giá sâu, ưu đãi lớn nhưng dường như rất ít khách hàng chịu xuống tiền. “Trận đánh” cuối dự kiến vào giữa tháng 1-2024 chuẩn bị được các nhà bán lẻ tung ra để giải phóng hàng tồn càng nhiều càng tốt.
Nguồn: https://nld.com.vn/la-lung-thi-truong-dien-may-cong-nghe-19624010620393854.htm
6.    Những trào lưu tiêu dùng mới của giới trẻ năm 2024
Theo đuổi chủ nghĩa “tân khoái lạc” và đầu tư cho bản thân là những xu hướng tiêu dùng bùng nổ năm 2023, được dự báo sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2024, theo Business Insider. Xu hướng này thể hiện qua những thứ mới mẻ mà người trẻ khắp thế giới cũng như tại Việt Nam đang chi tiền. Những món hàng “trend” này tập trung vào việc mang lại trải nghiệm cá nhân, nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần như vé concert, sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ, mua lớp thiền và mua BIB chạy bộ.
Nguồn: https://znews.vn/san-ve-concert-mua-khoa-thien-va-nhung-trao-luu-tieu-dung-moi-post1453214.html
Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1.    Năm 2023, hơn 30.000 mặt hàng thực phẩm Nhật Bản tăng giá
Theo thống kê công ty nghiên cứu Teikoku Databank, đợt sóng lạm phát gần đây đã đẩy giá của hơn 30.000 mặt hàng, do 195 công ty thực phẩm và đồ uống lớn của Nhật Bản sản xuất vào năm 2023, tăng vọt. Cụ thể, giá của tổng cộng 32.396 mặt hàng thực phẩm đã bị ảnh hưởng, cao hơn 25,7% so với năm 2022, khi chỉ có 25.768 mặt hàng gặp phải tình trạng tăng giá. Đây là con số lớn nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ khi Nhật Bản thoát khỏi tình trạng nền kinh tế bong bóng giai đoạn 1986-1991.
Các chuyên gia của Teikoku Databank nhận định nguyên nhân tăng giá xuất phát từ một số yếu tố liên quan đến sự gia tăng chi phí đầu vào sản xuất. Trước hết đó là kết quả của việc giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là hàng nhập khẩu do đồng yen suy yếu. Ngoài ra, có thể kể đến sự gia tăng chi phí nhân sự do tăng lương, và chi phí các mặt hàng tiện ích (điện, nước, khí đốt…) phục hồi, sau khi Chính phủ Nhật Bản dừng các chương trình trợ cấp, duy trì từ đại dịch Covid-19.
Nguồn: https://bnews.vn/nam-2023-hon-30-000-mat-hang-thuc-pham-nhat-ban-tang-gia/320128.html
2.    Hàn Quốc thông qua luật cấm tiêu thụ thịt chó
Ngày 9/1, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật nhằm chấm dứt việc bán và ăn thịt chó trên toàn quốc, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2027. Theo hãng tin Yonhap, Đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền và Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính của Hàn Quốc đã cùng nhau thúc đẩy dự luật đặc biệt nói trên. Đây là dự luật mang tính bước ngoặt tại Hàn Quốc, quốc gia có tập tục ăn thịt chó từ hàng thế kỷ.
