Nhà máy dầu gạo của Cỏ May có diện tích 2,3 ha được khởi công đầu tháng 6.2021 tại khu công nghiệp Sông Hậu ở Lai Vung, Đồng Tháp. Đây là doanh nghiệp thứ hai của Việt Nam bước vào lĩnh vực mới.
Ông Phạm Minh Thiện, tổng giám đốc công ty TNHH Cỏ May Lai Vung cho biết, dầu gạo là sản phẩm nằm trong giá trị của cây lúa mà Cỏ May theo đuổi từ năm 2015. Cỏ May đã lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm giá trị gia tăng từ cây lúa, trong đó có dầu cám gạo, nấm rơm sạch, các loại bánh từ gạo…
“Sản phẩm giá trị gia tăng dầu gạo hay những sản phẩm khác từ lúa nằm trong kế hoạch phát triển của Cỏ May, sẽ dần được triển khai sau này”, ông Thiện nói.
Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2022 với nguồn nguyên liệu mua từ các doanh nghiệp lúa gạo ở Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng. Tiềm năng của dầu gạo là rất lớn, có thể phát triển “ăn theo” hay song song với ngành lúa gạo Việt Nam. Bởi hiện nay, với sản lượng gạo xuất khẩu khoảng hơn 6 triệu tấn mỗi năm, các doanh nghiệp sẽ có nguồn cám gạo dồi dào để tinh chế dầu ăn.
Sản lượng dầu gạo trên toàn thế giới mỗi năm đạt khoảng trên 1,7 triệu tấn. Ấn Độ là nhà sản xuất lớn nhất với khoảng 1 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, Nhật Bản tiêu thụ gần 90.000 tấn, trong đó có gần 30.000 tấn nhập khẩu. Trung Quốc vừa sản xuất vừa thu mua dầu gạo từ các nước khác trong khu vực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, theo số liệu năm 2017, lượng dầu gạo tiêu thụ tại Việt Nam chỉ đạt 7.700 tấn, cách xa lượng tiêu thụ dầu cọ là 730.000 tấn và dầu đậu nành là 222.000 tấn. Như vậy, đây là cơ hợi cho dầu gạo “made in Vietnam” chen chân vào thị trường mênh mông này. Hiện ở khu vực ĐBSCL, công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân đã có nhà máy trích ly dầu gạo.
Do giá dầu cám gạo cao hơn các loại dầu phổ biến hiện nay trên thị trường, cùng với việc nhiều người tiêu dùng chưa biết đến lợi ích của dầu gạo, nên tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Hiện dầu cám gạo chủ yếu là xuất khẩu, ở nội địa người tiêu dùng ít sử dụng. Ông Thiện khẳng định, dầu gạo là một trong hai sản phẩm chính của dự án dầu gạo mà Cỏ May hướng đến. Sản phẩm còn lại là cám sau trích ly. “Dầu cám gạo có các thông số kỹ thuật, hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn so với dầu đậu nành, dầu cọ hiện nay. Những tấn dầu cám gạo tinh luyện đầu tiên sẽ được tiêu thụ tại thị trường trong nước”, ông Thiện cho biết.
Bên cạnh đó, với công suất nhà máy xử lý 100 tấn cám nguyên liệu mỗi ngày, giúp cho các nhà máy sản xuất thức ăn thuỷ sản của Cỏ May đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Trước khi xây dựng nhà máy làm dầu cám gạo tại Đồng Tháp, lãnh đạo Cỏ May đã đi tìm hiểu, học tập về công nghệ ở Nhật Bản và Ấn Độ. Do đó, nhà máy sẽ được đầu tư hệ thống thiết bị tự động trong các công đoạn sản xuất, từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến công đoạn sản xuất sau cùng ra thành phẩm qua hệ thống điều khiển hiện đại.
Dầu gạo chứa hàng loạt dưỡng chất chống oxy hóa trong cám gạo như Gamma – Oryzanol, vitamin E và 27 loại phytosterols có khả năng phòng ngừa bệnh tim mạch cùng hơn 60 loại bệnh khác. Tại Nhật Bản, quốc gia sống thọ trên thế giới, nhờ chế độ ăn uống lành mạnh, từ lâu đã gọi dầu gạo là “dầu của trái tim”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo sử dụng dầu gạo do những lợi ích của loại dầu này.
Trần Quỳnh (Theo TGHN)
Tiện lợi mua sắm giữa mùa dịch với Sagrifood