Dự luật đã được thông qua với 208 phiếu ủng hộ áp đảo tại Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 9-1, sau khi ủy ban nông nghiệp tán thành vào đầu tuần này. Luật mới cấm nuôi, giết mổ, phân phối và bán thịt chó cho con người tiêu thụ, trong bối cảnh nhận thức về quyền động vật và số lượng người nuôi chó làm thú cưng ngày càng tăng tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/han-quoc-thong-qua-luat-cam-tieu-thu-thit-cho-cho-thoi-gian-an-han-3-nam-20240109133957048.htm
3.    Thị trường Tết lo thiếu gạo đặc sản
Đang chuẩn bị vào mùa tiêu thụ cao điểm nhất năm nhưng trên nhiều diễn đàn kinh doanh lúa gạo, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) đang than thở về một mùa Tết khó “nhằn”. Ông Huỳnh Thế Vinh, Giám đốc điều hành Công ty CP Vinh Hiển Farm (TP.HCM), cũng cho biết vài năm gần đây gạo ST25 là sản phẩm chủ lực ở phân khúc gạo thơm cao cấp mùa Tết nhưng năm nay giá nguyên liệu tăng mạnh. Còn bà Dương Thanh Thảo, Phó Giám đốc Công ty CP Gạo Ông Thọ (TP.HCM), thông tin ở các vùng trồng lúa ST25, bà con chuyển đổi sang các giống DT8, OM18 rất nhiều nên DN bị thiếu nguyên liệu so với mọi năm. Nguyên nhân do mặt bằng giá gạo năm nay tăng cao, xuất khẩu hút hàng nên nông dân tập trung trồng các giống lúa thường có năng suất cao, dễ canh tác khiến diện tích các giống lúa thơm, đặc sản giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), vừa kinh doanh gạo xuất khẩu vừa bán nội địa, nhận xét sức mua gạo Tết năm nay chậm hơn các năm do mặt bằng giá cao. Nhiều nơi sợ giá gạo giảm đột ngột nên không dám trữ nhiều vì sợ lỗ. Ngoài ra, do gạo thơm đặc sản ST25, ST24 giá cao nên thị trường chuyển sang gạo thơm nhẹ OM18, DT8 có giá thấp hơn.
Nguồn: https://nld.com.vn/thi-truong-tet-lo-thieu-gao-dac-san-196240104211343607.htm
4.    Èo uột mùa bia Tết
Không còn cảnh đua nhau trữ bia để bán Tết như nhiều năm trước, các tiệm tạp hóa, đại lý bia, rượu và cả siêu thị ở TP HCM hiện tại chỉ dám nhập hàng cầm chừng, vừa bán vừa khuyến mãi, giảm giá nhưng vẫn không thu hút được người mua. Dù các nhãn hàng bia lẫn siêu thị, cửa hàng chủ động tung mẫu bia Tết lẫn các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ rất sớm nhưng cầu thị trường vẫn đang ở đáy.
Quản lý một hệ thống siêu thị lớn cho biết sức mua bia trong năm 2023 rất thấp, đến dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch vừa rồi dù có khuyến mãi và tiếp thị tại chỗ nhưng vẫn không bật lên được. Đây là cơ sở dự báo thị trường bia Tết năm nay sẽ vô cùng khó khăn đối với nhà sản xuất lẫn kinh doanh.  Theo các DN bán lẻ, mặt hàng bia có biên lợi nhuận rất thấp nên siêu thị khó có thể giảm giá sâu. Tuy nhiên, năm nay thị trường quá ảm đạm, DN buộc phải liên tục cân đối ngân sách, ưu tiên làm chương trình khuyến mãi cho bia từ sớm và liên tục để phục vụ đối tượng khách mua lẻ.
Nguồn: https://nld.com.vn/eo-uot-mua-bia-tet-196240105205624532.htm
5.    Bùng nổ thịt bò giá rẻ bán trên “chợ” mạng
Nếu vào mạng xã hội tìm mua thịt bò nhập khẩu, bạn sẽ thấy rất nhiều trang quảng cáo và bán loại thực phẩm này với giá cả vô cùng khác nhau. Trong đó có những loại được giới thiệu là thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Canada… giá rất rẻ, chỉ khoảng 100 đến 200 nghìn đồng/1kg. Thậm chí, có những nơi bán buôn chỉ khoảng 70-80 nghìn đồng/kg. Trong khi thịt bò bán tại các chợ và siêu thị có giá từ 250.000đ/1 kg trở lên, có những loại thịt bò nhập khẩu có giá xấp xỉ 1 triệu đồng/kg.
Theo anh Dương Văn Hùng – Phó Chủ tịch Liên chi hội đầu bếp Việt Nam, người tiêu dùng có thể gặp nhiều rủi ro và nguy cơ khi mua thịt bò giá rẻ bán trên mạng xã hội. Bởi đó là những sản phẩm không được kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm . Do đó, khi chế biến, sẽ không đảm bảo về chất lượng, cảm quan, màu sắc, hương vị của món ăn. Ngoài ra, thực phẩm không đảm bảo chất lượng cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Nguồn: https://vov.vn/suc-khoe/dau-bep-noi-tieng-noi-gi-ve-thit-bo-gia-re-ban-tren-cho-mang-post1070393.vov
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1.    Nhật Bản đưa sò điệp sang chế biến tại Việt Nam và tái xuất nơi khác
Sò điệp nhập khẩu từ đảo Hokkaido của Nhật Bản sẽ được chế biến tại Việt Nam từ hôm 8-1, sau đó sẽ được tái xuất trở lại Nhật Bản và có thể là các thị trường khác. Đây là nỗ lực tìm kiếm thị trường mới cho hải sản Nhật Bản của chính phủ và doanh nghiệp nước này khi Trung Quốc “tẩy chay” hải sản từ xứ Phù Tang sau vụ nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima được xả ra biển từ tháng 8-2023. Chi phí lao động gia công ở Việt Nam chỉ bằng 20-30% giá ở Nhật Bản, do đó giá thành dự kiến sẽ thấp hơn so với các sản phẩm chế biến tại Nhật Bản ngay cả sau khi tính đến chi phí vận chuyển.Các cơ sở của Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm HACCP. Sò điệp chế biến tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Nhật Bản. Sau khi sản xuất ổn định, các công ty Nhật Bản có kế hoạch xuất bán sang châu Âu và Mỹ.
Hiện nhà bán lẻ hải sản trực tuyến Foodison đang hợp tác với các bên bao gồm nhà bán buôn Ebisu Shokai và các hãng bán lẻ Ocean Road và Nosui đang thử nghiệm mô hình đưa sò điệp không vỏ sang chế biến tại Việt Nam và tái xuất trở lại Nhật Bản. Trong thỏa thuận này, công ty Ocean Road sẽ mua sỉ sò điệp từ Ebisu Shokai, đưa sang các cơ sở Việt Nam chế biến và xuất trở lại Nhật Bản để bán cho các nhà hàng, quán ăn và nhà bán lẻ của Foodison, Ebisu Shokai và Nosui. Container sò điệp nguyên vỏ đầu tiên, khoảng hơn 20 tấn, đã được đưa đến Việt Nam. Các cơ sở chế biến hải sản tại Việt Nam sẽ tiếp tục sơ chế thành sò điệp nửa vỏ (một mảnh vỏ), thành sò để làm sashimi và sò điệp đông lạnh để ăn sống.
Nguồn: https://bsamedia.vn/nhat-ban-dua-so-diep-sang-che-bien-tai-viet-nam-va-tai-xuat-noi-khac/
2.    Ngành rau quả Việt nhiều kỳ vọng khởi sắc
Trải qua một năm nhiều khó khăn và thách thức, đối mặt với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng thế giới, và sự thắt chặt chi tiêu ứng phó với biến động thu nhập, nhưng ngành rau quả Việt Nam vẫn mang về kết quả vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cùng với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến thời gian tới có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu rau quả.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-rau-qua-viet-nhieu-ky-vong-khoi-sac-20240106082130854.htm
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1.    Hàn Quốc tìm nguồn nhập khẩu và phân phối than chì từ Việt Nam
Công ty DA Technology (Hàn Quốc) ngày 3/1 cho biết đã ký hợp đồng độc quyền về than chì tự nhiên với Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam (Vietnam Graphite Group·VGG). VGG có kế hoạch cung cấp ít nhất 20.000 tấn than chì tự nhiên hàng năm cho DA Technology dựa trên nhà máy chế biến và mỏ than chì hiện có. DA Technology sẽ nhận được độc quyền nhập khẩu và quyền phân phối tại thị trường Hàn Quốc đối với than chì tự nhiên có độ tinh khiết 99,97% do VGG khai thác, nghiền và tinh chế.
Một quan chức của DA Technology cho biết năm 2023, mức độ phụ thuộc của Hàn Quốc vào than chì tự nhiên của Trung Quốc là 96,4%, cao nhất trong 5 năm qua. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường kiểm soát xuất khẩu than chì ra nước ngoài từ tháng 12/2023, DA Technology kỳ vọng hợp đồng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ có thể đóng một vai trò tích cực trong việc cung cấp than chì cho nội địa.
Nguồn: https://bnews.vn/han-quoc-tim-nguon-nhap-khau-va-phan-phoi-than-chi-tu-viet-nam/320140.html
2.    Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 70 tỷ USD trong năm 2024
Tổng cục trưởng Phát triển xuất khẩu quốc gia của Bộ Thương mại Indonesia Didi Sumedi cho biết, chính phủ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt từ 65 tỷ USD đến 70 tỷ USD năm 2024. Ông Didi Sumedi nói rằng, trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 56,57 tỷ USD. Do đó, có thể ước tính kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 60 tỷ USD. Năm 2024, nếu mức tăng trung bình xuất khẩu là 2,5%, xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc có thể ở mức 65-70 tỷ USD.
Mục tiêu tăng xuất khẩu này là một nỗ lực nhằm cải thiện hiệu quả xuất khẩu sang Trung Quốc vốn đã bị sụt giảm vào năm 2023. Trong khi đó, năm 2022, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trị giá 65,9 tỷ USD. Nguyên nhân là do giá hàng hóa toàn cầu giảm.Ông Didi Sumedi nhấn mạnh: “Trên thực tế, chúng tôi lạc quan rằng xuất khẩu vẫn là một trong những thế mạnh với khả năng cạnh tranh xuất khẩu duy trì tốt trên toàn cầu. Chúng tôi có đủ căn cứ để kỳ vọng kết quả xuất khẩu trong năm 2024 sẽ tốt hơn”.
Nguồn: https://bnews.vn/indonesia-dat-muc-tieu-xuat-khau-sang-trung-quoc-hon-65-ty-usd-trong-nam-2024/320464.html
3.    Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng cao
Giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ tuần này đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng giữa bối cảnh giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác cũng đồng loạt đi lên, do nhu cầu cải thiện trong lúc nguồn cung hạn chế. Cuối tuần này, giá gạo đồ 5% tấm được giao dịch ở mức 510-517 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2023, so với mức 508-515 USD/tấn của tuần trước. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết: “Giá gạo trong nước vẫn ở mức cao bất chấp lệnh hạn chế xuất khẩu. Nguồn cung tại các thị trường đã bắt đầu chững lại do sản lượng thấp hơn”.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức 653 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó. Một thương nhân có trụ sở tại TP.HCM cho biết: “Nguồn cung vẫn ở mức thấp và chúng tôi dự đoán nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ mạnh trong năm nay, đặc biệt là từ Philippines và Trung Quốc”.
Nguồn: https://bnews.vn/gia-gao-xuat-khau-cua-an-do-tang-tang-cao/320374.html
4.    Giá cước vận chuyển hàng đi Mỹ, châu Âu tăng mạnh
Ngày 8-1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông tin từ các doanh nghiệp thành viên cho biết hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo tăng phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á – châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
Cụ thể, cước tàu sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây từ mức 1.850 USD/container tháng 12-2023 lên 2.873-2.950 USD/container cho tháng 1-2024. Các chuyến tàu đến Bờ Đông tăng lên 4.100-4.500 USD/container cho tháng 1-2024. Cước tàu sang châu Âu (EU) còn tăng mạnh hơn như tuyến đến cảng Hamburg (Đức)  tăng lên 4.350 USD-4.450 USD/container trong tháng 1.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp cho là 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ, Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng Israel-Hamas các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn, vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ một số chuyến hằng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.
Nguồn: https://nld.com.vn/choang-voi-gia-cuoc-van-chuyen-hang-di-my-chau-au-19624010810271632.htm
5.    Giá cà phê xuất khẩu diễn biến trái chiều
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 4/1, giá Arabica giảm thêm 0,38% về mức thấp nhất trong gần một tháng, trong khi giá Robusta khởi sắc với mức tăng 1,13%, sau ba phiên giảm liên tiếp trước đó. Diễn biến trái chiều từ hoạt động xuất khẩu cà phê tại các quốc gia cung ứng chính đã đưa đến những tác động khác nhau đối với diễn biến giá.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. “Năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý 1/2024, giá cà phê Robusta và Arabica sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-ca-phe-xuat-khau-dien-bien-trai-chieu-robusta-tang-lan-dau-tien-trong-nam-2024-296081.html
6.    An Giang xuất khẩu 6 tấn xoài tượng da xanh sang Úc và Mỹ
Ngày 5/1, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh này tổ chức lễ công bố xuất khẩu 6 tấn xoài tượng xanh của huyện Chợ Mới sang thị trường Úc và Mỹ. 6 tấn xoài tượng da xanh có cấp mã số vùng trồng được Công ty Vina T&T mua của Hợp tác xã sản xuất Gap Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) để xuất khẩu sang thị trường Úc và Mỹ.
Ông Đoàn Thanh Lộc, Phó chủ tịch UBND H.Chợ Mới cho biết, huyện hiện có hơn 6.400 ha xoài và là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang. Trong đó, xoài tượng da xanh tập trung chủ yếu ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân với tổng diện tích hơn 4.200 ha.
Nguồn: https://thanhnien.vn/an-giang-xuat-khau-6-tan-xoai-tuong-da-xanh-sang-uc-va-my-185240105124017325.htm
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1.    Doanh số iPhone giảm 30% tại Trung Quốc
Nhà phân tích của Jefferies cho biết, doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc sụt giảm và xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2024. Dòng iPhone 15 có khởi đầu chậm chạp bất thường, khiến doanh số sụt giảm 30% trong tuần đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, theo GSMArena. Ngược lại, Huawei công bố những con số tăng trưởng ấn tượng nhờ dòng Mate 60 được ưa chuộng tại nước này. Các nhà phân tích cho rằng lòng yêu nước đã thúc đẩy nhiều người tìm đến chiếc điện thoại hàng đầu của Huawei với bộ vi xử lý mới được sản xuất tại Trung Quốc.
Sự sụt giảm hai con số của Apple được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài. Nhiều sản phẩm iPhone đã giảm giá trong tuần qua trên nhiều cổng mua sắm trực tuyến khác nhau ở nước này. iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max được giảm giá 16% trên nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo trong tuần đầu tiên của năm 2024.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doanh-so-iphone-giam-30-tai-trung-quoc-185240108222117548.htm
 2.    VinFast và các động thái tiếp cận thị trường Philippines
Theo tạp chí ô tô nổi tiếng Autoindustriya của Philippines, hãng xe đến từ Việt Nam VinFast đã thành lập một văn phòng ở nước này. Cơ sở sẽ hoạt động chuyên về xe máy với tư cách là công ty con thay vì đối tác phân phối địa phương. Ngoài ra, nhà sản xuất xe điện Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm trên mạng xã hội trong những tháng gần đây.
Tạp chí của Philippines cũng tiết lộ VinFast đang tuyển dụng vị trí giám đốc điều hành có kinh nghiệm để đảm nhận các vai trò chủ chốt trong công ty. Đây được đánh giá là bước đi tương tự như các thương hiệu ô tô nước ngoài khác từng làm khi bắt đầu tiến vào thị trường Philippines. Dù chưa có nhiều thông tin về việc VinFast sẽ bán ô tô điện ở Philippines, nhưng động thái đẩy mạnh tiếp thị và tuyển lãnh đạo được xem là dấu hiệu cho thấy hãng có mong muốn kinh doanh sản phẩm chủ lực là ô tô tại quốc đảo Đông Nam Á này.
Nguồn: https://tienphong.vn/vinfast-chuan-bi-ban-xe-dien-tai-philippines-post1602431.tpo
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1.    Thaco đề xuất siêu dự án bô xít nhôm ở Lâm Đồng
Thaco đang đề xuất xây dựng tổ hợp kinh tế tuần hoàn để khai thác bô xít và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái với vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ được hình thành theo hướng “tổ hợp kinh tế tuần hoàn” tạo thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng bô xít – chế biến alumin – nhôm và hoàn thổ, phục vụ môi trường – trồng cây nông nghiệp – hệ thống nhà máy chế biến nông sản… Trên cơ sở nghiên cứu, Thaco đề xuất dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2 tại huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc của Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô xít, nhà máy chế biến alumin có công suất 4 triệu tấn/năm.
Dự kiến nhà máy sẽ được triển khai từ năm 2023 – 2033 với ba giai đoạn, có tổng mức đầu tư là 103.024 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 30.907 tỉ đồng, vốn vay là 72.117 tỉ đồng. Dự án được hoạt động trong 50 năm, riêng thời gian khai thác quặng bô xít là 20 năm. Đánh giá về hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, theo Thaco, số tiền nộp ngân sách từ dự án này dự kiến khoảng 4.800 tỉ đồng/năm, cung cấp việc làm ổn định cho 4.000 người lao động.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thaco-muon-dau-tu-hon-100-000-ti-lam-to-hop-bo-xit-tai-lam-dong-20240106110458658.htm
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1.    Hàn Quốc xúc tiến mở trung tâm logistics tại Việt Nam
Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc ngày 5/1 cho biết đã thành lập cơ quan mang tên K-UPA ở Việt Nam nhằm mục tiêu chuẩn bị cho việc mở một trung tâm logistics tại đây. Thông tin cho biết sự ra mắt của K-UPA diễn ra trong bối cảnh Bộ Đại dương và Thủy sản đang hợp tác với Cảng vụ Ulsan thuộc sở hữu nhà nước để mở trung tâm logistics tại Đồng Nai, miền Nam Việt Nam, nhằm giúp các công ty Hàn Quốc bảo quản hàng hóa ở nhiệt độ phòng hoặc nhiệt độ thấp. Công ty logistics KCTC có trụ sở tại Hàn Quốc là bên phối hợp thực hiện dự án này.
Dự án ước tính trị giá 18,8 tỷ won (14,3 triệu USD), tập trung vào việc xây dựng trung tâm logistics rộng 12.000 m2, có khả năng lưu trữ 4,3 triệu pallet hàng hóa. Cảng vụ Ulsan nắm giữ 80% cổ phần trong dự án. Chi nhánh KCTC của Việt Nam chiếm 20% còn lại.
Nguồn: https://bnews.vn/han-quoc-xuc-tien-mo-trung-tam-logistics-tai-viet-nam/320244.html
2.    Bình Dương thu hút gần 1 tỷ USD vốn FDI từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, năm 2023, địa phương đã thu hút khoảng 82.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (giảm 15,4% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 65.600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký trên 712.000 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục là điểm sáng của Bình Dương, năm 2023 “thủ phủ công nghiệp” này thu hút gần 1,5 tỷ USD (đạt 81% kế hoạch, bằng 48% so với cùng kỳ). Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, với 100 dự án đầu tư đăng ký mới, 32 dự án điều chỉnh tăng vốn, 91 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư gần 964 triệu USD, chiếm khoảng 55% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lũy kế đến nay, Bình Dương có 4.219 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,3 tỷ USD, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI (chỉ sau TP.HCM) và chiếm hơn 8,7% tổng vốn FDI.
Nguồn: https://nld.com.vn/binh-duong-thu-hut-den-hon-1-ti-usd-von-fdi-tu-nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-196240108110447644.htm
3.    Ứng dụng gọi xe Be vừa nhận gần 740 tỉ đồng
Ngày 10-1, Công ty cổ phần Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be, cho biết vừa tiếp nhận khoản đầu tư 739,5 tỉ đồng từ Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS), thành viên thuộc Ngân hàng VPBank. Khoản đầu tư này được thực hiện thông qua sở hữu cổ phần tại Be Holdings – công ty mẹ của Be Group. Khoản đầu tư này sẽ bổ sung tiềm lực tài chính hỗ trợ vững vàng cho Be Group tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển mạnh mẽ kể từ sau COVID-19, hướng tới là ứng dụng đa dịch vụ Việt Nam hàng đầu thị trường.
Cụ thể, Be Group sẽ sử dụng nguồn vốn được bổ sung để tiếp tục mở rộng và nâng cao toàn diện các dịch vụ gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn, dịch vụ số, dịch vụ tài chính cũng như mở rộng các thị trường, dịch vụ mới thuộc lĩnh vực tiêu dùng, giao thông vận tải với tầm nhìn phục vụ 20 triệu người dùng Việt Nam trong các nhu cầu hằng ngày cùng mạng lưới đối tác chiến lược của tập đoàn. Công ty cũng đặt mục tiêu có lãi trong năm tài chính 2024.
Nguồn: https://nld.com.vn/ung-dung-dat-mon-thuan-viet-vua-nhan-gan-740-ti-dong-quyet-canh-tranh-voi-grab-gojek-shopee-food-196240110112026109.htm
Nhóm tin về tài chính
1.    Starbucks lặng lẽ trở thành công ty fintech
Gần đây, Liên minh bảo vệ người tiêu dùng Washington (WCPC) lên tiếng cáo buộc Starbucks, cho rằng công ty này lợi dụng chương trình thanh toán trực tuyến bằng Starbucks Rewards để huy động tiền gửi và khiến khách hàng rơi vào bẫy chi tiêu, nơi họ không bao giờ tiêu hết số dư. Cụ thể, WCPC chỉ ra rằng Starbucks đã thiết lập các cơ chế nhằm khuyến khích người tiêu dùng để lại số dư trong ứng dụng. Một vài đồng trong tài khoản đối với một người thì không nhiều, nhưng tính tổng thì trong 5 năm qua, Starbucks đã chiếm dụng vốn đến gần 900 triệu USD của khách hàng.
Một con số có thể khiến nhiều người kinh ngạc. Đó là tính đến ngày 2/4/2023, số tiền người dùng gửi trong Starbucks Rewards lên đến 1,8 tỷ USD. Tức là nếu Starbucks là một ngân hàng thực sự, thì nó còn lớn hơn 90% ngân hàng được bảo trợ bởi Tập đoàn bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) tính theo số lượng tiền gửi. Không chỉ vậy, trong khi các ngân hàng phải duy trì tiền mặt ở một mức độ nào đấy để phòng trừ trường hợp khách hàng đổ xô đi rút tiền, thì Starbucks chỉ việc bán đồ uống. Đó là còn chưa kể lãi suất cho số tiền khách hàng “gửi” trong Starbucks Rewards là 0%.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/starbucks-lang-le-tro-thanh-cong-ty-fintech-nhu-the-nao-257305.html
2.    ‘Gã khổng lồ’ tài chính Zhongzhi của Trung Quốc được chấp thuận phá sản
Thông tin Tập đoàn Zhongzhi nộp đơn xin phá sản được Hãng tin AFP dẫn từ một tòa án ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5-1. Theo thông tin tòa án đăng trên kênh WeChat, Zhongzhi nộp đơn xin phá sản vì “không thể trả các khoản nợ đến hạn”. Tòa án cho biết ngày 5-1 họ đã xem xét và ra phán quyết chấp nhận đơn xin phá sản của Zhongzhi. Trước đó, Zhongzhi đã tuyên bố vỡ nợ với khoản nợ ước lên tới gần 66 tỉ USD.
Theo ngân hàng đầu tư Nomura, Zhongzhi quản lý khối tài sản trị giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ, khoảng 141 tỉ USD. Tuy nhiên, tập đoàn đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, rồi sa vào cảnh không thể trả nợ cho nhà đầu tư. Phần lớn chủ nợ của Zhongzhi là những cá nhân giàu có chứ không phải các tổ chức tài chính, nên việc tập đoàn này phá sản có tác động trực tiếp không quá lớn đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, vụ việc bộc lộ rủi ro của lĩnh vực tín thác trị giá 2.900 tỉ USD của Trung Quốc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ga-khong-lo-tai-chinh-zhongzhi-cua-trung-quoc-duoc-chap-thuan-pha-san-20240105184139979.htm
3.    Phân bón có thể chịu thuế VAT 5%
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT). Hiện doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.
Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại. Theo cơ quan này, phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế VAT, nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán.
Nguồn: https://vnexpress.net/phan-bon-co-the-chiu-thue-vat-5-4698676.html
4.    Ngân hàng Thái Lan tăng hiện diện tại Việt Nam
Kasikornbank (KBank) – ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Thái Lan tính theo tổng tài sản – cho biết ngân hàng đang tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh ngân hàng quốc tế trong năm nay tại Việt Nam và Indonesia dựa trên tiềm năng tăng trưởng cao của hai nền kinh tế cùng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giám đốc điều hành KBank, Kattiya Indaravijaya, cho biết Việt Nam và Indonesia dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ so với các nước trong khu vực.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dài hạn của Thái Lan là 3%. Việc mở rộng khu vực dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng khi các công ty Thái Lan đã mở rộng sang các thị trường khu vực. KBank hiện có mặt tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Myanmar và Lào.
Nguồn: https://bnews.vn/ngan-hang-thai-lan-tang-hien-dien-tai-viet-nam/320215.html